• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 31/03/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 08/07/2019
UBND TỈNH GIA LAI
Số: 32/2003/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 31 tháng 3 năm 2003

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Về việc ban hành Quy chế tạm thời về xuất nhập khẩu tại khu kinh tế cửa khẩu đường 19 - Đức Cơ

__________________________________

 UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Căn cứ điều 41, Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/06/1994;

Căn cứ Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật năm 1996;

Căn cứ Luật Hải quan ban hành ngày 12/07/2001;

Căn cứ Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19/04/2001 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu biên giới;

Căn cứ Quyết định số 129/2001/QĐ-TTg ngày 21/09/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng chính sách khu kinh tế cửa khẩu đường 19, tỉnh Gia Lai;

Theo đề nghị của Cục Hải quan Gia Lai Kon Tum, Sở Thương Mại và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành “Quy chế tạm thời hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại khu kinh tế cửa khẩu đường 19 - Huyện Đức Cơ” kèm theo quyết định này.

Điều 2: Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai, giám đốc các sở: Thương mại và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính Vật giá, Công an tỉnh, UBND Huyện Đức Cơ, Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum, Cục trưởng Cục thuế và Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Nguyễn Vỹ Hà

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại khu kinh tế cửa khẩu đường 19 - huyện Đức Cơ

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 32/2003/QĐ-UB ngày 31/03/2003)

______________________

 Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Hàng hoá, thiết bị, phương tiện vận tải, vật tư (gọi chung là hàng hoá) hành lý và ngoại hối, Tiền Việt Nam từ nước ngoài đưa vào khu kinh tế cửa khẩu đường 19 và từ khu kinh tế cửa khẩu đường 19 đưa ra nước ngoài đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Điều 2: Cơ quan Hải quan được phân công quản lý xuất khẩu, nhập khẩu tại cửa khẩu đường 19 có trách nhiệm công khai đầy đủ các thủ lục hải quan đối với từng loại hình XNK, chính sách quản lý hàng hoá XNK từng thời kỳ. Đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại khu kinh tế cửa khẩu đường 19 khi có yêu cầu.

Điều 3: Các loại hình kinh doanh được áp dụng tại khu kinh tế cửa khẩu đường 19 gồm:

1- Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.

2- Kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

3- Vận chuyển hàng hoá quá cảnh.

4- Kinh doanh kho ngoại quan.

5- Kinh doanh cửa hàng miễn thuế, cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

6- Hội chợ, triển lãm, chợ cửa khẩu.

7- Sản xuất hàng gia công xuất nhập khẩu.

8- Chi nhánh đại diện các công ty trong nước và ngoài nước.

Điều 4: Các đối tượng tham gia xuất khẩu, nhập khẩu tại khu kinh tế cửa khẩu đường 19- Đức Cơ bao gồm:

1- Doanh nghiệp Việt Nam thuộc các thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký mã số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.

2- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoạt động theo nội dung được quy định tại giấy phép đầu tư do cấp có thẩm quyền cấp.

3- Các hộ kinh doanh cá thể tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu được thành lập theo quy định tại Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03/02/2000 của Chính Phủ.

4- Công dân Việt Nam, công dân Cam pu chia có hộ khẩu thường trú tại khu vực biên giới Việt Nam - Cam pu chia (gọi tắt là cư dân biên giới).

5- Người có giấy phép của cơ quan Công an tỉnh biên giới cho cư trú ở khu vực biên giới .

Điều 5: Chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, các khoản thu khác và chính sách quản lý xuất khẩu, nhập khẩu của từng loại hình xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương II

XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ

Điều 6: Hàng hoá bao gồm hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; hành lý, ngoại hối, tiền Việt Nam của người xuất cảnh, nhập cảnh; vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh; kim khí quý, đá quý, cổ vật, văn hoá phẩm, bưu phẩm, các tài sản khác xuất khẩu, nhập khẩu hoặc lưu giữ trong địa bàn hoạt đông hải quan.

Điều 7: Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu qua khu kinh tế cửa khẩu đường 19- Đức Cơ bao gồm tất cả các loại hàng hoá được phép mua bán, trao đổi qua biên giới, trừ các loại hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu ghi trong phụ lục số 01 và phụ lục số 02 của Hiệp định mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới Việt Nam- Campuchia ký ngày 26/11/2001 giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hoàng Gia Campuchia.

Đối với hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Thương Mại hoặc giấy phép của Bộ quản lý chuyên ngành theo quy định tại Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04/04/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001 -2005 thì chỉ có các chủ thể nêu tại khoản 1, điều 4 của quy định này được xuất khẩu, nhập khẩu và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc xác nhận, phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 8: Quy định về giám sát hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu 1- Hàng hoá chịu sự giám sát hải quan bao gồm:

1- Hàng hóa chịu sự giám sát Hải quan bao gồm:

a- Hàng hoá đã làm xong thủ tục hải quan xuất khẩu nhưng chưa xuất khẩu.

b- Hàng hoá đã làm xong thủ tục hải quan nhập khẩu nhưng chưa được thông quan.

c- Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan được lưu giữ trong  kho, bãi thuộc phạm vi, địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan.

d- Hàng hoá phương tiện vận tải quá cảnh.

e- Hàng hoá, phương tiện vận tải chuyển cửa khẩu.

2- Các phương thức giám sát hải quan:

a- Sự giám sát của hải quan được thực hiện theo các phương thức sau:

- Niêm phong hải quan bao gồm: Niêm phong bằng giấy niêm phong hải quan, niêm phong bằng dây hoặc khoá chuyên dụng hải quan.

- Giám sát trực tiếp của công chức hải quan.

- Giám sát bằng phương tiện kỹ thuật.

b- Không áp dụng phương thức giám sát trực tiếp của công chức hải quan đối với hàng hoá được lưu giữ, vận chuyển ở ngoài phạm vi, địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan, trừ những trường hợp cần thiết do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Điều 9: Quy định về các hình thức kiểm tra hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu:

1- Các hình thức kiểm tra hàng hoá xuất khẩu nhập khẩu bao gồm:

a- Miễn kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng có quá trình chấp hành tốt pháp luật hải quan đối với các trường hợp mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu thường xuyên, hàng nông sản, hải sản xuất khẩu, hàng xuất khẩu, nhập khẩu của khu chế xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng đưa vào khu vực ưu đãi hải quan.

Đối với hàng hoá đã có quyết định miễn kiểm tra mà phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan thì áp dụng hình thức kiểm tra theo quy định tại điểm c khoản này.

b- Kiểm tra xác suất thực tế hàng hoá không quá 10% đối với mỗi lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu và gia công xuất khẩu, hàng cùng chủng loại, đóng gói đồng nhất, hàng xuất khẩu, nhập khẩu không thuộc các trường hợp miễn kiểm tra quy định tại điểm a, khoản này. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật hải quan thì áp dụng hình thức kiểm tra theo quy định tại điểm c khoản này.

c- Kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng đã nhiều lần vi phạm pháp luật hải quan; lô hàng mà phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan.

2- Việc kiểm tra thực tế hàng hoá do công chức hải quan kiểm tra trực tiếp hoặc kiểm tra bằng máy móc, thiết bị kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ khác, với sự có mặt của người khai hải quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ, sau khi đăng ký hồ sơ hải quan và hàng hoá đã được đưa đến địa điểm kiểm tra.

3- Hàng hoá là động vật, thực vật sống, khó bảo quản, hàng hoá đặc biệt khác được ưu tiên kiểm tra trước.

Điều 10: Hàng hoá quá cảnh:

1 - Thủ tục hải quan đối với hàng hoá quá cảnh được thực hiện tại trụ sở hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Hàng hoá quá cảnh phải nhập khẩu, xuất khẩu đúng cửa khẩu; vận chuyển đúng tuyến đường theo thời gian quy định tại hồ sơ hải quan; chịu sự giám sát hải quan.

2- Hàng hoá quá cảnh không được bán, tặng, trao đổi tại Việt Nam, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền cho phép và phải làm thủ tục hải quan nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

3- Hàng hoá quá cảnh có lưu kho ngoài khu vực cửa khẩu hoặc đi qua lãnh thổ đất liền hoặc hàng hoá quá cảnh khác theo quy định của pháp luật Việt Nam phải có giấy phép quá cảnh thì phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4- Trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố bất khả kháng làm suy chuyển niêm phong hải quan hoặc thay đổi nguyên trạng hàng hoá thì người vận tải, người khai hải quan, công chức hải quan đi cùng (nếu có) phải áp dụng các biện pháp để hạn chế tổn thất và phải báo ngay cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để lập biên bản xác nhận hiện trạng hàng hoá.

Điều 11: Hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới.

Người cư trú trong khu vực biên giới mang hàng hoá qua lại biên giới theo mức quy định thì không phải khai hải quan, không phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Nếu vượt mức quy định thì phải khai hải quan và thực hiện các quy định của pháp luật về thuế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu.

Điều 12: Hàng hoá mua bán, trao đổi tại chợ biên giới thực hiện theo Quy chế Tổ chức và quản lý chợ biên giới Việt Nam - Camphuchia Ban hành kèm theo Quyết định số 0724/1999/QĐ-BTM ngày 08/06/1999 của Bộ trưởng Bộ Thương Mại.

Điều 13: Hành lý xuất cảnh, nhập cảnh và quà biếu, tặng thực hiện theo Nghị định số 66/2002/NĐ-CP ngày 01/07/2002 của Chính Phủ Quy định về định mức hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và quà biếu, tặng nhập khẩu được miễn thuế.

Điều 14: Kho ngoại quan:

1 - Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi được thành lập trên lãnh thổ Việt Nam, ngăn cách với khu vực chung quanh để tạm lưu giữ bảo quản hoặc thực hiện một số dịch vụ đối với hàng hoá từ nước ngoài, hoặc từ trong nước đưa vào kho theo hợp đồng thuê kho ngoại quan được ký giữa chủ kho ngoại quan và chủ hàng.

2- Kho ngoại quan, hàng hoá, phương tiện vận tải ra, vào hoặc lưu giữ, bảo quản trong kho ngoại quan phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.

3- Điều kiện được thành lập kho ngoại quan:

a- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

b- Có chức năng kinh doanh kho bãi, giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

c- Kho, bãi phải được ngăn cách với khu vực chung quanh bằng hệ thống tường rào, bảo đảm việc kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan hải quan.

d- Có cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện vận tải phù hợp yêu cầu lưu giữ, bảo quản hàng hoá và kiểm tra, giám sát hải quan.

4- Các dịch vụ được thực hiện đối với hàng hoá gửi kho ngoại quan. Nếu có sự thoả thuận hoặc uỷ quyền bằng văn bản của chủ hàng, chủ kho ngoại quan được phép thực hiện các dịch vụ sau đây đối với hàng hoá gửi trong kho ngoại quan:

a- Gia cố bao bì, phân loại hàng hoá, lấy mẫu hàng hoá được thực hiện trong kho ngoại quan.

b- Thay mặt chủ hàng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá đưa ra, đưa vào kho ngoại quan.

c- Vận chuyển hàng hoá từ cửa khẩu vào kho ngoại quan, từ kho ngoại quan ra cửa khẩu, từ kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác.

d- Chuyển quyền sở hữu hàng hoá theo quy định của pháp luật.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15: Các cơ quan có liên quan, các tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu, nhập khẩu qua khu kinh tế cửa khẩu đường 19- Đức Cơ có trách nhiệm chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu và các quy định tại quy chế này.

Điều 16: Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Vỹ Hà

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.