THÔNG TƯ
Quy định về công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị
trong thực hiện pháp điển các đề mục thuộc trách nhiệm pháp điển của Bộ Quốc phòng
_______________________
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;
Căn cứ Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện pháp điển các đề mục thuộc trách nhiệm pháp điển của Bộ Quốc phòng.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng về công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với các đề mục thuộc trách nhiệm pháp điển của Bộ Quốc phòng.
2. Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, kỹ thuật pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012; Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 06 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Nghị định số 63/2013/NĐ-CP); Thông tư số 13/2014/TT-BTP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Thông tư số 13/2014/TT-BTP)
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này được áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan đến công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của các đề mục thuộc trách nhiệm pháp điển của Bộ Quốc phòng.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Tuân thủ đúng trình tự, thủ tục pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và tiến độ thực hiện pháp điển theo kế hoạch đã được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.
2. Bảo đảm tính kịp thời, chủ động, thường xuyên trong hoạt động phối hợp; đề cao trách nhiệm cá nhân của chỉ huy cơ quan chủ trì và cơ quan, đơn vị phối hợp.
3. Công việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị nào thì đơn vị đó chủ trì xử lý; các cơ quan, đơn vị khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp kịp thời khi cơ quan, đơn vị chủ trì yêu cầu.
Điều 4. Đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện pháp điển
1. Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện pháp điển đối với các đề mục trong chủ đề quốc phòng và an ninh quốc gia thuộc trách nhiệm pháp điển của Bộ Quốc phòng.
2. Cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng thực hiện các nội dung quy định tại Điều 3 Thông tư này và kế hoạch pháp điển đối với từng đề mục cụ thể.
Điều 5. Nội dung phối hợp
1. Lập đề nghị xây dựng đề mục (nếu có).
2. Xây dựng kế hoạch thực hiện pháp điển đối với từng đề mục.
3. Thu thập văn bản sử dụng để pháp điển theo đề mục và xử lý, kiến nghị xử lý các quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế.
4. Thực hiện pháp điển theo đề mục.
5. Tổng hợp, xây dựng hồ sơ kết quả pháp điển gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định.
6. Tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện hồ sơ kết quả pháp điển, trình Bộ trưởng ký xác thực kết quả pháp điển theo đề mục gửi Bộ Tư pháp.
7. Phối hợp thực hiện các công việc khác có liên quan đến công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.
Điều 6. Hình thức phối hợp
1. Lấy ý kiến bằng văn bản.
2. Tổ chức cuộc họp, hội thảo.
3. Cử cán bộ tham gia.
4. Các hình thức khác.
Điều 7. Trách nhiệm phối hợp
1. Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nội dung quy định tại Điều 5 Thông tư này.
2. Khi nhận được đề nghị phối hợp pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền liên quan đến đề mục thuộc trách nhiệm pháp điển của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tập hợp văn bản, thực hiện pháp điển theo đề nghị và quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.
3. Chỉ huy các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác phối hợp thực hiện công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật theo nhiệm vụ được giao.
Điều 8. Kinh phí thực hiện công tác pháp điển
1. Kinh phí bảo đảm thực hiện công tác pháp điển của cơ quan, đơn vị được bảo đảm trong dự toán kinh phí hàng năm của cơ quan, đơn vị và các khoản kinh phí khác được Nhà nước và Bộ Quốc phòng cấp cho các hoạt động công tác pháp chế.
2. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào khối lượng công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật theo quy định tại Thông tư liên tịch số 192/2013/TTLT-BTC-BTP ngày 13/12/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.
Chương II
PHỐI HỢP THỰC HIỆN PHÁP ĐIỂN ĐỀ MỤC
Điều 9. Lập đề nghị xây dựng đề mục
1. Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan lập đề nghị xây dựng đề mục và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Quốc phòng:
Đề xuất, xác định văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định để xác định tên đề mục và chủ đề để sắp xếp đề mục;
Đề xuất lập danh mục văn bản dự kiến đưa vào đề mục sắp xếp theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp và đề nghị xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế;
b) Xây dựng đề mục trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan về đề nghị xây dựng đề mục;
c) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất nội dung đề nghị xây dựng đề mục;
d) Hoàn thiện đề nghị xây dựng đề mục trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định gửi Bộ Tư pháp theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP.
2. Cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng thực hiện nội dung quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 10. Xây dựng kế hoạch chung để thực hiện pháp điển các đề mục thuộc trách nhiệm pháp điển của Bộ Quốc phòng
1. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành kế hoạch thực hiện pháp điển đối với các đề mục thuộc trách nhiệm pháp điển của Bộ Quốc phòng và phân công cơ quan, đơn vị thực hiện.
2. Các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch pháp điển chung của Bộ Quốc phòng.
Điều 11. Xây dựng kế hoạch thực hiện pháp điển đối với mỗi đề mục
1. Căn cứ kế hoạch triển khai thực hiện pháp điển các đề mục thuộc trách nhiệm pháp điển của Bộ Quốc phòng, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện pháp điển đối với từng đề mục trong đó xác định cụ thể cơ quan thực hiện pháp điển đối với từng văn bản trong đề mục, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Xây dựng dự thảo kế hoạch và lấy ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan;
b) Tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
2. Cơ quan, đơn vị nhận được đề nghị phối hợp xây dựng kế hoạch có trách nhiệm đề xuất bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đề mục thuộc trách nhiệm cơ quan, đơn vị mình giúp Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước và gửi văn bản tham gia ý kiến về Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng để tổng hợp và thực hiện pháp điển đề mục.
Điều 12. Thu thập văn bản sử dụng để pháp điển theo đề mục
1. Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát, thu thập, lập danh mục các văn bản thuộc nội dung đề mục và các văn bản có nội dung liên quan đến các văn bản thuộc nội dung của đề mục theo quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP bảo đảm đúng quy định của pháp luật và kế hoạch thực hiện pháp điển đối với đề mục đó.
2. Các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng rà soát, thu thập, bổ sung vào các danh mục tại Khoản 1 Điều này các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm pháp điển của mình và gửi văn bản đã thu thập, bổ sung cho Vụ Pháp chế tổng hợp để thực hiện pháp điển theo quy định.
Điều 13. Xử lý, kiến nghị xử lý các quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp với thực tế
1. Xử lý, kiến nghị xử lý các quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP.
2. Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc nội dung đề mục, nếu phát hiện có quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế quy định tại Khoản 1 Điều này thì báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
3. Các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng trong rà soát, đề nghị hoặc kiến nghị xử lý quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 14. Thực hiện pháp điển theo đề mục
1. Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện pháp điển và gửi kết quả lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị phối hợp.
2. Cơ quan, đơn vị phối hợp rà soát phần nội dung pháp điển có liên quan đến cơ quan, đơn vị mình, tham gia ý kiến bằng văn bản bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ và gửi về Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng.
3. Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tổng hợp hoàn thiện đề mục và xây dựng hồ sơ kết quả pháp điển gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định.
Điều 15. Tổng hợp, xây dựng hồ sơ kết quả pháp điển gửi thẩm định
1. Tổng hợp kết quả pháp điển
a) Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng có trách nhiệm gửi kết quả pháp điển; lập Danh mục các văn bản đã được thu thập để pháp điển lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện pháp điển đề mục.
b) Cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện pháp điển đề mục có trách nhiệm kiểm tra về tính xác thực phần nội dung đã được pháp điển liên quan đến cơ quan, đơn vị mình và trình Thủ trưởng ký xác thực.
2. Xây dựng hồ sơ kết quả pháp điển gửi Bộ Tư pháp thẩm định
Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng có trách nhiệm xây dựng Hồ sơ kết quả pháp điển theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 13/2014/TT-BTP, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, ký xác thực và đóng dấu để gửi Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định. Hồ sơ gồm:
a) Công văn đề nghị thẩm định;
b) Kết quả pháp điển theo đề mục; đối với kết quả bằng văn bản thì phải có chữ ký xác thực của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được đóng dấu của Bộ Quốc phòng;
c) Các văn bản đã được sử dụng để pháp điển theo đề mục, kèm theo danh mục các văn bản đó.
Điều 16. Tiếp thu ý kiến thẩm định, chỉnh lý kết quả pháp điển
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Bộ Tư pháp, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, chỉnh lý, hoàn thiện kết quả pháp điển, hồ sơ kết quả pháp điển trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký xác thực đối với nội dung đã được chỉnh lý và gửi Bộ Tư pháp theo quy định.
Điều 17. Thực hiện báo cáo việc thực hiện pháp điển
Trên cơ sở các kế hoạch của Bộ Quốc phòng triển khai công tác pháp điển, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo tình hình tổ chức triển khai, thực hiện và kết quả pháp điển của Bộ Quốc phòng định kỳ hoặc đột xuất; báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi có yêu cầu.
Điều 18. Phối hợp thực hiện các công việc khác có liên quan đến công tác pháp điển
Đối với các công việc khác có liên quan đến công tác pháp điển, các cơ quan, đơn vị phối hợp xác định thẩm quyền, trách nhiệm của mình trên nguyên tắc theo quy định của pháp luật. Trường hợp không xác định được thẩm quyền, trách nhiệm của đơn vị nào trong việc triển khai thực hiện công việc đó, thì cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 02 năm 2015.
Điều 20. Trách nhiệm thi hành
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng, Chỉ huy các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Quốc phòng (qua Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng) để tổng hợp, báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định./.