• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/10/1995
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 651/TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Điện Biên, ngày 10 tháng 10 năm 1995

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thành lập Uỷ ban quốc gia điều phối hoạt động của Việt Nam trong ASEAN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Điều 20 Luật tổ chức Chính phủ ngày 30-9-1992;

Để thực hiện các nghĩa vụ của nước thành viên và tham gia có hiệu quả vào các chương trình hoạt động, các dự án hợp tác của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN);

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ;

 QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1

Thành lập Uỷ ban Quốc gia điều phối hoạt động của Việt Nam trong ASEAN (gọi tắt là Uỷ ban Quốc gia về ASEAN) để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các quan hệ với ASEAN về an ninh, chính trị, văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật.

Điều 2

Các nhiệm vụ của Uỷ ban Quốc gia về ASEAN:

Uỷ ban Quốc gia về ASEAN có các nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Tổng hợp các kiến nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (gọi tắt là cơ quan Chính phủ) để đề xuất với Thủ tướng chính phủ những chủ trương lớn liên quan đến sự tham gia các hoạt động trong ASEAN của các Bộ, ngành.

2. Tổ chức sự phối hợp của các cơ quan Chính phủ có liên quan thực hiện các nghĩa vụ và tham gia các hoạt động của Việt Nam trong ASEAN.

3. Phân công, theo dõi, đôn đốc các cơ quan Chính phủ thực hiện các nghĩa vụ và tham gia các hoạt động của Việt Nam trong ASEAN.

4. Tổng hợp tình hình hoạt động của ASEAN và của Việt Nam trong ASEAN để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền giải quyết các kiến nghị của các cơ quan Chính phủ liên quan tới việc thực hiện các nghĩa vụ và tham gia hoạt động của Việt Nam trong ASEAN, phù hợp với những chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

6. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

Điều 3

Thành phần Uỷ ban Quốc gia về ASEAN:

1. Chủ tịch Uỷ ban: Phó Thủ tướng Trần Đức Lương.

2. Các Uỷ viên:

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kề hoạch Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Thương mại,

Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tuỳ theo yêu cầu hoạt động của Uỷ ban, có thể bổ xung thêm các uỷ viên.

3. Tổng Thư ký: Một Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Điều 4

Các Uỷ viên và tổng thư ký Uỷ ban, ngoài việc tham gia vào công tác chung của Uỷ ban, phụ trách các công tác sau đây:

1. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giúp Chủ tịch Uỷ ban tổ chức thực hiện toàn bộ nhiệm vụ của Uỷ ban Quốc gia về ASEAN

2. Bộ trưởng Bộ ngoại giao tham dự các hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) và tổ chức hướng dẫn các Bộ, ngành liên quan thực hiện các quyết định của Hội nghị, sau khi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban; giúp Chủ tich Uỷ ban chỉ đạo việc xây dựnng các chủ trương, chính sách về quan hệ với ASEAN trong lĩnh vực chính trị và an ninh.

3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước giúp Chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo các chủ trương, chính sách kinh tế để tham gia có hiệu quả các chương trình hợp tác của ASEAN.

4. Bộ trưởng Bộ Thương mại tham dự các hội nghị Bộ trưởng Kinh tế (AEM), và tổ chức hướng dẫn các Bộ, ngành liên quan thực hiện các quyết định của Hội nghị, sau khi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban.

5. Bộ trưởng Bộ Tài chính tham dự các Hội nghị Hội đồng AFTA, giúp Chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo việc thực hiện Hiệp định về ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung của ASEAN (CEPT), tham gia chương trình thiết lập khu vực Tự do ASEAN (AFTA).

6. Tổng thư ký Uỷ ban giúp Chủ tịch Uỷ ban điều hành và xử lý công việc thường nhật của Uỷ ban.

Điều 5

Các Tiểu ban và bộ máy giúp việc của Uỷ ban Quốc gia về ASEAN.

1. Tiểu ban Hợp tác kinh tế gồm các thành viên là các bộ cấp Vụ và chuyên viên chuyên trách về ASEAN của Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Năng lượng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thuỷ sản, Bộ Lâm nghiệp, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục hải quan, Tổng cục Du lịch, Tổng cục Bưu điện và các cơ quan, tổ chức khác nếu cần thiết, do các cơ quan nói trên cử theo hình thức kiêm nhiệm.

2. Tiểu ban Hợp tác chuyên ngành gồm các thành viên là cán bộ cấp Vụ và chuyên trách về ASEAN của Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ văn hoá thông tin, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi và các cơ quan, tổ chức khác nếu cần thiết, do các cơ quan nói trên cử theo hình thức kiêm nhiệm.

3- Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về ASEAN là cơ quan giúp việc của Uỷ ban Quốc gia về ASEAN đặt tại Văn phòng Chính phủ điều hành để giúp Thủ tướng Chính phủ về các quan hệ hợp tác đa phương, song phương với ASEAN và các nước thành viên ASEAN.

Điều 6

Cơ chế hoạt động của Uỷ ban Quốc gia về ASEAN.

1- Uỷ ban Quốc gia về ASEAN họp định kỳ 3 tháng 1 lần. Khi cần thiết, Chủ tịch Uỷ ban có thể mời lãnh đạo các cơ quan Chính phủ liên quan tham dự các cuộc họp Uỷ ban. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của một hay nhiều Uỷ viên Uỷ ban, Chủ tịch Uỷ ban có thể triệu tập các cuộc họp bất thường của Uỷ ban. Chủ tịch Uỷ ban có kết luận cuối cùng về các vấn đề đưa ra trong các cuộc họp của Uỷ ban.

2- Các Uỷ viên của Uỷ ban có thể mời các cơ quan Chính phủ liên quan họp bàn về các vấn đề liên quan tới việc thực hiện trách nhiệm của mình trong Uỷ ban như quy định tại Điều 4 của Quyết định này.

3- Văn phòng Chính phủ đảm bảo kinh phí, phương tiện làm việc phục vụ hoạt động của Uỷ ban Quốc gia về ASEAN.

4- Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về ASEAN tổng hợp thông tin từ Ban Thư ký Quốc gia ASEAN, cơ quan đầu mối SEOM và các cơ quan Chính phủ trình Uỷ ban Quốc gia về ASEAN trong các báo cáo tuần; tổ chức các cuộc họp của các Tiểu ban và thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Uỷ ban giao.

5- Tiểu ban Hợp tác kinh tế và Tiểu ban Hợp tác chuyên ngành họp định kỳ 2 tháng 1 lần để kiểm điểm tình hình tham gia các hoạt động hợp tác trong ASEAN của các Bộ ngành và đề xuất ý kiến lên Uỷ ban Quốc gia xem xét, quyết định.

Điều 7

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chủ tịch Uỷ ban quốc gia ASEAN, các Uỷ viên Tổng thư ký Uỷ ban Quốc gia về ASEAN các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.