Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc sửa đổi Quy định về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo và quản lý công chức dự bị tại thành phố Hải Phòng theo Quyết định 1873/2006/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

----------------------------------------------

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 115/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về chế độ công chức dự bị; Nghị định số 08/2007/NĐ-CP ngày 15/01/2007 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về chế độ công chức dự bị;
Căn cứ Thông tư số 08/2004/TT-BNV ngày 19/02/2004 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 115/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về chế độ công chức dự bị; Thông tư số 06/2007/TT-BNV ngày 04/7/2007 của Bộ Nội vụ hướng dân thực hiện Nghị định số 08/2007/NĐ-CP ngày 15/01/2007 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về chế độ công chức dự bị;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy định về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo và quản lý công chức dự bị tại thành phố Hải Phòng ban hành theo Quyết định số 1873/2006/QĐ-UBND ngày 21/8/2006 của Uỷ ban nhân dân thành phố như sau:

1- Sửa đổi Khoản 1, Điều 5:

“ Điều 5. Tuyển dụng công chức dự bị

Việc tuyển dụng công chức dự bị phải thông qua thi tuyển, trừ các trường hợp sau đây được tuyển dụng thông qua xét tuyển:

1. Những người có học vị tiến sĩ hoặc thạc sĩ, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; đăng ký tuyển dụng và cam kết công tác 5 năm trở lên ở cơ quan quản lý nhà nước của thành phố”.

2- Sửa đổi Khoản 1, Điều 7:

“ Điều 7. ưu tiên trong tuyển dụng

1. Nếu số người đủ điều kiện xét tuyển theo Khoản 1, Điều 5 (đã sửa đổi theo Quyết định này) nhiều hơn chỉ tiêu được tuyển thì thực hiện việc xét tuyển theo thứ tự ưu tiên sau: học vị tiến sĩ, thạc sĩ.”

3- Sửa đổi Điều 8:

“ Điều 8. ưu tiên trong thi tuyển công chức dự bị

1. Anh hùng Lực lượng vũ trang; Anh hùng Lao động; thương binh; người hưởng chính sách như thương binh được cộng 30 điểm vào tổng kết quả thi tuyển.

2. Con liệt sĩ; con thương binh; con bệnh binh; con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19/8/1945 trở về trước); con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con Anh hùng Lực lượng vũ trang; con Anh hùng Lao động được cộng 20 điểm vào tổng kết quả thi tuyển.

3. Những người tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc ở các bậc đào tạo chuyên môn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự; đội viên thanh niên xung phong, đội viên tri thức trẻ tình nguyện phục vụ nông thôn, miền núi từ 2 năm trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ đựơc cộng 10 điểm vào kết quả thi tuyển”.

4- Sửa đổi Điểm 2 và 3, Khoản 3, Điều 10:

“ Điều 10. Hội đồng tuyển dụng công chức dự bị

3.2 Tiếp nhận và xét hồ sơ dự tuyển; tổ chức sơ tuyển (nếu có); thông báo công khai những người đủ điều kiện và tiêu chuân dự tuyển; gửi giấy báo tới người dự tuyển đến tham dự kỳ thi.

3.3 Thành lập Ban coi thi, Ban phách, Ban chấm thi”

5- Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 13:

“ Điều 13. Các môn thi và cách tính điểm trong kỳ thi tuyển

1. Các môn thi và cách tính điểm

1.1 Môn thi: Người tham dự kỳ thi tuyển công chức dự bị để bổ sung cho công chức ngạch chuyên viên và tương đương (gọi chung loại A) và người dự kỳ thi tuyển công chức dự bị để bổ sung cho công chức ngạch cán sự hoặc tương đương (gọi chung loại B) phải tham gia thi đủ các môn sau:

- Môn hành chính nhà nước.

+ Hình thức thi: viết và trắc nghiệm;

+ Thời gian thi: thi viết (loại A: 120 phút; loại B: 90 phút) và thi trắc nghiệm: 30 phút cho cả loại A và loại B.

- Môn ngoại ngữ (1 trong 5 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của vị trí công tác) trình độ B đối với ngạch chuyên viên hoặc tương đương, trình độ A đối với ngạch cán sự hoặc tương đương.

+ Hình thức thi: thi viết và thi nói.

+ Thời gian thi: thi viết (loại A: 90 phút, loại B: 60 phút), thi nói: 15 phút cho cả loại A và loại B.

- Môn thi tin học văn phòng: thi thực hành trên máy hoặc trắc nghiệm. Nếu thi trắc nghiệm, thời gian: 30 phút; nếu thi trên máy, thời gian: 60 phút (cho cả loại A và loại B).

1.2 Cách tính điểm.

- Điểm môn hành chính nhà nước, môn ngoại ngữ được tính trên cơ sở lấy điểm thi viết nhân hệ số 2 cộng với điểm thi trắc nghiệm (hoặc thi nói), tổng số điểm đem chia cho 3. Các môn còn lại tính hệ số 1

- Một số ngành đặc thù hoặc công việc liên quan đến lĩnh vực đối ngoại, như ngoại giao, hợp tác quốc tế, phiên dịch thì môn ngoại ngữ được tính hệ số 2. Các môn thi còn lại được tính hệ số 1.

- Một số ngành đặc thù liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, tin học thì môn tin học được tính hệ số 2. Các môn còn lại tính hệ số 1.

6- Sửa đổi Khoản 1, Điều 16:

“ Điều 16. Thời gian thực hiện chế độ công chức dự bị và hướng dẫn công chức dự bị

1. Thời gian thực hiện chế độ công chức dự bị là 12 tháng đối với loại A và 6 tháng đối với loại B, kể từ ngày có quyết định tuyển dụng...”

7- Sửa đổi Khoản 3, Điều 17:

“ Điều 17. Chế độ, chính đối với công chức dự bị và người hướng dẫn công chức dự bị

3. Khi công chức dự bị có thời gian làm việc bằng thời gian thực hiện chế độ công chức dự bị theo quy định (loại A là 12 tháng, loại B là 6 tháng), cơ quan sử dung công chức dự bị đề nghị bằng văn bản về Sở Nội vụ để xem xét ra quyết định bổ nhiệm vào ngạch và xếp lương hoặc huỷ bỏ quyết định tuyển dụng công chức dự bị theo quy định.”

8- Sửa đổi Khoản 5, Điều 22:

“ Điều 22. Nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Nội vụ

5. Ra quyết định tuyển dụng người trúng tuyển vào làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước; ra quyết định bổ nhiệm công chức dự bị vào ngạch hoặc huỷ bỏ quyết định tuyển dụng công chức dự bị không hoàn thành nhiệm vụ, có vi phạm quy định hoặc sử dung văn bằng chứng chỉ không hợp pháp; gia hạn thời gian nhận việc đối với công chức dự bị”.

9- Sửa đổi Khoản 5, Điều 24:

“ Điều 24. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan sử dụng công chức dự bị

5. Nhận xét, đánh giá và đề nghị Sở Nội vụ xem xét, ra quyết định bổ nhiệm công chức dự bị vào ngạch công chức hoặc huỷ bỏ quyết định tuyển dụng công chức dự bị”

Điều 2. Những nội dung đã được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định này thay thế các nội dung có liên quan trong Quy định về tuyển dụng, sử dung, đào tạo và quản lý công chức dự bị ban hành theo Quyết định số 1873/2006/QĐ-UBND ngày 21/8/2006 của Uỷ ban nhân dân thành phố.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc các sở, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

UBND thành phố Hải Phòng

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trịnh Quang Sử