• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 09/06/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 20/10/2012
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 05/1998/TT-NHNN1
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Phòng, ngày 9 tháng 6 năm 1998

THÔNG TƯ

Hướng dẫn xử lý nợ và cho vay ưu đãi khắc phục hậu quả nắng hạn những tháng đầu năm 1998 theo Quyết định 90/1998-QĐ-TTg ngày 8/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ

 

Để triển khai thực hiện tốt Quyết định 90/1998/QĐ-TTg ngày 8/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp khắc phục hậu quả nắng hạn, thiên tai những tháng đầu năm 1998, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc xử lý nợ vay bị thiệt hại và cho vay vốn ưu đãi tại các tỉnh bị hạn nặng: Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, Kiên Giang, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu theo quy định tại Điều 2 của Quyết định 90/1998/QĐ-TTg như sau:

 

I. XỬ LÝ NỢ VAY BỊ THIỆT HẠI DO HẠN HÁN:

1. Gia hạn nợ:

Những hộ nông dân có nợ vay bị thiệt hại nặng do hạn hán, nếu không trả được nợ đúng hạn thì các tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ khi có đề nghị của hộ vay, theo quy định về gia hạn nợ cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

2. Khoanh nợ:

Những hộ nông dân có các đối tượng vay là cây trồng bị chết từ 80% trở lên, không có khả năng khắc phục, Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển làm thủ tục, hồ sơ đề nghị khoanh nợ gồm:

Bản sao kê nợ đề nghị khoanh.

Bản sao khế ước nợ đề nghị khoanh.

Biên bản xác nhận tài sản bị thiệt hại do hạn hán của cơ quan chức năng có liên quan như: Uỷ ban nhân dân địa phương (huyện, xã hoặc phường), Phòng Nông nghiệp, Chi nhánh Ngân hàng Thương mại...

Khi xác định thiệt hại phải nêu rõ ràng, cụ thể về mặt hiện vật và giá trị tài sản nói chung và thiệt hại đối với vốn vay Ngân hàng nói riêng.

Văn bản xác nhận và đề nghị khoanh nợ của Uỷ ban nhân dân tỉnh. - Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước địa phương kiểm tra hồ sơ và xác nhận bản tổng hợp về nợ khoanh.

Hồ sơ khoanh nợ các Ngân hàng Thương mại tổng hợp theo hệ thống của mình và gửi về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tín dụng) chậm nhất ngày 30/8/1998 để tổng hợp trình Chính phủ xử lý.

Thủ tục về lập hồ sơ đề nghị khoanh nợ trên cũng được áp dụng đối với nợ vay ngân hàng bị thiệt hại do thiên tai đối với tôm nuôi nếu hướng dẫn lập thủ tục khoanh nợ tại Công văn 397/CV-NHNN14 ngày 9/5/1998 chưa rõ hoặc gặp khó khăn.

 

II. CHO VAY VỐN ƯU ĐÃI:

1. Giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay vốn ưu đãi khắc phục thiệt hại do hạn hán gây ra đối với các tỉnh bị thiệt hại nặng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 90/1998/QĐ-TTg ngày 8/5/1998.

2. Nguồn vốn cho vay:

Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng 140 tỷ đồng trong nguồn vốn 2000 tỷ đồng cho vay khắc phục hậu quả bão số 5 để cho vay khắc phục thiệt hại do hạn hán. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước cho vay 50% thời hạn 5 năm, lãi suất như vay vốn khắc phục hậu quả cơn bão số 5 và tự huy động 50% để thực hiện cho vay theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

3. Đối tượng cho vay:

Vốn ưu đãi dùng cho vay đối với những hộ nông dân dùng để chi phí trồng lại các loại cây ngắn ngày và dài ngày: Cà phê, điều, hồ tiêu, mía bị chết 80% diện tích trở lên do hạn hán gây nên theo danh sách duyệt vay của Uỷ ban nhân dân các địa phương: Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, Kiên Giang, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu.

4. Lãi suất cho vay:

Cho vay ngắn hạn: 0,5% tháng - Cho vay trung hạn: 0,6% tháng

Lãi suất nợ quá hạn theo quy định chung của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng thời kỳ.

5. Thời hạn cho vay:

Thời hạn cho vay ưu đãi tuỳ theo chu kỳ cây trồng để xác định, cụ thể:

Cho vay ngắn hạn đối với các loại cây có chu kỳ dưới một năm.

Cho vay trung hạn đối với các loại cây có chu kỳ từ một năm trở lên nhưng tối đã không quá 5 năm.

6. Thủ tục cho vay:

Căn cứ vào kết quả điều tra thiệt hại, Uỷ ban nhân dân tỉnh lập và duyệt danh sách các hộ có cây trồng bị chết từ 80% trở lên được vay vốn ưu đãi như đối với cho vay vốn khắc phục cơn bão số 5 quy định tại Điều 6 Quyết định 985/TTg ngày 20/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào danh sách được duyệt để hướng dẫn hộ nông dân làm thủ tục vay vốn nhanh chóng, thuận lợi. Người vay vốn chỉ cần làm đơn xin vay có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường và trực tiếp ký nhận nợ trên khế ước, ký và nhận tiền vay, chịu trách nhiệm trả nợ gốc và lãi. ở những địa phương có địa bàn khó khăn, Uỷ ban nhân dân tỉnh có thể uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã lập và duyệt danh sách các hộ được vay ưu đãi.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định mức cho vay tối đa của mỗi hộ nông dân, không cần áp dụng các biện pháp thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh, mà căn cứ vào khả năng trả nợ của hộ vay vốn trên cơ sở cam kết trả nợ và danh mục tài sản làm đảm bảo có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường sở tại như Chỉ thị 09/CT-NH1 ngày 27/8/1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp cần thiết có thể lấy giá trị quyền sử dụng đất hoặc giá trị tài sản khác của hộ vay vốn để làm bảo đảm nợ vay.

7. Thu nợ, thu lãi và gia hạn nợ:

Việc thực hiện thu nợ thu lãi; gia hạn nợ thực hiện theo quy định của chế độ tín dụng hiện hành.

8. Loại cho vay khắc phục hạn hán được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hạch toán và theo dõi riêng.

 

III. THÔNG BÁO TẠM THỜI CHỈ TIÊU VỐN CHO VAY ƯU ĐÃI KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

NẮNG HẠN NHỮNG THÁNG ĐẦU NĂM 1998

1. Trong khi chờ Uỷ ban nhân dân các tỉnh báo cáo thiệt hại theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Quyết định 90/1998/QĐ-TTg ngày 08/05/1998 của Thủ tướng Chính phủ để làm căn cứ phân chỉ tiêu vốn cho vay ưu đãi, Ngân hàng Nhà nước tạm thời phân chỉ tiêu vốn cho vay đợt 1 (theo phụ biểu 01-hh kèm Thông tư này) để kịp thời cho vay khắc phục hậu quả bị thiệt hại. Sau khi có báo cáo điều tra thiệt hại của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Trung ương sẽ tổng hợp và điều chỉnh chỉ tiêu giữa các địa phương tuỳ theo mức độ thiệt hại và phạm vi vốn được Thủ tướng Chính phủ quy định để thông báo chỉ tiêu chính thức vốn cho vay ưu đãi.

2. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được rút ngay vốn vay Ngân hàng Nhà nước 50 tỷ đồng đợt 1 (theo tỷ lệ 1/1) và tổ chức huy động số vốn còn lại để cho vay kịp thời.

3. Vụ Nghiên cứu kinh tế tổng hợp báo cáo thiệt hại của Uỷ ban nhân dân các tỉnh để Thống đốc phân bổ chỉ tiêu vốn cho vay ưu đãi do Thủ tướng quy định.

4. Đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, Kiên Giang, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu báo cáo kết quả điều tra thiệt hại của hộ nông dân có diện tích cây trồng bị thiệt hại từ 80% trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Quyết định 90/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ Nghiên cứu kinh tế) chậm nhất ngày 10/7/1998 để tổng hợp phân bổ chỉ tiêu cho vay vốn ưu đãi chính thức.

 

IV. TRÁCH NHIỆM THI HÀNH

1. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm cho vay ưu đãi đúng mục đích, đối tượng quy định, báo cáo tiến độ thực hiện theo định kỳ vào các ngày 10, 20 và 30 hàng tháng với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua Vụ Tín dụng).

2. Vụ Tín dụng theo dõi tiến độ cho vay và báo cáo Thống đốc theo tuần kỳ thực hiện 10 ngày một lần; tổng hợp đề nghị khoanh nợ của các địa phương để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xử lý.

3. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra việc cho vay đúng đối tượng và chế độ theo quy định.

4. Giám đốc các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh có trách nhiệm đôn đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn cho vay vốn có hiệu quả, sử dụng vốn vay Ngân hàng Nhà nước đúng mục đích, báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh, phối hợp với các ngành có liên quan triển khai thực hiện tốt việc cho vay vốn khắc phục hậu quả nắng hạn theo chủ trương của Chính phủ.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký./.

 

PHỤ BIỂU 01-HH

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

THÔNG BÁO

CHỈ TIÊU ĐỢT I NGUỒN VỐN CHO VAY ƯU ĐÃI KHẮC PHỤC HẠN HÁN THIÊN TAI

Kèm theo Thông tư số 05/1998/TT-NHNN1 ngày 09/6/1998 của Ngân hàng Nhà nước

Đơn vị: Tỷ đồng

 

T.T

Tỉnh

Chỉ tiêu

Ghi chú

A

B

C

D

1

Đắc Lắc

30,00

 

2

Bình Phước

25,00

 

3

Lâm Đồng

15,00

 

4

Đồng Nai

10,00

 

5

Long An

5,00

 

6

Kiên Giang

5,00

 

7

Cà Mau

5,00

 

8

Bạc Liêu

5,00

 

 

Cộng

100,00

 

 

Ghi chú: - Số vốn 100 tỷ đồng gồm: Ngân hàng Nhà nước cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vay 50,00 tỷ đồng và NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tự huy động 50,00 tỷ đồng.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Dương Thu Hương

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.