Sign In

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp

_______________

 

Căn cứ Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;

Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư quy định chi tiết việc lập hồ sơ mời thầu xây lắp.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu xây lắp đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 như sau:

a) Mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp số 01 (Mẫu số 01) áp dụng cho gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế trong nước với phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn một túi hồ sơ;

b) Mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp số 02 (Mẫu số 02) áp dụng cho gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế trong nước với phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ.

2. Đối với gói thầu xây lắp được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước (NCB) thuộc các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của ADB, WB thì áp dụng mẫu hồ sơ mời thầu NCB do ADB và WB ban hành bằng tiếng Việt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 của Thông tư này.

Điều 3. Áp dụng các Mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp

1. Các Mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp ban hành kèm theo Thông tư này được xây dựng trên cơ sở quy định của pháp luật đấu thầu Việt Nam, đồng thời tham khảo các quy định về đấu thầu của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các bên tham gia vào hoạt động lựa chọn nhà thầu, tăng cường hơn nữa tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.

2. Đối với các gói thầu xây lắp sử dụng vốn ODA, nếu được các nhà tài trợ chấp thuận thì áp dụng theo Mẫu số 01 hoặc Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc có thể sửa đổi, bổ sung một số nội dung theo quy định về đấu thầu trong điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam với nhà tài trợ đó.

3. Đối với trường hợp đấu thầu quốc tế, căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, tổ chức, cá nhân thực hiện việc lập hồ sơ mời thầu phải chỉnh sửa quy định về ngôn ngữ, đồng tiền, ưu đãi, thời gian trong đấu thầu và các nội dung liên quan khác cho phù hợp với quy định của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

4. Đối với gói thầu xây lắp quy mô nhỏ, căn cứ tính chất của gói thầu, trường hợp chủ đầu tư xét thấy cần áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ thì phải trình người có thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và sử dụng Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này để lập hồ sơ mời thầu.

5. Khi lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp, tổ chức, cá nhân phải áp dụng Mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp ban hành kèm theo Thông tư này và căn cứ vào quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể để đưa ra các yêu cầu phù hợp trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế; không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Không được chỉnh sửa các quy định nêu trong Mẫu hồ sơ mời thầu về Chỉ dẫn nhà thầu và Điều kiện chung của hợp đồng; đối với các nội dung khác có thể chỉnh sửa cho phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu. Trường hợp có chỉnh sửa các quy định nêu trong Mẫu hồ sơ mời thầu thì tổ chức, cá nhân thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu phải bảo đảm việc chỉnh sửa đó là phù hợp, khoa học, chặt chẽ hơn so với quy định nêu trong Mẫu hồ sơ mời thầu và không trái với quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong tờ trình đề nghị phê duyệt hồ sơ mời thầu phải nêu rõ các nội dung chỉnh sửa so với quy định trong Mẫu hồ sơ mời thầu và lý do chỉnh sửa để chủ đầu tư xem xét, quyết định.

6. Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, căn cứ quy mô và tính chất của gói thầu có thể chỉnh sửa quy định tại các Mẫu hồ sơ mời thầu nêu trên để áp dụng cho phù hợp.

Điều 4. Áp dụng các quy định về thuế, phí, lệ phí

1. Giá dự thầu của nhà thầu phải bao gồm toàn bộ các chi phí cần thiết để thực hiện gói thầu, trong đó có thuế, phí, lệ phí (nếu có). Thuế, phí, lệ phí được áp theo thuế suất, mức phí, lệ phí theo quy định tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu.

2. Khi tham dự thầu, nhà thầu phải chịu trách nhiệm tìm hiểu, tính toán và chào đầy đủ các loại thuế, phí, lệ phí (nếu có) trong giá dự thầu. Trường hợp hồ sơ dự thầu không đề cập về thuế, phí, lệ phí thì giá dự thầu của nhà thầu được coi là đã bao gồm đầy đủ các loại thuế, phí, lệ phí; trong trường hợp này, nếu nhà thầu trúng thầu, được trao hợp đồng thì phải chịu mọi trách nhiệm và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí (nếu có) đối với Nhà nước. Trường hợp trong hồ sơ dự thầu, nhà thầu tuyên bố giá dự thầu không bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có) thì hồ sơ dự thầu của nhà thầu sẽ bị loại.

Điều 5. Chi phí xây dựng, chi phí hạng mục chung và chi phí dự phòng

1. Giá gói thầu phải bao gồm chi phí xây dựng, chi phí hạng mục chung và chi phí dự phòng.

2. Chi phí dự phòng bao gồm: chi phí dự phòng trượt giá, chi phí dự phòng phát sinh khối lượng và chi phí dự phòng cho các khoản tạm tính (nếu có).

Việc xác định chi phí dự phòng thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về quản lý chi phí xây dựng công trình và đặc thù của gói thầu. Chủ đầu tư căn cứ quy mô, tính chất, thời gian, địa điểm thi công của gói thầu và những yếu tố liên quan khác để quyết định việc sử dụng chi phí dự phòng nhưng phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành về quản lý chi phí xây dựng công trình.

3. Đối với hợp đồng trọn gói, nhà thầu phải tính toán và phân bổ chi phí dự phòng vào trong giá dự thầu; không tách riêng phần chi phí dự phòng mà nhà thầu đã phân bổ trong giá dự thầu để xem xét, đánh giá trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu về tài chính, thương mại.

4. Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định và hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, khi đánh giá hồ sơ dự thầu về tài chính, thương mại thì chi phí dự phòng sẽ không được xem xét, đánh giá để so sánh, xếp hạng nhà thầu. Chi phí dự phòng sẽ được chuẩn xác lại trong quá trình thương thảo hợp đồng. Giá trúng thầu và giá hợp đồng phải bao gồm chi phí dự phòng; phần chi phí dự phòng này do chủ đầu tư quản lý và chỉ được sử dụng để thanh toán cho nhà thầu theo quy định trong hợp đồng khi có phát sinh.

Hồ sơ mời thầu phải quy định rõ nội dung và nguyên tắc sử dụng chi phí dự phòng để làm cơ sở cho nhà thầu chào thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng, trong đó phải nêu rõ giá trị cụ thể bằng tiền hoặc tỷ lệ phần trăm (%) các khoản chi phí dự phòng tính trên chi phí xây dựng của gói thầu để nhà thầu chào thầu. Nhà thầu phải chào các khoản chi phí dự phòng theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Điều 6. Hợp đồng

1. Hồ sơ mời thầu phải bao gồm Mẫu hợp đồng và quy định chi tiết các điều, khoản của hợp đồng để nhà thầu làm cơ sở chào thầu và để các bên làm cơ sở thương thảo, hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

2. Hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với nhà thầu phải tuân thủ theo Mẫu hợp đồng, các điều kiện hợp đồng quy định trong hồ sơ mời thầu và các hiệu chỉnh, bổ sung do nhà thầu đề xuất, được chủ đầu tư chấp thuận trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng nhưng bảo đảm không trái với quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015. Thông tư này thay thế Thông tư số 01/2010/TT-BKH ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp, Thông tư số 02/2010/TT-BKH ngày 19 tháng 01 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp quy mô nhỏ.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân có liên quan gửi ý kiến về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời hướng dẫn./.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Quang Vinh