QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH HÀ GIANG
V/v ban hành quy định về tổ chức hợp đồng
bảo vệ rừng cấp xã trong vụ khô hanh
_________________
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
- Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994.
- Căn cứ quyết định số: 245/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 2 năm 1998 V/v : “ Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp” và chỉ thị số: 19/1998/CT- TTg V/v: “Các biện pháp cấp bách phòng và chữa cháy rừng” ngày 17 tháng 4 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.
- Căn cứ thông tư số: 12/1998/TT-BLĐTBXH V/v: “ Hướng dẫn chế độ đối với người được cấp xã làm hợp đồng công tác bảo vệ rừng trong các tháng vụ khô” ngày 16 tháng 10 năm 1998 của Bộ lao động thương binh và xã hội.
- Căn cứ kết luận số: 184/TB-UB ngày 13/11/2000 của UBND tỉnh Hà Giang thông báo kết luận phiên họp tháng 10 năm 2000.
Xét đề nghị của ông Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Giang tại tờ trình số: 201/TT-KL ngày 1 tháng 6 năm 2000 V/v: “ Xin phê duyệt bản quy định về tổ chức hoạt động bảo vệ rừng cấp xã trong vụ khô hanh”.
QUYẾT ĐỊNH
Điều I: Nay ban hành bản quy định về tổ chức hợp đồng bảo vệ rừng ờ cấp xã trong vụ khô hanh. (Có bản quy định cụ thể kèm theo quyết định này ).
Điều II: Các ông chánh văn phòng UBND tỉnh, Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm, giám đốc Sở NN&PTNT, giám đốc Sở kế hoạch đầu tư, giám đốc sở tài chính vật giá, giám đốc kho bạc nhà nước, chủ tịch UBND các huyện, thị căn cứ quyết định thi hành. Quyết định này có hiệu lực thực hiện từ ngày 1 tháng 11 năm 2000.
QUY ĐỊNH
Về tổ chức bảo vệ rừng cấp xã trong vụ khô hanh
(Ban hành theo quyết định số: 3328 ngày 06 tháng 12 năm 2000
của UBND tỉnh Hà Giang)
_______________
Thực hiện quyết định số: 245/1998/QĐ ngày 21 tháng 2 năm 1998 của thủ tướng Chính Phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Chỉ thị số: 19/1998/CT-TTg ngày 17 tháng 4 năm 1998 của Thủ tướng chính phủ " Về các biện pháp cấp bách phòng và chữa cháy rừng" và thông tư số: 12/1998/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 10 năm 1998 của Bộ lao động và thương binh xã hội về việc hướng dẫn chế độ đối với người được cấp xã làm hợp đồng bảo vệ rừng trong tháng khô.
Để UBND các xã có cơ sở hợp đồng bảo vệ rừng, xác định chức năng, quyền hạn, nghĩa vụ và quyền lợi giữa người hợp đồng với UBND các xã.
UBND tỉnh Hà Giang ban hành bản quy định về tổ chức bảo vệ rừng cấp xã trong vụ khô hanh như sau:
PHẦN I - TỔ CHỨC HỢP ĐỐNG BẢO VỆ RỪNG Ở CẤP XÃ:
Điều I: Ở tất cả các xã trong tỉnh có rừng, kể cả thảm cỏ tự nhiên, hàng năm đến mùa hanh khô từ ngày 1 tháng 11 năm trước đến ngày 31 tháng 3 năm sau , chủ tịch UBND xã , phường, thị trấn phải tiến hành hợp đổng với cán bộ lâm nghiệp xã làm công tác quản lý bảo vệ rừng trong các tháng cao điểm trong vụ khô hanh , trong phạm vi diện tích có rừng trên địa bàn 191 xã , phường, thị trấn trong toàn tỉnh .
Điều II:
- UBND xã phối hợp với hạt kiểm lâm huyện, thị chọn người đảm bảo tiêu chuẩn: có trình độ phổ thông, có sức khoẻ tốt, nhiệt tình có kinh nghiệm và am hiểu về công tác lâm nghiệp để hợp đồng làm công tác bảo vệ rừng tại địa bàn xã trong vụ khô hàng năm.
- Chủ tịch UBND xã ký hợp đồng với người bảo vệ rừng, nhưng phải được sự đồng ý của hạt kiểm lâm huyện và ngành kiểm lâm có trách nhiệm bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho người hợp đồng của các xã.
PHẦN II- CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA NGƯỜI HỢP ĐÔNG
BẢO VỆ RỪNG VỚI UBND XÃ.
Điều III: Về chức năng:
Người được cấp xã ký hợp đồng bảo vệ rừng chịu sự chỉ đạo trực tiếp của hạt kiểm lâm sở tại về chuyên môn nghiệp vụ và chịu trách nhiệm giúp UBND xã thực hiện quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch, chế độ, thể lệ của nhà nước. Và là người giúp UBND xã về các chủ trương biện pháp phòng và chống cháy rừng trong vụ hanh khô người trực tiếp kiểm tra đôn đốc nhân dân trong xã thực hiện các biện pháp phòng chữa cháy rừng trong mùa khô, tham mưu cho UBND xã và đề xuất ý hiến xử lý các trường hợp vi phạm bảo vệ rừng.
Điều IV: Về nhiệm vụ cụ thể của người được cấp xã ký hợp đồng bảo vệ rừng với UBND xã
1- Tham mưu cho UBND xã , xây dựng và triển khai các phương án PCCCR tại địa bàn xã.
2- Tổ chức tuyên truyền luật bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản pháp quy của nhà nước, ngành lâm nghiệp về quản lý rừng, xây dựng vốn rừng đến các thôn, khu phố và người dân trong xã.
3- Quản lý theo dõi tình hình rừng, đất rừng, diện tích rừng bị cháy, bị phá và diễn biến tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn xã.
4- Xây dựng và kiểm tra các hoạt động của tổ, đội PCCCR ở các thôn bản, vận động và tổ chức quần chúng bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng, thực hiện nhiệm vụ PCCCR khi xảy ra cháy rừng.
5- Kiểm tra công tác PCCCR đối với chủ rừng, các hộ nhận khoán rừng, các bộ phận khoán rừng, hướng dẫn nhân dân trong xã các quy định cụ thể về đốt nương rẫy trong vụ khô hanh và thực hiện các biện pháp PCCCR trước khi đốt.
6- Phối hợp với các lực lượng kiểm lâm và các lực lượng công an, quân đội, ban quản lý rừng, tuần tra, kiểm tra sử dụng tài nguyên rừng, phát nương rẫy, khai thác lâm sản, đặc sản, săn bắt chim thú rừng và lấn chiếm rừng trái phép.
7- Thống kê, theo dõi số dân di cư tự do vào cư trú trong rừng làm nương rẫy để có biện pháp ngăn chặn kịp thời
8- Giúp UBND xã có biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, Đồng thời giúp UBND xã giải quyết các vụ khiếu nại tố cáo và phòng cháy và bảo vệ rừng.
9- Hàng tháng , quý, năm, báo cáo tình hình hoạt động công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã cho UBND huyện và hạt kiểm lâm sở tại.
PHẦN III - CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT:
Cán bộ hợp đồng bảo vệ rừng trong vụ khô hanh được hưởng mức phụ cấp tổng số 200.000,0đ/tháng nếu là cán bộ lâm nghiệp xã đã được phụ cấp 60.000đ/ tháng nay được lấy thêm 140.000đ/tháng trong năm tháng mùa khô. Nguồn kinh phí do ngân sách tỉnh cấp, được chuyển vào tài khoản của Chi cục kiểm lâm để theo dõi và cấp phát hàng tháng.
Điều VI: Thời hạn hợp đồng:
Trong các tháng cao điểm mùa khô, bắt đầu từ dự báo cháy rừng cấp I và chấm dứt hợp đồng lao động khi mùa mưa đến (Từ 01 tháng 11 năm trước đến hết ngày 31 tháng 3 năm sau).
Điều VII: Các chế độ khác:
1- Người được cấp xã ký hợp đồng làm công tác bảo vệ rừng có thành tích trong việc phòng và chống cháy rừng thì được đề nghị cơ quan chức năng xem xét, khen thưởng theo chế độ hiện hành.
2-Người được cấp xã ký hợp đồng làm công tác bảo vệ rừng nếu xảy ra cháy rừng tùy theo mức độ vi phạm mà xem xét xử lý kỷ luật, chấm dứt hợp đồng, bồi thường xử phạt hành chính nếu nặng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
3- Người đang được cấp xã ký hợp đồng bảo vệ rừng nếu bị thương, bị chết trong trường hợp cháy rừng thì được giải quyết chế độ như sau:
a) Được trả tiền cho các khoản chi phí trong thời gian sơ cứu, cấp cứu và điều trị ổn định thương tật được giới thiệu đi giám định y khoa.
b)Tùy thuộc vào mức độ giảm khả năng lao động do thương tật được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần tính theo tiền công tối thiểu chung do Chính phủ công bố. Mức trợ cấp cụ thể như sau:
Mức suy giảm lao động
|
Mức trợ cấp 1 lần
|
Từ 5% đến 10%
|
2 tháng tiền công tối thiểu
|
Từ 11% đến 15%
|
4 tháng tiền công tối thiểu
|
Từ 16% đến 20 %
|
6 tháng tiền công tối thiểu
|
Từ 21% đến 30%
|
12 tháng tiền công tối thiểu
|
Suy giảm từ 31% khả năng lao động trở lên thì cứ suy giảm 1% thì được trợ cấp 1/2 tháng tiền trợ cấp.
c) Trường hợp bị chết thì được nhận tiền mai táng chôn cất bằng 8 tháng tiền phụ cấp, thân nhân của người bị chết được nhận trợ cấp 1 lần bằng 20 tháng tiền trợ cấp.
PHẦN IV - ĐIỂU KHOẢN THI HÀNH
Điều VIII: Điều khoản thi hành:
UBND tỉnh giao trách nhiệm cho UBND huyện, xã, Chi cục kiểm lâm và các ngành có liên quan triển khai thực hiện quy định này. Quy định này thực hiện kể từ ngày 1 tháng 11 năm 2000 . Trong quá trình thực hiện nếu có gì khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời về UBND tỉnh để điều chỉnh cho hợp lý.