Sign In

CHỈ THỊ

Về tăng cường công tác phòng chống lụt bão

và giảm nhẹ thiên tai năm 2007

                                                                                  ________________

 Năm 2006 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều trận lũ quét, ngập lụt, lốc xoáy, đặc biệt là Bão số 9 tuy không đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Đồng Nai nhưng ảnh hưởng của bão đã gây thiệt hại đáng kể về nhà cửa và tài sản của Nhà nước, của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Đồng Nai về tình hình khí tượng thủy văn năm 2007:

Thời kỳ bắt đầu mùa mưa: Ở các huyện phía Bắc tỉnh vào khoảng tuần đầu tháng 5; các huyện, thị còn lại vào tuần giữa tháng 5 xấp xỉ trung bình nhiều năm. Về mưa: Hầu hết các nơi có lượng mưa mùa và cả năm đạt mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, nhưng cao hơn cùng thời kỳ năm 2006; 3 huyện: Định Quán, Tân Phú và phía Bắc huyện Thống Nhất từ 2.200 – 2.500mm; các huyện còn lại: 1.800 – 2.100mm. Mưa nhiều trong tháng 7, 9, 10/2007. Xảy ra 2 đợt ít mưa: Cuối tháng 6, đầu tháng 7; trong tháng 8. Năm 2007, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam khoảng 6 – 7 cơn (trung bình nhiều năm từ 5 - 6 cơn), trong đó có khoảng 1 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến thời tiết Đồng Nai trong thời kỳ cuối mùa. Về lũ: Lũ sớm có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 với biên độ lũ lên nhỏ; cả mùa có 4 - 5 đợt lũ, lũ cao trong năm có khả năng xuất hiện vào các tháng 7, 8, 10.

Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08/2007/CT-TTg ngày 03/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm, cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2007, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ, thiên tai và các sự cố gây ra trong mùa mưa lũ, nhất là thiệt hại về người; UBND tỉnh Đồng Nai chỉ thị Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa thực hiện tốt những công việc sau:

1. Các ngành, các địa phương khẩn trương đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt, bão và hạn hán năm 2006 và các năm trước để xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống lụt, bão và hạn hán năm 2007. Xây dựng phương án cụ thể, phù hợp với phạm vi quản lý của từng ngành, từng địa phương, từng đơn

vị và từng vùng trọng điểm, bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống bất lợi, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Kế hoạch phòng chống lụt bão phải xây dựng xong trong tháng 5, để triển khai thực hiện trong tháng 6. Trong kế hoạch cần xây dựng được phương án huy động và bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn trên từng địa bàn; rà soát, xác định cụ thể về số lượng, chủng loại phương tiện, vật tư hiện có, bảo đảm bổ sung đủ cơ số và chất lượng cần thiết, để huy động kịp thời khi có thiên tai, sự cố, tai nạn xảy ra.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân ứng phó và khắc phục hậu quả theo phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và chỉ đạo các cấp, các đơn vị trên địa bàn huy động nguồn lực đối phó, cứu trợ, khắc phục hậu quả kịp thời, sớm ổn định sản xuất đời sống nhân dân ở vùng thiên tai. Trường hợp thiệt hại xảy ra nghiêm trọng vượt quá khả năng của địa phương, đơn vị thì phải kịp thời báo cáo ngay và yêu cầu sự trợ giúp của cấp trên.

3. Về thu quỹ phòng, chống lụt, bão của các địa phương: Cuối năm, các địa phương báo cáo tình hình thu chi quỹ phòng, chống lụt, bão và xây dựng kế hoạch thu quỹ phòng, chống lụt, bão năm sau và báo cáo kịp thời về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và hạn hán tỉnh. Các địa phương sau khi được UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch thu quỹ phòng, chống lụt, bão, cần giao ngay mức thu cho các xã, phường và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để chủ động thực hiện, đồng thời thường xuyên giám sát việc thực hiện của các đơn vị được giao trách nhiệm thu quỹ phòng, chống lụt, bão.

4. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và hạn hán các Sở, ban, ngành, các địa phương từ tỉnh, huyện, thành phố đến các cơ sở phường, xã, công ty, xí nghiệp trên toàn tỉnh. Chậm nhất đến 10/6/2007 các đơn vị phải có danh sách Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và hạn hán, số điện thoại trực phòng chống lụt bão, số lượng phương tiện, vật tư, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của địa phương, đơn vị báo cáo về Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và hạn hán tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và UBND tỉnh.

5. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa phải trực tiếp chỉ đạo kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và hạn hán thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương, chú ý kiểm tra các vùng ven sông, ven suối thường bị ngập lụt, lũ quét; tổ chức nạo vét, trục vớt các vật cản trên sông, suối để thông thoáng dòng chảy. Kiên quyết không để thiệt hại về người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản do lũ lụt gây ra. Trong mùa mưa lũ, các địa phương phải thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức đề phòng thiệt hại do ngập lụt, lũ quét, lốc xoáy gây ra, đồng thời tổ chức cắm biển cảnh báo ở những khu vực thường xảy ra lũ quét để người dân chủ động phòng tránh.

6. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và hạn hán các cấp, các ngành phải báo cáo kịp thời với Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và hạn hán tỉnh về công tác phòng chống lụt bão và hạn hán của đơn vị; chủ động xử lý theo thẩm quyền khi xảy ra lụt, bão, thiên tai. Nếu vượt thẩm quyền, phải báo cáo ngay Trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và hạn hán tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết.

7. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, có phương án bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng phối hợp với các địa phương, các đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh thực hiện cứu nạn, cứu hộ khi thiên tai xảy ra; giữ vững an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội các vùng bị thiên tai, lũ lụt.

8. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa chỉ đạo Công ty Khai thác công trình thủy lợi, phòng Hạ tầng Kinh tế các địa phương tăng cường công tác quản lý các công trình thủy lợi; kiểm tra thường xuyên, phát hiện những hư hỏng để sửa chữa kịp thời, bảo đảm công trình an toàn trong mùa mưa lũ, có phương án bảo đảm an toàn cho dân cư vùng hạ lưu các hồ chứa nước; đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công dở dang để công trình nhanh chóng phát huy tác dụng trong sản xuất, điều tiết lũ.

9. Sở Giao thông Vận tải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia ứng cứu và xử lý kịp thời khi các công trình cầu, đường và công trình giao thông khác bị hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ, nhất là các tuyến đường giao thông chính, quan trọng. Có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về quản lý, đăng kiểm, đăng ký tàu thuyền, trang thiết bị cần thiết để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện công tác PCLB và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.

10. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Đồng Nai theo dõi chặt chẽ, cập nhật, xử lý thông tin về tình hình diễn biến bão, lũ, thiên tai để có dự báo, cảnh báo, thông báo kịp thời về áp thấp nhiệt đới bão, lũ, hạn hán cho UBND các cấp, các ngành, đơn vị và nhân dân biết để chủ động phòng, chống thiên tai có hiệu quả.

11. Sở Lao động Thương binh - Xã hội có trách nhiệm theo dõi sát tình hình diễn biến lũ, bão, thiên tai, để nắm chắc tình hình thiếu đói trong nhân dân vùng bị thiên tai; tổng hợp tình hình, phối hợp với Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh quyết định các biện pháp cứu trợ kịp thời nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân, nhất là không để người dân vùng thiên tai bị đói. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ ở các địa phương, đảm bảo đúng quy định, không được để xảy ra thất thoát, tiêu cực.

12. Sở Y tế chủ động chuẩn bị đủ vật tư, số thuốc chữa bệnh, thuốc cấp cứu, thuốc khử trùng vệ sinh môi trường và các thiết bị y tế khác đảm bảo công tác phòng, chữa bệnh cho nhân dân trong mọi tình huống. Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tổ chức hướng dẫn

nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng môi trường… để phòng dịch trước, trong và sau lũ lụt.

13. Giám đốc các Sở, ban, ngành khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo, làm tốt công tác PCLB và tìm kiếm cứu nạn của Sở, ban, ngành mình, nhằm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

14. Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và hạn hán tỉnh có chương trình, kế hoạch triển khai công tác phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai năm 2007, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão của các Sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh. Chủ động phối hợp với các đơn vị: Công an, Quân sự, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Sở Lao động Thương binh - Xã hội có kế hoạch cứu trợ nhân dân vùng bị thiên tai. Bố trí cán bộ trực thường xuyên 24/24 giờ trong ngày, theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết mưa lũ để kịp thời đối phó với mọi tình huống bất lợi do thời tiết gây ra.

15. Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai và các Đài Phát thanh huyện, thị xã, thành phố, thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, lũ, lụt, bão, áp thấp nhiệt đới cho nhân dân biết để chủ động công tác phòng chống.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị của UBND tỉnh về công tác phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai năm 2007 và định kỳ hàng tháng và đột xuất báo cáo về Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy PCLB tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) và Chủ tịch UBND tỉnh. Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Ao Văn Thinh