• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/06/2003
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 64/2003/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 22 tháng 4 năm 2003

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các

cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng"

_____________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;

Nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành và địa phương có liên quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng" (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với các nội dung chủ yếu sau đây:

I- MỤC TIÊU KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu trước mắt đến năm 2007:

Tập trung xử lý triệt để 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong tổng số 4.295 cơ sở gây ô nhiễm được rà soát, thống kê đến năm 2002, gồm: 284 cơ sở sản xuất kinh doanh, 52 bãi rác, 84 bệnh viện, 15 kho thuốc bảo vệ thực vật, 03 khu tồn lưu chất độc hóa học và 01 kho bom do chiến tranh để lại, nhằm giải quyết ngay những điểm nóng, bức xúc nhất về ô nhiễm môi trường ở những khu đô thị, đông dân và những vùng bị ô nhiễm nặng nề, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, từng bước kiểm soát và hạn chế được tốc độ gia tăng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong phạm vi cả nước.

2. Mục tiêu lâu dài đến năm 2012:

Tiếp tục xử lý triệt để 3.856 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn lại và các cơ sở mới phát sinh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, tiến tới kiểm soát và hạn chế được tốc độ gia tăng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong phạm vi cả nước, bảo đảm phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

II- NGUYÊN TẮC XỬ LÝ

1. Việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm sự phát triển bền vững.

2. Việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải được tiến hành một cách kiên quyết và phù hợp với thực tế từng địa phương, từng ngành, từng cơ sở; rà soát, chọn ra những cơ sở gây ô nhiễm điển hình, bức xúc nhất để xử lý trước nhằm rút kinh nghiệm cho việc triển khai nhân rộng.

3. Đối tượng nào gây ô nhiễm môi trường thì đối tượng đó phải có trách nhiệm xử lý và khắc phục tình trạng ô nhiễm một cách triệt để. Nhà nước có trách nhiệm xử lý và khắc phục ô nhiễm môi trường đối với các trường hợp đặc thù.

4. Trong quá trình tiến hành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải lưu ý bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động theo pháp luật hiện hành.

III- NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Giai đoạn I (2003-2007):

Tập trung xử lý triệt để 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nêu tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 kèm theo Quyết định này, trong đó:

a. Từ năm 2003 đến năm 2005, tập trung xử lý ngay 51 cơ sở gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng, gồm: 29 cơ sở sản xuất kinh doanh, 03 khu tồn lưu chất độc hoá học, 01 kho bom do chiến tranh để lại, 15 kho thuốc bảo vệ thực vật và 03 bãi rác (Phụ lục 1).

b. Đồng thời khẩn trương xây dựng kế hoạch, tiến hành xử lý và hoàn thành việc xử lý 388 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn lại của giai đoạn I (Phụ lục 2), bao gồm:

- Đổi mới và nâng cấp cải tạo công nghệ tại 55 cơ sở sản xuất kinh doanh.

- Xây dựng công trình xử lý chất thải tại 200 cơ sở sản xuất kinh doanh.

- Khống chế ô nhiễm, nâng cấp cải tạo và xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm tại 49 bãi rác cũ và bãi rác đang sử dụng.

- Xử lý ô nhiễm môi trường tại 84 bệnh viện.

2. Giai đoạn II (2008-2012):

Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm việc xử lý của giai đoạn 2003-2007, tiến hành đồng bộ các biện pháp, tiếp tục xử lý triệt để 3.856 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn lại và các cơ sở mới phát sinh.

IV- CÁC GIẢI PHÁP CƠ BẢN

Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch trong phạm vi cả nước, các Bộ, ngành, địa phương và cơ sở có liên quan cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau đây:

1- Nghiên cứu xây dựng, ban hành mới hoặc bổ sung và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan nhằm bảo đảm việc triển khai thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả cao.

2- Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để thực hiện Kế hoạch (vốn tự có, vốn ngân sách nhà nước, vốn vay từ các Quỹ và các nguồn khác).

- Chủ cơ sở chịu trách nhiệm chính trong việc đầu tư vốn để xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do mình gây ra; được phép sử dụng các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện; được xem xét vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo các quy định tại Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

- Các Bộ, ngành và địa phương là cơ quan chủ quản các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bố trí kế hoạch hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện Kế hoạch (phần thuộc trách nhiệm của Bộ, ngành và địa phương mình).

3- Chủ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng triển khai thực hiện Kế hoạch được hưởng các chính sách miễn giảm thuế hoặc ưu đãi về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị tiên tiến, công nghệ sản xuất sạch và thân thiện với môi trường; được hưởng các chính sách ưu đãi hoặc miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất theo các quy định tại Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi).

4- Khuyến khích đổi mới và nâng cấp công nghệ; đẩy mạnh áp dụng các công nghệ sạch và thân thiện với môi trường vào sản xuất của các doanh nghiệp.

5- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt trong việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Kế hoạch và công tác thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo Tiêu chuẩn Môi trường Việt Nam. Nghiên cứu áp dụng dán nhãn môi trường cho các sản phẩm của doanh nghiệp, trước mắt áp dụng thử nghiệm trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

6- Đẩy mạnh công tác giáo dục và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc triển khai thực hiện Kế hoạch. Động viên, khuyến khích mọi người dân và từng cộng đồng dân cư chủ động và tích cực tham gia vào việc phòng ngừa, xử lý ô nhiễm và khắc phục suy thoái môi trường.

7- Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm khai thác các nguồn lực của các tổ chức và cá nhân nước ngoài để thực hiện Kế hoạch.

8- Thực hiện các biện pháp cưỡng chế hành chính theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có hành vi dây dưa, chây ì, không tự giác thực hiện Kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành để chỉ đạo thực hiện Kế hoạch do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng ban, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Phó trưởng ban thường trực; Thứ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Công nghiệp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thuỷ sản và Quốc phòng là thành viên Ban chỉ đạo. Ban Chỉ đạo liên ngành có bộ phận thường trực đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ban Chỉ đạo hoạt động theo Quy chế do Trưởng Ban ban hành phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ:

a. Là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch.

b. Tổ chức quán triệt nội dung Kế hoạch cho các đối tượng tham gia thực hiện xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

c. Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường, các ưu đãi về vốn đầu tư, tín dụng, thuế, đất đai, kỹ thuật và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường triển khai thực hiện Kế hoạch.

d. Chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát và tổ chức cưỡng chế để thực hiện Kế hoạch. Tổng hợp, tổng kết và đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch, định kỳ hàng năm lập Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối và bố trí vốn phù hợp cho các Bộ, ngành, địa phương liên quan để hỗ trợ, bảo đảm việc thực hiện Kế hoạch đúng thời gian và tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Các Bộ, ngành, chính quyền địa phương nêu tại Phụ lục 1 và 2 là cơ quan chủ quản của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có trách nhiệm phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thẩm định, phê duyệt các đề án xử lý của các cơ sở; huy động các nguồn vốn và chỉ đạo thực hiện Kế hoạch đúng thời gian và tiến độ đã quy định tại Phụ lục 1 và 2.

5. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nêu tại Phụ lục 1 và 2 chịu trách nhiệm xây dựng đề án, đầu tư vốn và tổ chức thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường do cơ sở mình gây ra.

6. Các cơ quan truyền thông cần tăng cường các nội dung tuyên truyền giáo dục việc bảo vệ môi trường, ngăn chặn ô nhiễm và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và sức khoẻ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan nêu tại Phụ lục 1 và 2 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.