• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/08/2016
  • Ngày hết hiệu lực: 25/02/2022
BỘ TƯ PHÁP-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Số: 06/2016/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Dương, ngày 31 tháng 5 năm 2016

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự

_________________

                                                                   

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2014 (sau đây gọi chung là Luật Thi hành án dân sự);

Căn cứ Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn việc phối hợp lập báo cáo thống kê, gửi báo cáo thống kê và kiểm tra liên ngành trong thống kê thi hành án dân sự giữa Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư liên tịch này được áp dụng đối với:

1. Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chi cục Thi hành án dân sự); Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Cục Thi hành án dân sự) và Bộ Tư pháp.

2. Viện Kiểm sát nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện); Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh), Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

3. Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện); Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh), Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao.

Điều 3. Biểu mẫu thống kê liên ngành

1. Biểu mẫu thống kê thi hành án dân sự liên ngành ban hành kèm theo Phụ lục 1 tại Thông tư liên tịch này, bao gồm:

a) Biểu số 01/TKLN-THADS - Thống kê kết quả thi hành án dân sự về việc;

b) Biểu số 02/TKLN-THADS - Thống kê kết quả thi hành án dân sự về tiền;

c) Biểu số 03/TKLN-THADS - Thống kê số bản án, quyết định mà cơ quan Thi hành án dân sự yêu cầu Tòa án chửa chữa, bổ sung, giải thích; kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; yêu cầu xác định, phân chia tài sản; yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu; kết quả giải quyết của Tòa án;

d) Biểu số 04/TKLN-THADS - Thống kê kết quả kiểm sát thi hành án dân sự.

2. Giải thích một số từ ngữ và hướng dẫn ghi chép biểu mẫu được thực hiện theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

Điều 4.  Kỳ báo cáo thống kê về thi hành án dân sự

1. Kỳ báo cáo thống kê tháng bắt đầu từ ngày 01/10 của năm trước và kết thúc vào ngày cuối cùng của các tháng tương ứng với kỳ thống kê đó.

2. Kỳ báo cáo thống kê năm là kỳ báo cáo thống kê 12 tháng, bắt đầu từ ngày 01/10 năm trước và kết thúc ngày 30/9 của năm tiếp theo liền kề.

Kỳ báo cáo thống kê thi hành án dân sự trong năm bao gồm 12 kỳ: 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng, 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng, 9 tháng, 10 tháng, 11 tháng và 12 tháng.

Điều 5. Đơn vị tính và phương pháp tính

1. Đơn vị tính được quy định cụ thể trong các biểu mẫu thống kê, phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

2. Số liệu báo cáo thống kê được tính theo phương pháp lũy kế.

Chương II

LẬP, GỬI BÁO CÁO VÀ KIỂM TRA LIÊN NGÀNH

TRONG THỐNG KÊ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 6. Lập báo cáo thống kê thi hành án dân sự 

1. Chi cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện; Cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo thống kê Biểu mẫu số 01/TKLN-THADS, Biểu mẫu số 02/TKLN-THADS quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch này.

2. Chi cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện và Tòa án nhân dân cấp huyện; Cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo thống kê Biểu mẫu số 03/TKLN-THADS quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch này.

3. Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Chi cục Thi hành án dân sự và Tòa án nhân dân cấp huyện; Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Thi hành án dân sự và Tòa án nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo thống kê Biểu mẫu số 04/TKLN-THADS quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch này.

4. Toà án nhân dân cấp cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao lập báo cáo thống kê Biểu mẫu số 03/TKLN-THADS quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch này.

5. Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm lập báo cáo thống kê thi hành án dân sự của toàn quốc.

6. Việc lập báo cáo thống kê thi hành án dân sự liên ngành trong quân đội thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

Điều 7. Phối hợp lập và đính chính số liệu trong báo cáo thống kê thi hành án dân sự

1. Quá trình lập báo cáo thống kê thi hành án dân sự, trường hợp không thống nhất về số liệu thống kê thì cơ quan Thi hành án dân sự chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp rà soát, đối chiếu và thống nhất số liệu tại Biểu mẫu số 01/TKLN-THADS, Biểu mẫu số 02/TKLN-THADS; cơ quan Thi hành án dân sự chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp rà soát, đối chiếu và thống nhất số liệu tại Biểu mẫu số 03/TKLN-THADS; Viện Kiểm sát nhân dân chủ trì, phối hợp cơ quan Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân cùng cấp để rà soát, đối chiếu và thống nhất số liệu tại Biểu mẫu số 04/TKLN-THADS.

2. Trường hợp đính chính số liệu trong báo cáo thống kê thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân có số liệu cần được đính chính phải có văn bản giải trình; có sự thống nhất của các cơ quan cùng cấp đã tham gia ký xác nhận vào báo cáo thống kê đó và báo cáo lên cấp trên trực tiếp để thực hiện việc đính chính trong các báo cáo tổng hợp.

Điều 8. Gửi báo cáo thống kê thi hành án dân sự

1. Thời hạn gửi báo cáo thống kê thi hành án dân sự

a) Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo, Chi cục Thi hành án dân sự gửi báo cáo thống kê cho Cục Thi hành án dân sự; Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện gửi báo cáo thống kê cho Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Tòa án nhân dân cấp huyện gửi báo cáo thống kê cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh để theo dõi, tổng hợp theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch này;

b) Chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo, Cục Thi hành án dân sự gửi báo cáo thống kê của toàn tỉnh cho Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự); Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao gửi báo cáo thống kê cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp cao gửi báo cáo thống kê cho Tòa án nhân dân tối cao để Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tổng hợp báo cáo các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

2. Phương thức gửi báo cáo thống kê thi hành án dân sự

Báo cáo thống kê thi hành án dân sự được gửi tới nơi nhận bằng một trong các phương thức sau đây:

a) Gửi bằng đường bưu điện;

b) Gửi trực tiếp;

Để đảm bảo việc lập, gửi báo cáo thống kê đúng thời hạn, cơ quan Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân có thể gửi trước báo cáo thống kê đến nơi nhận bằng thư điện tử, sử dụng chữ ký số trong việc lập báo cáo thống kê hoặc các phương tiện khác theo yêu cầu của mỗi ngành. Việc gửi thư điện tử phải sử dụng hộp thư điện tử được cấp do Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao (nếu có).

Điều 9. Kiểm tra liên ngành về thống kê thi hành án dân sự

Hàng năm, cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp trên có thể tổ chức kiểm tra liên ngành việc thực hiện báo cáo thống kê thi hành án dân sự đối với cấp dưới.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm thực hiện

1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương thực hiện Thông tư liên tịch này;

b) Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong việc rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu thống kê báo cáo các cơ quan có thẩm quyền;

c) Chủ trì tổ chức cuộc họp liên ngành với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để đánh giá việc thực hiện Thông tư liên tịch này.

2. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Viện Kiểm sát nhân dân cấp dưới thực hiện Thông tư liên tịch này;

b) Phối hợp với Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao trong việc rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu thống kê báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.

3. Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Tòa án nhân dân cấp dưới thực hiện Thông tư liên tịch này;

b) Phối hợp với Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu thống kê báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.

4. Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp cao có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định của Thông tư liên tịch này.

 5. Cục Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Thực hiện nghiêm túc các quy định của Thông tư liên tịch này;

b) Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Chi cục Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi ngành mình thực hiện Thông tư liên tịch này.

6. Chi cục Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định của Thông tư liên tịch này.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2016.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao theo thẩm quyền để giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tư pháp
Thứ trưởng

KT. VIỆN TRƯỞNG Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

KT. CHÁNH ÁN Toà án nhân dân tối cao
Phó Chánh án thường trực

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Phan Chí Hiếu

Nguyễn Thị Thủy Khiêm

Bùi Ngọc Hòa

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.