• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 04/05/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 22/12/2012

UỶ BAN NHÂN DÂN

TỈNH HÀ NAM

__________

 

Số: 12/2009/QĐ-UBND

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

__________________________

 

Phủ Lý, ngày 24 tháng 4 năm 2009

 

 

QUYẾT  ĐỊNH

Ban hành Quy định về việc dạy thêm, học thêm

trên địa bàn tỉnh Hà Nam

_________________

 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định về việc dạy thêm, học thêm;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 293/QĐ-UB ngày 23 tháng 3 năm 2001 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam quy định về tổ chức, quản lý dạy và học thêm ngoài giờ chính khoá trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

CHỦ TỊCH

Trần Xuân Lộc

 


QUY ĐỊNH

Về việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Hà Nam

(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2009 /QĐ-UBND

ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam)

_____________________

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Dạy thêm, học thêm được đề cập trong Quy định này là hoạt động dạy học ngoài giờ học thuộc Kế hoạch giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, với nội dung dạy học trong phạm vi chương trình giáo dục phổ thông. Quy định này quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường và dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện dạy thêm, học thêm.

2. Văn bản này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm, học thêm.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện dạy thêm, học thêm

1. Nội dung và phương pháp dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kĩ năng, giáo dục nhân cách cho học sinh; phải phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông và đặc điểm tâm sinh lý của người học; không gây nên tình trạng học quá nhiều và  vượt quá sức tiếp thu của người học.

2. Hoạt động dạy thêm, học thêm phải được quản lý của các cấp quản lý giáo dục và các ngành chức năng có liên quan và chỉ được thực hiện sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.

3. Dạy thêm có thu tiền chỉ được tổ chức khi có nhu cầu học thêm chính đáng và tự nguyện của người học. Nghiêm cấm việc bắt ép học sinh học thêm để thu tiền dưới mọi hình thức.

Điều 3. Các trường hợp không thực hiện dạy thêm, học thêm

1. Đối với các trường dạy học 2 buổi trong một ngày, nhà trường và giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh; việc ôn thi tốt nghiệp, ôn thi chuyển cấp, phụ đạo học sinh yếu kém chỉ bố trí trong các buổi học tại trường (nếu phụ huynh có yêu cầu).

2. Không dạy thêm, học thêm cho học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình (chỉ trong dịp hè và không quá 2 tháng); phụ đạo cho những học sinh học lực yếu kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao; luyện tập kĩ năng đọc, viết cho học sinh (nếu phụ huynh có yêu cầu), đã được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép.

3. Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng không tổ chức dạy thêm, học thêm theo chương trình giáo dục phổ thông cho người học không phải là học sinh, sinh viên của cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng đó.

 

Chương II

DẠY THÊM, HỌC THÊM TRONG NHÀ TRƯỜNG

VÀ DẠY THÊM, HỌC THÊM NGOÀI NHÀ TRƯỜNG

 

Điều 4. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường

1. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là hoạt động dạy học ngoài giờ học do nhà trường phổ thông, cơ sở giáo dục khác dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông thực hiện.

2. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường bao gồm: Phụ đạo học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng học sinh giỏi; dạy thêm cho học sinh có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức; ôn thi tuyển sinh trung học phổ thông cho học sinh lớp 9; ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cho học sinh lớp 12. Khi mở lớp dạy thêm, phải có đủ giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo, có đủ cơ sở vật chất và lớp học đảm bảo các yêu cầu tại Quy định về vệ sinh trường học ban hành kèm theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18 tháng 4 năm 2000 của Bộ Y tế.

Điều 5. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường

1. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm, học thêm do các tổ chức khác, ngoài các tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quy định này, hoặc cá nhân thực hiện.

2. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường bao gồm: bồi dưỡng kiến thức,  ôn luyện thi. Tổ chức, cá nhân đăng kí mở lớp dạy thêm phải có đủ giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo, có đủ cơ sở vật chất và lớp học đảm bảo yêu cầu tại Quy định về vệ sinh trường học ban hành kèm theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18 tháng 4 năm 2000 của Bộ Y tế.

 

Chương III

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

DẠY THÊM, HỌC THÊM

 

Điều 6. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp

1. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện:

a) Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn huyện; cùng với ngành giáo dục kiểm tra hoạt động dạy thêm trên địa bàn huyện nhằm xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

b) Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép, thu hồi giấy phép của tổ chức, cá nhân dạy thêm cấp tiểu học (nêu tại khoản 2 Điều 3 Quy định này) và cấp trung học cơ sở trên địa bàn huyện.

2. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã:

Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn xã; cùng với ngành giáo dục kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn xã nhằm xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Giáo dục Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo

1. Trách nhiệm của Sở Giáo dục Đào tạo:

a) Hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Cụ thể trình tự, thủ tục, hồ sơ xin phép dạy thêm, học thêm.

b) Thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo hiệu lực của quy định về dạy thêm, học thêm; phát hiện nhân tố tích cực, phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

c) Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan và điện thoại dùng cho việc tiếp nhận ý kiến phản ánh về dạy thêm, học thêm để quản lý.

d) Cấp giấy phép, thu hồi giấy phép đối với cá nhân, tổ chức dạy thêm, học thêm cấp trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

2. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo:

a) Hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn huyện.

b) Thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo hiệu lực của quy định về dạy thêm, học thêm; phát hiện nhân tố tích cực, phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

c) Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan và điện thoại dùng cho việc tiếp nhận ý kiến phản ánh về dạy thêm, học thêm để quản lý.

d) Cấp giấy phép, thu hồi giấy phép cho tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở trên địa bàn huyện.

Điều 8. Trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường và người đứng đầu cơ sở giáo dục khác

Hiệu trưởng nhà trường và người đứng đầu cơ sở giáo dục khác quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quy định này chịu trách nhiệm:

1. Tổ chức và quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường, đảm bảo quyền lợi của người học; kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường của giáo viên, cán bộ, nhân viên do trường mình quản lý. Thực hiện đúng tiến độ quy định của phân phối chương trình; không cắt xén chương trình, nội dung dạy học chính khoá đã được quy định để dành cho dạy thêm, học thêm.

2. Kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm; định kỳ tổng kết báo cáo tình hình dạy thêm, học thêm theo yêu cầu của cơ quan quản lý giáo dục.

Điều 9. Trách nhiệm của tổ chức cá nhân thực hiện dạy thêm ngoài nhà trường

1. Thực hiện các quy định tại Quy định này và các quy định khác về hoạt động giáo dục. Trước khi thực hiện dạy thêm, người tổ chức dạy thêm phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép kế hoạch dạy thêm, nội dung dạy thêm, danh sách người học, danh sách người dạy.

2. Quản lý người học và tôn trọng quyền lợi của người học. Nếu tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy thêm, phải báo cáo với cơ quan cấp giấy phép và thông báo công khai cho người học biết trước ít nhất là 30 ngày tính đến ngày tạm dừng hoặc chấm dứt dạy thêm, hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học tương ứng với phần dạy thêm không thực hiện được.

 

Chương IV

ĐIỀU KIỆN VÀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP,

THU HỒI GIẤY PHÉP DẠY THÊM

 

Điều 10. Điều kiện bảo đảm chất lượng dạy thêm, học thêm

1. Đối với người dạy thêm phải đảm bảo các tiêu chuẩn:

- Có phẩm chất đạo đức tốt, được đồng nghiệp, nhân dân kính trọng; phụ huynh, học sinh tín nhiệm.

- Có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đạt trình độ chuẩn trở lên (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuẩn giáo viên đối với từng cấp học), được cơ quan quản lý chuyên môn đánh giá tốt.

2. Đối với nhà trường tổ chức mở lớp dạy thêm:

Có đủ số lượng người dạy thêm đảm bảo đúng quy định đối với người dạy thêm.

3. Cơ sở vật chất:

- Có phòng học đảm bảo diện tích (0,8 m2/học sinh), đủ ánh sáng, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.

- Đủ bảng viết, bàn ghế cho người dạy và người học.

- Địa điểm dạy thêm thuận lợi cho việc đi lại của người học, không làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của nhân dân nơi tổ chức dạy thêm, học thêm.

4. Số lượng học sinh:

Sĩ số tối đa của các lớp dạy thêm không vượt quá sĩ số của lớp học thuộc bậc tương ứng được quy định trong Điều lệ trường phổ thông.

5. Thời gian dạy thêm, học thêm:

- Thời gian dạy thêm tính trên một buổi là 3 tiết (135 phút).

- Thời gian dạy thêm, học thêm cho 1 môn học: không quá 1 buổi/tuần đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường và không quá 2 buổi/tuần đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

- Giáo viên dạy thêm trong nhà trường không quá 4 buổi/tuần.

- Không dạy thêm trong khoảng thời gian từ 11 giờ 30 phút đến 13 giờ, từ 17 giờ đến 19 giờ hàng ngày và từ 22 giờ đến 6 giờ 30 phút ngày hôm sau.

Điều 11. Mức thu và sử dụng tiền học thêm

1. Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường:

a) Khuyến khích việc dạy thêm không thu tiền nhằm giúp đỡ học sinh nắm vững kiến thức theo kịp chương trình lớp học.

b) Căn cứ vào điều kiện kinh tế, đời sống nhân dân địa phương, nhà trường thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh, trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định đối với trường tiểu học, trung học cơ sở và báo cáo Sở Giáo dục Đào tạo trình Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với trường trung học phổ thông về mức thu tiền học thêm. Mức thu tiền dạy thêm quy định thống nhất theo từng năm học.

c) Quy định về chi tiền học phí dạy thêm, học thêm:

- Chi 20% cho công tác quản lý, chỉ đạo việc dạy thêm, học thêm của lãnh đạo trường, chủ nhiệm lớp và bộ phận phục vụ (mức chi cho một cán bộ quản lý dạy thêm trong một tháng không cao hơn mức chi cao nhất cho một giáo viên dạy thêm trong tháng đó); văn phòng phẩm phục vụ dạy thêm, học thêm; sửa chữa bàn ghế hư hỏng, điện, nước và góp vào phúc lợi nhà trường; công tác quản lý dạy thêm, học thêm của cơ quan quản lý giáo dục.

- Chi 80% cho giáo viên trực tiếp dạy thêm (mức tiền tối thiểu trả cho giáo viên dạy thêm không thấp hơn mức tiền trả tăng giờ do Nhà nước quy định cho đối tượng giáo viên đó).

Mọi khoản thu và sử dụng tiền dạy thêm phải được ghi chép đầy đủ vào hệ thống chứng từ, sổ sách theo quy định của Sở Tài chính, Sở Giáo dục Đào tạo, được công khai trong nhà trường.

2. Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường:

 Căn cứ điều kiện kinh tế, đời sống nhân dân địa phương, theo thoả thuận giữa người dạy và người học (phụ huynh, học sinh xin học thêm) để thống nhất mức thu học phí dạy thêm, học thêm sao cho người dạy thêm nhận tiền công tối thiểu phải bằng 70% số tiền thu học thêm.

3. Việc thu phí quản lý dạy thêm, học thêm:

Các tổ chức dạy thêm, học thêm ở trong và ngoài nhà trường sau khi kết thúc chương trình dạy thêm nộp 3% tổng thu học phí về Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với dạy thêm, học thêm chương trình cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở), về Sở Giáo dục Đào tạo (đối với dạy thêm, học thêm chương trình cấp trung học phổ thông) phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm.

Điều 12. Trình tự thủ tục cấp giấy phép, thu hồi giấy phép dạy thêm, học thêm

1. Trình tự thủ tục cấp giấy phép dạy thêm, học thêm:

a) Hồ sơ xin cấp giấy phép dạy thêm, học thêm:

* Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường:

- Hiệu trưởng nhà trường làm đơn xin cấp giấy phép dạy thêm, học thêm.

- Kế hoạch mở lớp dạy thêm, học thêm.

- Danh sách giáo viên dạy thêm, học thêm.

- Danh sách học sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

- Biên bản họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh về đề nghị mở lớp dạy thêm học, thêm và thống nhất mức thu tiền học thêm của từng khối, lớp.

* Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường:

- Tổ chức, cá nhân làm đơn xin cấp giấy phép dạy thêm, học thêm có ý kiến đồng ý cho dạy thêm của trưởng thôn hoặc tổ trưởng dân phố nơi mở lớp dạy thêm, học thêm và được Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn xác nhận.

- Kế hoạch mở lớp dạy thêm, học thêm.

- Danh sách giáo viên dạy thêm có xác nhận của Hiệu trưởng nhà trường đối với giáo viên đang giảng dạy và photo văn bằng tốt nghiệp đối với giáo viên không giảng trong các nhà trường.

- Danh sách học sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

- Đơn xin học thêm của từng học sinh, có ý kiến đồng ý của phụ huynh học sinh.

- Biên bản thoả thuận giữa người dạy và người học (phụ huynh, học sinh xin học thêm) về đề nghị mở lớp dạy thêm, học thêm và thống nhất mức thu tiền học thêm của từng khối, lớp.

Hồ sơ xin cấp giấy phép dạy thêm, học thêm do Sở Giáo dục Đào tạo ban hành mẫu thống nhất trong toàn tỉnh.

b) Trình tự cấp giấy phép dạy thêm, học thêm:

Hồ sơ xin cấp giấy phép dạy thêm, học thêm trong nhà trường nộp về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép vào tháng 10 hằng năm; hồ sơ xin cấp giấy phép dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nộp về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khi tổ chức cá nhân có nhu cầu mở lớp.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép dạy thêm, học thêm xem xét để cấp giấy phép hoạt động cho các tổ chức và cá nhân theo quy định. Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lời bằng văn bản cho các tổ chức và cá nhân xin dạy thêm.

Giấy phép dạy thêm, học thêm có thời hạn 12 tháng đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường; đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường giấy phép có thời hạn theo đề nghị cụ thể của từng lớp học nhưng tối đa không quá 12 tháng.

2. Thu hồi giấy phép dạy thêm, học thêm:

Cấp có thẩm quyền cấp giấy phép dạy thêm, học thêm có thẩm quyền thu hồi giấy phép dạy thêm đối với tổ chức, cá nhân không đảm bảo các quy định về dạy thêm, học thêm nêu tại Quy định này.

 

Chương V

THANH TRA, KIỂM TRA, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 13. Thanh tra, kiểm tra

Hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường và dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền các cấp.

Điều 14. Khen thưởng

Tổ chức cá nhân thực hiện tốt quy định về dạy thêm, học thêm và được các cơ quan quản lý giáo dục đánh giá có nhiều đóng góp nâng cao chất lượng giáo dục thì được khen thưởng theo quy định.

Điều 15. Xử lý vi phạm

1. Tuỳ tính chất và mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

2. Cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định dạy thêm, học thêm thì bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

3. Cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm quy định về dạy thêm, học thêm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

CHỦ TỊCH

Trần Xuân Lộc

 

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.