• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày hết hiệu lực: 18/11/2015
UBND THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Số: 35-CT/UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Phòng, ngày 12 tháng 9 năm 1991

CHỈ THỊ

Triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty

________________________

Thi hành Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty, ngày 23/7/1991 Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định số 221/HĐBT, số 222/HĐBT quy định cụ thể một số điều trong hai đạo luật trên; ngày 29/7/1991 Trọng tài kinh tế Nhà nước có Thông tư số 06/TT về việc thực hiện đăng ký kinh doanh và hướng dẫn một số biểu mẫu. Các Bộ quản lý chuyên ngành tiếp tục có các văn bản hướng dẫn các Sở hữu quan thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo chuyên ngành.

Để nhanh chóng triển khai thực hiện luật doanh nghiệp tư nhân và luật công ty, Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng chỉ thị:

I. CÁC DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN VÀ CÔNG TY (SAU ĐÂY VIẾT TẮT LÀ DNTN VÀ CT)

1. Các DNTN và CT có mức vốn bằng hoặc nhiều hơn mức vốn pháp định được quy định đối với từng ngành nghề theo Nghị định số 221/HĐBT, số 222/HĐBT và đã thành lập trước ngày 15/4/1991 đều không còn đủ điều kiện pháp lý để hoạt động; nếu muốn kinh doanh tiếp tục thì phải làm lại các thủ tục xin thành lập doanh nghiệp mới. Đến ngày 15/10/1991 là hết hạn xin thành lập lại; sau ngày đó chủ doanh nghiệp cũ phải nộp lại giấy phép đăng ký sản xuất -kinh doanh và con dấu (nếu có) cho cơ quan đã cấp trước đây.

2. Những DNTN và CT đã có giấy phép thành lập của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng cấp sau ngày 15/4/1991, thì trong thời hạn quy định: 60 ngày đối với DNTN, 180 ngày đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, 360 ngày đối với công ty cổ phần (kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập, chủ doanh nghiệp phải đến Trọng tài kinh tế thành phố làm thủ tục đăng ký kinh doanh). Quá thời hạn quy định nói trên, giấy phép thành lập doanh nghiệp hết giá trị sử dụng, khi đó chủ doanh nghiệp phải đến cơ quan đã cấp giấy phép thành lập để xin gia hạn hoặc phải làm lại các thủ tục xin thành lập doanh nghiệp.

Các DNTN và CT chỉ có tư cách pháp nhân và bắt đầu hoạt động kinh doanh sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Trọng tài kinh tế thành phố.

3. Những xí nghiệp liên doanh (hoặc công ty) đã được thành lập trước đây theo Nghị định 28/HĐBT ngày 22/3/1989, nếu có đủ điều kiện của công ty TNHH, hay công ty cổ phần đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Công ty.

4. Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, tổ chức kinh tế Việt Nam thuộc các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội có đủ điều kiện quy định của Luật DNTN, Luật công ty, nay muốn thành lập doanh nghiệp thì đến Sở quản lý chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật thuộc lĩnh vực dự định kinh doanh để được hướng dẫn các thủ tục xin thành lập doanh nghiệp.

5. Các hộ kinh doanh có vốn thấp hơn mức vốn pháp định ghi trong Nghị định số 221/HĐBT không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật DNTN, Hội đồng Bộ trưởng sẽ có quy định sau.

Trong khi chờ quy định của Hội đồng Bộ trưởng, các hộ kinh doanh này vẫn được hoạt động kinh doanh theo giấy phép đăng ký kinh doanh cũ, và thuộc quyền quản lý Nhà nước của Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã như trước đây.

II. CÁC NGÀNH, CÁC CẤP THUỘC THÀNH PHỐ

Căn cứ Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty và các hướng dẫn thi hành Luật; theo chức năng nhiệm vụ được giao, các ngành, các cấp có liên quan cần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các DNTN và các CT.

Trước hết cần làm ngay một số việc sau đây:

1. Trọng tài kinh tế thành phố:

+ Thông qua việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy CN.ĐKKD) giúp Ủy ban Nhân dân Thành phố giám sát quá trình hoạt động kinh doanh của các DNTN, các CT ngay từ khi cấp giấy CN.ĐKKD đến khi kết thúc hoạt động của doanh nghiệp; nhằm ngăn ngừa các hoạt động kinh doanh trái pháp luật, cũng như bảo vệ các quyền lợi hợp pháp cho DNTN và CT.

+ Mở sổ sách ghi chép đầy đủ, tổ chức lưu trữ, theo dõi nắm chắc từng loại hình doanh nghiệp đang kinh doanh theo các ngành nghề, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, tài chính, thống kê và các Sở quản lý chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật để tăng cường hiệu lực quản lý các hoạt động kinh doanh của các DNTN và CT.

+ Có kế hoạch cụ thể, bố trí những cán bộ  có năng lực, nghiệp vụ, chuẩn bị đầy đủ biểu mẫu ĐKKD; xây dựng nội quy làm việc, quy trình xét cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho các doanh nghiệp (theo đúng hướng dẫn của cấp trên); nghiêm cấm việc tự đặt ra những thủ tục ngoài quy định hiện hành của Nhà nước.

+ Thực hiện kịp thời, đủ và đúng luật định việc gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh tới các cơ quan Thuế, Tài chính, Thống kê, Sở quản lý chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật.

+ Lập báo cáo hàng tháng (theo mẫu biểu quy định) gửi về Trọng tài Kinh tế Nhà nước và Ủy ban Nhân dân Thành phố.

2. Các Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật:

+ Theo mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế của thành phố trong từng thời kỳ, với chức năng quản lý Nhà nước theo chuyên ngành đối với tất cả các thành phần kinh tế, Sở có trách nhiệm giúp Bộ chủ quản và Ủy ban Nhân dân Thành phố quản lý các hoạt động sản xuất – kinh doanh theo định mức kinh tế kỹ thuật, kiểm tra việc chấp hành các chính sách, chế độ, pháp luật và việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước của các DNTN và các công ty.

+ Cùng với Sở tư pháp rà soát lại các quy định ban ngành trước đây có liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành để giúp Ủy ban Nhân dân Thành phố sửa đổi, bổ sung, ban hành hướng dẫn mới theo đúng Luật DNTN và Luật CT.

Riêng các Sở công nghiệp, Xây dựng, Giao thông vận tải trong tháng 9/1991 phải soạn thảo xong các quy định cụ thể về: Điều kiện sản xuất gạch, ngói nung, sử dụng lò hơi, máy búa, thuốc nổ, khí nén và các chất có khí độc thoát ra, sử dụng nguồn nước và xử lý các chất thải công nghiệp, soạn thảo quy trình cấp giấy phép thành lập, điều lệ mẫu của công ty và các mẫu giấy phép thành lập... trình Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành sớm.

Lập kế hoạch cụ thể, bố trí cán bộ có năng lực giúp Ủy ban Nhân dân Thành phố hướng dẫn các chủ DNTN, Công ty làm đúng các thủ tục xin thành lập doanh nghiệp, xin giải thể doanh nghiệp, xin thực hiện các chính sách ưu đãi (theo Nghị định số 221/HĐBT, 222/HĐBT) và tiếp nhận, bảo quản các hồ sơ thành lập doanh nghiệp, nghiên cứu xem xét cụ thể các điều kiện thành lập doanh nghiệp... để trực tiếp trình Ủy ban Nhân dân Thành phố duyệt cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp cho các chủ DNTN và CT theo biểu mẫu quy định.

3. Sở Tài chính và Cục thuế thành phố:

+ Phối hợp chặt chẽ với Trọng tài kinh tế thành phố, các Sở quản lý chuyên ngành, và các Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý tài chính và thu thuế theo luật định.

+ Căn cứ vào Luật thuế, Luật DNTN, Luật Công ty về tình hình thực tế, Cục thuế thành phố phải phân công lại nhiệm vụ thu thuế giữa Cục và Chi cục thuế cho phù hợp, tránh chồng chéo, sơ hở trong quản lý làm thất thoát thuế của Nhà nước.

4. Sở Tư pháp:

+ Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn Luật DNTN, Luật Công ty và các văn bản liên quan, đến các đối tượng cần thiết.

+ Xây dựng quy trình công chứng để đáp ứng kịp thời việc công chứng trị giá tài sản, hiện vật cho các chủ doanh nghiệp.

+ Rà soát lại các văn bản, quy định trước đây Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành, để báo cáo các Ủy ban Nhân dân Thành phố bổ xung, sửa đổi về ban hành mới cho đúng Luật DNTN, Luật Công ty.

5. Các cơ quan Ngân hàng, Thống kê và các ngành chức năng khác:

+ Căn cứ Luật DNTN, Luật Công ty và các hướng dẫn thi hành Luật, phối hợp với các ngành nói trên để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành mình trong việc tham gia quản lý Nhà nước các DNTN và CT.

6. Các Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã:

+ Tiến hành ngay việc rà soát loại hình DNTN và CT trước đây thuộc quyền quản lý Nhà nước của Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã, phân định rõ những doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật DNTN, Luật CT, và những hộ kinh doanh mà Hội đồng Bộ trưởng sẽ có quy định riêng, để báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo, phân công cho các ngành, các cấp quản lý theo quy định mới của Hội đồng Bộ trưởng.

+ Trong khi chờ Hội đồng Bộ trưởng có quy định mới đối với các hộ kinh doanh có mức vốn thấp hơn mức vốn pháp định ghi trong Nghị định 221/HĐBT, các Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã có nhiệm vụ tiếp tục quản lý Nhà nước đối với các hộ kinh doanh này như trước đây, cho đến khi có quy định mới. Tránh tình trạng giao thời, buông lỏng quản lý Nhà nước và thất thu thuế...

+ Tổ chức kiểm tra ngay các Công ty và các doanh nghiệp tư nhân để thu đủ thuế, trước khi các doanh nghiệp này xin thành lập lại theo Nghị định 221/HĐBT, 222/HĐBT, hoặc xin giải thể.

7. Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố:

+ Giúp Ủy ban Nhân dân Thành phố  theo dõi, đôn đốc các ngành, các cấp thành phố thi hành Luật DNTN và Luật CT. Tham gia cùng các ngành được phân công soạn thảo những quy định của địa phương hướng dẫn thi hành Luật. để trình Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành, định kỳ tổng hợp báo cáo Hội đồng Bộ trưởng tình hình thực hiện Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty.

Nhận được Chỉ thị này, thủ trưởng các ngành, các cấp có liên quan tổ chức thực hiện ngay.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc báo cáo các Ủy ban Nhân dân Thành phố giải quyết. Những văn bản trước đây trái với các quy định của Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty và hướng dẫn thi hành đều bãi bỏ./.

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Bá Dư

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.