• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/02/2016
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2019
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 50/2015/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 30 tháng 12 năm 2015

THÔNG TƯ

Quy định việc chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác

_____________________

 

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

Nghị định số 14/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2005/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;

Căn cứ Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về Thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định việc chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định trình tự, thủ tục, nội dung xác nhận nguyên liệu, chứng nhận và xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ thuỷ sản khai thác để xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu chứng nhận.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, thu mua, chế biến, xuất khẩu và nhập khẩu thủy sản khai thác để chế biến xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu chứng nhận thủy sản khai thác.

2. Thông tư này không áp dụng đối với thủy sản khai thác và sản phẩm thủy sản trong danh mục quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác: là việc xác nhận của cơ quan thẩm quyền đối với nguyên liệu thủy sản khai thác không vi phạm các quy định về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

2. Chứng nhận thủy sản khai thác: là việc chứng nhận của cơ quan thẩm quyền đối với lô hàng xuất khẩu được chế biến từ nguyên liệu thủy sản khai thác không vi phạm các quy định về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

3. Xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ thuỷ sản khai thác: là việc xác nhận của cơ quan thẩm quyền đối với lô hàng được chế biến từ thủy sản khai thác nhập khẩu không vi phạm các quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

4. Vùng khai thác: là vùng biển mà tàu cá tiến hành khai thác thủy sản trong thời gian của một chuyến biển.

5. Thời gian khai thác: là khoảng thời gian tính từ ngày tàu cá bắt đầu thả ngư cụ để khai thác đến ngày tàu cá kết thúc thu ngư cụ (tính cho mỗi chuyến biển).

6. Lô hàng chứng nhận: là lô hàng được cơ quan thẩm quyền chứng nhận để xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu chứng nhận thủy sản khai thác.

7. Chuyển tải trên biển: là việc chuyển một phần hoặc toàn bộ thủy sản khai thác từ một tàu cá sang một tàu cá khác.

8. Chủ hàng: là chủ lô hàng thủy sản đề nghị được chứng nhận thủy sản khai thác, xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ thủy sản khai thác để xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu chứng nhận thủy sản khai thác.

9. Cơ quan thẩm quyền: là Chi cục Thủy sản, Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng.

Điều 4. Các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định

Khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (sau đây gọi tắt là khai thác bất hợp pháp) là một trong các trường hợp sau:

1. Khai thác thủy sản mà không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc khai thác không đúng nội dung quy định trong giấy phép khai thác thủy sản.

2. Không ghi, nộp nhật ký hoặc báo cáo khai thác thủy sản theo quy định.

3. Khai thác trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển hoặc đưa lên tàu các loài thủy sản cấm khai thác; khai thác các loài có kích thước nhỏ hơn quy định vượt quá tỉ lệ cho phép.

4. Sử dụng loại nghề, ngư cụ khai thác bị cấm hoặc không đúng quy định.

5. Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm các quy định liên quan đến khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

6. Ngăn cản, chống đối việc thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ đối với các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ.

7. Chuyển tải trên biển, hỗ trợ, tiếp ứng, tham gia hoạt động khai thác cùng với tàu cá khai thác bất hợp pháp.

8. Khai thác trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực và quốc gia khác mà không có giấy phép khai thác hợp lệ.

Điều 5. Cơ quan thẩm quyền xác nhận, chứng nhận

1. Chi cục Thủy sản quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này thực hiện việc kiểm tra, xác nhận nguyên liệu; chứng nhận thủy sản khai thác và kiểm tra hoạt động khai thác bất hợp pháp.

2. Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này thực hiện kiểm tra, xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu.

Chương II

THỦ TỤC XÁC NHẬN, CHỨNG NHẬN THỦY SẢN KHAI THÁC

Điều 6. Xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác

1. Chủ hàng có nhu cầu xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác nộp 02 (hai) Giấy xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác (theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này) trực tiếp hoặc theo đường bưu điện đến cơ quan thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này nơi chủ hàng đã mua nguyên liệu.

2. Trong thời gian không quá 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, cơ quan thẩm quyền kiểm tra tính xác thực của thông tin đã khai trong Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và thực hiện:

a) Xác nhận khi lô hàng có nội dung đúng với kê khai trong Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và trả 01 (một) bản cho chủ hàng xuất khẩu, 01 (một) bản lưu tại cơ quan thẩm quyền;

b) Không xác nhận khi lô hàng có nội dung không đúng với kê khai trong Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác hoặc sử dụng nguyên liệu từ tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp. Trường hợp không xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác phải có văn bản trả lời chủ hàng và nêu rõ lý do.

3. Cơ quan thẩm quyền trả kết quả trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho chủ hàng.

Điều 7. Chứng nhận thủy sản khai thác

1. Chủ hàng có nhu cầu chứng nhận thủy sản khai thác nộp 02 (hai) bộ hồ sơ đến một trong các cơ quan thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này nơi đã xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác trực tiếp hoặc theo đường bưu điện để đề nghị chứng nhận thủy sản khai thác.

2. Hồ sơ đề nghị chứng nhận thủy sản khai thác gồm:

a) Mẫu Giấy chứng nhận thủy sản khai thác (theo quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này) hoặc mẫu Giấy chứng nhận khác theo yêu cầu của Cơ quan thẩm quyền nơi nhập khẩu. Trường hợp lô hàng sử dụng nguyên liệu từ nhiều hơn 01 (một) tàu hoặc trường hợp nguyên liệu mua từ 01 (một) tàu nhưng được chế biến thành nhiều lô hàng thì phải kèm theo các thông tin bổ sung quy định tại Phụ đính Va thuộc Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản kê khai Phụ đính Thông tin vận tải (theo mẫu quy định tại Phụ đính Vb thuộc Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này);

c) Bản sao chụp Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác.

3. Trong thời gian không quá 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của chủ hàng, cơ quan thẩm quyền xem xét hồ sơ, kiểm tra thông tin trong Giấy chứng nhận thủy sản khai thác và thực hiện:

a) Chứng nhận khi lô hàng có nội dung đúng với kê khai trong Giấy chứng nhận thủy sản khai thác và trả 01 (một) bộ hồ sơ cho chủ hàng, 01 (một) bộ lưu tại cơ quan thẩm quyền;

b) Không chứng nhận khi lô hàng có nội dung không đúng với kê khai trong hồ sơ hoặc sử dụng nguyên liệu từ tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp. Trường hợp không chứng nhận phải có văn bản trả lời chủ hàng và nêu rõ lý do.

4. Cơ quan thẩm quyền trả kết quả trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho chủ hàng.

Điều 8. Chứng nhận lại thủy sản khai thác

1. Cơ quan thẩm quyền chỉ chứng nhận lại khi Giấy chứng nhận thủy sản khai thác bị rách, nát không còn nguyên vẹn.

2. Chủ hàng có nhu cầu chứng nhận lại thủy sản khai thác nộp 02 (hai) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc theo đường bưu điện đến cơ quan thẩm quyền đã chứng nhận thủy sản khai thác quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này để đề nghị chứng nhận lại.

3. Hồ sơ đề nghị chứng nhận lại thủy sản khai thác gồm:

a) Đơn đề nghị chứng nhận lại thủy sản khai thác (theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Mẫu Giấy chứng nhận thủy sản khai thác (theo quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này) hoặc mẫu Giấy chứng nhận khác theo yêu cầu của Cơ quan thẩm quyền nơi nhập khẩu;

c) Giấy chứng nhận bị rách, nát không còn nguyên vẹn.

4. Trình tự thực hiện theo khoản 3 Điều 7 Thông tư này.

5. Cơ quan thẩm quyền khi cấp Giấy chứng nhận mới phải có số trùng với số của Giấy chứng nhận đã cấp và phải thể hiện dấu hiệu nhận biết của Giấy chứng nhận cấp lại (theo quy định tại mục 1.2 Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này).

6. Cơ quan thẩm quyền trả kết quả trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho chủ hàng.

Điều 9. Xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu

1. Chủ hàng có nhu cầu xuất khẩu lô hàng được sản xuất từ thuỷ sản khai thác nhập khẩu nộp 02 (hai) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc theo đường bưu điện đến cơ quan thẩm quyền (quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này) để đề nghị xác nhận.

2. Hồ sơ đề nghị xác nhận gồm:

a) Giấy chứng nhận thủy sản khai thác (bản chính hoặc bản sao);

b) Giấy xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu (theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này) hoặc mẫu Giấy xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ thủy sản khai thác xuất khẩu khác theo yêu cầu của Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu.

3. Không xác nhận nếu chủ hàng không đáp ứng quy định của nước nhập khẩu về cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu. Trường hợp không xác nhận Cơ quan thẩm quyền phải có văn bản trả lời chủ hàng nêu rõ lý do.

4. Thủ tục xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu được kết hợp đồng thời cùng các thủ tục kiểm tra, cấp chứng thư cho lô hàng thủy sản xuất khẩu được quy định tại Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu.

Chương III

KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG KHAI ­THÁC BẤT HỢP PHÁP

Điều 10. Kiểm tra hoạt động khai thác bất hợp pháp

1. Đối tượng kiểm tra: các tàu cá cung cấp nguyên liệu để chế biến xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu chứng nhận thủy sản khai thác.

2. Cơ quan kiểm tra: Chi cục Thủy sản tỉnh/thành phố được qui định tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư này.

3. Nguyên tắc kiểm tra:

a) Kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất;

b) Theo nguyên tắc đánh giá nguy cơ, trên cơ sở đảm bảo việc kiểm tra không nhỏ hơn 5% tổng số lần cập cảng, bến cá trung bình trong một năm.

4. Thủ trưởng cơ quan kiểm tra ban hành quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, trong đó nêu rõ phạm vi, nội dung, địa điểm kiểm tra, họ tên, chức danh của trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn. Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra phải được thông báo tại địa điểm tiến hành kiểm tra trước khi bắt đầu kiểm tra.

5. Nội dung kiểm tra: Theo qui định tại Điều 4 của Thông tư này.

6. Sau khi kết thúc kiểm tra, Đoàn kiểm tra lập Biên bản (theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này) và thông báo kết quả kiểm tra cho đối tượng kiểm tra. Biên bản kiểm tra được lập thành 02 (hai) bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ 01 (một) bản. Nếu kiểm tra phát hiện tàu cá có hoạt động khai thác bất hợp pháp theo qui định tại Điều 4, cơ quan kiểm tra thực hiện một trong các hành động sau:

a) Không xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, chứng nhận thủy sản khai thác cho sản phẩm thủy sản khai thác của tàu cá vi phạm kể từ ngày thông báo kết quả kiểm tra hoặc đưa tàu cá vi phạm vào danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp và gửi danh sách này đến Tổng cục Thủy sản để đăng tải trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thủy sản;

b) Chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Đưa tàu cá ra khỏi danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp

1. Cơ quan thẩm quyền đưa tàu cá ra khỏi danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp trong trường hợp sau:

a) Tàu cá bị xóa đăng ký;

b) Sau thời hạn 02 (hai) năm từ ngày đưa tàu cá vào danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp khi tàu cá không vi phạm các quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

2. Khi chủ tàu cá đã thực hiện những biện pháp khắc phục hành vi khai thác bất hợp pháp có nhu cầu đưa tàu cá ra khỏi danh sách này trước thời hạn quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, thực hiện theo trình tự thủ tục quy định tại Điều 12 Thông tư này.

Điều 12. Trình tự, thủ tục đưa tàu cá ra khỏi danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp

1. Chủ tàu nộp Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này trực tiếp hoặc theo đường bưu điện đến cơ quan thẩm quyền nơi đăng ký tàu cá.

2. Không quá 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị, cơ quan thẩm quyền kiểm tra các biện pháp khắc phục vi phạm khai thác bất hợp pháp của chủ tàu và ra thông báo bằng văn bản về việc đưa tàu cá ra khỏi danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp. Thông báo này được gửi cho Tổng cục Thủy sản để đưa ra khỏi danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày ra thông báo; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Cơ quan nhận đơn trả kết quả cho chủ tàu trực tiếp hoặc theo đường bưu điện.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Điều 13. Nhiệm vụ của Tổng cục Thủy sản

1. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

2. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các đối tượng liên quan đến công tác kiểm tra, xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác.

3. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác của các tổ chức và cá nhân liên quan.

4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trao đổi, đàm phán với cơ quan thẩm quyền nước ngoài trong việc hợp tác, trao đổi thông tin, xử lý các vướng mắc liên quan đến việc chứng nhận thủy sản khai thác và xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu.

5. Đăng tải danh sách các tàu cá khai thác bất hợp pháp trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thủy sản.

6. Định kỳ 6 (sáu) tháng báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hoạt động kiểm tra, xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác.

Điều 14. Nhiệm vụ của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản

1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; định kỳ kiểm tra, giám sát hoạt động có liên quan đến việc kiểm tra, xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu.

2. Thống nhất quản lý về chuyên môn nghiệp vụ; đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thực hiện công tác kiểm tra, xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu.

3. Định kỳ 6 (sáu) tháng báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hoạt động kiểm tra, xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu.

4. Chỉ đạo các Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng:

a) Thực hiện việc xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu theo quy định tại Điều 9 của Thông tư này;

b) Hướng dẫn chủ hàng nhập khẩu thực hiện việc xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu;

c) Báo cáo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản theo quy định;

d) Lưu trữ hồ sơ xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu trong thời hạn 03 (ba) năm kể từ ngày được xác nhận.

Điều 15. Nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển

1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này đối với cơ quan thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư này.

2. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này trên địa bàn được giao quản lý.

3. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đảm bảo kinh phí, nguồn nhân lực và các điều kiện liên quan cho hoạt động của cơ quan thẩm quyền về xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác.

4. Chỉ đạo Chi cục Thủy sản:

a) Giải quyết và xử lý hồ sơ liên quan đến việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác, đưa tàu cá vào và ra khỏi danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp;

b) Hướng dẫn chủ hàng, chủ tàu, thuyền trưởng thực hiện các công việc liên quan đến việc xác nhận và chứng nhận thủy sản khai thác;

c) Lập và thông báo danh sách các tàu cá khai thác bất hợp pháp cho Tổng cục Thủy sản;

d) Lưu trữ hồ sơ liên quan đến việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác trong thời hạn 03 (ba) năm kể từ ngày thực hiện xác nhận, chứng nhận;

đ) Phối hợp với Tổng cục Thủy sản tiếp nhận, xử lý, xác minh thông tin liên quan đến xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền nước ngoài;

g) Cập nhật và gửi cho Tổng cục Thủy sản những thay đổi về tổ chức, nhân sự (mẫu dấu và chữ ký) của cơ quan để thông báo cho cơ quan thẩm quyền của nước ngoài;

h) Định kỳ trước ngày 25 hàng tháng hoặc khi có yêu cầu báo cáo Tổng cục Thủy sản về tình hình xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác, các tàu cá khai thác bất hợp pháp. Mẫu báo cáo theo quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này;

i) Yêu cầu thuyền trưởng, chủ tàu hoặc người đại diện của chủ tàu, chủ hàng cung cấp những thông tin liên quan phục vụ cho việc kiểm tra, xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác.

Điều 16. Trách nhiệm của Ban quản lý cảng cá

Cung cấp các thông tin liên quan đến các tàu cá neo đậu, bốc dỡ nguyên liệu thủy sản khai thác tại cảng cho cơ quan thẩm quyền quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

Điều 17. Trách nhiệm và quyền hạn của Thuyền trưởng, chủ tàu cá

1. Cung cấp đúng, đầy đủ thông tin liên quan ghi trong Giấy xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác cho chủ hàng; ký xác nhận và chịu trách nhiệm về thông tin đã cung cấp.

2. Thực hiện các hoạt động khai thác thủy sản theo quy định của pháp luật.

3. Tạo điều kiện cho Đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ.

4. Chủ tàu có quyền đề nghị cơ quan thẩm quyền cung cấp các quy định liên quan đến việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác, đưa tàu cá ra khỏi danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp.

Điều 18. Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ hàng

1. Cung cấp đúng, đầy đủ thông tin liên quan ghi trong Giấy xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác, xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ thủy sản khai thác để xuất khẩu; ký xác nhận và chịu trách nhiệm về thông tin đã cung cấp.

2. Lưu trữ hồ sơ xác nhận, chứng nhận trong thời hạn 03 (ba) năm kể từ ngày được xác nhận, chứng nhận.

3. Phối hợp với cơ quan thẩm quyền trong việc cung cấp thông tin, giải trình những vướng mắc của cơ quan thẩm quyền các nước nhập khẩu đối với lô hàng xuất khẩu.

4. Tạo điều kiện cho Đoàn kiểm tra, thanh tra thực hiện nhiệm vụ.

5. Chủ hàng có quyền đề nghị cơ quan thẩm quyền cung cấp những quy định liên quan đến việc xác nhận, chứng nhận.

6. Đề nghị cơ quan thẩm quyền nơi đã mua nguyên liệu xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác.

7. Được lựa chọn một trong các cơ quan thẩm quyền đã xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác để nộp hồ sơ đề nghị Chứng nhận thủy sản khai thác.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Quy định chuyển tiếp

Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác đã được thực hiện trước khi Thông tư này có hiệu lực thì vẫn có giá trị để chứng nhận thủy sản khai thác theo qui định tại Thông tư này.

Điều 20. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2016.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 28/2011/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường Châu Âu.

3. Các văn bản được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này khi có sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì được dẫn chiếu, áp dụng theo văn bản sửa đổi bổ sung hoặc thay thế đó.

4. Các cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra, xác nhận nguyên liệu; chứng nhận và xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ thủy sản khai thác để xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu chứng nhận, hàng năm lập dự toán kinh phí, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.

5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo về Tổng cục Thuỷ sản hoặc Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Văn Tám

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.