• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2024
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Số: 24/2024/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đồng Nai, ngày 28 tháng 6 năm 2024

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 18 tháng 01 năm 2024;

Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN  ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô

  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 như sau:

“1. Thông tư này quy định hạn chế, tỷ lệ bảo đảm an toàn (sau đây gọi là tỷ lệ bảo đảm an toàn) trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, bao gồm:

a) Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu;

b) Tỷ lệ về khả năng chi trả;

c) Việc cấp tín dụng đối với người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 135 Luật Các tổ chức tín dụng.”.

  1. Bổ sung điểm e vào khoản 2 Điều 5 như sau:

 “e) Quỹ dự phòng tài chính.”.

  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 6 như sau:
  1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 như sau:

“b) Số dư tài khoản thanh toán của tổ chức tài chính vi mô mở tại Ngân hàng Nhà nước;”.

  1. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 như sau:

“a) Tiền gửi của tổ chức tài chính vi mô tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ tiền gửi tại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 9 Điều 174 Luật Các tổ chức tín dụng;”.

  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 100% bao gồm:

a) Dư nợ cho vay đối với khách hàng, không bao gồm dư nợ cho vay được phân vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 0%; 20% và 50%;

b) Toàn bộ tài sản “Có” khác, không bao gồm các tài sản “Có” được phân vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 0%; 20% và 50%.”.

  1. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:

Điều 7. Quy định nội bộ về quản lý thanh khoản và việc cấp tín dụng đối với người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng tại tổ chức tài chính vi mô

1. Căn cứ quy định tại Thông tư này, các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và thực tế hoạt động, Hội đồng thành viên của tổ chức tài chính vi mô phải ban hành quy định nội bộ về quản lý thanh khoản theo quy định tại khoản 2 Điều này; rà soát, sửa đổi, bổ sung định kỳ ít nhất một năm một lần nhằm quản lý hiệu quả, kịp thời khả năng thanh khoản của tổ chức tài chính vi mô.

2. Quy định nội bộ về quản lý thanh khoản bao gồm những nội dung chủ yếu như sau:

a) Phân công cán bộ theo dõi việc bảo đảm khả năng chi trả của tổ chức tài chính vi mô;

b) Phương án thực hiện chi trả tiền gửi (tiền gửi tự nguyện và tiết kiệm bắt buộc) trong trường hợp không đảm bảo tỷ lệ về khả năng chi trả;

c) Các quy định về quản lý ngân quỹ, thu, chi, nguồn vốn hằng ngày và các quy định về việc nắm giữ các giấy tờ có giá dễ chuyển đổi thành tiền;

d) Thủ tục và giới hạn quản lý thanh khoản.

3. Tổ chức tài chính vi mô phải sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ cho phù hợp với khoản 2 Điều này trước ngày 31 tháng 12 năm 2024.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ về quản lý thanh khoản, tổ chức tài chính vi mô phải gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện quy định nội bộ về quản lý thanh khoản cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng). Trường hợp quy định nội bộ sửa đổi, bổ sung, thay thế, tổ chức tài chính vi mô gửi văn bản báo cáo những nội dung sửa đổi, bổ sung kèm quy định nội bộ.

5. Tổ chức tài chính vi mô thực hiện cấp tín dụng đối với đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 135 Luật Các tổ chức tín dụng như sau:

a) Ban hành quy định nội bộ về việc cấp tín dụng cho người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng tại tổ chức tài chính vi mô đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước về tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng tài chính vi mô, các quy định của pháp luật có liên quan và gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện quy định nội bộ nêu trên cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng);

b) Cấp tín dụng cho người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng tại tổ chức tài chính vi mô theo quy định nội bộ đã được ban hành;

c) Báo cáo cho chủ sở hữu, thành viên góp vốn khi phát sinh khoản cấp tín dụng cho các đối tượng quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 135 Luật Các Tổ chức tín dụng;

d) Báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước các khoản cấp tín dụng cho các đối tượng quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 135 Luật Các Tổ chức tín dụng.”.

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

Điều 8. Tỷ lệ về khả năng chi trả, trường hợp tổ chức tài chính vi mô có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng chi trả

1. Tổ chức tài chính vi mô phải duy trì thường xuyên tỷ lệ về khả năng chi trả tối thiểu bằng 20%.

2. Tỷ lệ về khả năng chi trả được xác định bằng công thức sau đây:

Trong đó:

A: là tỷ lệ về khả năng chi trả.

B: tiền mặt, số dư tài khoản thanh toán của tổ chức tài chính vi mô mở tại Ngân hàng Nhà nước; tiền gửi của tổ chức tài chính vi mô tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (nếu có).

C: tổng số dư tiền gửi tự nguyện của khách hàng.

3. Cách xác định cụ thể tỷ lệ về khả năng chi trả theo hướng dẫn tại Phụ lục số 02 kèm theo Thông tư này.

4. Tổ chức tài chính vi mô có nguy cơ mất khả năng chi trả khi thiếu hụt tổng các khoản: tiền mặt, số dư tài khoản thanh toán của tổ chức tài chính vi mô mở tại Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của tổ chức tài chính vi mô tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở mức 20% trở lên tại thời điểm tính toán tỷ lệ khả năng chi trả dẫn đến không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả quy định tại Thông tư này trong thời gian 30 ngày liên tục.

5. Tổ chức tài chính vi mô mất khả năng chi trả khi không có khả năng thực hiện thanh toán nghĩa vụ nợ trong thời gian 01 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

6. Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất khả năng chi trả, tổ chức tài chính vi mô phải kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng, các biện pháp dự kiến áp dụng để khắc phục và các đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước (nếu có).”.

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:

Điều 11. Trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

1. Thanh tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm của tổ chức tài chính vi mô trong việc thực hiện các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Thông tư này.

2. Tiếp nhận quy định nội bộ, văn bản sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ của tổ chức tài chính vi mô theo quy định tại Thông tư này.”.

Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số điều, phụ lục của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô

1. Thay thế Phụ lục số 01, Phụ lục số 02 Thông tư số 33/2015/TT-NHNN bằng Phụ lục số 01, Phụ lục số 02 kèm theo Thông tư này.

2. Bãi bỏ điểm b khoản 3 Điều 5, điểm đ khoản 1 Điều 6 và Điều 10 Thông tư số 33/2015/TT-NHNN.

Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tài chính vi mô, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 4. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng  7 năm 2024.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Đào Minh Tú

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.