• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 16/01/2003
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 01/2003/CT-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nam, ngày 16 tháng 1 năm 2003

 

 

 

 

CHỈ THỊ

Về tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới,phát triển và nâng cao hiệu

 quả doanh nghiệp nhà nước

__________________

 Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã có Chương trình hành động và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước thực hiện. Năm 2002 đã có chuyển biến bước đầu và đã hình thành hệ thống văn bản pháp lý tương đối đồng bộ cho việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng công ty nhà nước; cơ bản hoàn thành việc xây dựng các đề án tổng thể để sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước;...

 Tuy nhiên, việc thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) còn chậm; đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp nhà nước của nhiều Bộ, ngành, địa phương còn chưa bám sát Nghị quyết Trung ương và Chương trình hành động của Chính phủ; sự phối hợp sắp xếp doanh nghiệp theo ngành và lãnh thổ còn thiếu chặt chẽ; chưa khẩn trương kiện toàn các Tổng công ty nhà nước; tiến độ sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu đối với những doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, những doanh nghiệp vốn nhỏ và Nhà nước không cần giữ 100% vốn còn rất chậm,..

Yêu cầu đặt ra trong 5 năm (2001-2005) phải cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3. Năm 2003 cần có sự tập trung chỉ đạo để tạo bước chuyển biến quan trọng trong việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các Tổng công ty và thực hiện cổ phần hóa, giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê, sáp nhập, giải thể, phá sản các doanh nghiệp nhỏ, thua lỗ và Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn. Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

    1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Hội đồng quản trị Tổng công ty nhà nước phải coi việc tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Chương trình hành động của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2003. Phải xây dựng xong đề án sắp xếp tổng thể doanh nghiệp nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có chương trình, kế hoạch, giải pháp tích cực thực hiện. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi sở hữu đối với những doanh nghiệp nhà nước nhỏ, thua lỗ, Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn theo đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp, bố trí đủ cán bộ chuyên trách có nhiệt tình công tác và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Kiên quyết thay đổi những Giám đốc doanh nghiệp không thực hiện nghiêm đề án sắp xếp lại doanh nghiệp. Việc thành lập mới doanh nghiệp nhà nước phải chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả, đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 và quy định của Chính phủ.

 2. Trong quý I năm 2003, các Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản pháp quy theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể như sau:

 a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nghị định về thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, trong đó làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị-đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại Tổng công ty, quyết định mọi vấn đề quan trọng nhất trong chiến lược phát triển và hoạt động của Tổng công ty; Đề án thành lập tập đoàn kinh tế (quý II năm 2003, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/CP về doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, Nghị định về Tổng công ty nhà nước (quý IV năm 2003).

 b) Bộ tài chính: Quyết định thành lập Công ty đầu tư tài chính; Quyết định ban hành Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; Nghị định về Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước thay thế Nghị định số 59/CP và Nghị định số 27/1999/NĐ-CP (quý IV năm 2003).

 c) Bộ Nội vụ: Quyết định ban hành tiêu chuẩn và Quy chế thi tuyển cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước; Quyết định ban hành Quy chế đào tạo và sử dụng cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước; chính sách đối với Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán trưởng không tiếp tục làm việc ở doanh nghiệp nhà nước sắp xếp lại.

 Cùng với việc chuẩn bị những dự thảo nói trên, các Bộ chủ động soạn thảo hướng dẫn để ban hành trước khi văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành.

 3. Các Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị Tổng công ty nhà nước tập trung kiện toàn tổ chức quản lý, tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các Tổng công ty nhà nước, phấn đấu đến năm 2005 không còn doanh nghiệp thành viên sản xuất, kinh doanh yếu kém, thua lỗ kéo dài.

 Những Tổng công ty nhà nước đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo Nghị quyết Trung ương 3 và quy định của Thủ tướng Chính phủ cần tập trung kiện toàn tổ chức, cơ chế quản lý, đẩy mạnh đầu tư phát triển theo đúng chiến lược, quy hoạch, nhất là các dự án lớn, quan trọng đã được đề cập trong kế hoạch 5 năm (2001-2005); nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2003 và kế hoạch 5 năm.

 Những Tổng công ty hoạt động trong các ngành, lĩnh vực nhà nước cần tổ chức Tổng công ty nhưng vốn nhà nước còn thiếu so với quy định, nộp ngân sách còn hạn chế, song song với việc kiện toàn tổ chức, cơ chế quản lý, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cần phải có phương án, lộ trình cụ thể để đến năm 2005 bổ sung đủ vốn.

Những Tổng công ty nhà nước không đáp ứng không đáp ứng các tiêu chí quy định, kinh doanh thua lỗ hoặc hoạt động theo kiểu hành chính đơn thuần, không có sự gắn kết về sản phẩm, thương hiệu, tài chính, công nghệ giữa doanh nghiệp thành viên với nhau và giữa Tổng công ty với các doanh nghiệp thành viên thì cần kiên quyết giải thể cơ quan lãnh đạo Tổng công ty; đồng thời bằng các biện pháp kiện toàn, nâng cao tính năng động, tính chịu trách nhiệm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp có sản phẩm, thương hiệu cạnh tranh được trên thị trường thì cần khuyến khích hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư phát triển, mở rộng phạm vi sản xuất kinh doanh, hình thành các Tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con.

Các Bộ, địa phương, trước ngày 30 tháng 3 năm 2003, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đối với những Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước thuộc diện thí điểm chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con và tổ chức chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, không làm tràn lan.

Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ: Bưu chính, Viễn thông; Công nghiệp; Xây dựng; Tổng công ty Bưu chính-viễn thông; Tổng công ty Dầu khí Việt Nam; Tổng Công ty Điện lực Việt Nam xúc tiến nghiên cứu, khảo sát xây dựng đề án tập đoàn kinh tế. Đồng thời phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Hội đồng quản trị Tổng công ty công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty cơ khí giao thông xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm Hội đồng quản trị ký hợp đồng với Tổng Giám đốc.

 4. Để thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chặt chẽ và có hiệu quả, đối với doanh nghiệp nhà nước có vốn từ 5 tỷ đồng trở lên, đang sản xuất, kinh doanh có lãi, khi thực hiện bán cổ phần lần đầu Nhà nước cần giữ cổ phần thấp nhất là 51%.

 5. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục xóa bỏ sự phân biệt trên thực tế trong các lĩnh vực tín dụng, đầu tư, đất đai, xuất nhập cảnh giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước sau chuyển đổi để góp phần đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Chỉ thị này.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.