• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 11/05/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 15/02/2022
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 10/2013/TT-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Điện Biên, ngày 28 tháng 3 năm 2013

THÔNG TƯ

Ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên

trung cấp chuyên nghiệp

_________________

 

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25/11/2009;

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Giáo dục;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trung cấp chuyên nghiệp.

Điều 1. Ban hành kèm Thông tư này Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trung cấp chuyên nghiệp.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 5 năm 2013. Chương trình này thay thế Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm bậc 1 (ban hành kèm theo Quyết định số 1672/TH-DN ngày 28/8/1992 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm bậc 2 (ban hành kèm theo Quyết định số 2988/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho giáo viên Dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các cơ sở được giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, các tổ chức và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)
Nguyễn Vinh Hiển

 

CHƯƠNG TRÌNH

Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trung cấp chuyên nghiệp

(Ban hành kèm theo Thông tư số 10 /2013/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 03

năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng theo chương trình này, người học có năng lực nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu chuẩn nghiệp vụ sư phạm của người giáo viên trung cấp chuyên nghiệp (sau đây viết tắt là TCCN) để thực hiện hoạt động dạy học và giáo dục theo chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về kiến thức:

- Trình bày được các kiến thức cơ bản về khoa học giáo dục TCCN, vai trò, sứ mệnh và xu thế phát triển của giáo dục TCCN.

- Trình bày được các kiến thức cơ bản về tâm lí học, giáo dục học sư phạm nghề nghiệp, tổ chức và quản lí quá trình dạy học, lí luận và phương pháp dạy học TCCN.

- Phân tích được đặc điểm, bản chất hoạt động giảng dạy và học tập trong giáo dục nghề nghiệp và TCCN.

- Trình bày được các phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh TCCN.

b) Về kĩ năng:

- Lập được kế hoạch giảng dạy (lí thuyết, thực hành, thực tập); xây dựng đề cương chi tiết môn học, lập được kế hoạch dạy học môn học, học phần, môđun trong chương trình đào tạo TCCN.

- Vận dụng, kết hợp được các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học lý thuyết, thực hành, dạy tích hợp lí thuyết và thực hành, thực tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo, phát triển năng lực tự học và tự rèn luyện năng lực nghề nghiệp của học sinh TCCN.

- Thực hiện tốt việc tổ chức và quản lí quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá, quản lí học sinh TCCN theo quy định, nhiệm vụ và chức trách của giáo viên.

- Tổ chức được các hoạt động giáo dục qua dạy học lí thuyết, thực hành, thực tập, qua công tác chủ nhiệm lớp và các hoạt động giáo dục khác; có khả năng tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho học sinh.

c) Về thái độ:

- Có ý thức đúng đắn về nghề nghiệp, đạo đức, tác phong sư phạm của người giáo viên TCCN.

- Có thái độ khách quan, khoa học, hợp tác trong quá trình tổ chức giảng dạy, kiểm tra đánh giá và quản lí học sinh TCCN tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan và nội quy, quy chế của nhà trường.

II. ĐỐI TƯỢNG BỒI DƯỠNG

1. Những giáo viên TCCN nhưng chưa qua đào tạo sư phạm hoặc chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

2. Những người có bằng tốt nghiệp đại học có nguyện vọng trở thành giáo viên TCCN.

III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Khối lượng kiến thức tối thiểu

Tổng khối lượng kiến thức tối thiểu:                    25 tín chỉ;

Trong đó bao gồm:

- Khối kiến thức bắt buộc tối thiểu:                      21 tín chỉ;

- Khối lượng kiến thức tự chọn tối thiểu: 4 tín chỉ.

2. Nội dung khối kiến thức bắt buộc tối thiểu : 21 tín chỉ

Stt

Học phần bồi dưỡng

Số tín chỉ

1

Tâm lí học sư phạm nghề nghiệp

4

2

Giáo dục học nghề nghiệp

3

3

Tổ chức và quản lí quá trình dạy học

3

4

Phương pháp và kĩ năng dạy học

4

5

Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng

2

6

Giao tiếp và ứng xử sư phạm

2

7

Thực tập sư phạm

3

 

Tổng số

21

3. Nội dung các học phần tự chọn tối thiểu: 04 tín chỉ

Stt

Tên học phần

Số tín chỉ

1

Phát triển chương trình đào tạo TCCN

2

2

Kiểm tra, đánh giá trong giáo dục TCCN

2

3

Sử dụng phương tiện và công nghệ dạy học trong giáo dục nghề nghiệp

2

4

Ứng dụng CNTT trong dạy học

2

5

Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh

2

6

Quản lí chất lượng trong giáo dục TCCN

2

IV. MÔ TẢ CÁC HỌC PHẦN THUỘC KHỐI KIẾN THỨC BẮT BUỘC TỐI THIỂU

4.1. Tâm lí học sư phạm nghề nghiệp

a) Mục tiêu

Sau khi học xong học phần này, người học có thể:

- Trình bày được những nội dung cơ bản về đặc điểm tâm lí, sự phát triển tâm lí, nhân cách của học sinh TCCN;

- Giải thích được các yếu tố tâm lí của hoạt động dạy và học, đặc điểm tâm lí trong dạy lí thuyết, thực hành và dạy tích hợp lí thuyết và thực hành;

- Trình bày được đặc điểm lao động sư phạm, năng lực, phẩm chất, nhân cách cần có của người giáo viên TCCN;

- Vận dụng được những hiểu biết tâm lí vào việc hình thành năng lực sư phạm của bản thân trong hoạt động giảng dạy, giáo dục ở trường TCCN.

b) Nội dung

Nội dung học phần bao gồm: Kiến thức cơ bản về Tâm lý học đại cương; Tâm lý học phát triển (Tâm lý học lứa tuổi), Tâm lý học sư phạm, Tâm lí học giáo dục nghề nghiệp và Tâm lí học tổ chức lao động khoa học. Tâm lý học đại cương giúp người học nắm bắt những hiện tượng tâm lý cơ bản của con người, các quy luật nảy sinh, hình thành và biểu hiện của các hiện tượng tâm lý. Tâm lý học phát triển mô tả khái quát về đặc điểm các giai đoạn phát triển của cá nhân, đi sâu nghiên cứu tâm lý lứa tuổi học sinh TCCN. Tâm lý học sư phạm trình bày những cơ sở tâm lý học của các hoạt động dạy, hoạt động học và hoạt động giáo dục học sinh ở trường TCCN. Tâm lí học giáo dục nghề nghiệp bao gồm : những vấn đề chung; đặc điểm tâm - sinh lí hoạt động nghề nghiệp; hướng nghiệp trong phát triển nghề nghiệp; kĩ năng, kĩ xảo nghề nghiệp. Tâm lí học tổ chức lao động khoa học chú ý đến sự tác động của môi trường, cường độ lao động, sự mệt mỏi trong lao động, bầu không khí tâm lí của nhóm và tập thể lao động.

Nội dung học phần chú trọng việc vận dụng những kiến thức trên vào việc tổ chức các hoạt động giáo dục và nghiên cứu giải quyết các tình huống phát sinh trong thực tiễn giáo dục ở trường TCCN.

4.2. Giáo dục học nghề nghiệp

a) Mục tiêu

Sau khi học xong học phần này, người học có thể:

- Trình bày được tính chất, vị trí, chức năng, nguyên lí và mục tiêu của giáo dục và giáo dục nghề nghiệp ở trường TCCN;

- Giải thích được các nội dung, đặc điểm, nguyên tắc và phương pháp của quá trình giáo dục nhân cách học sinh TCCN;

- Nêu được cấu trúc, đặc điểm của nội dung dạy học trong giáo dục nghề nghiệp;

- Trình bày được khái niệm, ý nghĩa bản chất, nhiệm vụ và nguyên tắc của quá trình dạy học TCCN; khái quát về các hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập ở trường TCCN.

b) Nội dung

Nội dung học phần bao gồm các kiến thức cơ bản về những vấn đề chung của giáo dục học nghề nghiệp: Khái niệm; mục đích, nguyên lí giáo dục; vai trò, vị trí của giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân; các yếu tố tác động đến quá trình giáo dục nghề nghiệp; tập thể học sinh và giáo viên, giáo viên chủ nhiệm trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quá trình, nội dung và phương pháp giáo dục trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quá trình dạy học (khái niệm, bản chất, nhiệm vụ, động lực, các khâu và các nguyên tắc của quá trình dạy học); nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức dạy học ở cơ sở; tổ chức, hướng dẫn thực hành nghề; kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh.

4.3. Tổ chức và quản lí quá trình dạy học

a) Mục tiêu

Sau khi học xong học phần này, người học có thể:

- Lập được kế hoạch tổ chức quá trình dạy học phù hợp với điều kiện cụ thể;

- Tổ chức có hiệu quả các hoạt động trong quá trình dạy học TCCN về lí thuyết, thực hành và tích hợp lí thuyết với thực hành;

- Vận dụng kiến thức và kĩ năng quản lí cơ bản vào việc quản lí chương trình dạy học, quản lí hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh; quản lí thiết bị và tài liệu dạy học.

b) Nội dung

Học phần cung cấp cho người học: (i) Các khái niệm cơ bản về tổ chức quá trình dạy học, quản lí quá trình dạy học; (ii) Mục tiêu, đối tượng của quản lí quá trình dạy học; (iii) Nội dung cơ bản của tổ chức quá trình dạy học (lập kế hoạch dạy học, tổ chức các hoạt động dạy học và tổ chức đánh giá quá trình dạy học); (iv) Nội dung cơ bản của quản lí quá trình dạy học (quản lí mục tiêu, chương trình đào tạo, quản lí hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh, quản lí cơ sở vật chất, trang thiết bị,..).

4.4. Phương pháp và kĩ năng dạy học

a) Mục tiêu

Sau khi học xong học phần này, người học có thể:

- Xác định được trình độ, năng lực hiện có của học sinh;

- Chuẩn bị được giáo án, các phương tiện dạy học để tổ chức dạy học hiệu quả;

- Lựa chọn được phương pháp dạy học phù hợp cho các loại bài (lí thuyết, thực hành, tích hợp) trong chương trình đào tạo;

- Vận dụng các phương pháp dạy học phù hợp vào thiết kế và tổ chức giảng dạy cho các loại bài (lí thuyết, thực hành, tích hợp) trong chương trình đào tạo;

- Sử dụng được một số kĩ năng chính để tổ chức hoạt động dạy lí thuyết, thực hành và tích hợp có hiệu quả;

- Đánh giá người học và đánh giá khóa học phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo;

- Thể hiện tính tích cực chủ động trong rèn luyện kĩ năng dạy học và đổi mới phương pháp dạy học.

b) Nội dung

Học phần này bao gồm những nội dung cơ bản của Phương pháp dạy học TCCN như: Kĩ năng tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục; Kĩ năng lập kế hoạch dạy học; kĩ năng lập kế hoạch bài dạy; Kĩ năng lựa chọn và sử dụng phương tiện dạy học; các kĩ năng sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học (như: kĩ năng trình bày bảng, kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin,..); Kĩ năng tổ chức hoạt động nhận thức của học sinh; sơ lược về kiểm tra - đánh giá;.... Giới thiệu một số phương pháp dạy học phù hợp cho một giờ/bài dạy lí thuyết, thực hành hoặc tích hợp.

4.5. Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng

a) Mục tiêu

Sau khi học xong học phần này, người học có thể:

- Thực hiện các bước nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng: Xác định đề tài, lựa chọn thiết kế nghiên cứu, lập kế hoạch nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, triển khai nghiên cứu một đề tài thuộc lĩnh vực chuyên môn đảm nhận, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, báo cáo kết quả;

- Giám sát, đánh giá được đề tài NCKHSPƯD của giáo viên TCCN;

- Triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng trong đào tạo TCCN.

b) Nội dung

Phần bao gồm những nội dung cơ bản của quá trình nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng: (i) Giới thiệu chung về nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng: khái niệm, lĩnh vực nghiên cứu, các phương pháp nghiên cứu, các tiêu chí đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng,…; (ii) Cách tiến hành xây dựng đề tài và triển khai nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; (iii) Lập kế hoạch nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; (iv) Quy trình, nội dung đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; (v) Các bước viết báo cáo nghiệm thu đề tài; (vi) Các bước triển khai kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng trong đào tạo TCCN.

4.6. Giao tiếp ứng xử sư phạm

a) Mục tiêu

Sau khi học xong học phần này, người học có thể:

- Vận dụng các nguyên tắc giao tiếp ứng xử trong quá trình hoạt dộng nghề nghiệp; các kĩ thuật ứng xử sư phạm hiệu quả trong giáo dục và đào tạo TCCN;

- Vận dụng các kiến thức về giao tiếp ứng xử để giải quyết các mối quan hệ với học sinh TCCN, cha mẹ học sinh, đồng nghiệp và ngoài xã hội.

b) Nội dung

Phần này giới thiệu: (i) Khái niệm về giao tiếp, ứng xử; (ii) Tầm quan trọng của giao tiếp ứng xử sư phạm nói chung và trong đào tạo TCCN nói riêng; (iii) Các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường trong quá trình đào tạo TCCN; (iv) Một số kĩ thuật ứng xử sư phạm hiệu quả; (v) Một số kinh nghiệm ứng xử sư phạm trong giáo dục và giảng dạy ở trường TCCN.

4.7. Thực tập sư phạm

a) Mục tiêu

Trong quá trình thực tập sư phạm, người học có thể:

- Vận dụng được các kĩ năng dạy học cơ bản vào tổ chức, quản lí quá trình dạy học đối với môn học được phân công; Thực hiện được một số tiết dạy (lí thuyết, thực hành, tích hợp lí thuyết và thực hành) được đánh giá từ đạt yêu cầu trở lên.

- Phân tích được các mặt hoạt động dạy học, giáo dục của cơ sở giáo dục nơi đến thực tập; Thực hiện được nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp;

- Nhận xét, đánh giá được bài dạy.

b) Nội dung

Nội dung thực tập sư phạm nhằm giúp học viên vận dụng các kiến thức đã được trang bị của 6 học phần trên vào việc truyền tải kiến thức dạy học cho học sinh cũng như vận dụng vào việc giáo dục học sinh TCCN.

Trong hoạt động này, học viên cần: (i) Tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục đào tạo và dạy nghề của địa phương nơi đến thực tập; (ii) Tìm hiểu hoạt động dạy học, giáo dục của cơ sở thực tập; nghiên cứu chương trình dạy học; (iii) Dự giờ, trao đổi học tập kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên tại cơ sở thực tập; (iv) Chuẩn bị các loại bài dạy (lí thuyết, thực hành, tích hợp), tập dạy, thực hành giảng dạy cho học sinh; (v) Thực tập công tác chủ nhiệm lớp.

Ngoài ra, học viên còn được tham gia các hoạt động chung của nhà trường nơi đến thực tập. Cuối đợt, học viên viết bài thu hoạch kinh nghiệm về đợt thực tập sư phạm này.

V. MÔ TẢ CÁC HỌC PHẦN THUỘC KHỐI KIẾN THỨC TỰ CHỌN TỐI THIỂU

5.1. Phát triển chương trình dạy học (2 tín chỉ)

a) Mục tiêu

Sau khi hoàn thành học phần này, người học:

- Trình bày được một số vấn đề cơ bản của phát triển chương trình dạy học TCCN;

- Xây dựng được mục tiêu, chuẩn đầu ra chương trình môn học/học phần

- Giải thích được các yếu tố ảnh hưởng đến nội dung đào tạo, những thành tố cơ bản của nội dung dạy học TCCN;

- Trình bày được một số kiểu cấu trúc nội dung của chương trình dạy học TCCN ;

- Phân tích được chương trình môn học, lập được kế hoạch, lịch trình dạy học môn học TCCN.

b) Nội dung

- Một số khái niệm cơ bản trong phát triển chương trình dạy học TCCN

- Các yếu tố ảnh hưởng đến nội dung đào tạo, những thành tố cơ bản của nội dung đào tạo trong giáo dục TCCN;

- Xác định và lựa chọn nội dung đào tạo trong giáo dục TCCN;

- Một số kiểu cấu trúc nội dung của chương trình giáo dục TCCN;

- Quy trình phát triển chương trình giáo dục TCCN;

- Phân tích chương trình môn học, lập kế hoạch, lịch trình dạy học môn học TCCN.

5.2. Kiểm tra, đánh giá trong giáo dục TCCN (2 tín chỉ)

a) Mục tiêu

Sau khi học xong học phần này, người học:

- Nêu được mục đích, vai trò của kiểm tra - đánh giá kết quả học tập;

- Trình bày được đặc điểm, phạm vi sử dụng, các yêu cầu về độ khó, độ phân biệt, độ tin cậy và độ giá trị và cách biên soạn các loại câu hỏi và đề thi lí thuyết, thực hành cho kiểm tra - đánh giá kết quả học tập;

- Biên soạn và đánh giá được các loại câu hỏi và đề thi cho kiểm tra - đánh giá kết quả học tập về độ khó, độ phân biệt, độ tin cậy và độ giá trị của chúng;

- Sử dụng các loại câu hỏi và đề thi lí thuyết, thực hành, và triển khai hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập trong dạy và học.

b) Nội dung

- Mục đích, vai trò của kiểm tra - đánh giá trong dạy học;

- Thiết kế các loại câu hỏi và đề thi lí thuyết, thực hành cho kiểm tra, đánh giá kết quả quả học tập;

- Đánh giá câu hỏi và đề thi lí thuyết, thực hành kiểm tra, đánh giá thành quả học tập về độ khó, độ phân biệt, độ tin cậy và độ giá trị của chúng;

- Triển khai hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.

5.3. Sử dụng phương tiện và công nghệ dạy học trong giáo dục nghề nghiệp (2 tín chỉ)

a) Mục tiêu

Sau khi học xong học phần này, người học:

- Phân loại được phương tiện và công nghệ dạy học;

- Phân tích được quy trình chung về phát triển phương tiện và công nghệ dạy học;

- Phân tích được đặc điểm phát triển các phương tiện và công nghệ dạy học điển hình: Tài liệu in, tài liệu trực quan thông thường, tài liệu nghe nhìn, phần mềm dạy học, v.v...;

- Làm được phương tiện dạy học thường dùng: Bảng biểu, các slides trình chiếu cho các bài dạy,...;

- Sử dụng hiệu quả phương tiện và công nghệ dạy học trong quá trình dạy học.

b) Nội dung

- Một số vấn đề chung về phương tiện và công nghệ dạy học (định nghĩa, đặc điểm sư phạm, đặc điểm kĩ thuật, chức năng, phân loại, vai trò của phương tiện và công nghệ dạy học trong đổi mới quá trình dạy học,...);

- Quy trình chung về phát triển phương tiện và công nghệ dạy học (các giai đoạn phát triển phương tiện và công nghệ dạy học trong các mô hình phát triển chương trình và học liệu);

- Đặc điểm phát triển tài liệu in, phương tiện dạy học trực quan truyền thống, phương tiện nghe nhìn,...;

- Sử dụng hiệu quả phương tiện và công nghệ dạy học (sử dụng phương tiện trực quan trên giảng đường; sử dụng các thiết bị thí nghiệm, thực hành trong dạy học; sử dụng phần mềm, công cụ soạn thảo văn bản và trình diễn bài giảng...);

- Tìm kiếm và khai thác các nguồn dữ liệu phục vụ dạy học;

- Các nguyên tắc sử dụng phương tiện và công nghệ dạy học trên lớp và tại xưởng thực hành;

- An toàn trong sử dụng thiết bị luyện tập tại xưởng thực hành, sản xuất;

- Thực hành làm phương tiện dạy học cho một số bài dạy và sử dụng một số phương tiện dạy học tại lớp học.

5.4. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học (2 tín chỉ)

a) Mục tiêu

Sau khi học xong học phần này, người học:

- Trình bày được các ưu điểm, các phương pháp sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học một cách hiệu quả;

- Sử dụng được một số chức năng chuyên nghiệp của bộ công cụ office hỗ trợ dạy học;

- Chỉnh sửa, biên tập được các tài nguyên thông thường cho bài dạy (hình ảnh, video);

- Làm được hoạt hình trong máy tính hỗ trợ dạy học;

- Khai thác được thông tin trên một số trang web liên quan tới công việc dạy học, biết cách tìm kiếm thông tin có hiệu quả từ Google;

- Làm quen với một số dịch vụ web 2.0 trong dạy học. Khai thác được các thông tin trên hệ thống hướng dẫn qua mạng.

b) Nội dung

- Tổng quan về ứng dụng CNTT trong dạy học;

- Biên soạn tài liệu dạy học bằng Microsoft Word (Một số kỹ thuật định dạng chuyên nghiệp; Trộn văn bản; đánh số trang tự động);

- Xử lí dữ liệu, xây dựng biểu đồ, đồ thị bằng Microsoft Excel; Các hàm cơ bản trong xử lí dữ liệu điểm thi; Vẽ đồ thị, biểu đồ trong dạy học;

- Thiết kế nội dung hỗ trợ bài dạy bằng phần mềm Microsoft Powerpoint (Khái quát về phần mềm Powerpoint; Một số tính năng nâng cao của Powerpoint; Định hướng sư phạm khi sử dụng Powerpoint trên lớp học).

- Sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học (Sơ lược về sơ đồ tư duy; Phương pháp sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học; Sử dụng phần mềm Free Mind để tạo sơ đồ tư duy);

- Khai thác thông tin trên Internet hỗ trợ dạy học (Khái quát về Internet; Một số trang web hữu ích trong dạy học; Thủ thuật tìm kiếm thông tin bằng Google);

- Xử lí ảnh và biên tập Video (Xử lí ảnh bằng phần mềm Paint; Biên tập video bằng Windows Movie Maker);

- Thiết kế ảnh động (Quy trình tạo ảnh động; Tạo ảnh động bằng PP và Gif Animator);

- Hợp tác, chia sẻ và tư vấn qua mạng (Sử dụng Blog trong dạy học; Sử dụng Groups để hợp tác qua mạng; Hệ thống tư vấn qua mạng);

5.5. Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh (2 tín chỉ)

a) Mục tiêu

Sau khi học xong học phần này, người học:

- Mô tả được các đặc điểm về phẩm chất, năng lực của người giảng viên trong vai trò người hướng dẫn, tư vấn ;

- Phân tích được nguyên tắc xử thế trong hoạt động hướng dẫn, tư vấn;

- Liên hệ với bản thân trong việc đảm bảo các đặc điểm và tôn trọng các nguyên tắc nói trên.

b) Nội dung

- Một số vấn đề về tư vấn, hướng nghiệp : Khái niệm, tính chất, vai trò của tư vấn, đặc điểm nhu cầu tư vấn của học sinh TCCN;

- Một số nội dung tư vấn, hướng nghệp cho học sinh TCCN về : Tổ chức đời sống trong trường TCCN, phương pháp học tập, xử lí các mối quan hệ trong nhà trường TCCN (với bạn học, thầy cô, cán bộ, công nhân viên, với nhân dân xung quanh trường, quan hệ nam nữ,...); tư vấn nghề, giới thiệu việc làm ; tư vấn phát triển nghề nghiệp ;

- Hình thức hướng dẫn và tư vấn (tư vấn trực tiếp, gián tiếp; tư vấn tập thể, tư vấn cá nhân)

- Công cụ, phương pháp thu thập, xử lý thông tin trong hướng dẫn, tư vấn - Yêu cầu với giáo viên trong vai trò người hướng dẫn, tư vấn;

5.6. Quản lí chất lượng trong giáo dục TCCN (2 tín chỉ)

a) Mục tiêu

Sau khi học xong học phần này, người học:

- Nêu được các khái niệm về chất lượng giáo dục, chất lượng giáo dục TCCN, đảm bảo chất lượng, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục;

- Trình bày được các nội dung về quản lý chất lượng giáo dục TCCN như: Mô hình quản lý chất lượng giáo dục; Đảm bảo chất lượng giáo dục TCCN; Đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục TCCN,...

b) Nội dung

- Khái niệm về chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục TCCN;

- Các thành tố tạo nên chất lượng giáo dục TCCN;

- Các mô hình quản lý chất lượng giáo dục, trong đó có các mô hình phổ biến như TQM, ISO, CIPO, ILO, ..;

- Đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục TCCN, trong đó có các nội dung:

+ Đảm bảo chất lượng giáo dục TCCN: Khái niệm, hệ thống đảm bảo chất lượng...;

+ Đánh giá chất lượng giáo dục TCCN: Khái niệm, phương pháp và hình thức đánh giá...;

+ Quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục TCCN: Các khái niệm, các quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó có giáo dục TCCN....

VI. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG

1. Căn cứ Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên TCCN tại văn bản này, các cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên TCCN và cho những người tốt nghiệp đại học có nguyện vọng trở thành giáo viên TCCN (gọi tắt là cơ sở bồi dưỡng) xây dựng các chương trình bồi dưỡng cụ thể, lập đề cương chi tiết cho các học phần, thiết kế các nội dung thuộc phần kiến thức tự chọn và biên soạn tài liệu bồi dưỡng cho phù hợp với đối tượng bồi dưỡng.

Các tài liệu nên được biên soạn dưới dạng các môđun và dưới hình thức tích hợp giữa các nội dung giáo dục để tiện cho việc giảng dạy, học tập và tiết kiệm thời gian.

2. Căn cứ vào nhu cầu của người học và yêu cầu của bộ môn sẽ giảng dạy ở trường TCCN, người học có thể lựa chọn 2 trong 6 chủ đề tự chọn nêu trên để đảm bảo đủ 4 tín chỉ. Ngoài ra, tùy theo nhu cầu và đặc điểm chuyên môn của từng trường có thể đề xuất 1 chủ đề tự chọn khác có cùng thời lượng thay thế 1 chủ đề tự chọn nêu trên cho phù hợp với đối tượng bồi dưỡng.

3. Nội dung kiến thức của học phần “Phương pháp và Kĩ năng dạy học” cần được xây dựng chi tiết riêng theo từng chuyên ngành để phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được đào tạo. Phần “Thực tập sư phạm” cũng cần được thể hiện những nội dung giảng dạy, thực tập theo đúng ngành/chuyên ngành của người học đã được đào tạo đang giảng dạy hoặc để sau đó trở thành giáo viên.

4. Ph­ương pháp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm: Cần tăng cường hướng dẫn và dành thời gian hợp lý cho ngư­ời học tự nghiên cứu, tăng cường thảo luận, thực hành và liên hệ với thực tế dạy học của giáo viên TCCN.

5. Việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên TCCN được thực hiện bởi cơ sở bồi dưỡng. Hình thức tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên TCCN cần linh hoạt (theo hình thức tích lũy tín chỉ) cho phù hợp với đối tượng và từng lĩnh vực chuyên môn được đào tạo; có thể tổ chức bồi dưỡng tập trung một đợt hay nhiều đợt nhưng phải đảm bảo thời lượng (như đã nêu ở mục III) và trong thời gian không quá 01 năm.

6. Sau mỗi học phần, kết quả học tập của người học được đánh giá thông qua các bài thi hoặc tiểu luận. Nội dung tiểu luận tập trung làm rõ mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn, đúc kết những trải nghiệm thực tế trong hoạt động nghề nghiệp của giáo viên.

7. Kết quả học tập các học phần và đánh giá của các trường TCCN về thực tập sư phạm của người học là căn cứ để các cơ sở bồi dưỡng xét cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo viên TCCN. Người học có các bài thi phải đạt từ trung bình trở lên và kết quả thực tập sư phạm từ đạt yêu cầu trở lên, không vi phạm quy chế thì đủ điều kiện được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo viên TCCN.

8. Những giáo viên trung cấp chuyên nghiệp chưa qua dào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, đã giảng dạy từ 3 năm trở lên tại trường TCCN nếu được bộ môn và Trường TCCN nơi đang giảng dạy đánh giá là giảng dạy từ đạt yêu cầu trở lên thì không phải thực tập sư phạm./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Vinh Hiển

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.