• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 03/11/2000
UBND TỈNH GIA LAI
Số: 13/2000/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 3 tháng 11 năm 2000

CHỈ THỊ

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về việc tăng cường quản lý ngân sách xã

________________

Qua bốn năm (1997 - 2000) triển khai thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý ngân sách xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) đã có sự chuyển biến và đạt kết quả nhất định. Ngân sách xã đã thực sự là công cụ phương diện đảm bảo nhiệm vụ quản lý Nhà nước của chính quyền cấp cơ sở góp phần ổn định chính trị - kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó còn những tồn tại, hạn chế và vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ, khắc phục nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý NS xã trong thời gian đến.

Để tăng cường quản lý ngân sách xã được tốt trong thời gian đến, UBND tỉnh chỉ thị cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá và Thủ trưởng các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện một số nội dung sau đây:

I - CHỦ TỊCH CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ:

1. Tiến hành tổ chức hội nghị đánh giá công tác quản lý NS xã sau 4 năm thực hiện Luật NSNN và vấn đề thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong việc công khai về tài chính và ngân sách xã, công khai các khoản đóng góp của dân và các quỹ ngoài ngân sách. Thời gian tiến hành từ nay đến hết tháng 11 năm 2000 và báo cáo gửi về UBND tỉnh (qua Sở Tài chính - Vật giá).

2. Qua tổng kết đánh giá công tác quản lý NS xã, cần rút kinh nghiệm những xã làm tốt, những xã làm chưa tốt trên cơ sở đó tiếp tục triển khai diện rộng các xã trên địa bàn.

Rà soát lại tỷ lệ phân chia các khoản thu theo Luật NSNN giữa NS các huyện và xã theo ủy quyền của UBND tỉnh để điều chỉnh cho hợp lý, nhằm tạo điều kiện để các xã tích cực khai thác nguồn thu, bảo đảm nhiệm vụ chi và chủ động trong điều hành NS.

3. Chỉ đạo các cơ quan chức năng cấp huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác quản lý ngân sách xã, các khoản thu, chi do nhân dân đóng góp, các loại quỹ nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý những vi phạm chế độ chính sách tài chính Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài chính ngân sách cấp xã.

4. Chỉ đạo các cơ quan Tài chính - KBNN, thuế, hướng dẫn các xã làm tốt công tác lập, chấp hành và quyết toán NS xã theo đúng quy định của Luật NSNN. Kịp thời, xử lý tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh từ cơ sở, nhất là cơ chế, chính sách, chế độ cụ thể trong quá trình quản lý tài chính ngân sách xã.

5. Chỉ đạo Phòng TC - TN huyện, thành phố tiếp tục triển khai hướng dẫn các xã thực hiện công tác kế toán NS xã theo chế độ kế toán quy định tại Quyết định số 827/1998/QĐ-BTC ngày  4-7-1998 của Bộ Tài chính. Mặt khác, cần kiện toàn và củng cố bộ phận quản lý NS xã tại Phòng Tài chính - Thương nghiệp, và bộ phận trực tiếp làm công tác quản lý tài chính NS của các xã. Có kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác kế toán NS xã nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kế toán đối với xã.

6. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Tài chính xã. Xây dựng cho được mỗi Ban Tài chính trở thành cơ quan tham mưu đắc lực giúp UBND xã điều hành và quản lý NS xã. Việc sử dụng đội ngũ kế toán NS xã cần ổn định, thực hiện công tác bổ nhiệm chức danh kế toán theo quy định và thực hiện chế độ nâng lương định kỳ. Để làm tốt công tác trên, cần thống kê nắm chắc tình hình số lượng, chất lượng đội ngũ kế toán NS xã, từ đó có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng tại chỗ và báo cáo về UBND tỉnh (Qua Sở Tài chính - Vật giá) để có biện pháp hỗ trợ.

II - THỦ TRƯỞNG CÁC SỞ, NGÀNH LIÊN QUAN:

1. Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá:

- Chịu trách nhiệm giúp Bộ Tài chính và UBND tỉnh quản lý Nhà nước về tài chính - ngân sách (TC - NS) trên địa bàn tỉnh. Kịp thời tổng hợp và phản ảnh Bộ Tài chính và UBND tỉnh những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, chế độ cụ thể trong quá trình tổ chức quản lý tài chính NS xã ở địa phương để nghiên cứu tháo gỡ.

- Có kế hoạch kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất về công tác quản lý TC - NS của các xã, từ đó có biện pháp, thiết thực kịp thời uốn nắn, xử lý và kiến nghị xử lý những sai phạm phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện ở xã.

- Phối hợp cùng KBNN tỉnh tiếp tục triển khai hướng dẫn chế độ, chính sách TC - NS của Nhà nước đến NS cấp xã. Đặc biệt là chế độ kế toán và hoạt động chuyên môn về quản lý TC - NS xã.

Có kế hoạch việc nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ CB kế toán NS xã thông qua việc tổ chức tập huấn, đào tạo và bồi dưỡng.

- Củng cố và kiện toàn bộ phận quản lý NS xã của sở. Thực hiện phân công cán bộ theo dõi quản lý NS xã hợp lý và hiệu quả. Phối hợp với các huyện, thành phố để làm tốt chức năng tham mưu cho tỉnh trong quản lý điều hành chung về TC - NS xã.

2. Giám đốc KBNN tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, với chức năng nhiệm vụ quyền hạn được giao cần tổ chức và thực hiện tốt nhiệm vụ công tác phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Phối hợp và xử lý tốt quy trình quản lý thu qua KBNN; Các vướng mắc thực tế phát sinh trong hoạt động thu của cơ quan thuế và kiểm soát của KBNN cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính tỉnh để cùng tháo gỡ hoặc kiến nghị xử lý kịp thời.

3. Trưởng ban TCCQ tỉnh phối hợp cùng Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tham mưu cho tỉnh trong việc kiện toàn tổ chức Ban Tài chính xã. Trực tiếp thoả thuận bằng văn bản về chuyển xếp ngạch (như ngạch công chức) cũng như việc đề nghị nâng bậc lương theo định kỳ đối với các CB kế toán NS xã theo đề nghị của huyện, thành phố, nhằm thực hiện tốt chế độ đãi ngộ và là điều kiện để sử dụng ổn định lâu dài đội ngũ kế toán xã.

Nhận được chỉ thị, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thành phố, Thủ trưởng các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện. Các vướng mắc tồn tại thực tế phát sinh cần báo cáo về UBND tỉnh để nghiên cứu, xem xét giải quyết.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Vỹ Hà

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.