Sign In

CHỈ THỊ CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất

Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương có tốc độ phát triển kinh tế cao, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hình thành. Hàng trăm dự án đầu tư đang được xây dựng, có nhiều công trình đã đi vào hoạt động sản xuất. Quá trình đô thị hoá phát triển nhanh, nhiều khu vực tập trung dân cư được hình thành. Vì vậy nhu cầu khai thác, sử dụng nước dưới đất phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng. Trong khi đó, việc quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo về tài nguyên nước dưới đất chưa được xúc tiến. Tình trạng thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất không có quy hoạch, không được cấp giấy phép rất phổ biến. Nhiều tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất không có giấy phép, nhiều công trình khoan thăm dò, quan trắc nước dưới đất không còn sử dụng hoặc bị hư hỏng chưa được xử lý theo quy định. Tình trạng nêu trên là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tài nguyên nước dưới đất ở tỉnh ta sẽ bị suy thoái, cạn kiệt, nhiễm bẩn, nhiễm mặn và gây nên sập lún mặt đất.

Để bảo vệ và khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước dưới đất phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và thực hiện nghiêm Luật Tài nguyên nước đã được ban hành ngày 20/5/1998 và Chỉ thị số: 02/2004/CT - BTNMT, ngày 02/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: "về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất". UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ sau đây:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a/ Tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước, Nghị định số: 179/1999/NĐ - CP, ngày 30/12/1999 của Chính phủ Quy định việc thi hành Luật Tài nguyên nước, Nghị định số: 149/2004/NĐ-CP, ngày 27/7/2004 của Chính phủ Quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và Quyết định số: 05/2003/QĐ - BTNMT, ngày 04/9/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về cấp phép thăm dò, khai thác, hành nghề khoan nước dưới đất và các văn bản pháp luật có liên quan khác để quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước dưới đất có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

b/ Chủ trì và phối hợp với các ngành, các cấp tiến hành kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất, hành nghề 1

khoan nước dưới đất và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật. Lập danh bạ các giếng khoan khai thác đã bị hư hỏng, các giếng khoan quan trắc không còn sử dụng, các lỗ khoan thăm dò cũ để xử lý chống nhiễm bẩn, bảo vệ nguồn nước dưới đất. Thống kê các hộ khai thác, sử dụng nước dưới đất có quy mô nhỏ phục vụ cho nhu cầu của gia đình về sinh hoạt, sản xuất và dịch vụ.

c/ Điều tra, đánh giá thực trạng khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Xác định mức độ ảnh hưởng tới nguồn nước dưới đất (mức độ cạn kiệt, nhiễm mặn, nhiễm bẩn) và hiện tượng sụt lún mặt đất báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp xử lý.

d/ Điều tra, đánh giá kết quả tìm kiếm, thăm dò nước dưới đất; xây dựng, quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Trước mắt thực hiện ở những vùng trọng điểm bao gồm: Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực nuôi trồng thuỷ sản, khu vực tập trung dân cư, đô thị, khu vực khai thác nước dưới đất tập trung, trình UBND tỉnh phê duyệt.

đ/ Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường ở cấp huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn về công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước dưới đất.

e/ Xây dựng quy định về quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn trình UBND tỉnh vào quý I, năm 2005.

g/ Sáu tháng một lần tổng hợp báo cáo thực hiện công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh gửi Cục Quản lý Tài nguyên nước và UBND tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy hoạch khu vực sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản có nhu cầu sử dụng nước dưới đất.

- Chỉ đạo Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn lập quy hoạch khai thác, sử dụng nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn và tổ chức quản lý chặt chẽ hệ thống giếng khoan UNICEF trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường lập phương án xử lý các giếng khoan UNICEF không còn hoạt động để chống ô nhiễm nước dưới đất.

3. Sở Xây dựng:

- Phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Công ty cấp nước Hải Dương xây dựng quy hoạch thăm dò, khai thác nước dưới đất phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh. Trước mắt cần đẩy nhanh tốc độ thi công sớm đưa hai công trình khai thác nước ngầm vào hoạt động (công trình khai thác 4 giếng khoan với công suất 4000 m3/ ngày, đêm - Thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh, công trình khai thác 2 giếng khoan công suất 1500 m3/ 2

ngày, đêm - Thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang).

4. Các cơ quan thông tin đại chúng:

Báo Hải Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh các huyện, thành phố tăng cường thời lượng phát sóng phổ biến, tuyên truyền pháp luật về tài nguyên nước cho các tổ chức và nhân dân.

5. UBND các huyện, thành phố:

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan tuyên truyền của huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền trong nhân dân pháp luật về tài nguyên nước. Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiể m tra các hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất trên địa bàn. Xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Tài nguyên nước theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện thành phố, các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thi hành Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Bùi Thanh Quyến