• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/11/2011
BỘ QUỐC PHÒNG
Số: 184/2011/TT-BQP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đồng Tháp, ngày 11 tháng 10 năm 2011

THÔNG TƯ

Quy định Danh mục công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến

______________________

 

Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 30 tháng 12 năm 1981; Luật sửa đổi bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1990; Luật sửa đổi bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1994 và Luật sửa đổi bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2005;

Căn cứ Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên ngày 27 tháng 8 năm 1996;

Căn cứ Nghị định số 42/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến;

Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Xét đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng,

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định danh mục công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến, như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định danh mục công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến, theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 42/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ, quy định công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với công dân Việt Nam thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự (kể cả nữ có chuyên môn cần cho quân đội); các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) nơi có công dân Việt Nam thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự.

2. Quy định này không áp dụng đối với công dân đang phục vụ trong Công an nhân dân, những công dân có chuyên môn đã được xếp vào các đơn vị chuyên môn dự bị.

3. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều động những công dân có chuyên môn vào phục vụ trong Quân đội kể cả công dân thuộc diện được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Số lượng lao động của doanh nghiệp là những người đang làm việc tại doanh nghiệp và tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

2. Các cơ quan, tổ chức quy định trong Thông tư này là các cơ quan, tổ chức hoạt động bình thường trong thời chiến.

3. Phần trăm số công dân được miễn gọi nhập ngũ là tỉ lệ giữa công dân được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến so với công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự.

Điều 4. Việc xác nhận công dân được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến

1. Công dân có quyết định bổ nhiệm chức vụ, điều động công tác hoặc có chứng nhận về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, học hàm, học vị, danh hiệu của cấp có thẩm quyền là căn cứ để xác nhận công dân đó thuộc diện được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến.

2. Việc xác nhận số lượng cụ thể công dân được miễn gọi nhập ngũ theo số phần trăm của các cơ quan, tổ chức trong Thông tư này do Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) xác nhận đối với các cơ quan, tổ chức có trụ sở chính đặt tại địa bàn.

Điều 5. Đăng ký, quản lý công dân thuộc diện được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến

1. Việc đăng ký công dân thuộc diện được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến thực hiện theo Điều 29, Điều 30 Nghị định số 83/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về đăng ký nghĩa vụ quân sự.

2. Quản lý công dân thuộc diện được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến:

a) Công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến sau khi đã đăng ký với cơ quan quân sự cấp huyện được quản lý riêng, hàng năm báo cáo lên cấp trên theo quy định;

b) Sáu tháng một lần, vào thời gian từ ngày 01 đến ngày 10 tháng Một và từ ngày 01 đến ngày 10 tháng Bảy hàng năm, Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), Ban chỉ huy quân sự hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện đối chiếu, sửa đổi, bổ sung danh sách những công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến.

Chương II

DANH MỤC CÔNG DÂN THUỘC DIỆN LÀM NGHĨA VỤ QUÂN SỰ ĐƯỢC MIỄN GỌI NHẬP NGŨ TRONG THỜI CHIẾN

Điều 6. Công dân được miễn gọi nhập ngũ trong các cơ quan nhà nước

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự, Trưởng công an các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng dân tộc ít người được Chính phủ xác định đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).

2. Trưởng các phòng: Tài chính - Kế hoạch, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với các huyện hoặc Kinh tế đối với các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Giám đốc Bảo hiểm xã hội cấp huyện.

3. Chánh Thanh tra cấp tỉnh, bộ; Tổng Thanh tra, Phó Tổng thanh tra Chính phủ.

4. Giám đốc sở và các chức vụ tương đương thuộc cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh; Giám đốc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh.

5. Vụ trưởng các vụ trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là bộ, ngành); Cục trưởng, Tổng cục trưởng, Bộ trưởng, Thứ trưởng và các chức vụ tương đương thuộc cơ quan Trung ương các bộ, ngành.

6. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự các cơ quan, tổ chức ở Trung ương.

7. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Giám đốc Ngân hàng nhà nước cấp tỉnh; Giám đốc Kho bạc nhà nước.

8. Công dân trực tiếp vẽ, in, đúc tiền.

9. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và Trạm trưởng các trạm: kiểm dịch y tế, kiểm dịch động vật, thực vật đang làm việc ở các cửa khẩu quốc tế.

10. Công dân đang công tác trong ngành cơ yếu.

Điều 7. Công dân được miễn gọi nhập ngũ trong các tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam

1. Bí thư Đảng ủy cấp xã; Bí thư, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cấp huyện, cấp tỉnh.

2. Trưởng ban Tổ chức cấp huyện; Trưởng các Ban Xây dựng Đảng cấp tỉnh; Vụ trưởng, Trưởng ban của các Ban Xây dựng Đảng ở Trung ương.

3. Bí thư Đảng ủy Khối dân chính đảng, Đảng ủy Khối doanh nghiệp cấp tỉnh; Bí thư Đảng ủy của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương; Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.

4. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan Trung ương Đảng.

Điều 8. Công dân được miễn gọi nhập ngũ trong các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội

1. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp tỉnh; Trưởng ban và các chức vụ tương đương, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cấp huyện, cấp tỉnh; Trưởng ban và các chức vụ tương đương, Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

3. Chủ tịch Liên đoàn lao động cấp tỉnh; Trưởng ban và các chức vụ tương đương, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

4. Chủ tịch các hội thuộc tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương các hội thuộc tổ chức chính trị - xã hội.

Điều 9. Các chức vụ được miễn gọi nhập ngũ trong các tổ chức kinh tế

1. Chủ tịch hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng doanh nghiệp nhà nước có từ 350 lao động trở lên hoặc doanh nghiệp nhà nước có từ 150 lao động đến dưới 350 lao động nhưng có tác động lớn đến hoạt động kinh tế của một vùng, một lĩnh vực kinh tế của đất nước hoặc doanh nghiệp có công nghệ cao sản xuất ra nhiều sản phẩm; một Phó Giám đốc doanh nghiệp nhà nước có từ 700 lao động trở lên; các Phó Giám đốc, Chánh Thanh tra, Trưởng phòng và tương đương doanh nghiệp nhà nước có từ 1.400 lao động trở lên; Chủ tịch hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc các doanh nghiệp khác có từ 700 lao động trở lên.

Việc xác định doanh nghiệp nhà nước có từ 150 lao động đến dưới 350 lao động có tác động lớn đến hoạt động kinh tế của một vùng, một lĩnh vực kinh tế của đất nước hoặc doanh nghiệp công nghệ cao sản xuất ra nhiều sản phẩm, do doanh nghiệp đề nghị; Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận.

2. Giám đốc các cảng biển quốc tế; Giám đốc các cảng hàng không.

3. Quản đốc phân xưởng, Đội trưởng các đội xây dựng, sản xuất, Chỉ huy trưởng công trường thuộc các doanh nghiệp nhà nước, có từ 350 lao động trở lên.

4. Cán bộ phụ trách các dây chuyền sản xuất, sửa chữa các sản phẩm quốc phòng.

5. Giám đốc Trung tâm viễn thông cấp tỉnh; Giám đốc Trung tâm điều hành thông tin cấp tỉnh.

6. Thuyền trưởng, máy trưởng các tàu có công suất từ 1960 CV trở lên thuộc các doanh nghiệp nhà nước và không nằm trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội khi có lệnh động viên.

7. Cơ trưởng, Cơ phó, Tiếp viên trưởng các loại tàu bay thuộc các doanh nghiệp của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam và không nằm trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội khi có lệnh động viên; người đứng đầu bộ phận kỹ thuật thuộc cảng hàng không quốc tế; người đứng đầu Công ty Kỹ thuật máy bay và các công ty thành viên thuộc Tổng Công ty hàng không Việt Nam; Giám đốc, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành khai thác bay.

8. Người đứng đầu cơ quan điều hành vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.

Điều 10. Công dân được miễn gọi nhập ngũ thuộc ngành điện, than, dầu mỏ, khí đốt, xăng dầu, hóa chất

1. Cán bộ, công nhân trong các dây chuyền sản xuất, sửa chữa các sản phẩm quốc phòng trong thời kỳ chiến tranh.

2. Người phụ trách bộ phận vận hành, sửa chữa lò, máy ở các nhà máy phát điện; người phụ trách bộ phận vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến thế của hệ thống cao áp thuộc các cơ sở phân phối và truyền tải điện.

3. Năm mươi phần trăm kỹ sư hóa dầu trong các doanh nghiệp.

4. Công dân làm việc trong các cơ quan, tổ chức nhà nước thuộc ngành điện, than, dầu mỏ, khí đốt, xăng dầu, hóa chất đang hoạt động ở các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng dân tộc ít người được Chính phủ xác định đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội.

Điều 11. Công dân được miễn gọi nhập ngũ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

Công nhân kỹ thuật trồng, khai thác và chế biến cao su, cà phê, cây công nghiệp, khai thác, chế biến lâm sản, thủy sản thuộc các doanh nghiệp nhà nước đang công tác ở các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng dân tộc ít người được Chính phủ xác định đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội.

Điều 12. Công dân được miễn gọi nhập ngũ thuộc ngành giao thông vận tải

1. Lái chính, thợ máy chính, thợ điện chính các tàu vận tải, du lịch đường thủy thuộc doanh nghiệp nhà nước có công suất 1960 CV trở lên; tàu hoa tiêu, tàu cuốc, tàu cứu hộ thuộc doanh nghiệp nhà nước mà phương tiện không nằm trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội khi có lệnh động viên.

2. Nhân viên gác đèn biển, nhân viên hoa tiêu.

3. Lái chính, thợ máy chính ca nô tại các bến phà do nhà nước quản lý mà phương tiện không nằm trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội khi có lệnh động viên.

4. Năm mươi phần trăm công nhân thuộc doanh nghiệp nhà nước đang bốc xếp ở các cảng biển quốc tế.

5. Lái chính các đoàn tàu vận tải đường sắt đang hoạt động; điều độ viên chạy tàu, trực ban chạy tàu ga, trưởng đồn của ngành Đường sắt Việt Nam.

Điều 13. Công dân được miễn gọi nhập ngũ thuộc lĩnh vực điện tử, tin học, bưu chính, viễn thông

1. Cán bộ, nhân viên kỹ thuật bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ quốc phòng; công nhân trong các dây chuyền sản xuất, sửa chữa các sản phẩm quốc phòng trong thời kỳ chiến tranh.

2. Năm mươi phần trăm nhân viên kỹ thuật quản trị mạng ở các doanh nghiệp nhà nước có từ 350 lao động trở lên.

3. Cán bộ, nhân viên trong ngành bưu chính, viễn thông đang làm việc ở địa bàn các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng dân tộc ít người được Chính phủ xác định đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội.

Điều 14. Công dân được miễn gọi nhập ngũ thuộc ngành cơ khí, động lực

Cán bộ, công nhân trong các dây chuyền sản xuất, sửa chữa các sản phẩm quốc phòng trong thời kỳ chiến tranh.

Điều 15. Công dân được miễn gọi nhập ngũ thuộc ngành xây dựng

1. Công dân đang phụ trách và kỹ sư trưởng công trình trọng điểm quốc gia.

2. Cán bộ tư vấn giám sát đang giám sát các công trình trọng điểm quốc gia.

3. Công nhân đang làm đường, xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia trong thời kỳ chiến tranh.

4. Công nhân thuộc các doanh nghiệp nhà nước đang làm đường, xây dựng các công trình ở địa bàn xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng dân tộc ít người được Chính phủ xác định đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội.

Điều 16. Công dân được miễn gọi nhập ngũ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học

1. Viện trưởng, Phó Viện trưởng các viện nghiên cứu khoa học, Giám đốc các trung tâm nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm, trạm nghiên cứu, trạm quan trắc, trạm thử nghiệm thuộc Chính phủ và các bộ, ngành.

2. Chủ nhiệm các công trình nghiên cứu cấp bộ, ngành, quốc gia, quốc tế.

3. Công dân có trình độ tiến sỹ đang tham gia nghiên cứu khoa học đề tài cấp bộ, ngành, quốc gia, quốc tế.

4. Công dân có trình độ thạc sỹ hoặc nghiên cứu viên chính trở lên đang tham gia nghiên cứu trong các công trình khoa học cấp quốc gia, quốc tế.

5. Công dân có học hàm giáo sư, phó giáo sư đang tham gia nghiên cứu khoa học.

Điều 17. Công dân được miễn gọi nhập ngũ trong ngành giáo dục và đào tạo

1. Giám đốc, Phó Giám đốc Thường trực, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng Thường trực các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông, trung học cơ sở công lập; Hiệu trưởng Trường tiểu học và Trường mầm non công lập.

2. Trưởng khoa các học viện, trường đại học công lập.

3. Công dân có học hàm giáo sư, phó giáo sư, trình độ tiến sỹ, danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân, giảng viên cao cấp, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trở lên trong tất cả các học viện, nhà trường, cơ sở giáo dục và đào tạo công lập.

4. Giáo viên đang công tác ở địa bàn các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng dân tộc ít người được Chính phủ xác định đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội.

5. Giáo viên, giảng viên các học viện, nhà trường, cơ sở giáo dục và đào tạo công lập được miễn gọi nhập ngũ với số lượng tối thiểu đủ để giảng dạy theo số lượng học sinh, sinh viên hiện có của cơ sở đó trong thời chiến.

6. Học sinh đạt giải ba trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế được miễn gọi nhập ngũ đến khi học hết đại học.

Điều 18. Công dân được miễn gọi nhập ngũ trong lĩnh vực y tế, xã hội

1. Giám đốc các Trung tâm y tế, xã hội cấp tỉnh.

2. Giám đốc Bệnh viện tuyến huyện; Giám đốc, Phó Giám đốc Thường trực, Trưởng khoa bệnh viện tỉnh, Trung ương.

3. Công dân có danh hiệu thầy thuốc nhân dân, trình độ tiến sỹ đang làm việc trong lĩnh vực y tế, xã hội.

4. Công dân là bác sỹ cao cấp, bác sỹ chính, bác sỹ chuyên khoa cấp II đang công tác tại các chuyên ngành đặc biệt: giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, phong, lao, tâm thần, HIV/AIDS.

5. Cán bộ, nhân viên y tế đang công tác tại các cơ sở y tế ở địa bàn các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng dân tộc ít người được Chính phủ xác định đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội.

Điều 19. Công dân được miễn gọi nhập ngũ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật

1. Giám đốc Bảo tàng cấp bộ, quốc gia.

2. Đoàn trưởng các đoàn văn hóa nghệ thuật Trung ương.

3. Đạo diễn chính đang tham gia các chương trình, tác phẩm văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia.

4. Công dân có danh hiệu nghệ sỹ nhân dân đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Điều 20. Công dân được miễn gọi nhập ngũ trong lĩnh vực thể dục thể thao

1. Giám đốc Trung tâm thể dục thể thao cấp quốc gia.

2. Trọng tài cấp quốc tế các môn thể thao.

3. Huấn luyện viên chính, vận động viên các đội tuyển quốc gia đang trong thời gian chuẩn bị thi đấu và tham gia thi đấu quốc tế.

Điều 21. Công dân được miễn gọi nhập ngũ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

1. Đoàn trưởng, Liên Đoàn trưởng, một Phó Liên đoàn trưởng các Đoàn địa chất, Liên đoàn địa chất, các Đoàn, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước.

2. Tổng Giám đốc, một Phó Tổng giám đốc, người đứng đầu các đơn vị thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia; Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước; Trạm trưởng các trạm khí tượng, thủy văn, hải văn, môi trường, Ra đa, định vị vệ tinh ở các hải đảo, vùng núi cao, huyện biên giới.

3. Cán bộ, viên chức và người lao động ngành tài nguyên và môi trường đang làm việc tại các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng dân tộc ít người được Chính phủ xác định đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội.

Điều 22. Công dân được miễn gọi nhập ngũ thuộc ngành Tòa án, Kiểm sát nhân dân, cơ quan Kiểm toán Nhà nước

1. Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

2. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

3. Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, khu vực; Tổng Kiểm toán Nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.

4. Vụ trưởng các vụ trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Điều 23. Công dân được miễn gọi nhập ngũ thuộc ngành ngoại giao

1. Công dân Việt Nam được miễn gọi nhập ngũ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Người đứng đầu các cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài.

3. Trưởng các Đoàn đàm phán cấp Chính phủ và cấp bộ; Trưởng Đoàn điều tra chống bán phá giá đang tham gia đàm phán hoặc điều tra.

Điều 24. Công dân được miễn gọi nhập ngũ khác

1. Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội.

2. Chủ tịch Hội luật gia cấp tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực Hội luật gia Việt Nam.

3. Công dân được cấp có thẩm quyền công nhận có trình độ cao cấp về chuyên môn, nghiệp vụ và đang hưởng lương cao cấp về chuyên môn, nghiệp vụ đó thuộc các cơ quan, tổ chức.

4. Công nhân kỹ thuật thuộc các ngành điện, than, dầu mỏ, khí đốt, xăng dầu, hóa chất, giao thông vận tải, điện tử, tin học, bưu chính viễn thông, cơ khí, động lực, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và các ngành khác, có tay nghề thuộc bậc cuối cùng trong thang năm bậc trở xuống hoặc hai bậc cuối cùng trong thang sáu bậc trở lên thuộc các doanh nghiệp nhà nước có từ 350 lao động trở lên.

5. Công dân là con độc nhất hoặc con trai duy nhất của liệt sỹ.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau bốn mươi lăm ngày kể từ ngày ký.

Điều 26. Tổ chức thực hiện

Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan phản ánh về Bộ Quốc phòng để xem xét, giải quyết./.

Bộ trưởng - Đại tướng

(Đã ký)

 

Phùng Quang Thanh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.