Sign In

THÔNG TƯ

Quy định về việc tổ chức kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ôtô, xe máy chuyên dùng của lực lượng Công an nhân dân

 ________________________________________

Căn cứ Luật giao thông đường bộ năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Công an;

Bộ Công an quy định về việc tổ chức kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ôtô và xe máy chuyên dùng của lực lượng Công an nhân dân như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Thông tư này quy định về việc tổ chức kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sau đây gọi là kiểm định xe) đối với các loại xe ôtô và xe máy chuyên dùng (sau đây gọi là xe) của lực lượng Công an nhân dân.

2. Cơ quan kiểm định

2.1. Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (Phòng hướng dẫn đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ).

2.2. Trung tâm kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (sau đây gọi là Trung tâm kiểm định).

2.3. Phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trung tâm kiểm định xe cơ giới thuộc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan kiểm định

3.1. Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (Phòng hướng dẫn đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) tổ chức kiểm định lần đầu xe của các cơ quan trực thuộc Bộ Công an do Cục đăng ký, quản lý.

3.2. Trung tâm kiểm định thuộc Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt tổ chức kiểm định các chu kỳ tiếp theo đối với xe của các cơ quan trực thuộc Bộ Công an do Cục đăng ký, quản lý. Trung tâm kiểm định do lãnh đạo Phòng hướng dẫn đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ kiêm Giám đốc. Trung tâm kiểm định có con dấu riêng để sử dụng trong công tác kiểm định xe Công an nhân dân.

3.3. Phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trung tâm kiểm định xe cơ giới thuộc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm định xe của các đơn vị Công an trong địa phương mình theo phân công của Giám đốc Công an địa phương. Trung tâm kiểm định có con dấu riêng để sử dụng trong công tác kiểm định xe Công an nhân dân.

4. Phương pháp kiểm định xe

Căn cứ điều kiện thực tế của Công an địa phương có thể tổ chức kiểm định theo phương pháp cơ giới hoặc bán cơ giới.

4.1. Kiểm định xe bằng phương pháp cơ giới được thực hiện trên dây chuyền kiểm định cơ giới tại Trung tâm kiểm định.

4.2. Kiểm định bằng phương pháp bán cơ giới phải bố trí ở khu vực riêng, không ảnh hưởng đến giao thông công cộng và phải đảm bảo an toàn. Phải có đoạn đường rộng bằng phẳng trải nhựa hoặc bê tông dài khoảng 200m để kiểm tra phanh và có dốc thử hoặc cầu kiểm tra có độ dốc 20% để kiểm tra gầm và phanh tay của xe.

5. Chu kỳ kiểm định

Chu kỳ kiểm định là khoảng thời gian giữa hai lần kiểm định.

5.1. Xe mới chưa qua sử dụng: 24 tháng;

5.2. Xe đã qua sử dụng đến 07 năm: 18 tháng;

5.3. Xe cải tạo và xe đã sử dụng trên 07 năm: 06 tháng.

5.4. Các loại xe tập lái, sát hạch: 06 tháng;

6. Hồ sơ kiểm định:

Ban hành kèm theo Thông tư này hồ sơ kiểm định xe Công an nhân dân, gồm:

6.1. Sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của lực lượng Công an nhân dân (mẫu số 01) sau đây gọi là Sổ kiểm định;

6.2. Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của lực lượng Công an nhân dân (mẫu số 02) sau đây gọi là Giấy chứng nhận kiểm định;

6.3. Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của lực lượng Công an nhân dân (mẫu số 03) sau đây gọi là Tem kiểm định;

6.4. Phiếu kiểm định (mẫu số 04);

6.5. Biên bản kiểm tra lập Sổ kiểm định (mẫu số 05) sau đây gọi là Biên bản lập Sổ kiểm định;

Mẫu số 01, 02, 03 do Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt thống nhất quản lý và phát hành; mẫu số 04, 05 do Công an địa phương tự in theo mẫu.

7. Trách nhiệm của đơn vị quản lý xe.

7.1. Các đơn vị quản lý, sử dụng xe có trách nhiệm thực hiện đầy đủ yêu cầu về bảo dưỡng, sửa chữa để phương tiện luôn đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định tại mục B phần II của Thông tư này.

7.2. Đơn vị quản lý, sử dụng xe và người lái xe chịu trách nhiệm duy trì tình trạng kỹ thuật của phương tiện theo tiêu chuẩn quy định khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A. TRÌNH TỰ KIỂM ĐỊNH

1. Khi làm thủ tục kiểm định xe, người lái xe phải xuất trình các giấy tờ sau:

1.1. Giấy giới thiệu.

1.2. Giấy đăng ký xe.

1.3. Giấy phép lái xe.

1.4. Sổ kiểm định (nếu cấp Sổ kiểm định lần đầu thì kê khai Biên bản lập Sổ kiểm định).

1.5. Kê khai Phiếu kiểm định.

2. Kiểm tra hồ sơ giấy tờ, thu phí

2.1. Tiếp nhận và kiểm tra các giấy tờ xe và người lái xe theo quy định tại điểm 1 Mục A phần II Thông tư này.

2.2. Thu lệ phí kiểm định

2.3. Nhập dữ liệu phương tiện kiểm định vào hệ thống máy vi tính.

3. Kiểm tra phương tiện và xử lý kết quả

3.1. Kiểm tra các thông số kỹ thuật của phương tiện theo Biên bản lập Sổ kiểm định (trường hợp cấp Sổ kiểm định lần đầu) và kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe theo đúng trình tự kiểm tra xe quy định tại mục B phần II Thông tư này.

3.2. Cán bộ kiểm định phải ghi nhận số liệu kiểm tra, truyền kết quả kiểm tra ở mỗi công đoạn về máy chủ, ký kết luận “đạt” hoặc “không đạt” của mỗi công đoạn trong Phiếu kiểm định.

3.3. Kết thúc việc kiểm định, Tổ trưởng tổ kiểm định kiểm soát, hoàn chỉnh các nội dung và ký duyệt Phiếu kiểm định “đạt” hoặc “không đạt” và yêu cầu người lái xe ký vào Phiếu kiểm định.

3.4. Trường hợp xe không đạt, cán bộ kiểm định thông báo và yêu cầu người lái xe sửa chữa, bảo dưỡng xe đảm bảo yêu cầu quy định mới kiểm tra tiếp.

3.5. Trường hợp xe đạt tiêu chuẩn, giải quyết theo trình tự sau đây:

3.5.1. In hoặc điền các thông tin của xe, chủ xe vào Sổ kiểm định (trường hợp cấp Sổ kiểm định lần đầu), Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định.

3.5.2. Hoàn chỉnh hồ sơ và trình lãnh đạo ký, đóng dấu Sổ kiểm định (trường hợp cấp Sổ kiểm định lần đầu), Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định.

3.5.3. Dán Giấy chứng nhận kiểm định vào Sổ kiểm định.

4. Trả kết quả, lưu trữ hồ sơ

4.1. Dán Tem kiểm định vào góc trên, bên phải của mặt trong kính chắn gió phía trước của xe;

4.2. Trả Sổ kiểm định cho người lái xe và yêu cầu ký nhận.

4.3. Quản lý, lưu trữ hồ sơ theo quy định.

B. NỘI DUNG KIỂM TRA VÀ YÊU CẦU KỸ THUẬT

1. Kiểm tra tổng quát xe

TT

Hạng mục kiểm tra

Phương pháp kiểm tra

Yêu cầu

1

Biển số đăng ký

- Quan sát, so sánh với đăng ký xe

- Dùng tay lắc

- Đúng với đăng ký xe, đủ số lượng, đúng quy cách, không nứt gãy, lắp chặt, đúng vị trí

2

Số động cơ

- Quan sát, so sánh với đăng ký xe.

- Đúng với số động cơ ghi trong đăng ký xe

3

Số khung

- Quan sát, so sánh với đăng ký xe.

- Đúng với số khung ghi trong đăng ký xe

4

Mầu sơn

Quan sát, so sánh với đăng ký xe

- Đúng với màu sơn ghi trong đăng ký xe.

- Không bong tróc, long lở

5

Hình dáng, bố trí chung, kích thước tổng thể

- Quan sát, đo bằng thước

- Kích thước giới hạn không vượt quá quy định

2. Kiểm tra phần trên và bên ngoài xe

TT

Hạng mục kiểm tra

Phương pháp kiểm tra

Yêu cầu

1

Thân vỏ, buồng lái, thùng hàng.

- Quan sát

- Dùng tay lắc

- Không được thủng rách và lắp ghép chắc chắn với khung xe. Khung xương không có vết nứt

2

Đèn chiếu sáng phía trước

 

- Phải đủ 2 loại đèn chiếu xa (đèn pha) và chiếu gần (đèn cốt)

- Lắp ghép đúng và chắc chắn, không nứt vỡ

1. Bán cơ giới: Quan sát và đo bằng thước

1. Bán cơ giới:

Quan sát bằng mắt đèn có ánh sáng trắng. Đèn pha chiếu xa ít nhất 100m với chiều rộng 4m, đèn cốt chiếu xa ít nhất 50m.

2. Cơ giới: Đo bằng thiết bị

2. Cơ giới:

Cường độ sáng một đèn chiếu xa không nhỏ hơn 10.000 (cd). Tia sáng phản chiếu ngoài biên phía trên và dưới tạo với đường tâm của chùm tia không nhỏ hơn 3o.

3

Đèn tín hiệu (xin đường, kích thước, phanh, lùi, đèn soi biển số)

- Quan sát

- Đếm tần số nháy trong 01 phút và đo khoảng thời gian từ khi bật công tắc đến khi đèn sáng

- Đồng bộ, đủ số lượng, đúng vị trí, lắp ghép chắc chắn, không nứt vỡ.

- Phải nhận biết được đèn phanh, đèn xin đường ở khoảng cách 20m và 10m đối với đèn kích thước, đèn soi biển số trong ánh sáng ban ngày.

- Tần số nháy của đèn xin đường: từ 60 đến 120 lần/phút. Thời gian chậm tác dụng không quá 3 giây.

4

Cửa xe, các cơ cấu khóa

- Quan sát

- Dùng tay lắc

- Đủ, đóng mở nhẹ nhàng, không tự mở.

3. Kiểm tra bên trong buồng lái, khoang chở khách

TT

Hạng mục kiểm tra

Phương pháp kiểm tra

Yêu cầu

1

Ghế người lái và ghế hành khách

- Quan sát

- Đo bằng thước

- Dùng tay lắc

- Đầy đủ, đúng quy cách, lắp đặt đúng vị trí, chắc chắn, có kích thước đạt tiêu chuẩn quy định.

- Cơ cấu điều chỉnh (nếu có) hoạt động tốt

2

Kính chắn gió

- Quan sát

- Là loại kính an toàn, không rạn nứt, đúng quy cách, kính chắn gió phía trước phải trong suốt

3

Phun nước rửa kính, gạt nước

- Quan sát

- Đủ số lượng, lắp ghép đúng, hoạt động tốt.

- Diện tích quét của gạt nước không nhỏ hơn hai phần ba diện tích kính chắn gió phía trước

4

Gương quan sát phía sau

- Quan sát kết hợp cọc tiêu hoặc thước đo

- Dùng tay lắc

- Đầy đủ, đúng quy cách, không có vết nứt, cho hình ảnh rõ nét. Chiều rộng quan sát mỗi bên không nhỏ hơn 4m ở vị trí cách gương 20m.

5

Sàn bệ, khung xương

- Quan sát

- Búa chuyên dùng

- Định vị đúng, chắc chắn

- Không mọt gỉ, thủng.

- Các dầm không được nứt gãy

6

Dây dẫn điện trong buồng lái

- Quan sát

- Định vị và các mối nối chắc chắn, vỏ cách điện không rạn nứt hoặc hỏng.

7

Vô lăng lái

- Quan sát

- Đo độ rơ góc bằng thiết bị chuyên dùng

- Đúng kiểu loại, không nứt vỡ, bắt chặt với trục lái

- Vô lăng điều khiển nhẹ nhàng.

- Độ rơ góc của vô lăng lái không lớn hơn:

+ 10o (đối với ôtô con, ôtô khách đến 12 chỗ, ôtô tải có tải trọng đến 1500 kg).

+ 20o (đối với ôtô khách trên 12 chỗ)

+ 25o (đối với ôtô tải có tải trọng trên 1500kg)

8

Trục lái

- Quan sát

- Dùng tay lắc kiểm tra độ rơ

- Đúng kiểu loại, lắp ghép đúng và chắc chắn

- Không được có độ rơ dọc và rơ ngang

9

Cơ cấu lái, trợ lực lái:

- Quan sát

- Dừng xe bằng phanh tay, để cần số ở vị trí số 0, cho động cơ hoạt động, quay vô lăng về hai phía để kiểm tra trợ lực lái

- Đúng kiểu loại, lắp ghép đúng và chắc chắn, đủ chi tiết kẹp chặt và phòng lỏng.

- Phải hoạt động bình thường, không có sự khác biệt lớn giữa lực lái bên trái và lực lái bên phải.

- Dây cu roa trợ lực lái không trùng lỏng hoặc hư hỏng.

- Không có biểu hiện chảy dầu thành giọt.

10

Cần phanh tay

- Kéo nhả cần phanh tay

- Linh hoạt, nhẹ nhàng, hoạt động tốt.

11

Cần số

- Quan sát.

- Ra vào số nguội

- Không biến dạng

- Hoạt động nhẹ nhàng

12

Bàn đạp phanh, bàn đạp ly hợp, bàn đạp ga

- Quan sát

- Dùng tay lắc, ấn bàn đạp.

- Đo bằng thước

- Lắp đặt đúng, chắc chắn

- Bàn đạp phải có hành trình tự do.

13

Các đồng hồ báo áp suất khí nén, nhiệt độ nước làm mát, áp suất dầu, đèn báo phanh tay, xin đường, chiếu sáng

- Quan sát

- Kiểm tra hoạt động của các đồng hồ

- Dừng xe bằng phanh tay, cho cần số về số 0, cho động cơ hoạt động để kiểm tra áp suất khí nén

- Phải đầy đủ các loại đồng hồ, đèn báo và phải hoạt động tốt.

- Đối với xe có hệ thống dẫn động khí nén (phanh hơi) hoặc trợ lực phanh bằng khí nén: áp suất khí nén phải đạt áp suất quy định cho từng loại xe.

14

Động cơ và các hệ thống liên quan đến động cơ

- Quan sát

- Dừng xe bằng phanh tay, để cần số ở số 0. Cho động cơ hoạt động và nghe tiếng động cơ

- Động cơ phải hoạt động ổn định ở chế động vòng quay không tải nhỏ nhất và không có tiếng gõ lạ

- Chất lỏng không rỉ thành giọt

4. Kiểm tra phần gầm xe

TT

Hạng mục kiểm tra

Phương pháp kiểm tra

Yêu cầu

1

Khung dầm

- Quan sát kết hợp dùng búa gõ

- Đầy đủ, đúng quy cách. Các dầm bằng kim loại không biến dạng, nứt, gỉ thủng. Các dầm gỗ không mục vỡ, gẫy.

2

Hệ thống treo.

- Quan sát kết hợp dùng búa gõ

- Đầy đủ, lắp ghép đúng và chắc chắn không nứt gẫy, không rò rỉ dầu hoặc khí nén.

- Đảm bảo cân bằng thân xe

3

Bánh xe (vành, moay ơ, lốp)

- Quan sát kết hợp búa chuyên dùng.

- Kích bánh xe cao khoảng 5 đến 10 cm. Dùng tay lắc bánh xe để kiểm tra độ rơ (Đối với xe tải, xe khách dùng tay quay để kiểm tra).

- Đo chiều sâu hoa lốp, áp suất lốp bằng thiết bị

- Kích cỡ lốp, vành đúng quy định của nhà sản xuất.

- Các chi tiết kẹp chặt và phòng lỏng đầy đủ, đúng quy cách.

- Vành đĩa, vòng hãm đúng kiểu loại, không biến dạng, rạn nứt, cong vênh. Vòng hãm phải khít vào vành bánh xe.

- Bánh xe quay trơn không bó kẹt, không có độ rơ dọc trục và hướng kính.

- Lốp đúng cỡ, đủ số lượng, đủ áp suất, không phồng rột, nứt vỡ tới lớp sợi mành. Lốp các bánh xe dẫn hướng phải cùng loại

- Chiều sâu hoa lốp phải đồng đều và không nhỏ hơn:

+ 1,6mm (đối với ôtô con đến 09 chỗ).

+ 2,0mm (đối với ôtô khách trên 09 chỗ).

+ 1,0mm (đối với ôtô tải)

4

Ngõng quay lái

- Quan sát

- Kích từng bánh xe dẫn hướng lên khỏi mặt đất, đạp phanh, dùng tay lắc bánh xe kiểm tra độ rơ dọc và ngang

- Lắp ghép đúng và chắc chắn

- Không biến dạng, nứt gãy

- Không rơ giữa bạc và trục, không rơ khớp cầu

5

Thanh đòn dẫn động lái (cần chuyển hướng dọc và ngang), khớp cầu (rô tuyn)

- Quay vô lăng về hai phía. Nếu xe có hệ thống trợ lực lái thì phải nổ máy khi kiểm tra.

- Quan sát kết hợp dùng tay lắc

- Không biến dạng, nứt gãy.

- Không có tiếng kêu khi lắc vô lăng.

- Vỏ bọc chắn bụi không được thủng rách.

- Lắp ghép đúng và chắc chắn, có đủ chi tiết kẹp chặt và phỏng lỏng (Không được dùng đinh hay dây thép để thay cho chốt chẻ)

6

Trục các đăng

- Quan sát kết hợp dùng tay lắc mạnh trục theo chiều lên xuống

- Trục không biến dạng, không nứt, không được hàn táp, nối dài thêm. Khi lắc trục không được sộc sệch, rơ lỏng, không phát ra tiếng kêu.

7

Cầu xe

- Quan sát kết hợp búa chuyên dùng

- Cầu xe không biến dạng, không nứt.

- Cầu chủ động không có dầu chảy thành giọt

8

Dẫn động phanh chính

- Đạp phanh và quan sát

- Đẩy đủ các bình chứa và van.

- Hoạt động linh hoạt, nhẹ nhàng.

- Không biến dạng, rạn nứt. Không rò rỉ dầu phanh hoặc khí nén trong hệ thống.

9

Dây dẫn điện phía dưới

- Quan sát

- Định vị và các mối nối chắc chắn, vỏ cách điện không rạn nứt hoặc hỏng

10

Hệ thống dẫn khí thải, bầu giảm âm

- Quan sát kết hợp lay, lắc các giá đỡ, ống nối, bầu giảm âm

- Lắp ghép đúng và chắc chắn

- Bầu giảm âm và ống dẫn khí thải phải kín.

5. Kiểm tra các chỉ tiêu bảo vệ môi trường

Các loại xe cơ giới đến kiểm định phải áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải theo các Tiêu chuẩn Việt Nam tương đương mức Euro 2 theo quy định tại Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

TT

Hạng mục kiểm tra

Phương pháp kiểm tra

Yêu cầu

1

Độ ồn dB(A)

1. Bán cơ giới:

Cho động cơ hoạt động ở tốc độ 1/2 số vòng quay lớn nhất và nghe tiếng ồn

2. Cơ giới:

Đo theo TCVN 6435: 1998

Mức ồn tối đa không quá 107 dB(A).

2

Còi điện dB(A)

1. Bán cơ giới:

Nghe âm thanh còi.

2. Cơ giới:

Đo bằng thiết bị ở khoảng cách 2m từ đầu xe

1. Bán cơ giới:

Âm thanh còi to, rõ, không bị rè.

2. Cơ giới:

Âm lượng không nhỏ hơn 65 dB(A) nhưng không quá 115 dB(A)

3

Nồng độ CO (% thể tích)

- Cơ giới:

Đo theo TCVN 6204: 2008

- Cơ giới: Không quá 4,5

4

Nồng độ HC (ppm thể tích)

- Cơ giới

Đo theo TCVN 6204: 2008

- Cơ giới:

+ Động cơ 4 kỳ: Không quá 1.200;

+ Động cơ 2 kỳ: Không quá 7.800.

5

Độ khói (% HSU)

1. Bán cơ giới:

Nhìn màu sắc khí xả

2. Cơ giới:

Đo theo TCVN 6438: 2005

1. Bán cơ giới:

Khí xả có màu nhạt đối với động cơ xăng. Đối với động cơ Đi ê zen, khí xả không được có màu đen quá mức nhận biết được.

2. Cơ giới:

Động cơ Đi ê zen: Không quá 72.

6. Kiểm tra hoạt động của hệ thống phanh, lái.

Đối với phương pháp kiểm định bán cơ giới: Qua kiểm tra xe ở trạng thái tĩnh phát hiện những bộ phận không đảm bảo an toàn thì yêu cầu người lái xe phải sửa chữa. Chỉ những xe đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn mới cho xe chạy trên đường để kiểm tra.

TT

Hạng mục kiểm tra

Phương pháp kiểm tra

Yêu cầu

1

Kiểm tra sự hoạt động của ly hợp, hộp số

1. Bán cơ giới:

Cho xe chạy trên đường ở mọi tay số

2. Cơ giới:

Cho xe chạy trên băng thử ở mọi tay số

- Ly hợp đóng nhẹ nhành, cắt dứt khoát.

- Hộp số (cơ khí hoặc tự động) chuyển số nhẹ nhàng, không rung giật hoặc bị nhảy số.

2

Độ trượt ngang của bánh xe dẫn hướng

Cho xe chạy thẳng với tốc độ không lớn hơn 5 km/h, không tác động lực lên vô lăng

1. Bán cơ giới: Chạy thẳng trên đường khoảng 100m. Dùng thước đo độ lệch của bánh xe dẫn hướng.

2. Cơ giới:

Cho xe chạy trên băng thử.

Độ trượt ngang của xe không vượt quá 05 m/km.

3

Hiệu quả phanh chính

1. Bán cơ giới:

Đo quãng đường phanh và độ lệch khi phanh ở chế độ thử không tải với tốc độ V = 30 km/h.

2. Cơ giới:

Lực phanh và sai lệch lực phanh trên 01 trục

1. Bán cơ giới:

- Quãng đường phanh không lớn hơn:

+ 7,2m (đối với ôtô con đến 9 chỗ ngồi);

+ 9,5m (đối với ôtô tải có tải trọng nhỏ hơn 8.000 kg, ôtô khách trên 9 chỗ có chiều dài toàn bộ ngắn hơn 7,5m).

+ 11m (đối với ôtô tải có tải trọng lớn hơn 8.000 kg, ôtô khách trên 9 chỗ có chiều dài toàn bộ lớn hơn 7,5m).

- Độ lệch phanh: Khi phanh quỹ đạo chuyển động của xe không lệch khỏi hành lang 3,5m.

2. Cơ giới:

- Lực phanh: Tổng lực phanh không nhỏ hơn 50% tự trọng của xe.

- Sai lệch lực phanh trên một trục: Không quá 25%.

4

Hiệu lực của phanh tay

Kiểm tra ở chế độ không tải

1. Bán cơ giới:

Dùng dốc thử có độ dốc 20% hoặc đo quãng đường phanh trên đường với tốc độ Vo = 15 km/h.

2. Cơ giới:

Thiết bị thử phanh

1. Bán cơ giới:

Dừng được xe trên dốc thử hoặc quãng đường phanh nhỏ hơn 6m.

2. Cơ giới:

Lực phanh tay không nhỏ hơn 16% tự trọng của xe.

7. Riêng đối với xe tập lái, xe sát hạch phải kiểm tra thêm hệ thống phanh phụ và các thiết bị an toàn phụ trợ của xe theo quy định về yêu cầu kỹ thuật hệ thống phanh, thiết bị an toàn chính của xe.

C. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ KIỂM ĐỊNH

1. Quy định về việc đưa xe đến kiểm định

1.1. Trước khi hết hạn ghi trên Giấy chứng nhận kiểm định ít nhất 07 ngày, đơn vị quản lý xe có trách nhiệm đưa xe đến cơ quan kiểm định quản lý xe đó để kiểm định. Trước khi đưa xe đến kiểm định, người lái xe phải tự kiểm tra đảm bảo tình trạng kỹ thuật xe đạt được các yêu cầu khi kiểm định, xe phải được rửa, vệ sinh sạch sẽ cả trong và ngoài xe.

1.2. Trường hợp đến hạn kiểm định nhưng phương tiện bị hư hỏng không đủ điều kiện tham gia giao thông hoặc xe ngừng không lưu hành thì đơn vị chủ quản phải có công văn báo với cơ quan kiểm định xe. Sau khi sửa chữa xong phải có công văn đề nghị được kiểm định xe.

1.3. Trường hợp do yêu cầu công tác xe phải hoạt động lâu ngày ở địa phương khác, khi đến hạn kiểm định đơn vị quản lý xe phải có công văn đề nghị cơ quan Cảnh sát giao thông địa phương, nơi xe đang hoạt động để kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định xe. Sau khi kiểm định, cơ quan Cảnh sát giao thông đã kiểm định xe phải thông báo kết quả cho cơ quan kiểm định quản lý xe đó biết.

2. Kiểm định xe từ địa phương khác chuyển đến.

Khi xe được điều động, phân bổ cho đơn vị hoặc địa phương khác, cùng với thủ tục sang tên di chuyển xe, cơ quan Cảnh sát giao thông quản lý xe phải điều chỉnh Sổ theo dõi kiểm định. Cơ quan Cảnh sát giao thông nơi xe chuyển đến phải làm thủ tục kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định theo quy định tại mục A phần II của Thông tư này.

3. Đổi, cấp lại Giấy chứng nhận kiểm định:

3.1. Khi cải tạo thay đổi tính năng sử dụng, thay đổi hệ thống tổng thành, thay đổi màu sơn của xe hoặc thay đổi chủ sở hữu xe, đơn vị quản lý xe phải đến cơ quan kiểm định xe để làm thủ tục kiểm định và bổ sung vào Sổ kiểm định.

3.2. Trường hợp Sổ kiểm định hoặc Tem kiểm định xe bị rách, hư hỏng hoặc bị mất, đơn vị quản lý xe phải có công văn trình bày gửi cơ quan kiểm định để được xét cấp lại Sổ kiểm định hoặc Tem kiểm định.

Nếu còn trên 1/3 thời hạn kiểm định (nhưng không ít hơn 03 tháng) thì cấp theo thời hạn còn lại. Các trường hợp khác phải kiểm định xe và cấp Giấy chứng nhận kiểm định theo chu kỳ quy định đối với từng loại xe.

3.3. Trường hợp Sổ kiểm định xe bị cơ quan có thẩm quyền thu giữ, đơn vị quản lý xe phải báo ngay với cơ quan kiểm định xe biết để phối hợp xử lý. Nghiêm cấm hành vi khai man để xin cấp lại Sổ kiểm định.

4. Thẩm quyền ký các loại giấy tờ

4.1. Trưởng phòng hướng dẫn đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt ký Sổ kiểm định, Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định và các giấy tờ có liên quan khác khi kiểm định lần đầu xe của các cơ quan trực thuộc Bộ Công an do Cục đăng ký, quản lý.

4.2. Giám đốc Trung tâm kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt ký Sổ kiểm định, Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định và các giấy tờ có liên quan khác khi kiểm định các kỳ tiếp theo xe của các cơ quan trực thuộc Bộ Công an do Cục đăng ký, quản lý.

4.3. Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Trung tâm kiểm định xe cơ giới thuộc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký Sổ kiểm định, Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định và các giấy tờ khác có liên quan đến công tác kiểm định xe của các đơn vị Công an trong địa phương mình theo phân công của Giám đốc Công an địa phương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2009 và thay thế các nội dung có liên quan đến công tác kiểm định xe Công an nhân dân tại Chương II “Quy định về việc đăng ký, cấp biển số xe máy chuyên dùng và kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ôtô và xe máy chuyên dùng của ngành Công an” ban hành kèm theo Quyết định số 18/2002/QĐ-BCA(C11) ngày 07 tháng 01 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công an.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện Thông tư này.

3. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt và Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng các quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến công tác kiểm định xe.

4. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục trực thuộc Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc được giao quản lý, sử dụng xe thực hiện các quy định về kiểm định xe Công an nhân dân quy định tại Thông tư này./.

 

Bộ Công an

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trung tướng Trần Đại Quang