• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/12/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2017
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 52/2014/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Phòng, ngày 20 tháng 10 năm 2014

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2012/TT-BGTVT ngày 12 tháng 4 năm 2012

của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ

chuyên môn của thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam

__________________

 

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên năm 1978 sửa đổi năm 2010 (Công ước STCW) mà Việt Nam là thành viên;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2012/TT-BGTVT ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2012/TT-BGTVT ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 18 Điều 3 như sau:

“18. Sổ ghi nhận huấn luyện là sổ cấp cho thuyền viên có trình độ đại học thực tập sỹ quan boong tàu từ 500 GT trở lên, thực tập sỹ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 750 KW trở lên hoặc cấp cho học viên thực tập sỹ quan boong tàu từ 500 GT trở lên, thực tập sỹ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 750 KW trở lên theo chương trình đào tạo sỹ quan hàng hải do trường Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo theo Đề án thí điểm đào tạo sỹ quan hàng hải được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; thuyền viên có trình độ cao đẳng hoặc cao đẳng nghề 36 tháng thực tập sỹ quan kỹ thuật điện theo yêu cầu tại Bảng A-III/6 của Bộ luật STCW.”

2. Bổ sung điểm q vào khoản 1 Điều 20 như sau:

“q. Bếp trưởng, cấp dưỡng.”

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 21 như sau:

“2. Tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu biển hoặc kỹ thuật điện tàu tại các trường đào tạo chuyên ngành hàng hải hoặc tốt nghiệp chương trình đào tạo sỹ quan hàng hải do trường Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo theo Đề án thí điểm đào tạo sỹ quan hàng hải được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.”

4. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 27 như sau:

“a) Tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ cao đẳng, cao đẳng nghề thời gian đào tạo 36 tháng hoặc tốt nghiệp chương trình đào tạo sỹ quan hàng hải ngành điều khiển tàu biển do trường Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo theo Đề án thí điểm đào tạo sỹ quan hàng hải được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề thời gian đào tạo dưới 36 tháng hoặc trung cấp nghề thời gian đào tạo 24 tháng thì phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ Giao thông vận tải quy định.”

5. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 34 như sau:

“a) Tốt nghiệp chuyên ngành khai thác máy tàu biển trình độ cao đẳng, cao đẳng nghề thời gian đào tạo 36 tháng hoặc tốt nghiệp chương trình đào tạo sỹ quan hàng hải ngành khai thác máy tàu biển do trường Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo theo Đề án thí điểm đào tạo sỹ quan hàng hải được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành khai thác máy tàu biển trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề thời gian đào tạo dưới 36 tháng hoặc trung cấp nghề thời gian đào tạo 24 tháng thì phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ Giao thông vận tải quy định.”

6. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 36 như sau:

“a) Tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ trung cấp nghề thời gian đào tạo dưới 24 tháng hoặc hoàn thành các học phần lý thuyết theo chương trình đào tạo sỹ quan hàng hải ngành điều khiển tàu biển do trường Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo theo Đề án thí điểm đào tạo sỹ quan hàng hải được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ sơ cấp nghề phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ Giao thông vận tải quy định.”

7. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 37 như sau:

“a) Tốt nghiệp chuyên ngành khai thác máy tàu biển trình độ trung cấp nghề thời gian đào tạo dưới 24 tháng hoặc hoàn thành các học phần lý thuyết theo chương trình đào tạo sỹ quan hàng hải ngành khai thác máy tàu biển do trường Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo theo Đề án thí điểm đào tạo sỹ quan hàng hải được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành máy tàu biển trình độ sơ cấp nghề phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ Giao thông vận tải quy định.”

8. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 55 như sau:

“b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu Bằng tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo hoặc Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo sỹ quan hàng hải, Giấy chứng nhận đào tạo nâng cao và Giấy chứng nhận đã học trái ngành (nếu có).”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.