• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 27/05/2005
BỘ XÂY DỰNG
Số: 06/2005/TT-BXD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 15 tháng 4 năm 2005

THÔNG TƯ

Hướng dẫn phương pháp
xây dựng giá ca máy và thiết bị thi công

 

- Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc Hội khoá XI, kỳ họp thứ 4;

- Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/2/2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

- Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xây dựng giá ca máy và thiết bị thi công như sau:

I- Những quy định chung

1. Máy và thiết bị thi công quy định tại Thông tư này là các loại máy và thiết bị được truyền chuyển động bằng động cơ, chạy bằng xăng, dầu, điện, khí nén được sử dụng cho công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị ở các công trường xây dựng. Một số loại thiết bị không có động cơ như rơ mooc, sà lan,... nhưng tham gia vào các công tác nói trên thì cũng được coi là máy và thiết bị thi công.

2. Giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng theo hướng dẫn tại Thông tư này (sau đây gọi là giá ca máy) dùng để xác định chi phí máy thi công trong đơn giá xây dựng công trình, đơn giá xây dựng địa phương để làm cơ sở xác định dự toán, tổng dự toán xây dựng công trình và vận dụng để lập giá dự thầu, đánh giá giá dự thầu và ký kết hợp đồng giao nhận thầu xây dựng.

3. Bảng Thông số phục vụ xây dựng giá ca máy và thiết bị thi công trong Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này quy định các mức chuẩn để tính giá ca máy theo thông số kỹ thuật chủ yếu của máy như: công suất động cơ, dung tích gầu, sức nâng của cần trục, ...

II- Phương pháp Xây dựng giá ca máy

1. Nội dung chi phí trong giá ca máy

Giá ca máy là mức chi phí dự tính cần thiết cho máy và thiết bị thi công làm việc trong một ca.

Các khoản mục chi phí được tính vào giá ca máy bao gồm: chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí nhiên liệu, năng lượng, tiền lương thợ điều khiển máy và chi phí khác của máy.

2. Phương pháp xây dựng giá ca máy

Công thức tổng quát xây dựng giá ca máy (CCM):

CCM = CKH + CSC + CNL + CTL + CCPK (đ/ca)

Trong đó:

- CKH : Chi phí khấu hao (đ/ca)

- CSC : Chi phí sửa chữa (đ/ca)

- CNL : Chi phí nhiên liệu - năng lượng (đ/ca)

- CTL : Chi phí tiền lương thợ điều khiển máy (đ/ca)

- CCPK : Chi phí khác (đ/ca)

2.1. Chi phí khấu hao (CKH)

Chi phí khấu hao tính trong giá ca máy là khoản chi về hao mòn của máy và thiết bị thi công trong thời gian sử dụng, được xác định theo công thức:

 

 

CKH     =

(Giá tính khấu hao   -   Giá trị thu hồi)   x   Định mức khấu hao năm

Số ca năm

 

Trong đó:

- Giá tính khấu hao (giá trước thuế): Gồm giá mua máy, thiết bị (không kể chi phí cho vật tư, phụ tùng thay thế mua kèm theo), chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản, chi phí lưu kho, vận chuyển từ cảng về nơi đặt máy, chi phí lắp đặt, chạy thử lần đầu, các khoản chi phí hợp lệ khác có liên quan trực tiếp đến việc đầu tư máy.

Giá tính khấu hao để tính giá ca máy trong các hồ sơ dự thầu và giao nhận thầu là giá tính khấu hao của loại máy, thiết bị đưa vào thi công xây dựng công trình phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu.

Giá tính khấu hao trong Phụ lục tại Thông tư này là giá tại thời điểm quý II năm 2005 và dùng để tham khảo khi lập đơn giá xây dựng công trình, đơn giá địa phương.

- Giá trị thu hồi là giá trị phần còn lại của máy và thiết bị sau khi thanh lý và được xác định như sau:

Máy và thiết bị có giá tính khấu hao từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên giá trị thu hồi nhỏ hơn hoặc bằng 5% giá tính khấu hao. Không tính giá trị thu hồi với máy và thiết bị có giá tính khấu hao nhỏ hơn 10.000.000 đồng (mười triệu đồng).

- Định mức khấu hao năm: Định mức khấu hao năm của máy và thiết bị được quy định tại Phụ lục của Thông tư này.

Trong quá trình tính giá ca máy, mức khấu hao được xác định phù hợp với các điều kiện cụ thể, bảo đảm bù đắp hao mòn của máy nhưng nếu vượt 20% mức quy định trong Phụ lục này thì phải báo cáo Bộ Xây dựng.

- Số ca năm: Số ca năm trong Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này là số ca làm việc của máy trong một năm tương ứng với điều kiện khai thác, sử dụng máy và thiết bị bình thường.

Trong quá trình tính giá ca máy, số ca năm được xác định theo nguyên tắc phù hợp với quy trình vận hành của từng loại máy, loại công trình xây dựng, quy mô công trình xây dựng và các điều kiện cụ thể khác nhưng không thấp hơn mức quy định trong Phụ lục này.

2.2. Chi phí sửa chữa (CSC)

Chi phí sửa chữa tính trong giá ca máy là các khoản chi nhằm duy trì và khôi phục năng lực hoạt động theo trạng thái hoạt động tiêu chuẩn của máy.

Công thức tính CSC:

 

 

CSC       =

Giá tính khấu hao    x    Định mức sửa chữa năm

Số ca năm

 

Trong đó:

- Giá tính khấu hao, số ca năm: Xác định như mục 2.1 - khoản 2 - phần II của Thông tư này.

- Định mức sửa chữa năm: Theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Nội dung công việc sửa chữa máy được xác định theo quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa định kỳ, quy trình vận hành của từng loại máy và các quy định có liên quan.

Định mức sửa chữa quy định tại Phụ lục của Thông tư này là mức chi phí sửa chữa tương ứng với điều kiện khai thác, sử dụng máy bình thường. Trong quá trình tính giá ca máy, mức chi phí này được xác định phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu kỹ thuật của công tác bảo dưỡng, sửa chữa của từng loại máy cụ thể.

Trong định mức sửa chữa quy định tại Phụ lục của Thông tư này chưa bao gồm chi phí thay thế các loại phụ tùng thuộc bộ phận công tác của máy và thiết bị có giá trị lớn mà sự hao mòn của chúng phụ thuộc chủ yếu vào tính chất của đối tượng công tác như cần khoan, mũi khoan.

2.3. Chi phí nhiên liệu, năng lượng (CNL)

Chi phí nhiên liệu, năng lượng tính trong giá ca máy là khoản chi về nhiên liệu, năng lượng tạo ra động lực cho máy hoạt động (xăng, dầu, điện hoặc khí nén) và các loại nhiên liệu phụ như dầu mỡ bôi trơn, nhiên liệu để điều chỉnh, nhiên liệu cho động cơ lai, dầu truyền động.

Công thức tính CNL:

 

CNL

=

CNLC

+

CNLP

 

Trong đó:

- CNLC: Chi phí nhiên liệu, năng lượng chính (lít/ca, kWh/ca, m3/ca)

 

CNLC

=

Định mức nhiên liệu năng lượng

x

Giá nhiên liệu năng lượng

 

- Định mức nhiên liệu, năng lượng (lít/ca, kWh/ca, m3/ca): Định mức tiêu hao các loại nhiên liệu, năng lượng như xăng, dầu, điện hoặc khí nén để tạo ra động lực cho máy làm việc trong một ca.

- Giá nhiên liệu, năng lượng: Giá (trước thuế) các loại xăng, dầu, điện hoặc khí nén (đ/lít, đ/kWh, đ/m3) tính theo mức giá tại thời điểm tính và khu vực xây dựng công trình.

- CNLP : Chi phí nhiên liệu, năng lượng phụ

 

 

CNLP

=

CNLC

x

KP

 

Kp là hệ số chi phí nhiên liệu, dầu mỡ phụ cho một ca máy làm việc, được quy định như sau: - Động cơ xăng: 0,03

- Động cơ Diezel: 0,05

- Động cơ điện: 0,07

Định mức nhiên liệu, năng lượng quy định trong Phụ lục kèm theo Thông tư này là định mức cho máy làm việc trong điều kiện bình thường. Khi tính giá ca máy mức tiêu hao này được điều chỉnh phù hợp với điều kiện sử dụng máy và các yêu cầu kỹ thuật có liên quan.

Chi phí nhiên liệu, năng lượng trong giá ca máy được điều chỉnh theo nguyên tắc phù hợp với các thay đổi về giá nhiên liệu, năng lượng do cấp có thẩm quyền quy định.

2.4. Chi phí tiền lương thợ điều khiển máy (CTL)

Chi phí tiền lương thợ điều khiển máy tính trong giá ca máy là khoản chi về tiền lương và các khoản phụ cấp lương tương ứng với cấp bậc của người điều khiển máy theo yêu cầu kỹ thuật.

Công thức tính CTL:

 

 

CTL    =

Tiền lương cấp bậc    +   Các khoản lương phụ và phụ cấp lương

Số công một tháng

 

Trong đó:

- Tiền lương cấp bậc là tiền lương tháng của thợ điều khiển máy theo quy định.

- Các khoản lương phụ và phụ cấp lương là tổng số các khoản lương phụ, phụ cấp lương tháng tính theo lương cấp bậc và lương tối thiểu, một số khoản chi phí có thể khoán trực tiếp cho thợ điều khiển máy theo quy định.

- Số công một tháng là số công định mức thợ điều khiển máy phải làm việc trong một tháng theo quy định.

Trong Phụ lục của Thông tư này quy định thành phần, cấp bậc thợ (hoặc một nhóm thợ) trực tiếp vận hành máy với cấp bậc thợ tối thiểu. Khi tính giá ca máy cần xác định số lượng, cấp bậc thợ điều khiển máy theo yêu cầu của quy trình vận hành của từng loại máy, thiết bị và tiêu chuẩn cấp bậc công nhân kỹ thuật do Nhà nước quy định.

Chi phí tiền lương thợ điều khiển máy được điều chỉnh khi các chế độ, chính sách của Nhà nước về tiền lương thay đổi theo nguyên tắc phù hợp với thời điểm, trị số thay đổi do cấp có thẩm quyền quy định và các nội dung có liên quan trong hợp đồng giao nhận thầu. Mức tiền lương tối thiểu được điều chỉnh không quá 2 lần mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định.

2.5. Chi phí khác (CCPK)

Chi phí khác của máy tính trong giá ca máy là các khoản chi đảm bảo cho máy hoạt động bình thường, có hiệu quả tại công trình.

Công thức tính CCPK:

 

 

CCPK    =

Giá tính khấu hao    x   Định mức chi phí khác năm

Số ca năm

 

Trong đó:

- Giá tính khấu hao, số ca năm: Xác định như mục 2.1 - khoản 2 - phần II của Thông tư này.

- Định mức chi phí khác năm quy định trong Phụ lục của Thông tư này.

Nội dung chi phí khác bao gồm:

- Chi phí bảo hiểm máy, thiết bị trong quá trình sử dụng;

- Chi phí bảo quản máy và phục vụ cho công tác bảo dưỡng kỹ thuật trong bảo quản máy;

- Chi phí đăng kiểm các loại;

- Chi phí khác có liên quan.

Mức chi phí khác trong Phụ lục của Thông tư này là mức chi phí tối đa trong một năm tương ứng với từng loại máy. Trong quá trình tính giá ca máy, chi phí khác được xác định theo nguyên tắc phù hợp với các điều kiện cụ thể nhưng không vượt mức quy định tại Phụ lục này.

III- Tổ chức thực hiện

1. Giá ca máy trong chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước phải được xác định theo quy định của Thông tư này.

Khuyến khích các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác áp dụng quy định của Thông tư này để xác định và quản lý chi phí xây dựng công trình.

2. Căn cứ hướng dẫn của Thông tư này, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan lập bảng giá ca máy phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để ban hành và hướng dẫn áp dụng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Sở Xây dựng báo cáo Bộ Xây dựng về giá ca máy áp dụng tại địa phương để theo dõi tổng hợp và giải quyết các vấn đề có liên quan.

3. Căn cứ quy định tại Thông tư này và các điều kiện cụ thể của công trình, các chủ đầu tư xây dựng công trình, nhà thầu trong hoạt động xây dựng chịu trách nhiệm xây dựng giá ca máy áp dụng lập tổng dự toán, dự toán công trình. Trường hợp máy và thiết bị chưa quy định trong Phụ lục tại Thông tư này, chủ đầu tư, Bộ quản lý ngành, Sở Xây dựng phải báo cáo về Bộ Xây dựng để ban hành hoặc thỏa thuận ban hành.

4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo và thay thế cho các Bảng giá dự toán ca máy và thiết bị xây dựng ban hành kèm theo các Quyết định số 1260/1998/QĐ-BXD ngày 18/11/1998, 10/2001/QĐ-BXD ngày 11/6/2001, 38/2002/QĐ-BXD ngày 27/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các văn bản về giá ca máy do Bộ Xây dựng đã ban hành trước đây.

Đối với những công việc chuyển tiếp được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ảnh về Bộ Xây dựng để tổng hợp và nghiên cứu giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh Tiến Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.