• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/08/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 24/12/2018
UBND TỈNH GIA LAI
Số: 64/2000/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 25 tháng 8 năm 2000

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về việc phê duyệt dự án quy hoạch vật liệu xây dựng Gia Lai
 đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

__________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

- Căn cứ điều 41 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 1994;

- Xét dự án quy hoạch vật liệu xây dựng tỉnh Gia Lai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, sau khi đã được chỉnh sửa theo tinh thần cuộc họp ngày 31-5-2000 của Hội đồng nghiệm thu quy hoạch (theo Quyết định số 1779/QĐ-UB ngày 18-12-2000 của UBND tỉnh Gia Lai).

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 425/TT-KH ngày 18 tháng 8.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt dự án quy hoạch vật liệu xây dựng tỉnh Gia Lai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

I - QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN:

- Tập trung sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng có nguồn nguyên liệu và có khả năng tiêu thụ như: gạch, ngói, xi măng, ván nhân tạo, đá chẻ, đá, cát, sỏi... còn một số chủng loại khác tỉnh không có điều kiện sản xuất hoặc nhu cầu còn ít sẽ được cung ứng từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Đầu tư chiều sâu, sắp xếp lại sản xuất, phát huy hiệu quả các cơ sở sản xuất hiện có, nhất là gạch tuy nen và xi măng Ia Ly, các cơ sở xây dựng mới chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, có công nghệ tiên tiến.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng.

- Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đảm bảo an ninh quốc phòng.

II - PHƯƠNG ÁN SẢN XUẤT MỘT SỐ SẢN PHẨM CHÍNH:

1. Xi măng: Đầu tư chiều sâu phát huy năng lực của 2 Nhà máy xi măng hiện có: Phát huy công suất thiết kế của Nhà máy xi măng Ialy; bổ sung máy móc; thay thế lò nung kèm theo hệ thống lọc bụi... để đưa sản lượng nhà máy xi măng Gia Lai lên 5 vạn tấn/năm.

2. Vật liệu xây:

- Đồng bộ dây chuyền sản xuất (nâng cao năng lực sấy gạch mộc) và tìm kiếm nguồn nguyên liệu để phát huy hết công suất Nhà máy gạch Tuy nen Gia Lai, có biện pháp tháo gỡ để nhà máy hoạt động có hiệu quả.

- Xây dựng mới 2 nhà máy gạch tuy nen ở An Khê, Ayun Pa với quy mô 5 - 7 triệu viên/năm/nhà máy, xây dựng cơ sở sản xuất gạch không nung tại Pleiku và khuyến khích phát triển gạch không nung quy mô nhỏ ở các huyện không có điều kiện sản xuất gạch nung. Duy trì sản xuất gạch nung ngoài quốc doanh ở các huyện thị 10 triệu viên năm 2005 và 15 triệu viên năm 2010, sản xuất đá chẻ 9 triệu viên năm 2005 và 12 triệu viên năm 2010.

3. Vật liệu lợp:

Trong giai đoạn 2001 - 2005 phát huy hết năng lực sản xuất tôn của Xí nghiệp Cơ khí Gia Lai 800 ngàn m2/năm, nếu tiêu thụ tốt sẽ đầu tư mở rộng lên 1.200 ngàn m2 giai đoạn 2006 - 2010. Ổn định sản xuất ngói nung thủ công ở các huyện 50.000 m2/năm, tập trung ở Ayun Pa, An Khê, Krông Pa. Không đặt vấn đề đầu tư tấm lợp fibrô xi măng.

4. Đá xây dựng:

Đầu tư chiều sâu phát huy năng lực sản xuất của các cơ sở khai thác đá hiện có, xây dựng mới một số cơ sở khai thác quy mô vừa, thiết bị nghiền sàn tiên tiến để đáp ứng nhu cầu trong tỉnh. Tổ chức sắp xếp lại các cơ sở khai thác đá trong tỉnh đảm bảo quy trình khai thác bảo vệ được cảnh quan thiên nhiên và môi trường.

Đầu tư mở rộng các mỏ đá núi Boong, Chư Á, Trà Đa... Đầu tư khai thác các mỏ mới tại An Khê, Ia Grai, Chư Păh...

Năng lực sản xuất đá xây dựng của tỉnh năm 2005: 520.000m3, năm 2010: 750.000m3, đáp ứng được nhu cầu trong tỉnh.

5. Cát xây dựng:

Khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh khai thác cát để nâng sản lượng lên 100 ngàn m3/năm vào năm 2005 và 200 ngàn m3/năm vào năm 2010. Cát vàng và cát tô chủ yếu cung ứng  từ Kon Tum khoảng 180 ngàn - 200 ngàn m3/năm.

6. Đá khối:

Không đầu tư dây chuyền sản xuất đá ốp lát, chủ yếu đầu tư chiều sâu, mở rộng khai thác và xuất khẩu đá khối.

7. Bê tông:

Duy trì năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất bê tông đã có để phát triển lưới điện đến các huyện, xã và cung ứng một phần cho thị trường Kon Tum. Đồng thời có thể đầu tư chuyển sang sản xuất gạch không nung.

8. Ván nhân tạo:

- Chọn công nghệ, thiết bị hiện đại đầu tư cho dây chuyền sản xuất ván nhân tạo (MDF) với công suất 54.000 m3/năm để sản phẩm có thể xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới.

- Tạo thói quen sử dụng trên cơ sở xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm để các nhà thiết kế đưa vào các công trình xây dựng; đẩy mạnh công tác tiếp thị trong và ngoài nước.

III - CÁC DỰ ÁN CÔNG TRÌNH ĐẦU TƯ CHỦ YẾU:

- Củng cố để đưa các Nhà máy xi măng Ia Ly, gạch tuy nen Chư Păh hoạt động có hiệu quả và phát huy hết công suất.

- Từ nay đến năm 2010, dự kiến đầu tư các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng theo thứ tự ưu tiên như sau:

 

TT

TÊN CƠ SỞ SẢN XUẤT

Đơn vị

2000 - 2005

2006 - 2010

Công suất

Vốn đầu tư  (tỷ đồng)

Công suất

Vốn đầu tư (tỷ đồng)

1

NM Ván nhân tạo MDF

1000 m3/n

54

440

54

-

2

Mở rộng NM Xi măng Gia Lai

1000T/n

50

7

50

-

3

NM Gạch tuy nen An Khê

tr.viên/n

7

5

7

-

4

Mỏ đá núi Boong

1.000 m3/n

50

1

50

-

5

Mỏ đá An Khê

 

50

3

100

3

6

Mỏ đá Chư Á

 

50

1

50

-

7

Mỏ đá Ia Grai

 

100

6

100

-

8

XN Gạch không nung

tr.viên/n

5,840

2,55

5,840

 

9

NM Gạch tuy nen Ayun Pa

tr.viên/n

5 - 7

5

7

-

10

Mỏ đá Trà Đa

1.000 m3/n

20

-

100

3

11

Đá khối

 

1

0,8

3

10

* Định hướng phát triển VLXD đến năm 2020:

+ Về chủng loại sản phẩm: Phát triển sản xuất gạch không nung quy mô 6 - 10 triệu viên/năm bằng hệ thiết bị sản xuất trong nước, thay thế gạch nung sản xuất thủ công. Nâng cao chất lượng các chủng loại VLXD đã có, tìm thị trường xuất khẩu một số sản phẩm; có thể đầu tư để sản xuất đá ốp lát. Các chủng loại VLXD như: Kính xây dựng, sứ vệ sinh, gạch ceramic, tấm lợp nhựa, vật liệu tiểu ngũ kim vẫn được cung ứng từ bên ngoài.

+ Về quy mô công nghệ: Loại bỏ và thay thế dần công nghệ lạc hậu, lựa chọn công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại để nâng cao chất lượng và sản lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng khả năng cạnh tranh.

+ Về phân bố các cơ sở sản xuất: Việc phân bố các cơ sở sản xuất giai đoạn này chủ yếu gần nguồn nguyên liệu, tập trung sản xuất với quy mô lớn.

IV - NHỮNG BIỆN PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH:

1. Huy động các nguồn vốn đầu tư: Để đáp ứng nhu cầu phát triển, vốn đầu tư cho ngành đến năm 2010 khoảng 510 tỷ đồng, cần có những biện pháp để tích cực huy động  nguồn vốn đầu tư, cụ thể:

+ Kết hợp giữa khai thác nguồn vốn trong tỉnh và thu hút vốn đầu tư của bên ngoài trên cơ sở thực hiện các chính sách ưu đãi về đầu tư.

+ Có biện pháp huy động vốn đầu tư từ các nguồn như: Vốn vay ngân hàng, vốn tín dụng đầu tư dài hạn, vốn tín dụng từ quỹ hỗ trợ phát triển, vốn của các doanh nghiệp, vốn ngoài tỉnh, vốn nhàn rỗi trong dân... Nhằm tạo ra những động lực phát triển sản xuất nhất là đối với những cơ sở có nhu cầu vốn đầu tư lớn.

+ Đa dạng hoá các hình thức tạo vốn, đặc biệt cổ phần hoá các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, hoạt động có hiệu quả, tạo điều kiện nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

2. Tìm kiếm và mở rộng thị trường:

Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu VLXD trong tỉnh, quan tâm đến thị trường nông thôn, tăng cường khả năng tiếp thị, thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng mạng lưới lưu thông đến các tuyến huyện, tuyến xã. Sản phẩm có sản lượng lớn, chất lượng cao như ván nhân tạo ngoài việc cung ứng trên địa bàn tỉnh, cần mở rộng thị trường tiêu thụ ra địa bàn các thành phố lớn và tiến tới xuất khẩu. Xi măng vươn ra thị trường các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Cam Pu Chia, Lào.

 3. Đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động:

Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực trong việc phát triển sản xuất VLXD, từ nay đến năm 2010 cần đào tạo kịp thời lực lượng lao động dưới nhiều hình thức đồng thời có chính sách thu hút cán bộ kỹ thuật, lao động có tay nghề cao từ các tỉnh khác để tạo đội ngũ lao động có tay nghề, am hiểu công nghệ, quy trình vận hành, nâng cao trình độ quản lý nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Bên cạnh đào tạo tay nghề, cần đào tạo nâng cao năng lực phân tích kiểm nghiệm, giám sát các khâu trong dây chuyền sản xuất và kiểm định chất lượng sản phẩm. Khuyến khích và tạo điều kiện cho con em các dân tộc trong tỉnh vào học ở các trường đại học và các trường dạy nghề để trở về phục vụ cho tỉnh.

4. Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ:

Phát triển công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng kết hợp nhiều trình độ, sử dụng triệt để những thành tựu công nghệ trong nước, công nghệ truyền thống song song với lựa chọn, khai thác ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong và ngoài nước phù hợp với điều kiện của tỉnh. Trên cơ sở làm chủ công nghệ sản xuất tiến tới cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hạn chế và đi đến không nhập các công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên, loại thải dần các công nghệ, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường. Khuyến khích và hỗ trợ hoạt động chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại.

5. Tăng cường điều tra cơ bản phục vụ phát triển sản xuất VLXD:

Phần lớn tài liệu điều tra các mỏ tài nguyên khoáng sản làm VLXD trên địa bàn tỉnh đa số mới ở mức thăm dò đánh giá sơ bộ. Do đó trước khi quyết định đầu tư, cần chọn đối tác có đủ năng lực thăm dò khảo sát để đánh giá chính xác trữ lượng, chất lượng nguồn nguyên liệu. Chỉ quyết định đầu tư cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng khi có đủ nguyên liệu đáp ứng yêu cầu về chất lượng và trữ lượng. Kinh phí thăm dò khảo sát nguồn nguyên liệu sẽ được tính vào tổng vốn đầu tư của dự án.

6. Thống nhất về quản lý sản xuất và kinh doanh VLXD:

Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất việc quản lý sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh trên cơ sở phân cấp, phân công hợp lý cho Sở Xây dựng và một số cơ sở chức năng, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh sản xuất VLXD, gắn với bảo vệ tài nguyên, cảnh quan du lịch, môi trường sinh thái... Cần có sự phối hợp liên ngành: Xây dựng, Công nghiệp, Địa chính, Khoa học công nghệ và môi trường... trong công tác quản lý về khai thác tài nguyên và hoàn nguyên tái tạo lại môi trường sinh thái sau khai thác. Các cơ sở xây dựng mới cần được bố trí hợp lý, đưa vào các khu cụm công nghiệp. Những cơ sở sản xuất VLXD vi phạm những quy định về vệ sinh môi trường, đất đai, tài nguyên cần đình chỉ sản xuất tạm thời hoặc lâu dài để đảm bảo phát triển bền vững.

V - TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH:

- Công khai hoá dự án quy hoạch VLXD tỉnh Gia Lai cho các ngành, các cấp và toàn dân thực hiện.

- Thường xuyên kiểm tra, tổng kết tình hình thực hiện quy hoạch trên cơ sở đó có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển của từng giai đoạn.

Điều 2: Giao cho Sở Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý lưu trữ dự án quy hoạch VLXD tỉnh Gia Lai để khai thác sử dụng có hiệu quả, phục vụ cho việc hoạch định, xây dựng các kế hoạch 5 năm, hàng năm của ngành. Trong quá trình triển khai thực hiện cần tiếp tục nghiên cứu để có những bổ sung điều chỉnh kịp thời nhằm phát triển ngành đúng định hướng, đạt hiệu quả cao.

 Điều 3: Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư và Giám đốc các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Vỹ Hà

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.