Sign In

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn công tác quản lý tài chính chương trình quốc gia dân số và kế hoạch hoá gia đình

 

Thực hiện Quyết định 531/TTg ngày 08 tháng 8 năm 1996 và Quyết định số 05/1998/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý các chương trình quốc gia; Để nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí sự nghiệp của chương trình quốc gia DS-KHHGĐ theo mục tiêu, Bộ Tài chính và Uỷ ban quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình hướng dẫn công tác quản lý tài chính của chương trình Quốc gia DS-KHHGĐ như sau:

 

A. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Chương trình DS-KHHGĐ là một chương trình quốc gia, bao gồm các mục tiêu:

1.1. Nâng cao năng lực của bộ máy quản lý (VDS/01).

1.2. Nâng cao hiệu quả dịch vụ kế hoạch hoá gia đình (VDS/02).

1.3. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục (VDS/03).

2. Kinh phí của chương trình quốc gia DS-KHHGĐ được hình thành từ các nguồn: Vốn ngân sách nhà nước (vốn đầu tư cơ bản, vốn sự nghiệp, vốn vay và viện trợ nước ngoài), vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân và các nguồn thu theo quy định của Nhà nước. Các nguồn kinh phí trên được quản lý và sử dụng theo Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước và theo quy định tại Thông tư này.

3. Đối tượng thực hiện Thông tư này là các đơn vị sử dụng kinh phí chương trình quốc gia về DS-KHHGĐ.

B. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I. NHỮNG NỘI DUNG CHI CHUNG CỦA CÁC MỤC TIÊU

Chi sơ kết, tổng kết.

Chi đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Chi vốn đối ứng các dự án vốn vay, viện trợ (nếu có).

Chi mua sắm trang thiết bị phục vụ chuyên môn.

Chi quản lý, điều hành. Khoản chi này tối đa không được vượt quá 0,3% kinh phí ngân sách nhà nước (phần vốn trong nước) đầu tư cho chương trình.

 

II. NỘI DUNG CHI CỤ THỂ CỦA TỪNG MỤC TIÊU

1. Nâng cao năng lực quản lý (VDS/01).

1.1. Chi tổ chức thực hiện đình sản và bồi dưỡng người tự nguyện đình sản.

1.2. Chi thi đua, khen thưởng và khuyến khích tập thể, cá nhân.

1.3. Chi quản lý chương trình DS-KHHGĐ ở xã, phường, thị trấn.

1.4. Chi điều tra, khảo sát, đánh giá.

2. Nâng cao hiệu quả dịch vụ KHHGĐ (VDS/02).

2.1. Chi mua phương tiện tránh thai (bao cao su, thuốc, vòng tránh thai...).

2.2. Chi mua thuốc thiết yếu và chi phí kỹ thuật cho dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, điều trị phụ khoa và các trường hợp nạo thai, hút điều hoà kinh nguyệt do sử dụng biện pháp tránh thai thất bại.

2.3. Chi phụ cấp làm thủ thuật, phẫu thuật kế hoạch hoá gia đình.

2.4. Chi cho các hoạt động tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai, trước mắt vẫn thực hiện theo Thông tư số 27 TC/VT ngày 23 tháng 5 năm 1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với việc quay vòng vốn của hoạt động tiếp thị xã hội các loại bao cao su và phương tiện tránh thai cho đến khi có văn bản hướng dẫn mới.

3. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục (VDS/03).

3.1. Chi hoạt động truyền thông của các Bộ, Ban, ngành Trung ương và các cấp địa phương (tỉnh, huyện, xã).

3.2. Chi sản xuất, nhân bản và phát hành các loại sản phẩm truyền thông.

4. Chi hành chính.

Nội dung chi quản lý hành chính của cơ quan Dân số - Kế hoạch hoá gia đình các cấp được theo loại 13 khoản 02 "Chi hoạt động quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, văn hoá, xã hội" và chi tiết Mục lục ngân sách nhà nước quy định tại Quyết định số 280 TC/QĐ/NSNN ngày 15/4/1997 của Bộ Tài chính về việc ban hành hệ thống Mục lục ngân sách nhà nước.

 

III. MỨC CHI.

Mức chi của các nội dung 1, 2, 3 của điểm II phần B được quy định cụ thể trong phụ lục đính kèm Thông tư này.

Mức chi hành chính của cơ quan Dân số - KHHGĐ các cấp thực hiện theo hướng dẫn hàng năm của Bộ Tài chính.

 

IV. CÔNG TÁC QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH:

1. Các nguồn kinh phí của chương trình quốc gia về DS-KHHGĐ được quản lý, lập dự toán, cấp phát và quyết toán theo Thông tư số 09 TC/NSNN ngày 18 tháng 3 năm 1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước; Thông tư liên Bộ số 06 TT/LBKH-TC ngày 29 tháng 4 năm 1997 của liên Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 531/TTg ngày 08/8/1996 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý các chương trình Quốc gia; Quyết định số 999-TC/QĐ/CĐKT ngày 02 tháng 11 năm 1996 của Bộ Tài chính về việc ban hành hệ thống chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, Công văn số 97 TC/CĐKT ngày 10 tháng 01 năm 1997 của Bộ Tài chính thoả thuận chế độ kế toán áp dụng cho hệ thống DS-KHHGĐ và các quy định khác có liên quan đến chương trình Dân số KHHGĐ.

2. Căn cứ dự toán chi chương trình DS-KHHGĐ đã được Chính phủ giao chính thức cho các địa phương và các cơ quan Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thủ trưởng các cơ quan Trung ương tổ chức triển khai giao dự toán cho các đơn vị thực hiện trên cơ sở đảm bảo cân đối giữa các nguồn vốn và các chỉ tiêu nhiệm vụ về công tác dân số và trên cơ sở hợp đồng trách nhiệm. Thủ trưởng các cơ quan Trung ương chịu trách nhiệm ký hợp đồng trách nhiệm với Uỷ ban Quốc gia DS-KHHGĐ và Thủ trưởng các cơ quan địa phương chịu trách nhiệm ký hợp đồng trách nhiệm với Uỷ ban DS-KHHGĐ tỉnh, thành phố để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Căn cứ vào dự toán ngân sách năm, dự toán chi hàng quý theo Mục lục ngân sách do Uỷ ban DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố lập có xét duyệt của cơ quan tài chính cùng cấp, Bộ Tài chính sẽ tiến hành cấp uỷ quyền qua Sở Tài chính - Vật giá kinh phí chương trình DS-KHHGĐ cho địa phương.

Căn cứ vào dự toán năm có chia ra quý theo Mục lục ngân sách do các Bộ, ngành ở Trung ương lập, Bộ Tài chính sẽ tiến hành cấp phát kinh phí cho các đơn vị, hoặc cấp trực tiếp cho các đơn vị sử dụng kinh phí chương trình Dân số - KHHGĐ theo đề nghị của cơ quan được giao ngân sách (cơ quan chủ quản).

3. Uỷ ban Dân số và Kế hoạch hoá gia đình các cấp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp tiến hành kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí của chương trình theo đúng nội dung và nhiệm vụ được giao. Các đơn vị được giao kinh phí chương trình phải tổng hợp quyết toán quý và năm phần kinh phí chương trình DS-KHHGĐ vào tổng quyết toán chung của đơn vị.

 

V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1998, thay thế cho Thông tư 04 TTLB/UB-TC ngày 28 tháng 01 năm 1993 của Bộ Tài chính và Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình về việc hướng dẫn cấp phát, quản lý kinh phí sự nghiệp DS-KHHGĐ.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh các vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Liên Bộ để sửa đổi cho phù hợp./.

 

PHỤ LỤC

MỨC CHI ĐỐI VỚI MỘT SỐ NỘI DUNG CHI ĐẶC THÙ CỦA
CHƯƠNG TRÌNH DS-KHHGĐ

(Kèm theo Thông tư liên Bộ Tài chính - Uỷ ban Quốc gia DS-KHHGĐ
số 67 TT/LB ngày 18 tháng 5 năm 1998)

TT

Nội dung chi

Đơn vị tính

Mức chi (đ)

A

Mức chi chung của 3 mục tiêu

 

 

 

Chi sơ kết, tổng kết, tập huấn: áp dụng theo chế độ chi tiêu hiện hành của các cơ quan HCSN.

 

 

B

Mức chi đối với 3 mục tiêu:

 

 

I

Nâng cao năng lực quản lý (VDS/01)

 

 

1

Chính sách đình sản

 

 

a

Người tự nguyện đình sản:

Người

136.000

 

- Tiền mặt

100.000

 

 

- Thẻ bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ

36.000

 

b

Tổ chức thực hiện:

 

 

 

- Các tỉnh miền núi, Tây Nguyên

ca

40.000

 

- Các tỉnh Bắc trung bộ duyên hải miền Trung

-

30.000

 

- Các tỉnh đồng bằng và thành phố trực thuộc Trung ương (bao gồm tập hợp đối tượng đến địa điểm, vận chuyển đối tượng đến nơi làm dịch vụ, vận chuyển đội dịch vụ xuống xã, chăm sóc người đình sản tại nơi phẫu thuật hoặc tại nhà)

ca

25.000

2

Thi đua khen thưởng

 

 

a

Khuyến khích cộng đồng các công trình phúc lợi cho xã

2.000.000

b

Khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác DS-KHHGĐ

 

 

 

- Tập thể

tập thể/1 năm

300.000

 

- Cá nhân

người/năm

100.000

3

Quản lý chương trình dân số cấp xã, phường, thị trấn

 

 

a

Thù lao cán bộ chuyên trách

 

 

 

- Các xã thuộc miền núi cao, hải đảo

người/tháng

192.000

 

- Các xã thuộc vùng sâu, núi thấp

-

184.000

 

- Các xã thuộc trung du, duyên hải

-

176.000

 

- Các xã thuộc đồng bằng

-

168.000

 

- Các xã, phường thuộc thị xã, thành phố

-

160.000

b

Thù lao cộng tác viên

người/tháng

20.000

c

Chi quản lý (sơ kết tổng kết,văn phòng phẩm, giao ban hàng tháng)

360.000

4

Các điều tra, khảo sát đánh giá: áp dụng theo Thông tư liên Bộ số 49 TC-KHCN ngày 01/7/1995 của Bộ Tài chính - Khoa học công nghệ môi trường quy định chế độ chi tiêu đối với các hoạt động nghiên cứu triển khai.

 

 

II

Nâng cao hiệu quả dịch vụ Kế hoạch hoá gia đình (VDS/02)

 

 

1

Bao cao su tránh thai cấp miễn phí

100 cái/người dùng/năm

 

2

Bao cao su tiếp thị xã hội: mua theo giá đấu thầu, bán theo giá duyệt của Nhà nước

 

 

3

Thuốc thiết yếu cho các dịch vụ Kế hoạch hoá gia đình và điều trị phụ khoa: áp dụng định mức tiêu hao của Bộ Y tế tại Công văn số 8614/BMTE ngày 08 tháng 11 năm 1995.

 

 

4

Phụ cấp cán bộ y tế làm thủ thuật, phẫu thuật KHHGD: áp dụng theo Thông tư 150/TT-LB Bộ Tài chính - Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ - Y tế ngày 16/4/1996 hướng dẫn thực hiện Quyết định 794/TTg ngày 05/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ "Nếu hưởng phụ cấp từ nguồn kinh phí chương trình Dân số và Kế hoạch hoá gia đình thì không được hưởng từ nguồn kinh phí thường xuyên của các cơ sở y tế".

 

 

5

Trang thiết bị dụng cụ Kế hoạch hoá gia đình: danh mục thống nhất với ngành Y tế, theo giá đấu thầu.

 

 

6

Bồi dưỡng cán bộ y tế theo dõi và tư vấn cho người sử dụng biện pháp tránh thai lâm sàng.

Người chấp nhận

1.000

7

Tiêm thuốc tránh thai

Mũi

500

III

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền giáo dục (VDS/03)

 

 

1

Chi nhuận bút cho các bài viết về DS-KHHGĐ

bài/500 từ

50.000

2

Chi nhuận ảnh cho các ảnh về DS-KHHGĐ

ảnh/9x12

30.000

3

Chi nhuận tin (theo tiêu chuẩn)

01 tin

20.000

4

Thưởng bài viết hay:

 

 

 

- Loại A

bài

300.000

 

- Loại B

-

200.000

 

- Loại C

-

100.000

5

Thưởng ảnh đẹp:

 

 

 

- Loại A

ảnh

100.000

 

- Loại B

-

80.000

 

- Loại C

-

50.000

6

Nhuận bút cho chuyên trang báo về dân số

trang

500.000

7

Nhuận bút cho chuyên trang tạp chí (19x27) về dân số

-

150.000

8

Hỗ trợ in ấn, chế bản chuyên trang:

 

 

 

+ Báo ở Trung ương(tối đa không quá 2 trang/năm, riêng Báo Phụ nữ Việt Nam không quá 4 trang/năm)

trang

500.000

 

+ Tạp chí ở Trung ương (tối đa không quá 2 trang/năm)

trang

100.000

9

Các hoạt động truyền thông xã

 

 

 

- Bồi dưỡng cho nhóm tư vấn nhỏ

người/ngày

5.000

 

- Truyền thanh xã (biên tập, phát thanh)

bài/100 từ

10.000

 

- Sửa chữa Panô, khẩu hiệu: Theo giá thị trường tại địa phương

 

 

 

- Chiếu phim Video

3 người/buổi/4 giờ

15.000

 

- Nói chuyện chuyên đề

người/buổi/4h

30.000

10

Chiến dịch truyền thông: (tuyến xã)

 

 

 

- Điều tra nắm đối tượng

chiến dịch

300.000

 

- Bồi dưỡng cán bộ tham gia chiến dịch

người/ngày

5.000

 

- Chi phí trang trí và thuê phương tiện: theo giá thị trường tại địa phương

chiến dịch

 

 

Bộ Tài chính

Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình

Thứ trưởng

Phó Chủ nhiệm

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Thị Kim Ngân

Nguyễn Du