Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp ưu đãi đầu tư

theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ

quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10

Thi hành khoản 3, Điều 36, Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10 (sau đây gọi tắt là NĐ 51/1999/NĐ-CP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp ưu đãi đầu tư (sau đây viết tắt là ƯĐĐT) như sau:

I. CƠ QUAN TIẾP NHẬN HỒ SƠ ĐĂNG KÝ ƯĐĐT

Để được cấp ƯĐĐT, nhà đầu tư thuộc các đối tượng áp dụng Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9, Điều 2, NĐ 51/1999/NĐ-CP gửi hồ sơ đăng ký ƯĐĐT đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định dưới đây:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ đăng ký ƯĐĐT của các doanh nghiệp thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan có thẩm quyển của Trung ương.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở KH&ĐT) nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư tiếp nhận hồ sơ đăng ký ƯĐĐT của:

- Các doanh nghiệp do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch UBND cấp tỉnh) quyết định thành lập;

- Doanh nghiệp tư nhân, công ty (kể cả các công ty cổ phần do Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án cổ phần hoá và quyết định chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần);

- Liên hiệp hợp tác xã; hợp tác xã kinh doanh những ngành, nghề qui định tại khoản 1, Điều 13, Nghị định số 16/CP ngày 21/2/1997 của Chính phủ về chuyển đổi, đăng ký hợp tác xã và tổ chức hoạt động của liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi tắt là NĐ 16/CP);

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, của người nước ngoài thường trú ở Việt Nam đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, hoặc của công dân Việt Nam cùng thành lập với người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc với người nước ngoài thường trú ở Việt Nam theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi);

- Cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

3. UBND quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện) nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư tiếp nhận hồ sơ đăng ký ƯĐĐT của: Hợp tác xã không kinh doanh những ngành, nghề qui định tại khoản 1, Điều 13, NĐ 16/CP; cá nhân, nhóm kinh doanh hoạt động theo Nghị định số 66/HĐBT ngày 2/3/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Đối với những dự án thực hiện trên phạm vi nhiều địa phương, nhà đầu tư có thể đăng ký ưu đãi đầu tư tại một trong các địa phương đó.

II. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ ƯĐĐT

Nhà đầu tư gửi đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ Hồ sơ đăng ký ƯĐĐT gồm 3 yếu tố sau đây:

1. Đơn đăng ký ƯĐĐT:

Nhà đầu tư có dự án đăng ký ƯĐĐT lần đầu, đơn được khai theo Mẫu MĐƯĐĐT (kèm theo Thông tư này); đăng ký bổ sung ưu đãi cho dự án đã được cấp ƯĐĐT theo quy định tại Điều 34 và Điều 46, Nghị định số 51/1999/NĐ-CP thì theo Mẫu MĐ ƯĐĐTBS (kèm theo Thông tư này).

Đối với các dự án đăng ký bổ sung ưu đãi, phải có thêm Báo cáo kết quả thực hiện dự án đầu tư, mức và thời hạn ưu đãi đã hưởng (theo Mẫu BC THDA1 kèm theo Thông tư này).

Đối với các dự án đang thực hiện những nay mới đăng ký ưu đãi đầu tư thì phải có thêm Báo cáo kết quả thực hiện dự án đầu tư (theo Mẫu BC THDA2 kèm theo Thông tư này).

Nếu nhà đầu tư có yêu cầu miễn thuế nhập khẩu các thiết bị, máy móc, phương tiện vân tải chuyên dùng theo quy định tại Điều 26, Nghị định số 51/1999/NĐ-CP thì tự kê khai trong Đơn đăng ký ƯĐĐT hoặc lập thành danh mục kèm theo đơn (theo Mẫu DM MMTB kèm theo Thông tư này) và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của danh mục này.

2. Dự án đầu tư hoặc phương án đầu tư hoặc phương án kinh doanh (dưới đây gọi chung là dự án đầu tư):

Đối với dự án mà Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng (ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ) quy định phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt thì gửi kèm theo bản sao hợp lệ Quyết định đầu tư.

Dự án đầu tư phải nêu rõ: chủ đầu tư; ngành, nghề đầu tư; địa điểm thực hiện; phương án kỹ thuật, công nghệ, nhu cầu thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải; phương án huy động vốn; số lao động sử dụng.

3. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao hợp lệ):

Đối với doanh nghiệp Nhà nước mới thành lập chưa làm thủ tục đăng ký kinh doanh thì thay bằng bản sao hợp lệ Quyết định thành lập doanh nghiệp.

Đối với cá nhân và nhóm kinh doanh hoạt động theo Nghị định số 66/HĐBT ngày 02 tháng 3 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), là giấy phép kinh doanh hoặc giấy tờ sẽ thay cho Giấy phép kinh doanh theo quy định của Chính phủ đối với đối tượng này.

Đối với cơ sở giáo dục, đào tạo tư thục, dân lập, bán công; cơ sở y tế tư nhân, dân lập; cơ sở văn hoá dân tộc; là Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

Đối với các nhà đầu tư đăng ký thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng với đăng ký ưu đãi đầu tư, thì thay bằng Hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành của pháp luật.

Các nhà đầu tư là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở Việt Nam, sau khi xuất trình các giấy tờ về nguồn gốc của mình theo quy định tại điểm e và điểm f, khoản 1, Điều 43, Nghị định số 51/1999/NĐ-CP thì tiến hành các thủ tục như các nhà đầu tư là công dân Việt Nam.

III. TRÌNH TỰ XÉT CẤP ƯĐĐT

1. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thành lập:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét Hồ sơ đăng ký ƯĐĐT của các doanh nghiệp nói tại điểm 1, Mục I của thông tư này, lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan nếu thấy cần thiết để quyết định việc cấp hay từ chối cấp Giấy chứng nhận ƯĐĐT (Mẫu GCNƯĐĐT-TW), hoặc Giấy chứng nhận ƯĐĐT bổ sung (Mẫu GCNƯĐĐTBS-TW kèm theo Thông tư này).

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh xem xét Hồ sơ đăng ký ƯĐĐT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được thành lập thuộc đối tượng qui định tại điểm 2, Mục I của Thông tư này, lấy ý kiến bằng văn bản của các Sở, Ban, Ngành có liên quan nếu xét thấy cần thiết, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhân ƯĐĐT (Mẫu GCNƯĐĐT-ĐF), hoặc giấy chứng nhận ƯĐĐT bổ sung (Mẫu GCNƯĐĐTBS-ĐF kèm theo Thông tư này).

c) Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét Hồ sơ đăng ký ƯĐĐT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được thành lập thuộc đối tượng qui định tại điểm 3, Mục I của thông tư này, lấy ý kiến bằng văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, các sở, ban, ngành khác có liên quan trong tỉnh nếu thấy cần thiết, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận ƯĐĐT hoặc Giấy chứng nhận ƯĐĐT bổ sung.

2. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký ƯĐĐT cùng với đăng ký kinh doanh:

a) Hồ sơ đăng ký ƯĐĐT của các dự án đầu tư gắn với việc thành lập các cơ sở sản xuất, kinh doanh mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch Đầu tư thì Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo quy định hiện hành về trình tự, thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh, lấy ý kiến bằng văn bản của các Sở, ban, ngành có liên quan trong tỉnh nếu xét thấy cần thiết, trước khi trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận ƯĐĐT. Nếu việc cấp ƯĐĐT được chấp thuận thì thực hiện cùng một lúc với việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

b) Hồ sơ đăng ký ưu đãi đầu tư kèm theo Hồ sơ đăng ký kinh doanh của hợp tác xã không kinh doanh những ngành nghề quy định tại khoản 1, Điều 13, NĐ 16/CP, của cá nhân, nhóm kinh doanh hoạt động theo Nghị định số 66/HĐBT ngày 2/3/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), UBND cấp huyện xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép kinh doanh theo thủ tục qui định hiện hành. Đồng thời xem xét các điều kiện ưu đãi, lấy ý kiến bằng văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, các sở Ban ngành khác có liên quan trong tỉnh nếu thấy cần thiết, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận ƯĐĐT cho nhà đầu tư.

3. Đối với trường hợp điều chỉnh, bổ sung ƯĐĐT:

Đối với dự án đã được cấp ƯĐĐT, trong quá trình thực hiện dự án, nếu nhà đầu tư đăng ký bổ sung ưu đãi do đáp ứng thêm điều kiện ưu đãi theo quy định tại Điều 34, Nghị định số 51/1999/NĐ-CP thì cơ quan đã tiếp nhận và thụ lý hồ sơ đăng ký ƯĐĐT xem xét và trình thủ trưởng có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh, bổ sung ƯĐĐT.

Trường hợp nhà đầu tư không đáp ứng đủ điều kiện để tiếp tục được hưởng ưu đãi thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký ƯĐĐT để cơ quan này xem xét và trình thủ trưởng có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh một phần hoặc rút bỏ toàn bộ ưu đãi đã cấp.

Trường hợp cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư bổ sung thì thu hồi Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã cấp.

Trường hợp rút bỏ toàn bộ ưu đãi thì gửi quyết định thu hồi Giấy chứng nhận ƯĐĐT đến các cơ quan liên quan đến việc thực hiện các nội dung ưu đãi.

4. Đối với trường hợp có đề nghị miễn thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng:

a) Thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng được miễn thuế nhập khẩu phải phù hợp với mục tiêu đầu tư và phương án kỹ thuật, công nghệ ghi trong dự án đầu tư, hoặc quyết định đầu tư (nếu có).

b) Cơ quan thụ lý hồ sơ căn cứ vào Đơn đăng ký ưu đãi đầu tư, Dự án đầu tư, Quyết định đầu tư (nếu có), đối chiếu với Danh mục các loại máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được (Ban hành kèm theo Quyết định số 214/1999/QĐ-BKH ngày 26/4/1999 của Bộ Kế hoạch và đầu tư) để xác định những máy móc, thiết bị, phương tiên vận tải chuyên dùng mà trong nước chưa sản xuất được và trình thủ trưởng có thẩm quyền cấp ƯĐĐT quyết định.

Nếu nhà đầu tư nhập khẩu dây chuyền thiết bị, máy móc đồng bộ thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhưng trong dây chuyền đồng bộ đó có cả loại thiết bị, máy móc trong nước đã sản xuất được thì được miễn thuế nhập khẩu cho cả dây chuyền thiết bị, máy móc đồng bộ đó.

Ngoài trường hợp trên, cơ quan thụ lý hồ sơ xem xét mục tiêu của dự án và yêu cầu của thị trưởng về chất lượng sản phẩm được sản xuất ra để xác định những thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được nhưng chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng đối với dự án đó. Nếu xét thấy cần thiết, có thể lấy ý kiến các cơ quan quản lý chuyên ngành cùng cấp trước khi trình thủ trưởng có thẩm quyền quyết định.

c) Danh mục những máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng được miễn thuế nhập khẩu được ghi vào Giấy chứng nhận ƯĐĐT hoặc Giấy chứng nhận ƯĐĐT bổ sung; danh mục quá dài thì ghi thành phụ lục kèm theo (Mẫu DM HHNKMT-TW đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoặc Mẫu DM HHNKMT-ĐP đối với UBND cấp tỉnh).

d) Trường hợp nhà đầu tư có dự án trước đây đã được cấp Giấy chứng nhận ƯĐĐT trong đó có nội dung miễn thuết nhập khẩu nhưng chưa được Bộ Thương mại quyết định Danh mục hàng hoá nhập khẩu miễn thuế thì gửi công văn đề nghị miễn thuế nhập khẩu kèm theo hợp đồng nhập khẩu đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận ƯĐĐT. Trong công văn nêu rõ tên, quy cách hoặc ký mã hiệu, số lượng từng loại máy móc, thiết bị, phương tiên vận tải chuyên dùng đề nghị miễn thuế nhập khẩu. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký ƯĐĐT đối chiếu với những điều kiện nói trên để có công văn thông báo cho nhà đầu tư và Hải quan cửa khẩu nơi thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hoá biết và thực hiện.

IV. THỜI HẠN XÉT CẤP ƯĐĐT

Việc cấp mới Giấy chứng nhận ƯĐĐT, cấp bổ sung ƯĐĐT được thực hiện trong thời hạn không quá 20 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đủ các yếu tố hợp lệ quy định tại Mục II của thông tư này.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo cho nhà đầu tư biết để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Ngày nhận hồ sơ là ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ trực tiếp nhận hồ sơ hoặc ngày nhận theo dấu của bưu điện nơi nhận nếu hồ sơ gửi qua bưu điện.

Việc giảm bớt một phần hoặc rút bỏ toàn bộ ưu đãi đầu tư được thực hiện trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của nhà đầu tư về việc không đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi.

Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận ƯĐĐT, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo lý do bằng văn bản cho nhà đầu tư biết.

Các cơ quan quản lý nhà nước khi được hỏi ý kiến về ưu đãi đầu tư có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản hỏi ý kiến; quá thời hạn này mà không có văn bản trả lời thì coi như đồng ý.

V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành, thay thế Thông tư số 02/1998/TT-BKH ngày 16/3/1998 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư theo Nghị định số 07/1998/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Văn bản số 955 BKH/DN ngày 10/02/1999 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tạm thời trong khi chuyển tiếp sang áp dụng Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10.

2. Định kỳ 6 tháng một lần (vào ngày 10/6 và 10/12, bộ phận có chức năng thụ lý hồ sơ ƯĐĐT của UBND cấp huyện báo cáo tình hình cấp ƯĐĐT, tình hình thực hiện trợ giúp và ưu đãi đầu tư trên địa bàn, kiến nghị những vấn đề phát sinh cần xử lý gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Định kỳ 6 tháng một lần (vào ngày 20/6 và 20/12), Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp tình hình cấp ƯĐĐT, tình hình thực hiện trợ giúp và ưu đãi đầu tư trên địa bàn, kiến nghị những vấn đề phát sinh cần xử lý, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, các cơ sở sản xuất kinh doanh kịp thời phản ánh để Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những nội dung đã hướng dẫn cho phù hợp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Xuân Giá