• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/02/2007
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 95/2007/QĐ-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 26 tháng 1 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới

_____________________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Pháp lệnh giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24 tháng 3 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 19/2006/QĐ-BNN ngày 21/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về khảo nghiệm, sản xuất thử, công nhận và đặt tên giống cây trồng nông nghiệp mới.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thủ trưởng các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:

- Như điều 3;

- Văn phòng Chính phủ;

- Công báo;

- Website Chính phủ;

- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;

- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;

- Vụ Pháp chế;

- Lưu VT, TT.

                         

KT. BỘ TRƯỞNG                                   

THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)

 

Bùi Bá Bổng              

 

 

 

 

QUY ĐỊNH

Về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới

(Ban hành theo Quyết định số: 95 /2007/QĐ-BNN, ngày 27 tháng 11 năm 2007 

của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

_____________________________

Phần 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định trình tự, thủ tục khảo nghiệm, sản xuất thử, công nhận và đặt tên giống cây trồng nông nghiệp mới được chọn, tạo trong nước hoặc nhập nội để đưa vào Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh.

2. Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khảo nghiệm, sản xuất thử, công nhận và đặt tên giống cây trồng nông nghiệp mới.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khảo nghiệm giống cây trồng mới là quá trình theo dõi, đánh giá nhằm xác định tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định, giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống cây trồng trong điều kiện và thời gian nhất định.

2. Khảo nghiệm quốc gia (Official Testing) là hình thức khảo nghiệm do các cơ sở được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định (sau đây gọi tắt là cơ sở khảo nghiệm) tiến hành đối với các giống mới của những loài thuộc Danh mục cây trồng chính.

3. Khảo nghiệm tác giả (Breeder Testing) là hình thức khảo nghiệm do tổ chức, cá nhân chọn tạo hoặc nhập nội giống tự thực hiện hoặc ký hợp đồng với cơ sở khảo nghiệm thực hiện đối với các giống mới của những loài cây trồng không thuộc Danh mục cây trồng chính.

4. Khảo nghiệm DUS (Distinctness, Uniformity, Stability) là quá trình đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng mới theo Quy phạm khảo nghiệm DUS đối với từng loài cây trồng.

5. Khảo nghiệm VCU (Value of Cultivation and Use) là quá trình đánh giá giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống mới như: năng suất, chất lượng, tính chống chịu sâu bệnh, điều kiện bất thuận và khả năng sản xuất hạt giống theo Quy phạm khảo nghiệm VCU đối với từng loài cây trồng.

 6. Giống sản xuất thử là giống cây trồng nông nghiệp mới đã qua khảo nghiệm, đáp ứng đủ điều kiện, được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho sản xuất thử.

7. Sản xuất thử là quá trình sản xuất giống cây trồng mới đã được công nhận cho sản xuất thử trên diện tích và vùng sinh thái nhất định trong điều kiện sản xuất đại trà.  

        8. Giống công nhận chính thức là giống cây trồng nông nghiệp mới đã qua sản xuất thử, đáp ứng đủ điều kiện tại khoản 1 Điều 10 của Quy định này hoặc  giống đã qua khảo nghiệm đặc biệt xuất sắc, đáp ứng đủ điều kiện tại khoản 1 Điều 11 của Quy định này, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.

9. Hội đồng khoa học cơ sở là Hội đồng do tổ chức có giống đăng ký khảo nghiệm thành lập; trường hợp tổ chức đó không có điều kiện tự thành lập cần đề nghị một đơn vị sự nghiệp chuyên ngành giúp thành lập; đối với các tổ chức, cá nhân trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì do Sở thành lập. Hội đồng có nhiệm vụ đánh giá kết quả khảo nghiệm, sản xuất thử và đề nghị mức độ công nhận giống cây trồng mới.

 

Phần 2

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

 

Điều 3. Hình thức khảo nghiệm

1. Khảo nghiệm Quốc gia: bắt buộc áp dụng đối với các giống cây trồng mới  thuộc Danh mục cây trồng chính và khuyến khích đối với các cây trồng khác.

2. Khảo nghiệm tác giả: áp dụng đối với các giống cây trồng mới không thuộc Danh mục cây trồng chính.

Điều 4. Nội dung khảo nghiệm

1. Khảo nghiệm DUS

a) Các giống cây trồng mới thuộc Danh mục cây trồng chính phải khảo nghiệm DUS khi công nhận giống chính thức.

b) Khuyến khích khảo nghiệm DUS đối với các giống cây trồng mới không thuộc Danh mục cây trồng chính.

2. Khảo nghiệm VCU áp dụng đối với tất cả giống cây trồng đăng ký khảo nghiệm, bao gồm khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm sản xuất.

a) Đối với cây trồng đã có quy phạm khảo nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thì thực hiện theo quy phạm khảo nghiệm của loài cây trồng đó.

b) Đối với các cây trồng chưa có quy phạm do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành, tổ chức cá nhân có giống khảo nghiệm tự xây dựng quy phạm và thực hiện.

Điều 5. Cơ sở khảo nghiệm

1. Cơ sở khảo nghiệm được chỉ định phải có đủ các điều kiện sau:

a) Có đăng ký hoạt động khảo nghiệm giống cây trồng;

b) Có địa điểm phù hợp với yêu cầu khảo nghiệm, yêu cầu sinh trưởng, phát triển của từng loài cây trồng;

c) Có thiết bị chuyên ngành đáp ứng yêu cầu khảo nghiệm từng loài cây trồng;

d) Có ít nhất 01 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học chuyên ngành trồng trọt hoặc BVTV và có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về khảo nghiệm giống cây trồng;

đ) Đối với cơ sở khảo nghiệm DUS phải có bộ mẫu chuẩn các giống đang sản xuất kinh doanh làm đối chứng.

2. Thủ tục chỉ định cơ sở khảo nghiệm 

a) Cơ sở có đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm giống cây trồng theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi hồ sơ đăng ký về Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và PTNT. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị được chỉ định là cơ sở khảo nghiệm (Phụ lục 1);

- Bản sao Quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc giấy phép đầu tư.

 b) Trong thời gian 45 ngày (bốn mươi lăm ngày) kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định, nếu đủ điều kiện thì quyết định chỉ định cơ sở khảo nghiệm.

Điều 6. Trình tự, thủ tục và quy mô khảo nghiệm

  1. Khảo nghiệm Quốc gia

a) Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ gồm: Đơn đăng ký khảo nghiệm (Phụ lục 2) và Tờ khai kỹ thuật (Phụ lục 3) trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho cơ sở khảo nghiệm được chỉ định.

b) Cơ sở khảo nghiệm tiếp nhận hồ sơ; nếu hồ sơ hợp lệ tiến hành ký hợp đồng khảo nghiệm; nếu hồ sơ không hợp lệ, trong thời gian 5 ngày (năm ngày) làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ sở khảo nghiệm thông báo cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

c) Căn cứ vào hợp đồng, cơ sở khảo nghiệm tiến hành khảo nghiệm theo quy phạm khảo nghiệm.

d) Cơ sở khảo nghiệm có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả khảo nghiệm về Cục Trồng trọt chậm nhất 45 ngày (bốn mươi lăm ngày) sau khi kết thúc khảo nghiệm.

2. Khảo nghiệm tác giả

Trước khi tiến hành khảo nghiệm tổ chức, cá nhân có giống khảo nghiệm gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện Đơn đăng ký khảo nghiệm (Phụ lục 2) về Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia.

3. Quy mô diện tích khảo nghiệm sản xuất tối đa cho mỗi loài cây trồng được quy định tại Phụ lục 4.

Điều 7. Điều kiện, thủ tục công nhận giống cho sản xuất thử

1. Điều kiện giống được công nhận cho sản xuất thử: Giống đã qua khảo nghiệm có giá trị sử dụng và giá trị canh tác phù hợp yêu cầu sản xuất, vượt so với giống đối chứng ít nhất một trong các chỉ tiêu sau: 

a) Năng suất cao hơn tối thiểu 10%;

b) Chất lượng về dinh dưỡng, cảm quan, xuất khẩu, chế biến tốt hơn rõ rệt;

c) Có hiệu quả kinh tế cao hơn;

d) Có những đặc tính nông học tốt hơn (thời gian sinh trưởng phù hợp, chống chịu sâu bệnh hoặc chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất thuận).

2. Thủ tục công nhận giống cây trồng cho sản xuất thử.

a) Tổ chức, cá nhân có giống cây trồng mới đề nghị được công nhận cho sản xuất thử gửi hồ sơ về Cục Trồng trọt, hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị công nhận giống sản xuất thử (Phụ lục 5);

- Báo cáo kết quả khảo nghiệm VCU;

- Biên bản họp của Hội đồng Khoa học cơ sở đề nghị cho sản xuất thử;

- Kết quả khảo nghiệm DUS trong trường hợp có khiếu nại, tố cáo hoặc tổ chức, cá nhân khảo nghiệm có nghi ngờ về tính khác biệt của giống.

b) Trong thời hạn 30 ngày (ba mươi ngày) kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt thẩm định hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ thì quyết định thành lập Hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá kết quả khảo nghiệm. Căn cứ đề nghị của Hội đồng khoa học chuyên ngành, Cục trưởng Cục Trồng trọt quyết định công nhận giống cho sản xuất thử.

Điều 8. Trình tự sản xuất thử

1. Tổ chức, cá nhân có giống sản xuất thử hoặc được uỷ quyền sản xuất thử được chuyển giao giống cho người sản xuất và phải thực hiện các yêu cầu sau:

a) Hướng dẫn cụ thể quy trình kỹ thuật trồng trọt của giống sản xuất thử cho người sản xuất;

b) Có hợp đồng hoặc danh sách ghi rõ tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất thử, thời gian, số lượng giống được chuyển giao;

c) Theo dõi đánh giá giống trong quá trình sản xuất thử và phải bồi thường hoặc hỗ trợ thiệt hại nếu do giống gây ra.

2. Sau khi kết thúc thời vụ gieo trồng tối đa 30 ngày (ba mươi ngày), tổ chức, cá nhân có giống sản xuất thử hoặc được uỷ quyền gửi báo cáo về tên giống, địa điểm, diện tích, thời gian sản xuất thử về Cục Trồng trọt và Sở Nông nghiệp  và PTNT nơi sản xuất thử.

Điều 9. Quy mô, thời gian sản xuất thử

1. Giống sản xuất thử được sản xuất ở những tỉnh, vùng sinh thái được công nhận cho sản xuất thử. Trường hợp mở rộng sản xuất thử sang vùng sinh thái khác, tổ chức, cá nhân có giống sản xuất thử phải có văn bản đề nghị và được sự đồng ý của Cục Trồng trọt.

2. Tổng diện tích sản xuất thử theo quy định tại Phụ lục 6.

3. Thời hạn từ khi được sản xuất thử đến khi đề nghị công nhận chính thức tối đa 03 năm (ba năm) đối với cây ngắn ngày, 07 năm (bảy năm) đối với cây dài ngày; quá thời hạn trên nếu giống không được công nhận chính thức sẽ không được tiếp tục sản xuất thử.

Điều 10. Điều kiện, thủ tục công nhận chính thức giống cây trồng mới 

1. Điều kiện công nhận

a) Giống đã qua sản xuất thử ít nhất 2 vụ đối với cây ngắn ngày, 2 năm thu hoạch đối với cây dài ngày và đạt diện tích tối thiểu theo quy định tại Phụ lục 6.

b) Kết quả sản xuất thử cho thấy giống vẫn giữ được các đặc tính tốt như trong khảo nghiệm và đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.
c) Giống có tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định.
d) Giống mới có tên gọi phù hợp theo quy định tại Điều 12 của Quy định này.

đ) Có ý kiến đánh giá giống của địa phương, nơi sản xuất thử.

2. Thủ tục công nhận

a) Tổ chức, cá nhân có giống mới đề nghị công nhận lập hồ sơ gửi về Cục Trồng trọt, hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị công nhận giống cây trồng mới (Phụ lục 5);

- Báo cáo kết quả sản xuất thử;

- Quy trình kỹ thuật trồng trọt của giống đề nghị công nhận;

- Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS (bắt buộc đối với cây trồng chính);

- Biên bản họp của Hội đồng khoa học cơ sở đề nghị công nhận chính thức;

- Ý kiến đánh giá giống bằng văn bản của  địa phương, nơi sản xuất thử.

b)Trong thời hạn 30 ngày (ba mươi ngày) kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt thẩm định và trình Bộ thành lập Hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá kết quả sản xuất thử. Căn cứ vào đề nghị của Hội đồng khoa học chuyên ngành, Cục Trồng trọt trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức giống cây trồng nông nghiệp mới.

Điều 11. Điều kiện, thủ tục công nhận đặc cách giống cây trồng mới

1. Điều kiện công nhận đặc cách

a) Giống đã qua khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm sản xuất ít nhất có 2 vụ trùng tên  hoặc đã qua 1vụ sản xuất thử, có giá trị sử dụng và giá trị canh tác phù hợp yêu cầu sản xuất, vượt trội rõ rệt so với giống đối chứng ít nhất một trong các chỉ tiêu sau: 

- Năng suất cao hơn đối chứng từ 15 % trở lên;

- Chất lượng về dinh dưỡng, cảm quan, xuất khẩu, chế biến...ưu việt hơn hẳn so với giống đối chứng;

- Có những đặc tính nông học vượt trội rõ rệt so với đối chứng (thời gian sinh trưởng phù hợp, khả năng chống chịu sâu bệnh hại hoặc điều kiện ngoại cảnh bất lợị…).

b) Giống có tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định.
c) Giống có tên gọi phù hợp theo quy định tại Điều 12 của Quy định này.

d) Cơ sở khảo nghiệm và các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi khảo nghiệm sản xuất đề nghị công nhận đặc cách.

2. Thủ tục công nhận đặc cách

a) Tổ chức, cá nhân có giống mới đề nghị công nhận đặc cách lập hồ sơ gửi về Cục Trồng trọt, hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị công nhận giống cây trồng mới (Phụ lục 5);

- Báo cáo kết quả khảo nghiệm và hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng trọt;

- Quy trình kỹ thuật trồng trọt;

- Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS tối thiểu của vụ thứ nhất cho thấy giống có tính khác biệt và tính đồng nhất (bắt buộc đối với cây trồng chính);

- Biên bản họp của Hội đồng khoa học cơ sở;

- Văn bản đề nghị công nhận đặc cách giống cây trồng mới của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi khảo nghiệm sản xuất.

b) Trong thời hạn 30 ngày (ba mươi ngày)kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt thẩm định và trình Bộ thành lập Hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá kết quả khảo nghiệm. Căn cứ đề nghị của Hội đồng khoa học chuyên ngành, Cục Trồng trọt trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức giống cây trồng mới.

Điều 12. Nguyên tắc đặt tên giống cây trồng nông nghiệp mới

1. Mỗi giống cây trồng mới khi đưa ra sản xuất chỉ có duy nhất một tên gọi phù hợp theo quy định này;

2. Tên giống phải dễ dàng phân biệt với tên của các giống cây trồng khác cùng loài;

3. Các kiểu đặt tên dưới đây không được chấp nhận:

- Chỉ bao gồm bằng các chữ số;

- Vi phạm đạo đức xã hội;

- Dễ gây hiểu nhầm đối với các đặc trưng của giống hoặc lai lịch của tác giả;

- Trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ đang được bảo hộ cho sản phẩm.

Điều 13. Tên giống cây trồng nông nghiệp mới

1. Khi nộp hồ sơ đề nghị công nhận, tổ chức, cá nhân đăng ký tên giống cây trồng mới trong đơn đề nghị công nhận, trong báo cáo kết quả khảo nghiệm, kết quả sản xuất thử. 

2. Cục Trồng trọt thẩm định và trình Bộ tên giống chính thức cùng với hồ sơ công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới.

3. Tên chính thức của giống cây trồng nông nghiệp mới được ghi trong quyết định công nhận giống và trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh.

Điều 14. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo

1.Việc kiểm tra, thanh tra về khảo nghiệm, sản xuất thử, công nhận và đặt tên giống cây trồng nông nghiệp mới thực hiện theo Luật thanh tra và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khảo nghiệm, sản xuất thử, công nhận và đặt tên giống cây trồng nông nghiệp mới. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo Luật khiếu nại tố cáo.

Điều 15. Phí khảo nghiệm và lệ phí công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới

Tổ chức, cá nhân có giống cây trồng nông nghiệp mới đăng ký khảo nghiệm, công nhận giống phải nộp phí, lệ phí theo quy định. Trường hợp chưa có quy định của nhà nước thì chi phí khảo nghiệm do các bên thoả thuận theo hợp đồng.

Điều 16. Phân công nhiệm vụ của các cơ quan liên quan
1. Cục Trồng trọt

a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khảo nghiệm, sản xuất thử, công nhận, đặt tên giống cây trồng trong phạm vi cả nước, có nhiệm vụ:

- Đề xuất xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về khảo nghiệm giống cây trồng;

- Thẩm định và chỉ định các cơ sở khảo nghiệm;

- Cục Trồng trọt phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, đánh giá giống trong quá trình khảo nghiệm, sản xuất thử.

- Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận giống sản xuất thử, thành lập Hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá kết quả khảo nghiệm và quyết định công nhận giống sản xuất thử.

- Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận chính thức giống cây trồng nông nghiệp mới, trình Bộ thành lập Hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá kết quả sản xuất thử; trình Bộ công nhận chính thức giống cây trồng nông nghiệp mới.

- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực khảo nghiệm, sản xuất thử, công nhận và đặt tên giống cây trồng mới.

b) Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia là cơ quan giúp Cục Trồng trọt:

- Thực hiện nhiệm vụ đầu mối hướng dẫn, giám sát, tập huấn về mặt chuyên môn đối với các cơ sở khảo nghiệm trên phạm vi cả nước. Quản lý thống nhất tên giống cây trồng trên phạm vi cả nước. Tiếp nhận đơn đăng ký khảo nghiệm và giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm tác giả.

- Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo nghiệm đối với các loài cây trồng theo chỉ định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Vụ Khoa học công nghệ

a) Xây dựng kế hoạch, tổ chức xây dựng và trình Bộ ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khảo nghiệm giống cây trồng theo kế hoạch đã được phê duyệt.

b) Phối hợp với Cục trồng trọt theo dõi, đánh giá giống trong quá trình khảo nghiệm, sản xuất thử và tham gia Hội đồng Khoa học xét công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

a) Theo dõi, giám sát việc khảo nghiệm, sản xuất thử giống cây trồng mới trên địa bàn.

b)  Nhận xét kết quả sản xuất thử và đề xuất công nhận đặc cách giống mới.        

 c) Thực hiện kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về khảo nghiệm và sản xuất thử giống cây trồng trên địa bàn.

Điều 17. Điều khoản cuối cùng

Trong quá trình thực hiện, có vướng mắc hoặc có phát sinh tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời xem xét giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Bá Bổng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.