• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/02/2022
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 45/2021/TT-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nam, ngày 31 tháng 12 năm 2021

 THÔNG TƯ

Quy định về việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn

thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non

 

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định về việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non, bao gồm: nội dung xây dựng, kiểm tra, đánh giá trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, bao gồm: nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non là nơi trẻ em được bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần.

2. Môi trường giáo dục bao gồm các điều kiện về vật chất và tinh thần có ảnh hưởng đến các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non.

3. Môi trường giáo dục an toàn là môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong đó trẻ em được bảo vệ, được đối xử công bằng, nhân ái; không bị bạo hành, xâm hại; môi trường giảm thiểu tối đa hoặc loại bỏ hoàn toàn các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe tâm thần; trẻ em được dễ dàng tiếp cận với môi trường xung quanh, được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện phù hợp với độ tuổi, giới tính và khả năng của bản thân.

4. Tai nạn thương tích là sự việc xảy ra ngoài ý muốn của chủ thể, do tác nhân bên ngoài, gây nên những tổn thương về thể chất và tinh thần.

 

Chương II

NỘI DUNG XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC AN TOÀN, PHÒNG,

CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TRONG CƠ SỞ

GIÁO DỤC MẦM NON

 

Điều 3. Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn

1. Xây dựng môi trường giáo dục bảo đảm an toàn, dễ tiếp cận và công bằng đối với mọi trẻ em. Chú trọng tổ chức rà soát các tiêu chí cơ sở giáo dục mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích quy định tại phụ lục Thông tư này.

2. Thường xuyên rà soát, kiểm tra chất lượng công trình, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, phương tiện, dụng cụ máy móc phục vụ công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, phát hiện và xử lí kịp thời các hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng có nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ em.

3. Xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; phòng chống bạo hành, xâm hại; phòng tránh trẻ bị thất lạc; phòng, chống cháy, nổ; ứng phó với dịch bệnh, thảm họa, thiên tai trong cơ sở giáo dục mầm non.

4. Ứng phó và xử lý kịp thời khi xảy ra mất an toàn theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

5. Xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục mầm non theo quy định.

6. Tổ chức thực hiện công tác y tế trường học theo quy định; đối với các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bữa ăn bán trú bảo đảm thực hiện các yêu cầu, điều kiện và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Điều 4. Nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên

1. Tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; phòng chống cháy nổ; an toàn giao thông; phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em; phòng chống đuối nước; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

2. Tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng phó, xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra đối với trẻ em như: xử trí tai nạn thương tích; kỹ năng sơ cấp cứu; thảm họa thiên tai; dịch bệnh cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

3. Bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo, phổ biến pháp luật có liên quan về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

4. Phổ biến các quy định liên quan đến công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em, phòng chống dịch bệnh và phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em tại các cuộc họp, sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề của cơ sở giáo dục mầm non.

5. Trang bị đầy đủ tài liệu hướng dẫn giáo viên kiến thức, kỹ năng để bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non.

Điều 5. Hoạt động truyền thông

1. Khai thác các nền tảng công nghệ thông tin kết nối internet để truyền thông, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non, gia đình và cộng đồng về xây dựng môi trường giáo dục an toàn; có giải pháp kiểm soát, loại bỏ những nội dung tuyên truyền không phù hợp.

2. Tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ, biện pháp và kỹ năng phòng chống tai nạn, thương tích đối với trẻ em; về quyền trẻ em và những vấn đề liên quan đến pháp luật nếu để xảy ra tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em.

3. Tuyên truyền về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, tại gia đình và ngoài cộng đồng; tuyên truyền về số điện thoại 111 của tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em.

4. Thiết lập các kênh thông tin như hộp thư góp ý, số điện thoại đường dây nóng và các hình thức phù hợp khác; tạo điều kiện để thu nhận thông tin về an toàn trường học hoặc tố giác tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em.

5. Thiết lập hệ thống ghi chép, theo dõi, giám sát và báo cáo công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo hành, xâm hại đối với trẻ em.

6. Triển khai đa dạng các hình thức trao đổi thông tin với cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và kịp thời thông tin về những tiến bộ hoặc khó khăn của trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non.

Điều 6. Huy động sự tham gia của gia đình và cộng đồng

1. Huy động sự tham gia của gia đình và cộng đồng trong các hoạt động xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.

2. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng rà soát, đánh giá các tiêu chí về trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích; chủ động phối hợp khắc phục các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn; huy động sự tham gia của các đơn vị liên quan trong kiểm định chất lượng công trình, cơ sở vật chất theo quy định.

3. Phối hợp với các ban, ngành tại địa phương trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát cơ sở giáo dục mầm non thực hiện các quy định có liên quan đến công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích.

Điều 7. Giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho trẻ em

1. Lồng ghép giáo dục trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng tránh xâm hại trong các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non.

2. Tăng cường giáo dục trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông qua hình thức trải nghiệm, thực hành xử trí tình huống bảo vệ bản thân phù hợp với nhu cầu, độ tuổi của trẻ em.

3. Trang bị đồ chơi, tài liệu, học liệu giáo dục về bảo đảm an toàn dành cho trẻ em phù hợp với độ tuổi và phù hợp với văn hóa địa phương.

 

Chương III

KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON AN TOÀN, PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH

 

Điều 8. Tiêu chuẩn cơ sở giáo dục mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích

1. Trong năm học, tại cơ sở giáo dục mầm non không có tình trạng: trẻ em bị bạo hành, xâm hại, bị tai nạn thương tích nặng dẫn đến phải nằm viện hoặc tử vong; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ứng xử thiếu văn hóa, vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo; xảy ra ngộ độc thực phẩm hoặc có dịch bệnh lây lan trên diện rộng tại cơ sở giáo dục mầm non.

2. Kết quả đánh giá tiêu chí cơ sở giáo dục mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích quy định tại Phụ lục Thông tư này:

a) Đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non: Có tối thiểu 40 tiêu chí (bao gồm 20 tiêu chí bắt buộc) được đánh giá “đạt”.

b) Đối với nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập: Có tối thiểu 30 tiêu chí (bao gồm 15 tiêu chí bắt buộc) được đánh giá “đạt”.

Điều 9. Cơ sở giáo dục mầm non tự đánh giá

1. Trước khi bắt đầu năm học mới, cơ sở giáo dục mầm non tổ chức rà soát, đánh giá các tiêu chí về an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích quy định tại Phụ lục Thông tư này. Đối với những tiêu chí được đánh giá “chưa đạt”, có phương án xử trí, khắc phục kịp thời.

2. Cuối năm học, cơ sở giáo dục mầm non tổ chức tự đánh giá kết quả xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 của Thông tư này, báo cáo kết quả về Phòng Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

Điều 10. Kiểm tra, đánh giá cơ sở giáo dục mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích

1. Đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định tại Thông tư này đối với các cơ sở giáo dục mầm non. Việc kiểm tra được thực hiện kết hợp với các nhiệm vụ kiểm tra chuyên môn khác trong năm học, có biên bản và thông báo kết quả kiểm tra.

2. Cuối năm học, căn cứ báo cáo của cơ sở giáo dục mầm non, tiêu chuẩn theo quy định và kết quả kiểm tra, giám sát trong năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo lập danh sách cơ sở giáo dục mầm non đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo.

3. Trong trường hợp cần thiết, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức đoàn kiểm tra kết quả tự đánh giá của cơ sở giáo dục mầm non hoặc chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá kết quả xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.

 

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

 

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Hướng dẫn, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các Phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường mầm non trực thuộc (nếu có) trong việc thực hiện các nội dung theo quy định tại Thông tư này.

2. Hằng năm, tổ chức tập huấn, hội thảo, tổng kết đánh giá về công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.

3. Báo cáo kết quả xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng thời điểm báo cáo tổng kết năm học theo quy định.

Điều 12. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo

1. Xây dựng kế hoạch hoạt động và dự toán ngân sách hàng năm cho công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.

2. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non trong việc triển khai thực hiện các nội dung theo quy định tại Thông tư này.

3. Phối hợp với các đơn vị, ban, ngành hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thực hiện các quy định có liên quan đến công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích.

4. Chủ trì hoặc phân công trách nhiệm đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

5. Báo cáo kết quả xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non gửi Sở Giáo dục và Đào tạo cùng thời điểm báo cáo tổng kết năm học theo quy định.

Điều 13. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục mầm non

1. Ban hành kế hoạch xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non theo năm học.

2. Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện các nội dung quy định tại các Điều 3, 4, 5, 6 và 7 của Thông tư này.

3. Huy động sự tham gia của các thành viên trong cơ sở giáo dục mầm non, gia đình và cộng đồng trong việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích.

4. Người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên và trước pháp luật nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra mất an toàn tại cơ sở giáo dục mầm non.

5. Báo cáo việc thực hiện Thông tư này trong nội dung báo cáo tổng kết hoạt động của đơn vị hàng năm gửi cơ quan quản lý cấp trên; báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về kết quả báo cáo.

Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Chỉ đạo, triển khai, đôn đốc công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn.

2. Đầu tư nguồn lực, kinh phí cho công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.

3. Tổ chức phối hợp giữa các cơ quan thuộc quyền quản lý, các tổ chức kinh tế, xã hội để thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.

 

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2022.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 13/2010/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Ngô Thị Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.