THÔNG TƯ
Quy định thủ tục đăng ký Danh mục hàng nhập khẩu, hàng tạm nhập tái xuất, hàng thanh lý
của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam
_____________________________
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương;
Căn cứ Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng;
Căn cứ Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2010 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công thương;
Căn cứ Quyết định số 87/2004/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thủ tục đăng ký danh mục hàng nhập khẩu, hàng tạm nhập tái xuất, hàng thanh lý của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam như sau,
Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định thủ tục đăng ký danh mục máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, thanh lý của nhà thầu nước ngoài (bao gồm cả nhà thầu chính và nhà thầu phụ) đã được cấp Giấy phép thầu xây dựng theo quy định tại Quyết định số 87/2004/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là nhà thầu nước ngoài).
Điều 2. Quy định về việc nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và thanh lý của nhà thầu nước ngoài
1. Nhà thầu nước ngoài đã có Giấy phép thầu xây dựng được đăng ký danh mục máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để thực hiện công trình trúng thầu tại Việt Nam.
2. Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu phải phù hợp với Hợp đồng nhận thầu về chủng loại, số lượng, xuất xứ của mỗi loại máy móc, thiết bị, vật tư.
3. Danh mục máy móc, thiết bị (bao gồm cả thiết bị vận chuyển), vật tư tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để thi công xây dựng phải được chủ đầu tư hoặc chủ dự án xác nhận thoả thuận theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Quyết định số 87/2004/QĐ-TTg.
4. Sau khi được Bộ Công Thương chấp thuận đăng ký danh mục máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, nhà thầu nước ngoài được trực tiếp hoặc uỷ thác làm thủ tục xuất nhập khẩu tại cơ quan hải quan theo quy định về quản lý xuất nhập khẩu hiện hành.
5. Khi hoàn thành công trình, nhà thầu nước ngoài phải quyết toán máy móc, thiết bị, vật tư đã nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập theo danh mục đã đăng ký.
6. Sau khi quyết toán, nhà thầu nước ngoài phải xử lý máy móc, thiết bị, vật tư dôi dư chưa sử dụng hết hoặc chưa tái xuất dưới dạng thanh lý theo các hình thức: tái xuất, bán, tiêu huỷ.
7. Máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để thi công xây dựng phải được sử dụng đúng mục đích.
8. Việc đăng ký danh mục máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập có thể làm theo từng năm hoặc cho toàn bộ dự án, phù hợp với tiến độ thi công xây dựng công trình
Điều 3. Hồ sơ đăng ký
1. Quy định về bản sao chứng từ:
a) Bản sao có công chứng (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện/công văn hành chính);
b) Bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp);
c) Bản scan từ bản gốc (nếu thủ tục hành chính có áp dụng phương thức nộp hồ sơ qua mạng điện tử).
2. Hồ sơ đăng ký danh mục máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu, tạm nhập tái xuất là 01 bộ, gồm:
a) Đơn đăng ký (01 bản gốc theo Mẫu đơn quy định tại Phụ lục I) kèm theo Danh mục máy móc, thiêt bị, vật tư nhập khẩu (01 bản gốc theo Mẫu A phụ lục II) và/hoặc Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư tạm nhập tái xuất (01 bản gốc theo Mẫu B phụ lục II);
b) Văn bản của chủ đầu tư hoặc chủ dự án thoả thuận danh mục máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu, tạm nhập tái xuất (01 bản gốc);
c) Giấy phép thầu xây dựng của nhà thầu nước ngoài (01 bản sao, chỉ nộp vào lần đăng ký danh mục đầu tiên của dự án);
d) Hợp đồng giao nhận thầu (01 bản sao, phần liên quan đến nhập khẩu, chỉ nộp vào lần đăng ký danh mục đầu tiên của dự án).
3. Hồ sơ đăng ký danh mục máy móc, thiết bị, vật tư tạm xuất tái nhập là 01 bộ, gồm:
a) Đơn đăng ký (01 bản gốc theo Mẫu đơn quy định tại Phụ lục I) kèm theo danh mục máy móc, thiết bị, vật tư tạm xuất tái nhập (01 bản gốc theo Mẫu C phụ lục II);
b) Văn bản của chủ đầu tư hoặc chủ dự án thoả thuận danh mục hàng tạm xuất tái nhập (01 bản gốc);
4. Hồ sơ đăng ký danh mục máy móc, thiết bị, vật tư thanh lý sau quyết toán là 01 bộ gồm:
a) Đơn đăng ký ( 01 bản gốc theo Mẫu đơn quy định tại Phụ lục I ) kèm theo danh mục máy móc, thiêt bị vật tư thanh lý (01 bản gốc theo Mẫu D phụ lục II);
b) Bản sao các văn bản của Bộ Công Thương chấp thuận đăng ký danh mục máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu, tạm nhập tái xuất trong đó có tên của các máy móc, thiết bị, vật tư đề nghị thanh lý tương ứng;
c) Văn bản của chủ đầu tư hoặc chủ dự án xác nhận công trình đã hoàn thành và thoả thuận lý do thanh lý.
Điều 4. Trình tự, thủ tục chấp thuận đăng ký
1. Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ Công thương chấp thuận đăng ký danh mục nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập. Trong trường hợp không chấp thuận, Bộ Công thương phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.
2. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong vòng 05 (năm) ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công thương có thông báo gửi tới nhà thầu nước ngoài yêu cầu bổ sung.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thực hiện kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2011.
2. Thông tư này thay thế Quyết định số 3806/QĐ-BCT ngày 29 tháng 7 năm 2009 của Bộ Công thương về việc ban hành mẫu đơn đăng ký danh mục hàng nhập khẩu, hàng tạm nhập tái xuất, hàng thanh lý của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Bộ Công thương để kịp thời xử lý./.