NGHỊ QUYẾT
Quy định một số nội dung chi và mức hỗ trợ thuộc nguồn kinh phí
sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025
______________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
KHOÁ XVIII - KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg">07/2022/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025;
Căn cứ Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2023 của Bộ Tài chính về quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc giai đoạn 2021-2025;
Xét Tờ trình số 164/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang đề nghị ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định nội dung và mức hỗ trợ một số nội dung chi thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025; Báo cáo thẩm tra số 69/BC-KTNS ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định một số nội dung chi và mức hỗ trợ thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025 theo Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2023 của Bộ Tài chính.
2. Đối tượng áp dụng:
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng, quyết toán và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Điều 2. Nội dung và mức hỗ trợ
1. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện phát triển mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn; mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả; thực hiện mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh; thực hiện đề án/kế hoạch, hỗ trợ nhân rộng mô hình phân loại chất thải tại nguồn phát sinh; mô hình về thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải hữu cơ, chất thải nông nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải nhựa theo nguyên lý tuần hoàn, mô hình cộng đồng dân cư không rác thải nhựa; dự án, kế hoạch, phương án, mô hình xử lý khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường; xây dựng và nhân rộng mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình theo Quyết định 925/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới: Tối đa không quá 500 triệu đồng/(01) dự án, kế hoạch, phương án, mô hình. Căn cứ dự toán được giao, điều kiện, thực tế của từng dự án, kế hoạch, phương án, mô hình và chế độ chi tiêu hiện hành, Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án, kế hoạch, phương án, mô hình quyết định mức hỗ trợ cụ thể từ ngân sách nhà nước và không vượt quá mức hỗ trợ nêu trên.
2. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện (01) dự án, kế hoạch, phương án, mô hình tư vấn, giám sát và gắn mã vùng trồng, vùng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và nông nghiệp hữu cơ cho các tổ chức cá nhân; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã, huyện, tỉnh: Tối đa không quá 200 triệu đồng/(01) dự án, kế hoạch, phương án, mô hình. Căn cứ dự toán được giao, điều kiện, thực tế của từng dự án, kế hoạch, phương án, mô hình và chế độ chi tiêu hiện hành, Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án, kế hoạch, phương án, mô hình quyết định mức hỗ trợ cụ thể từ ngân sách nhà nước và không vượt quá mức hỗ trợ nêu trên.
3. Nội dung, mức hỗ trợ các dự án, mô hình, phương án, kế hoạch liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp: Thực hiện theo điểm a, khoản 1, Điều 2, Nghị quyết số 18/2023/NQ-HĐND ngày 15/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
4. Mức hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP từ ngân sách nhà nước: Tối đa không quá 70 triệu đồng/điểm cho 1 cơ sở, tổ chức, cá nhân. Căn cứ dự toán được giao, điều kiện, thực tế của từng điểm và chế độ chi tiêu hiện hành, Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết định mức hỗ trợ cụ thể và không vượt quá mức hỗ trợ nêu trên.
5. Nội dung và mức hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền:
a) Nội dung hỗ trợ: Thực hiện theo Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 7 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước: Tối đa không quá 500 triệu đồng/(01) mô hình, kế hoạch, dự án.
6. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện (01) mô hình: Triển khai Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; xây dựng các Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc “5 tự” và “5 cùng”; thành lập mô hình và duy trì sinh hoạt mô hình Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại tỉnh, mạng lưới tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và mới thành lập do phụ nữ làm chủ; thực hiện vun đắp, gìn giữ giá trị tốt đẹp và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam; xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng các mô hình sẵn có nhằm vun đắp, gìn giữ giá trị tốt đẹp và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam; thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”: 30 triệu đồng/mô hình.
7. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện (01) mô hình thí điểm và nhân rộng mô hình giám sát an ninh hiện đại và giám sát của cộng đồng, huy động người dân tham gia giám sát cộng đồng: Tối đa không quá 180 triệu đồng/mô hình. Căn cứ dự toán được giao, điều kiện, thực tế của từng mô hình và chế độ chi tiêu hiện hành, Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mô hình quyết định mức hỗ trợ cụ thể và không vượt quá mức hỗ trợ nêu trên.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn trong Nghị quyết được sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng các văn bản quy phạm pháp luật mới thì sẽ áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung, thay thế.
4. Đối với những nội dung đang thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 23 tháng 9 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ một số nội dung đặc thù kinh phí sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025 thì tiếp tục thực hiện đến khi hoàn thành.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, Kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 12 năm 2023 và thay thế Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 23 tháng 9 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ một số nội dung đặc thù kinh phí sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025./.