• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 13/06/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 01/02/2010
CHÍNH PHỦ
Số: 51/2006/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đồng Tháp, ngày 19 tháng 5 năm 2006

NGHỊ ĐỊNH

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính

trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ

 

CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 07 năm 2002;

Căn cứ Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ ngày 25 tháng 06 năm 1996;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

 

NGHỊ ĐỊNH:

 

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả.

2. Nghị định này áp dụng đối với mọi cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ mà không phải là tội phạm và theo quy định của Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ trong phạm vi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng bị xử phạt theo Nghị định này, trừ trường hợp các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

3. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ bao gồm:

a) Hành vi vi phạm quy định về khai báo, đăng ký, giấy phép quy định tại Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ;

b) Hành vi vi phạm các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn bức xạ;

c) Hành vi vi phạm các quy định cụ thể của Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ và Nghị định số 50/1998/NĐ-CP ngày 16 tháng 07 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ (sau đây viết tắt là NĐ 50/1998/NĐ-CP)

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ trong Nghị định này được hiểu như sau:

1. "Thiết bị bức xạ" là thiết bị có thể phát ra bức xạ ion hoá, bao gồm các thiết bị chỉ phát bức xạ khi ở chế độ hoạt động (như các máy phát tia X, máy gia tốc...) và thiết bị bức xạ có gắn nguồn phóng xạ ở bên trong (như thiết bị xạ trị từ xa, thiết bị xạ trị áp sát, thiết bị đo trong công nghiệp và nghiên cứu, các máy phát tia X dùng trong phân tích ở các cửa hàng vàng bạc, các cơ sở chiếu xạ, lò phản ứng hạt nhân...).

2. "Nguồn phóng xạ" là các chất phóng xạ được sử dụng cùng với thiết bị hoặc sử dụng một mình trong việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào một mục tiêu xác định. Nguồn phóng xạ có thể ở dạng kín hoặc dạng hở.

3. "Nguồn phóng xạ kín" là nguồn phóng xạ trong đó chất phóng xạ được bao kín trong lớp vỏ bọc có cấu trúc đặc biệt đảm bảo không cho chất phóng xạ của nó thoát ra môi trường trong điều kiện làm việc bình thường hoặc trong trường hợp có sự cố bức xạ.

4. "Nguồn phóng xạ hở" là nguồn phóng xạ không được bao kín trong một lớp vỏ bọc mà nó có cấu trúc đặc biệt như nguồn phóng xạ kín, chất phóng xạ có thể được chia tách trong quá trình sử dụng hoặc dễ bị rò rỉ trong điều kiện sử dụng bình thường.

5. "Dịch vụ an toàn bức xạ" là các hoạt động phục vụ các công việc về an toàn bức xạ cho các cơ sở bức xạ, làm dịch vụ đo liều xạ cá nhân, thiết kế xây dựng cải tạo, mở rộng, nâng cấp các cơ sở bức xạ như phòng X quang, khoa y học hạt nhân, cơ sở xạ trị từ xa, kho chứa nguồn phóng xạ, kho chứa chất phóng xạ và chất thải phóng xạ, đánh giá an toàn bức xạ, đánh giá tác động bức xạ đối với môi trường, kiểm định chất lượng của các thiết bị bức xạ, hiệu chuẩn thiết bị đo lường bức xạ và thiết bị bức xạ.

6. "Chỉ số vận chuyển" là chỉ số dùng để kiểm soát sự chiếu xạ, để quy định lượng chất phóng xạ đựng trong kiện hàng phóng xạ nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt

1. Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ khi có hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định này.

2. Mọi vi phạm hành chính khi được phát hiện phải kịp thời đình chỉ ngay. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo quy định của pháp luật.

3. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

4. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần; một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm hành chính; nhiều người thực hiện cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

5. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức, mức xử phạt và các biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của Nghị định này.

6. Không xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

7. Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện cùng một lúc nhiều hành vi vi phạm hành chính, trong đó có vi phạm thuộc lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 42 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

8. Trường hợp khi xét thấy hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền quy định tại Điều 23, Điều 24 và Điều 25 của Nghị định này phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền giải quyết.

Nghiêm cấm áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ.

9. Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng được áp dụng theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Điều 4. Hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Phạt cảnh cáo: áp dụng đối với trường hợp vi phạm nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện;

b) Phạt tiền: căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, người có thẩm quyền quyết định mức phạt tiền trong khung phạt đã quy định.

Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó trong trường hợp không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức tối đa.

Vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được giảm dưới mức tối thiểu của khung tiền phạt đã quy định.

Vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên, nhưng không được tăng trên mức tối đa của khung tiền phạt đã quy định.

2. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ có thời hạn đến 6 tháng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

3. Ngoài các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị buộc áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc tẩy xạ những vùng bị nhiễm xạ để đạt tiêu chuẩn về môi trường;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

c) Buộc tiêu huỷ, chôn cất vật phẩm, hàng hoá chứa chất phóng xạ theo đúng quy định an toàn bức xạ;

d) Buộc cải tạo lại kết cấu xây dựng, che chắn theo tiêu chuẩn an toàn bức xạ để đảm bảo môi trường xung quanh;

đ) Buộc tái xuất tang vật vi phạm đã nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

e) Buộc thu hồi tang vật bị tẩu tán; truy tìm nguồn bức xạ để trả lại tình trạng ban đầu;

g) Buộc bố trí công việc thích hợp đối với người dưới 18 tuổi, người bị các bệnh cấm theo quy định của Bộ Y tế; phụ nữ có thai hoặc đang trong thời gian cho con bú theo quy định tại khoản 1 Điều 6, khoản 3 Điều 10 của Nghị định số 50/1998/NĐ-CP ngày 16 tháng 07 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ và Bộ luật Lao động;

h) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác quy định tại Chương II của Nghị định này.

Điều 5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và thời hạn được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ là hai năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hạn nói trên thì cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm không bị xử phạt, nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

2. Đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính thì bị xử phạt hành chính; trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.

3. Trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này. Thời hiệu được tính lại kể từ khi thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

4. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ, nếu qua một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ.

Chương II

CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH,

HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT

Điều 6. Hành vi vi phạm quy định về khai báo

1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có một trong các hành vi vi phạm quy định về khai báo cơ sở bức xạ, nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, chất thải phóng xạ, tiến hành công việc bức xạ, cụ thể:

a) Gian lận trong khai báo hoặc khai báo không đầy đủ;

b) Sửa chữa, tẩy xoá hồ sơ để có đủ điều kiện được áp dụng miễn trừ khai báo;

c) Không khai báo cơ sở bức xạ;

d) Không khai báo nguồn phóng xạ;

đ) Không khai báo thiết bị bức xạ;

e) Không khai báo chất thải phóng xạ;

g) Không khai báo khi tiến hành các công việc bức xạ.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cá nhân, tổ chức vi phạm khoản 1 Điều này thực hiện việc khai báo theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ.

Điều 7. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký

1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi gian lận trong đăng ký nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ và địa điểm cất giữ chất thải phóng xạ.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, chất thải phóng xạ nhưng không đăng ký theo quy định đối với nguồn phóng xạ và địa điểm cất giữ chất phóng xạ.

3. Các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cá nhân, tổ chức vi phạm khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện việc đăng ký theo quy định tại Điều 23 Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ.

Điều 8. Hành vi vi phạm quy định về giấy phép

1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi gian lận trong quá trình xin cấp giấy phép an toàn bức xạ theo quy định của Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép:

a) Làm công việc bức xạ đặc biệt;

b) Làm các công việc dịch vụ liên quan đến an toàn bức xạ.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép:

a) Sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trong khám, chữa bệnh;

b) Sử dụng nguồn phóng xạ để phân tích cấu trúc, thành phần hoá học của các vật liệu, kiểm tra chất lượng công trình, kiểm tra an ninh, kiểm tra đo lường, chất lượng hàng hoá;

c) Sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ để thử nghiệm hoặc nghiên cứu khoa học.

4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép:

a) Xuất khẩu, nhập khẩu, tạm xuất tái nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khẩu các nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ;

b) Sửa chữa, lắp ráp, thay thế nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ;

c) Sản xuất sản phẩm, hàng hoá tiêu dùng chứa chất phóng xạ;

d) Vận chuyển quá cảnh nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ hoặc chất thải phóng xạ.

5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép:

a) Sản xuất nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở, thiết bị bức xạ mà không có giấy phép;

b) Hoạt động chiếu xạ (bao gồm: sử dụng máy gia tốc, thiết bị phát tia X, thiết bị chứa nguồn phóng xạ hoạt độ cao có thể tạo ra trường bức xạ mạnh để khử trùng hoặc xử lý bảo quản sản phẩm thương mại) hoặc chụp ảnh phóng xạ cố định;

c) Khai thác, chế biến quặng phóng xạ;

d) Xử lý, chôn cất chất thải phóng xạ.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này phải thực hiện các biện pháp bảo đảm về an toàn bức xạ;

b) Buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại điểm c khoản 4 Điều này tiêu huỷ, chôn cất các sản phẩm, hàng hoá tiêu dùng chứa chất phóng xạ vượt quá mức cho phép theo quy định của pháp luật;

c) Buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này phải thực hiện việc xin cấp giấy phép theo quy định tại Điều 24 Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử lý của người có thẩm quyền.

Điều 9. Hành vi vi phạm quy định về nâng cấp, cải tạo cơ sở bức xạ

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép:

a) Tự ý nâng cấp, mở rộng phạm vi hoạt động của cơ sở bức xạ;

b) Đưa cơ sở bức xạ hoạt động trở lại sau khi nâng cấp, cải tạo.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm khoản 1 Điều này thực hiện việc xin cấp giấy phép theo quy định tại Điều 24 Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử lý của người có thẩm quyền.

Điều 10. Hành vi sử dụng giấy phép quá thời hạn

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức sử dụng giấy phép hoạt động cho cơ sở bức xạ, giấy phép tiến hành công việc bức xạ và giấy phép cho nhân viên làm công việc bức xạ đặc biệt đã hết hạn sử dụng nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày giấy phép hết hạn.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức sử dụng giấy phép hoạt động cho cơ sở bức xạ, giấy phép tiến hành công việc bức xạ và giấy phép cho nhân viên làm công việc bức xạ đặc biệt đã hết hạn sử dụng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện việc xin gia hạn giấy phép theo quy định tại Điều 26 Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử lý của người có thẩm quyền.

Điều 11. Hành vi vi phạm điều kiện được quy định trong giấy phép

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm một trong các điều kiện đã ghi trong giấy phép.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ vào mục đích khác so với quy định trong giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ.

3. Hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn đến 3 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này và tước quyền sử dụng giấy phép đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện đúng các điều kiện được ghi trong giấy phép.

Điều 12. Hành vi vi phạm về xuất nhập khẩu thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ và chất thải phóng xạ

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi xuất nhập khẩu không đúng các tham số kỹ thuật của thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ ghi trong giấy phép.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi nhập khẩu thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ thuộc Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu.

3. Hình thức phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép về an toàn bức xạ đến 6 tháng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều này phải thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn bức xạ và buộc tái xuất tang vật vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 13. Hành vi vi phạm quy định về cất giữ, lưu giữ, chuyển nhượng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ và chất thải phóng xạ

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Mua bán, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ mà không có giấy phép;

b) Cất giữ nguồn phóng xạ và lưu giữ tạm thời chất thải phóng xạ mà không có giấy phép.

2. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức làm mất, thất lạc, rơi vãi nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ do thiếu trách nhiệm trong khi quản lý, sử dụng.

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này nhưng cố tình không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ.

4. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này về kho chứa nguồn phóng xạ gần nhất đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép sử dụng.

5. Các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm điểm a, điểm b khoản 1 Điều này phải thực hiện các biện pháp an toàn bức xạ theo quy định của pháp luật và cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ;

b) Buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại khoản 2, khoản 3 Điều này phải thực hiện các biện pháp sau: thông báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ, cơ quan công an nơi gần nhất; truy tìm nguồn bức xạ để khôi phục lại tình trạng ban đầu; chi phí cho việc tìm kiếm, khắc phục do cá nhân, tổ chức quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ chịu trách nhiệm.

Điều 14. Hành vi vi phạm quy định về vận chuyển nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Vận chuyển không đúng về số lượng, chủng loại và tuyến đường quy định trong giấy phép của cơ quan có thẩm quyền;

b) Sử dụng phương tiện vận chuyển không đúng quy định về an toàn bức xạ;

c) Vi phạm quy định về bao bì, đóng gói, ký hiệu liên quan đến an toàn bức xạ khi vận chuyển nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ;

d) Vận chuyển mà không có nhân viên chịu trách nhiệm về an toàn bức xạ đi kèm (trừ trường hợp vận chuyển các thiết bị bức xạ chỉ khi hoạt động mới phát ra bức xạ);

đ) Vận chuyển các kiện hàng và các chuyến hàng vượt quá chỉ số vận chuyển quy định;

e) Vận chuyển trong điều kiện liều bức xạ tại buồng lái và tại chỗ người ngồi vượt quá quy định về an toàn bức xạ.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi để rơi vãi nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ trong quá trình vận chuyển.

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này ảnh hưởng đến sức khoẻ môi trường.

4. Hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn đến 3 tháng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm một trong các quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc các cá nhân, tổ chức vi phạm một trong các quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được vận chuyển theo đúng quy định của giấy phép vận chuyển và phải thực hiện các biện pháp an toàn bức xạ theo quy định;

b) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm khoản 2, khoản 3 Điều này phải thực hiện các biện pháp sau: thông báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ, cơ quan công an nơi gần nhất; thu hồi nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ rơi vãi và thực hiện việc tẩy xạ những vùng bị nhiễm xạ để đạt được quy định về tiêu chuẩn môi trường; chi phí cho việc khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức vận chuyển nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ chịu trách nhiệm.

Điều 15. Hành vi vi phạm quy định làm các công việc dịch vụ liên quan đến an toàn bức xạ

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Làm các dịch vụ liên quan đến an toàn bức xạ nhưng vi phạm các quy định về an toàn bức xạ;

b) Làm các dịch vụ liên quan đến an toàn bức xạ nhưng vượt quá thẩm quyền cho phép của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ;

c) Định kỳ không báo cáo kết quả đo liều bức xạ cá nhân cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ không đạt tiêu chuẩn chất lượng để chẩn đoán và điều trị trong khám, chữa bệnh.

3. Hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này.

4. Các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thực hiện quy định về đảm bảo an toàn bức xạ; vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải thực hiện đúng thẩm quyền cho phép;

b) Buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này phải thực hiện việc báo cáo kết quả đo liều bức xạ cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 50/1998/NĐ-CP ngày 16 tháng 07 năm 1998 của Chính phủ;

c) Buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này phải sửa chữa, hiệu chỉnh để đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định.

Điều 16. Hành vi vi phạm quy định về xử lý và quản lý chất thải phóng xạ

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Không lập hồ sơ lưu giữ đặc trưng chất thải phóng xạ của mỗi lần thải;

b) Không xử lý hoặc xử lý chất thải phóng xạ không theo đúng tiêu chuẩn quy định về an toàn bức xạ.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức sử dụng bể chứa, kho chứa chất thải phóng xạ không đúng tiêu chuẩn quy định về an toàn bức xạ.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức không tổ chức thu gom chất thải phóng xạ.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thải chất thải phóng xạ vượt quá quy định cho phép gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, môi trường.

5. Các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cải tạo lại bể chứa, kho chứa chất thải phóng xạ theo đúng tiêu chuẩn quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Buộc tẩy xạ tại những vùng bị nhiễm xạ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này để đạt tiêu chuẩn về môi trường;

c) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm khoản 3 Điều này thực hiện thu gom chất thải phóng xạ theo quy định;

d) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm khoản 4 Điều này thực hiện không thải phóng xạ ra môi trường quá mức cho phép.

Điều 17. Hành vi vi phạm quy định về địa điểm cơ sở bức xạ

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức bố trí cơ sở bức xạ không đúng địa điểm phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ.

2. Các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc phải di chuyển đến địa điểm đã được phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ.

Điều 18. Hành vi vi phạm quy định về che chắn, quy định về kích thước phòng để tiến hành công việc bức xạ

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Để lọt tia bức xạ quá mức liều xạ giới hạn cho phép;

b) Sử dụng phòng để tiến hành công việc bức xạ có chiều dày của tường, trần nhà, sàn nhà, cửa ra vào, cửa sổ không đủ độ dày theo quy định về an toàn bức xạ, chiều cao của mép dưới cửa sổ, cửa thông gió không cao quá 2 mét so với nền ở phía ngoài.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức sử dụng phòng có kích thước không đạt tiêu chuẩn quy định để tiến hành công việc bức xạ.

3. Hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép đến 3 tháng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm khoản 1 Điều này phải cải tạo lại phòng có kết cấu xây dựng đảm bảo quy định bảo vệ che chắn về an toàn bức xạ;

b) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm khoản 2 Điều này phải cải tạo lại phòng đạt kích thước theo tiêu chuẩn quy định để tiến hành công việc bức xạ.

Điều 19. Hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức khi sản xuất, chế biến, sử dụng chất phóng xạ, nguồn phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức không thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời khi phát hiện môi trường bị nhiễm xạ.

3. Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện việc chôn cất, xử lý các chất thải phóng xạ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ của nhân dân.

4. Hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép về lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ đến 6 tháng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này.

5. Các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tẩy xạ tại những vùng bị nhiễm xạ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để đạt tiêu chuẩn về môi trường;

b) Buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại khoản 3 Điều này phải thực hiện quy định tại điểm a khoản 5 Điều này và thực hiện lại việc chôn cất, xử lý các chất thải phóng xạ để đạt tiêu chuẩn về môi trường;

c) Các chi phí cho việc khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này chịu trách nhiệm.

Điều 20. Hành vi vi phạm các quy định cụ thể của Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ và Nghị định số 50/1998/NĐ-CP

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm một trong các quy định sau đây:

a) Không có biển báo, đèn cảnh báo bức xạ gắn tại những nơi quy định;

b) Không có nội quy về an toàn bức xạ đối với cơ sở bức xạ;

c) Không có quy trình vận hành thiết bị bức xạ.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức không tổ chức lưu giữ một trong các hồ sơ sau đây:

a) Hồ sơ kiểm xạ môi trường;

b) Hồ sơ bảo dưỡng định kỳ máy móc và hệ thống đảm bảo an toàn bức xạ;

c) Hồ sơ sức khoẻ của nhân viên bức xạ;

d) Hồ sơ liều xạ cá nhân của nhân viên bức xạ;

đ) Các hồ sơ về nâng cấp, mở rộng phạm vi hoạt động của cơ sở bức xạ, kiểm tra chất lượng, kiểm định định kỳ, hiệu chuẩn hàng năm các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ theo quy định;

e) Nhật ký vận hành thiết bị;

g) Hồ sơ các đợt thải chất thải phóng xạ;

h) Hồ sơ về thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm một trong các quy định sau đây:

a) Không bổ nhiệm người phụ trách an toàn bức xạ;

b) Bổ nhiệm người phụ trách an toàn bức xạ không có chứng chỉ đào tạo về an toàn bức xạ theo đúng quy định tại Điều 5, 8 và 26 của Nghị định số 50/1998/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ;

c) Không tổ chức đào tạo và đào tạo lại các kiến thức an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ theo quy định của Nghị định số 50/1998/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ.

d) Không thành lập đội phòng, chống và khắc phục sự cố bức xạ thích hợp với quy mô hoạt động của cơ sở.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm một trong các quy định sau đây:

a) Tuyển dụng người dưới 18 tuổi làm nhân viên bức xạ;

b) Tuyển dụng người bị bệnh cấm kỵ bức xạ làm nhân viên bức xạ;

c) Không kiểm tra sức khoẻ định kỳ nhân viên bức xạ theo quy định;

d) Để phụ nữ có thai, trong thời gian cho con bú làm việc với bức xạ;

đ) Không trang bị liều xạ kế cá nhân cho nhân viên bức xạ;

e) Không tổ chức định kỳ đánh giá liều bức xạ cá nhân theo quy định;

g) Không trang bị bảo hộ lao động thích hợp cho nhân viên bức xạ;

h) Không trang bị tủ hút thích hợp cho công việc với chất phóng xạ sinh ra dạng khí, hơi, sol khí;

i) Không có các dụng cụ che chắn thích hợp cho từng loại công việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân;

k) Không định kỳ kiểm tra chất lượng của các thiết bị bức xạ sử dụng trong y tế;

l) Không hiệu chuẩn hàng năm đối với các thiết bị đo liều bức xạ, nguồn xạ trị;

m) Sửa chữa làm sai lệch các thông số của thiết bị bức xạ mà không được hiệu chuẩn và cho phép sử dụng trở lại.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm một trong các quy định sau đây:

a) Không kiểm kê nguồn bức xạ theo định kỳ hàng năm;

b) Không báo cáo tình hình an toàn bức xạ hàng năm với cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ;

c) Không kiểm xạ định kỳ môi trường xung quanh cơ sở bức xạ;

d) Không kiểm xạ định kỳ tại nơi làm việc của nhân viên bức xạ;

đ) Không có máy cảnh báo bức xạ đối với các cơ sở có lò phản ứng, máy gia tốc, chiếu xạ, cơ sở xạ trị từ xa, các cơ sở khai thác và chế biến quặng phóng xạ;

e) Không có kế hoạch phòng, chống sự cố bức xạ;

g) Không phát hiện kịp thời và xử lý sự cố bức xạ không theo kế hoạch;

h) Không báo cáo kịp thời cho cơ quan quản lý về an toàn bức xạ và các cơ quan có liên quan;

i) Không thực hiện đầy đủ các biện pháp thuộc trách nhiệm của mình khi có sự cố bức xạ xảy ra;

k) Không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm lệnh huy động khẩn cấp nhân lực, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố bức xạ;

l) Gây cản trở hoặc không thực hiện đúng các hướng dẫn khi các cơ quan chức năng tiến hành khắc phục sự cố bức xạ.

6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Tự động cắt bỏ hệ thống bảo đảm an toàn bức xạ;

b) Không tổ chức bảo dưỡng định kỳ hệ thống bảo đảm an toàn bức xạ dẫn đến vi phạm quy định về an toàn bức xạ.

7. Các biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm khoản 1 Điều này phải gắn biển báo, xây dựng nội quy ra vào và hoạt động của cơ sở bức xạ; xây dựng quy trình vận hành thiết bị bức xạ;

b) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm khoản 2 Điều này phải xây dựng và lưu hồ sơ liên quan đến an toàn và kiểm soát bức xạ;

c) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm điểm a, b, c khoản 3 Điều này thực hiện các quy định về bổ nhiệm người phụ trách an toàn bức xạ và đào tạo về an toàn bức xạ cho người phụ trách, nhân viên làm công việc bức xạ; vi phạm điểm d khoản 3 Điều này phải thành lập đội phòng chống và khắc phục sự cố bức xạ thích hợp với quy mô hoạt động của cơ sở;

d) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm điểm a, b, d khoản 4 Điều này phải thực hiện quy định tại điểm g khoản 3 Điều 4 của Nghị định này; vi phạm điểm c, đ, e, g khoản 4 Điều này phải thực hiện việc khám sức khoẻ, trang bị liều kế cá nhân, trang bị bảo hộ cho nhân viên làm bức xạ; vi phạm điểm h, i, k, l, m khoản 4 Điều này phải thực hiện việc hiệu chuẩn, kiểm định thiết bị bức xạ, trang bị thiết bị an toàn theo quy định của pháp luật;

đ) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm điểm a, b khoản 5 Điều này thực hiện việc kiểm kê, báo cáo tình hình an toàn bức xạ; vi phạm điểm c, d khoản 5 Điều này phải kiểm xạ định kỳ theo quy định; vi phạm điểm đ khoản 5 Điều này phải trang bị máy cảnh báo bức xạ; vi phạm điểm e, g, h, i, k, l khoản 5 Điều này phải có kế hoạch phòng, chống sự cố bức xạ; phải xử lý sự cố theo kế hoạch; phải báo cáo kịp thời cho cơ quan quản lý về an toàn bức xạ và các cơ quan có liên quan; phải thực hiện đầy đủ các biện pháp thuộc trách nhiệm của mình khi có sự cố bức xạ xảy ra; phải thực hiện lệnh huy động khẩn cấp nhân lực, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố; phải thực hiện đúng các hướng dẫn khi các cơ quan chức năng tiến hành khắc phục sự cố bức xạ.

Điều 21. Hành vi vi phạm quy định về giải thể cơ sở bức xạ

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện việc giải thể cơ sở bức xạ không đúng thủ tục, trình tự quy định tại Điều 15 của Nghị định số 50/1998/NĐ-CP ngày 16 tháng 07 năm 1998 của Chính phủ.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cá nhân, tổ chức có cơ sở bức xạ giải thể thực hiện đúng các quy định về thủ tục, trình tự giải thể cơ sở bức xạ theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra về an toàn bức xạ;

b) Cung cấp thông tin không đầy đủ cho người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra về an toàn bức xạ.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Xúc phạm, đe dọa người đang thi hành công vụ trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ;

b) Lẩn tránh, cản trở, trì hoãn việc thực hiện các nội dung, yêu cầu, kiến nghị của người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra hoặc quyết định thanh tra, kiểm tra về an toàn và kiểm soát bức xạ.

Chương III
THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT

Điều 23. Thẩm quyền xử phạt của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a, b, c, d, e, g, h khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này gồm:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 70.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép do Sở Khoa học và Công nghệ cấp đến 6 tháng;

Trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép liên quan đến lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ do cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ cấp trên cấp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm, thu hồi giấy phép và đề nghị cơ quan có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép đó.

đ) áp dụng một hoặc các biện pháp khác quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

Điều 24. Thẩm quyền xử phạt của cơ quan thanh tra chuyên ngành về an toàn và kiểm soát bức xạ

1. Thanh tra viên chuyên ngành an toàn và kiểm soát bức xạ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thi hành công vụ có quyền áp dụng các hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này gồm:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 200.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;

c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, b, c, d, e, g, h khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

2. Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này bao gồm:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để gây ra vi phạm hành chính;

c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, b, c, d, e, g, h khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

3. Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này bao gồm:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 70.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để gây ra hành vi vi phạm hành chính;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cấp đến 6 tháng;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

Điều 25. Thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, cơ quan Hải quan, cơ quan Quản lý thị trường và Thanh tra chuyên ngành khác.

Cơ quan Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, cơ quan Hải quan, cơ quan Quản lý thị trường và Thanh tra chuyên ngành khác có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các Điều 31, 32, 33, 34, 37 và Điều 38 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đối với những vi phạm hành chính liên quan đến an toàn và kiểm soát bức xạ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình.

Điều 26. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ trong việc xử lý vi phạm hành chính

Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân là cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ và có trách nhiệm tham gia, phối hợp với các cơ quan khác có thẩm quyền ở trung ương và địa phương trong việc xử lý vi phạm hành chính và khắc phục hậu quả sự cố bức xạ theo quy định về an toàn và kiểm soát bức xạ khi các cơ quan này yêu cầu.

Điều 27. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ ở địa phương mình.

2. Chánh thanh tra và Thanh tra viên chuyên ngành của các cơ quan: Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ thuộc phạm vi quản lý của Thủ trưởng cùng cấp.

Trường hợp hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền của Chánh thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ thì chuyển hồ sơ vi phạm để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ của những người được quy định ở Điều 25 của Nghị định này được thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 28. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

1. Khi phát hiện hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ, người có thẩm quyền xử phạt phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm và yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện đúng các quy định của pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ.

2. Trường hợp xác định được rõ ràng hành vi vi phạm thuộc diện áp dụng hình thức phạt cảnh cáo thì người có thẩm quyền xử phạt không lập biên bản mà quyết định xử phạt bằng văn bản ngay tại nơi xảy ra vi phạm.

Trường hợp xét thấy vi phạm có thể phải áp dụng hình thức phạt tiền thì người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản về vi phạm hành chính tuân theo quy định tại Điều 55 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Người lập biên bản vi phạm hành chính phải tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức vi phạm trình bày ý kiến về hành vi vi phạm.

3. Nếu xét thấy việc xử lý vi phạm cần có ý kiến đánh giá, kết luận của cơ quan chuyên môn về an toàn và kiểm soát bức xạ thì người có thẩm quyền xử phạt chỉ lập biên bản thanh tra, kiểm tra, kiểm soát để làm căn cứ giải quyết. Đồng thời, người có thẩm quyền xử phạt gửi hồ sơ, chứng cứ vi phạm và văn bản đề nghị trưng cầu giám định cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ theo quy định tại Điều 26 của Nghị định này hoặc Sở Khoa học và Công nghệ để cho ý kiến đánh giá, kết luận về vi phạm và các hình thức, biện pháp xử lý phù hợp với hành vi vi phạm.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu và hồ sơ, chứng cứ vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ hoặc Sở Khoa học và Công nghệ phải có ý kiến bằng văn bản gửi cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ.

4. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền phải ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm, trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Việc quyết định xử phạt và nội dung quyết định xử phạt phải tuân theo quy định tại Điều 56 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Ngày có hiệu lực của quyết định xử phạt là ngày ký, trừ trường hợp trong quyết định quy định ngày có hiệu lực khác.

Quyết định xử phạt phải được gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt và cơ quan thu tiền phạt trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày ký; đồng thời phải được gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để phối hợp theo dõi và thực hiện các thủ tục về xác lập, sửa đổi, đình chỉ, huỷ bỏ giấy phép.

Điều 29. Thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép

1. Khi tước quyền sử dụng giấy phép, người có thẩm quyền xử phạt thu giữ giấy phép được ghi trong quyết định xử phạt và thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy phép đó biết.

2. Khi hết thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép ghi trong quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt giao lại giấy phép cho cá nhân, tổ chức đã bị tước giấy phép đó.

3. Khi phát hiện giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật thì người có thẩm quyền xử phạt phải tiến hành thu hồi ngay; đồng thời báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết.

Điều 30. Thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

1. Thẩm quyền và thủ tục áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tuân theo quy định tại Điều 46 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

2. Biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được áp dụng trong trường hợp cần phải ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hoặc bảo đảm chứng cứ cần thiết để xác minh tình tiết làm căn cứ cho việc quyết định xử lý vi phạm.

Đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại khoản 3; điểm a, điểm b khoản 4; điểm a, điểm b khoản 5 Điều 8 của Nghị định này thì người có thẩm quyền phải thực hiện biện pháp tạm giữ để đưa về kho chứa nguồn phóng xạ đối với tang vật là nguồn phóng xạ; thực hiện việc niêm phong cho đến khi có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với tang vật là thiết bị bức xạ.

Chi phí vận chuyển, bảo quản do cá nhân, tổ chức quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ chịu trách nhiệm.

3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo những biện pháp ghi trong quyết định xử lý hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể kéo dài đối với những vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, phương tiện. Việc kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện phải do những người quy định tại khoản 1 Điều 46 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 quyết định.

4. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm một bản.

5. Đối với việc tạm giữ tang vật vi phạm là nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ thì ngoài việc tuân thủ theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều này còn phải thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn bức xạ.

Điều 31. Thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ tuân theo quy định tại Điều 60 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Điều 32. Thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ tuân theo quy định tại Điều 61của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và quy định sau đây:

Áp dụng biện pháp tiêu huỷ trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm là những đối tượng sau:

1. Hàng hoá vi phạm có thể gây hại cho tính mạng, sức khoẻ con người và môi trường;

2. Hàng hóa, vật phẩm vi phạm không có giá trị sử dụng.

Điều 33. Thi hành quyết định xử phạt

1. Trường hợp vượt quá 10 ngày, kể từ ngày cá nhân, tổ chức bị xử phạt nhận được quyết định xử phạt mà không tự giác chấp hành thì người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

2. Việc thi hành quyết định xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm được thực hiện theo quy định tại các Điều 64, 65, 66, 67, 68 và Điều 69 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 03 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Chương IV
GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO,

XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHEN THƯỞNG

Điều 34. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

2. Công dân có quyền tố cáo với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền những vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ của cá nhân, tổ chức khác hoặc tố cáo hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền xử phạt vi phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ.

3. Thẩm quyền, thời hạn và thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 35. Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ mà vi phạm các quy định về xử phạt vi phạm hành chính thì bị xử lý theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Điều 36. Khen thưởng, kỷ luật

Cá nhân, tổ chức có thành tích trong việc cung cấp thông tin, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ được khen thưởng theo quy định của nhà nước.

Cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh Cán bộ, công chức có hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định này thì ngoài việc phải chịu xử phạt vi phạm hành chính còn phải bị xử lý kỷ luật theo quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức.

ChươngV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 37. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 19/2001/NĐ-CP ngày 11 tháng 05 năm 2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ.

Điều 38. Trách nhiệm thi hành Nghị định

1. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.