Sign In

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh

_____________________________

 UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

- Căn cứ Điều 41 Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

- Căn cứ Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 28/03/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX); Hướng dẫn số 03/HD/BCĐ ngày 19 tháng 3 năm 2001 của Ban Chỉ đạo Trung ương; Hướng dẫn số 145-HD/BDV ngày 15/4/2002 của Ban Dân vận Trung ương; Quyết định 270- QĐ/TU ngày 02/08/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc kiện toàn và bổ sung Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh.

- Theo đề nghị của Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay Ban hành  kèm theo quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh.

Điều 2: Chánh văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước, Doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước và Thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Nguyễn Vỹ Hà


QUY CHẾ

Hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 85/2002/QĐ-UB ngày 14/10/2002 của UBND tỉnh Gia Lai)

____________________________

 Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh với các Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh, Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước, Doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước; Chủ tịch UBND huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN CHỈ ĐẠO VÀ THÀNH VIÊN
BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Điều 2. Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh có nhiệm vụ:

1- Tổ chức, quán triệt và đề xuất biện pháp tổ chức thực hiện các chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương; các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh có liên quan đến Quy chế dân chủ ở cơ sở.

2- Kiến nghị, đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND và UBND về chủ trương, biện pháp thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong phạm vi toàn tỉnh.

3- Tổng hợp những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế dân chủ tại địa phương, báo cáo UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiến nghị với Trung ương sửa đổi bổ sung.

4- Xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch làm việc, kiểm tra thường xuyên và đột xuất, phân công Thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách cơ quan, đơn vị và địa bàn; đôn đốc việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được duy trì thường xuyên trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị và địa phương. 

5- Hướng dẫn cơ sở tổ chức triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở có hiệu quả.

6- Hướng dẫn và tổ chức sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện Quy chế dân chủ.

Điều 3. Quyền hạn của Ban Chỉ đạo và Thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh.

1- Được tham gia họp, bàn với cấp uỷ, ủy ban nhân dân, các Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn về những nội dung liên quan  đến Quy chế dân chủ ở cơ sở.

2- Kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Doanh nghiệp Nhà nước và Doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước, UBND huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn.

3- Kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ những văn bản, quy định của các cơ quan, đơn vị, Doanh nghiệp Nhà nước và Doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước, huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn trái với pháp luật hoặc nội dung Quy chế dân chủ ở cơ sở.

4- Phát hiện, đề xuất khen thưởng những đơn vị, cá nhân có sáng kiến hay có thành tích thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đem lại hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng tại đơn vị, địa phương; kịp thời phê bình hoặc đề nghị kỷ luật những trường hợp vi phạm hoặc lợi dụng Quy chế dân chủ gây ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, cơ quan, đơn vị,  địa phương và nhân dân.

Chương III

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 4. Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, theo trách nhiệm phân công, chịu sự lãnh đạo toàn diện của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Trung ương.

- Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh có con dấu riêng để hoạt động.

Điều 5. Phân công nhiệm vụ các Thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh:

1- Trưởng Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ:

 a. Tổ chức, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

b. Chịu trách nhiệm chung, chủ trì các phiên họp của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh, quyết định những nội dung và báo cáo phản ánh công tác của Ban Chỉ đạo tới Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Trung ương.

2- Các Phó trưởng ban:

a. Phó trưởng ban Thường trực là Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh có nhiệm vụ:

a.1. Đề xuất, chuẩn bị nội dung, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo của tỉnh; xử lý các công việc thường xuyên giữa 2 kỳ họp của Ban Chỉ đạo.

a.2. Chịu trách nhiệm chuẩn bị nội dung các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, hội nghị sơ kết, tổng kết; tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở tỉnh với Ban Chỉ đạo.

a.3. Đôn đốc các Thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh thực hiện chương trình, kế hoạch công tác đã phân công; tổ chức phối hợp công tác giữa các Thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh.

a.4. Chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở khối Doanh nghiệp Nhà nước, Doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước và Quy chế dân chủ ở phường, thị trấn.

b. Phó Trưởng ban là Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ có nhiệm vụ:

b.1. Được Trưởng Ban Chỉ đạo của tỉnh, uỷ quyền báo cáo trước Ban Thường vụ Tỉnh uỷ những nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở tỉnh.

b.2. Chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ quan hành chính sự nghiệp Nhà nước, các sở, ban, ngành và phòng, ban ở cấp huyện, đơn vị cơ sở,  đoàn thể ở tỉnh, huyện, thành phố .

c. Phó Trưởng ban là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh có nhiệm vụ:

c.1. Được Trưởng Ban Chỉ đạo uỷ quyền báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh những nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở tỉnh;

c.2. Chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức triển khai thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở xã.

d- Các Phó Trưởng ban được Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh phân công các nhiệm vụ khác khi cần.

3. Các uỷ viên:

3.1- Tham gia thảo luận những vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; đề xuất với Trưởng ban hoặc Phó trưởng ban về những vấn đề cần đưa ra Ban Chỉ đạo quyết định.

3.2- Chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở các cơ quan, đơn vị và địa phương do Ban Chỉ đạo phân công  phụ trách.

3.3. Chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở các cơ quan, đơn vị mình và ngành mình.

4. Phân công thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh theo dõi và phụ trách khối và địa bàn: 

4.1 Theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ khối hành chính sự nghiệp, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện và đơn vị cơ sở và các huyện: Ia Grai, Chư Păh, Đức Cơ, Đak Đoa và thành phố Pleiku do đồng chí: Hoàng Cao Vân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo - Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ phụ trách và các Thành viên sau:

- Trần Thị Hoài Thanh,  Tỉnh ủy viên - Bí thư Tỉnh đoàn

- Vũ Ngọc Bình, Giám đốc Sở Văn hóa thông tin

- Đàm Quang Sáng, Phó Giám đốc Công an tỉnh

- Hoàng Đình Chung, Phó Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh

- Đới Thị Thanh Trúc, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

- Trịnh Đào Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

4.2 Theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở xã và các huyện: Chư Sê, Ayun Pa, Krông Pa, Chư Prông do đồng chí: Rơ Châm Phớt, Phó trưởng Ban Chỉ đạo - Phó chủ tịch HĐND tỉnh phụ trách và các Thành viên sau:

- Nguyễn Ngọc Trận, Tỉnh ủy viên- Chủ tịch Hội nông dân tỉnh

- Đào Xuân Liên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính Vật giá

- Lý Kim Thoa, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh

- Nguyễn Thanh Hồng, Phó Chủ tịch UBMT tỉnh

- Lê Đình Tâm, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh

- Hồ Xuân Long, Phó Văn phòng Tỉnh ủy

- Phùng Xuân Quýnh, Phó Giám đốc Sở Y tế     

4.3 Theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ khối Doanh nghiệp Nhà nước, Doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước, các phường, thị trấn và các huyện: Mang Yang, An Khê, Kông Chro, Kbang do đồng chí: Nguyễn Hữu Lộc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo - Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh  phụ trách và các Thành viên sau:

- Đinh Tiếk, Tỉnh ủy viên - Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh

- Giang Siu Pia, Tỉnh ủy viên - Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh

- Phạm Minh Siêng, Tỉnh ủy viên -  Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh

- Nguyễn Thọ, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy

- Trần Xuân Hiệp, Giám đốc Sở  Tư pháp

- Phan Xuân Vũ, Phó Văn phòng HĐND và UBND tỉnh

- Bùi Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

5. Bộ phận thường trực của Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh gồm có: Trưởng ban, các Phó Trưởng ban.

6. Giúp việc cho Bộ phận Thường trực có Tổ Thư ký Tổng hợp, gồm các đồng chí sau:

a- Hoàng Đình Chung, Phó Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh làm Tổ trưởng.

b- Nguyễn Thọ, Phó Ban Tổ chức Tỉnh uỷ làm Tổ phó.

c- Phan Xuân Vũ, Phó Văn phòng HĐND và UBND tỉnh làm Tổ phó.

d- Hồ Xuân Long, Phó Văn phòng Tỉnh uỷ làm Tổ phó

đ- Một số chuyên viên thuộc các đơn vị: Ban Tổ chức Chính quyền, Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy được Ban Chỉ đạo trưng tập có thời hạn làm Tổ viên.

Điều 6. Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh là Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh (03 Hai Bà Trưng, TP Pleiku) có nhiệm  vụ:

1- Chuẩn bị hoặc đôn đốc chuẩn bị nội dung các phiên họp Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh, mời họp, gửi tài liệu họp đến các Thành viên Ban Chỉ đạo trước 3 ngày (trừ trường hợp họp đột xuất), ghi chép biên bản cuộc họp.

2- Tiếp nhận, xử lý văn bản liên quan đến việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

3- Dự thảo các văn bản, báo cáo và báo cáo định kỳ của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh để triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị định, quyết định, hướng dẫn, kế hoạch của Trung ương và địa phương về thực hiện và kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

4- Lưu giữ, bảo quản tài liệu, con dấu của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh theo quy định.

5- Lập dự toán hàng năm, quản lý, theo dõi, thanh quyết toán kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh.

6- Được Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh cử đi tập huấn; dự các cuộc họp ở Trung ương và các ngành, huyện, thành phố có liên quan đến công tác thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Điều 7. Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh định kỳ hàng quý họp một lần (từ ngày 25 đến ngày 30 tháng cuối quý), khi cần thiết Bộ phận Thường trực họp và quyết định, có văn bản thông báo các Thành viên biết, tổ chức thực hiện.

Điều 8. Quan hệ giữa Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh với Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn là quan hệ chỉ đạo.

Chương IV

KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Điều 9.  Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh do ngân sách tỉnh đài thọ, theo tinh thần tiết kiệm, đúng quy định của Nhà nước.

Khi trưng tập cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh giúp việc cho Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh (hình thức kiêm nhiệm) thì được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,3 mức lương tối thiểu/tháng.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Chánh văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước, Doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước; cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị cơ sở và Thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quy chế này.

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành. Trong quá trình thực hiện sẽ có bổ sung, hoàn thiện./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Vỹ Hà