QUYẾT ĐỊNH
Về việc sửa đổi một số điều của Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai ban hành kèm theo Quyết định số 33/2013/QĐ-UBND ngày 14/8/2013 của UBND tỉnh Lào Cai
_________________
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 33/2015/TT-BCA ngày 20 tháng 7 năm 2015 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước;
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 21 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai tại tờ trình số: 12 /TTr-CAT-PA83 ngày 05 tháng 01 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi một số điều của Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai ban hành kèm theo Quyết định số 33/2013/QĐ-UBND ngày 14/8/2013 của UBND tỉnh Lào Cai như sau:
1. Điều 5 được sửa đổi như sau:
“Điều 5. Mẫu con dấu để quản lý tài liệu mật
1. Mẫu con dấu để quản lý tài liệu được thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 16 Thông tư số 33/2015/TT-BCA ngày 20 tháng 7 năm 2015 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước (sau đây viết tắt là Thông tư số 33/2015/TT-BCA).
2. Mực dùng để đóng các loại con dấu mật là mực màu đỏ tươi.
3. Vị trí đóng các con dấu mật được thực hiện theo Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 33/2015/TT-BCA. Không in sẵn dấu chỉ độ mật vào tài liệu bí mật nhà nước. Trong trường hợp đặc biệt, tài liệu, sách được in, xuất bản với số lượng lớn thì phải in dấu chỉ độ mật bằng mực màu đỏ tươi ở bên ngoài tài liệu, bìa sách.
4. Phông chữ được sử dụng đối với các mẫu dấu mật và mẫu biển cấm là phông chữ tiếng Việt của bộ mã ký tự Unicode theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001.”
2. Điều 6 được sửa đổi như sau:
“Điều 6. Soạn thảo, in, sao, chụp tin, tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
1. Căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định, người soạn thảo phải đề xuất độ mật của từng văn bản tại tờ trình duyệt ký văn bản; người duyệt ký văn bản có trách nhiệm quyết định việc đóng dấu độ mật (Tuyệt mật, Tối mật, Mật), phạm vi lưu hành, số lượng bản phát hành; văn thư có trách nhiệm đóng các loại con dấu trên theo quyết định của người duyệt ký tài liệu bí mật nhà nước.
Vật mang bí mật nhà nước, hồ sơ bí mật nhà nước được xác định và đóng dấu độ mật ở bên ngoài vật mang bí mật nhà nước và bên ngoài bì hồ sơ theo độ mật cao nhất của tài liệu được lưu giữ ở bên trong vật mang bí mật nhà nước, hồ sơ bí mật nhà nước.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền thẩm quyền cho phép in, sao, chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước, như sau:
a) Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền in, sao, chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật, Mật;
b) Giám đốc các Sở (hoặc tương đương); Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có thẩm quyền in, sao, chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước độ Tối mật, Mật;
c) Chánh Văn phòng (hoặc Trưởng phòng Hành chính) các Sở (hoặc tương đương); Trưởng các đơn vị trực thuộc Sở (hoặc tương đương); Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện, thành phố có thẩm quyền in, sao, chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước độ Mật;
d) Thẩm quyền in, sao, chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải được quy định cụ thể trong nội qui, quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của cơ quan, đơn vị;
đ) Lãnh đạo cơ quan ban hành văn bản có nội dung bí mật nhà nước được quyền in, sao chụp những văn bản do đơn vị mình phát hành.”
3. Sửa đổi khoản 1, 2, 3 Điều 13 như sau:
“1. Thẩm quyền tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước:
a) Việc tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước do Giám đốc Sở (hoặc tương đương), Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định;
b) Việc tiêu hủy mật mã được thực hiện theo quy định của Ban Cơ yếu Chính phủ;
c) Người có trách nhiệm in, sao, chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước có trách nhiệm tiêu hủy tại chỗ các bản dư thừa, bị hỏng sau khi hoàn thành việc in, sao, chụp.
2. Nguyên tắc tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước:
a) Phải đảm bảo bảo vệ lợi ích của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Phải đảm bảo yêu cầu không để lộ, lọt tài liệu, vật mang bí mật nhà nước;
c) Việc tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải đảm bảo đốt, xén, nghiền nhỏ, làm thay đổi hình dạng, tính năng, tác dụng, không thể phục hồi được.
d) Căn cứ tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước: Căn cứ vào tài liệu, vật mang bí mật nhà nước không còn giá trị sử dụng hoặc không còn giá trị lưu giữ trên thực tế.
3. Trình tự, thủ tục tiêu hủy:
a) Hàng năm, đơn vị trực tiếp quản lý, lưu giữ tài liệu, vật mang bí mật nhà nước có trách nhiệm thành lập Hội đồng tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước bao gồm: Đại diện lãnh đạo đơn vị trực tiếp lưu giữ, quản lý tài liệu, vật mang bí mật nhà nước, cán bộ được phân công lưu giữ, quản lý tài liệu và đại diện các bộ phận khác có liên quan. Hội đồng có trách nhiệm xem xét, rà soát, thống kê các tài liệu để đề xuất người có thẩm quyền theo quy định của Khoản 1 Điều này cho phép tiêu hủy;
Hội đồng tiêu hủy làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số, tự giải thể sau khi việc tiêu hủy được tiến hành;
b) Việc tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước chỉ được thực hiện khi có quyết định đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền;
c) Việc tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải được lập biên bản có xác nhận của người thực hiện tiêu hủy và lãnh đạo đơn vị quản lý, lưu giữ tài liệu, vật mang bí mật nhà nước được tiêu hủy;
d) Toàn bộ quá trình tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải được lập hồ sơ, bao gồm: Quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy; danh mục các tài liệu, vật mang bí mật nhà nước đề nghị tiêu hủy; bản thuyết minh về việc các tài liệu, vật mang bí mật nhà nước đề nghị tiêu hủy; quyết định cho phép tiêu hủy của người có thẩm quyền, biên bản về việc tiêu hủy.
Hồ sơ về việc tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải được lưu giữ, bảo quản tại cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật lưu trữ.”
4. Sửa đổi khoản 1 Điều 14 như sau:
“1. Đối với các khu vực cấm, địa điểm cấm thuộc phạm vi bí mật nhà nước khi đã được cấp có thẩm quyền xác định là khu vực cấm, địa điểm cấm phải được cắm biển cấm; xây dựng nội quy quản lý và tổ chức công tác bảo vệ đảm bảo yêu cầu bảo mật. Mẫu biển cấm gồm hai loại:
a) Mẫu biển “KHU VỰC CẤM”: hình chữ nhật nằm ngang, có kích thước 80cm x 60cm, được làm bằng vật liệu bền vững; chữ viết màu đen trên nền biển màu trắng; in hoa, kiểu chữ đứng, đậm; cụm từ “KHU VỰC CẤM” được viết bằng tiếng Việt (ở dòng trên), chiều cao hàng chữ là 12cm và tiếng Anh (“RESTRICTED AREA” và “NO TRESPASSING”) ở hai dòng dưới, chiều cao hàng chữ là 10cm;
b) Mẫu biển “ĐỊA ĐIỂM CẤM”: hình chữ nhật nằm ngang kích thước 60cm x 40cm, làm bằng vật liệu bền vững; chữ viết màu đen trên nền biển màu trắng; in hoa, kiểu chữ đứng, đậm; được viết bằng tiếng Việt (“ĐỊA ĐIỂM CẤM”) ở dòng trên, chiều cao hàng chữ 08cm và tiếng Anh (“RESTRICTED PLACE” và “NO TRESPASSING”) ở hai dòng dưới, chiều cao hàng chữ là 06cm.”
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.