• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 09/06/2014
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 880/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Trung Ương, ngày 9 tháng 6 năm 2014

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp

Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

______________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;

Xét đề nghị của Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chính như sau:

1. Quan điểm

a) Phát triển công nghiệp tập trung vào một số ngành công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.

b) Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

c) Khuyến khích phát triển dân doanh, đầu tư nước ngoài; thúc đẩy phát triển bền vững khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

d) Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp là điều kiện quyết định thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

đ) Phát triển công nghiệp theo các chuẩn mực về môi trường, tiến tới công nghệ xanh giai đoạn sau năm 2020.

2. Mục tiêu

a) Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 6,5 - 7,0%/năm và giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7,5 - 8,0%/năm.

b) Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 12,5 - 13,0%/năm và giai đoạn 2021 - 2030 đạt 11,0 - 12%/năm.

c) Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP chiếm 42 - 43% và năm 2030 chiếm 43 - 45%.

d) Đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 85 - 90% giá trị sản xuất công nghiệp; giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% tổng GDP; năm 2030 các tỷ lệ tương ứng là 90 - 92% và trên 50%.

đ) Hệ số đàn hồi năng lượng/GDP năm 2015 đạt 1,5; năm 2020 đạt 1,0 và sau năm 2020 đạt < 1,0.

e) Tỷ lệ phát thải khí nhà kính ngành công nghiệp gia tăng bình quân trong khoảng từ 4 - 4,5%/năm.

3. Định hướng

a) Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao.

b) Phát triển các ngành công nghiệp nền tảng để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

c) Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, hướng đến sản xuất một số sản phẩm có thương hiệu tham gia vào chuỗi xuất khẩu trọng điểm của cả nước.

d) Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành sự phân công sản xuất, liên kết, hợp tác tham gia chế tạo trong từng công đoạn sản phẩm.

đ) Thực hiện phân bố không gian công nghiệp phù hợp nhằm phát huy lợi thế so sánh của các vùng, miền và tạo điều kiện liên kết có hiệu quả.

4. Nội dung

a) Ngành cơ khí - luyện kim

- Đầu tư phát triển một số chuyên ngành và sản phẩm cơ khí trọng điểm để đáp ứng về cơ bản nhu cầu của nền kinh tế như: Máy động lực, cơ khí phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, máy công cụ, cơ khí xây dựng, cơ khí đóng tàu, thiết bị điện - điện tử, cơ khí ôtô - cơ khí giao thông vận tải. Hình thành một số Tập đoàn cơ khí chế tạo chủ đạo đi đầu để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và khu vực.

- Phát triển ngành luyện kim theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thiết bị đồng bộ có tính liên hợp cao và suất tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng thấp; từng bước đáp ứng nhu cầu về các chủng loại thép chế tạo, thép hợp kim, một số kim loại màu; tập trung giải quyết những khâu cơ bản như đúc, rèn phôi, nhiệt luyện, kiểm tra chất lượng sản phẩm.

- Kết hợp với công nghiệp quốc phòng, xây dựng các chương trình dự án sản phẩm có tính lưỡng dụng cao để phát huy hiệu quả các nguồn lực và nâng cao khả năng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu an ninh quốc gia khi cần thiết.

- Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí - luyện kim giai đoạn đến năm 2020 đạt 15 - 16%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 14 - 15%.

- Năm 2020 tỷ trọng ngành cơ khí - luyện kim chiếm 20 - 21% và năm 2030 chiếm 22 - 24% trong cơ cấu ngành công nghiệp.

- Năm 2020 ngành cơ khí - luyện kim đáp ứng 45 - 50% nhu cầu thị trường trong nước và năm 2030 đáp ứng đến 60%.

- Đến năm 2020

Tập trung phát triển các nhóm sản phẩm sau:

+ Nhóm máy móc, thiết bị kỹ thuật điện: Sản xuất, lắp ráp máy phát điện đến 600MW; máy phát điện gió, pin mặt trời; nghiên cứu chế tạo máy biến áp 500kV; chế tạo động cơ điện mini.

+ Nhóm máy công cụ và dụng cụ: Sản xuất khuôn mẫu; chế tạo thiết bị tiêu chuẩn; Phát triển hệ thống điều khiển tự động công nghệ cao, cơ khí chính xác.

+ Nhóm máy móc, thiết bị nâng hạ: Sản xuất xe nâng hàng, thiết bị áp lực lớn dành cho tàu thủy.

+ Nhóm máy móc chuyên dùng: Sản xuất thiết bị chế biến nông - lâm sản, thực phẩm, thiết bị bao gói, tạo nhãn sản phẩm; thiết bị dầu khí; thiết bị y tế.

+ Nhóm chế tạo xe có động cơ: Chế tạo động cơ xăng, hộp số xe ô tô con; lắp ráp các loại xe du lịch, xe khách, xe tải nhẹ và xe nông vụ phục vụ nông thôn; sản xuất động cơ diesel.

+ Nhóm thiết bị thủy: Chế tạo động cơ thủy; đóng mới các tàu có tải trọng lớn.

+ Nhóm máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp: Sản xuất các loại động cơ diesel cỡ trung, cỡ nhỏ động cơ xăng công suất nhỏ, máy canh tác, thiết bị bảo quản, chế biến thực phẩm, đồ uống.

+ Nhóm thiết bị siêu trường, siêu trọng và giàn khoan dầu khí.

+ Nhóm công nghiệp thép: Tiếp tục triển khai thực hiện các dự án quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Đẩy mạnh sản xuất thép tấm, thép hình khổ lớn và thép ống không hàn với công nghệ tiên tiến; thép đặc biệt phục vụ ngành chế tạo máy và công nghiệp quốc phòng.

- Đến năm 2030

Tiếp tục nghiên cứu đầu tư một số dự án với công nghệ cao, hiện đại để sản xuất các thiết bị đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh, sạch, tiêu tốn ít vật tư, năng lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng vật liệu nhẹ; sản xuất thiết bị gia dụng chất lượng cao bằng vật liệu mới; sản xuất và lắp ráp thiết bị, phương tiện bay, thiết bị định vị kiểm soát không lưu, hải lưu; chế tạo các thiết bị đo kiểm, thiết bị y tế.

b) Ngành hóa chất

- Phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng sử dụng công nghệ cao, hiện đại, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh, giảm thiểu và hạn chế thải các hóa chất độc hại ra môi trường.

- Phát triển công nghiệp hóa dầu, hóa chất cơ bản, hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

- Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành hóa chất giai đoạn đến năm 2020 đạt 14 - 16 %; giai đoạn đến năm 2030 đạt 11 - 13%.

- Năm 2020 tỷ trọng ngành hóa chất chiếm 13 - 14% và năm 2030 chiếm 14 - 15% trong cơ cấu ngành công nghiệp.

- Năm 2020 ngành hóa chất đáp ứng 75 - 80% nhu cầu thị trường trong nước và năm 2030 đáp ứng 85 - 90%.

- Đến năm 2020

+ Tiếp tục triển khai đầu tư các dự án sản xuất phân bón như DAP, đạm ure; sản xuất lốp ô tô radian; sản xuất các sản phẩm hóa chất cơ bản như H2SO4 và H3PO4; sản xuất thuốc kháng sinh loại Cephalosporin, sản xuất Sorbitol; tá dược, vitamin các loại.

+ Phát triển ngành hóa dầu làm nguyên liệu cho ngành nhựa (đáp ứng 40-50% nhu cầu nội địa cho các ngành công nghiệp).

+ Tiếp tục triển khai các dự án mở rộng giai đoạn 2 và một số dự án mới theo Quy hoạch của ngành Hóa chất đã được phê duyệt.

- Đến năm 2030

Căn cứ vào nhu cầu thị trường và khả năng đầu tư tại thời điểm năm 2020, xem xét mở rộng một số dự án trên cơ sở áp dụng công nghệ mới, đảm bảo yêu cầu cao hơn về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Các dự án định hướng là: Sản xuất mỹ phẩm cao cấp; sản xuất ắc quy cho ô tô lai điện và ô tô điện. Tiếp tục phát triển ngành hóa dược (sản xuất vắcxin).

c) Ngành điện tử, công nghệ thông tin

- Xây dựng ngành điện tử, công nghệ thông tin trở thành ngành công nghiệp chủ lực để tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển.

- Tiếp tục phát triển phương thức lắp ráp các thiết bị điện tử, tin học để đáp ứng nhu cầu sản phẩm điện tử trong nước và tham gia xuất khẩu; tăng cường liên kết với các tập đoàn điện tử, tin học lớn trên thế giới để tiếp nhận công nghệ hiện đại và tăng năng lực sản xuất linh kiện trong nước.

- Khuyến khích phát triển sản xuất các sản phẩm phần mềm tin học phục vụ cho các ngành công nghiệp và tham gia vào thị trường xuất khẩu.

- Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành điện tử, công nghệ thông tin giai đoạn đến năm 2020 đạt 17 - 18%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 19 - 21%.

- Năm 2020 tỷ trọng ngành điện tử, công nghệ thông tin chiếm 9 - 10% trong cơ cấu ngành công nghiệp và đáp ứng 65 - 70% nhu cầu thị trường; năm 2030 chiếm tỷ trọng 12 - 13% và đáp ứng 75 - 80% nhu cầu.

- Đến năm 2020

Nghiên cứu thiết kế, sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử chuyên dụng, sản xuất robot công nghiệp, sản xuất một số linh kiện, phụ kiện điện tử, cơ điện tử thông dụng. Tập trung vào các nhóm dự án và chương trình sau:

+ Nhóm máy tính và thiết bị văn phòng: Nghiên cứu công nghệ phát triển mạng tích hợp giữa các thiết bị công nghệ thông tin với công nghệ truyền thông (hữu tuyến và vô tuyến), tích hợp tính đa năng giữa chuyên dụng và dân dụng;

+ Nhóm thiết bị điện tử chuyên dụng: Từng bước làm chủ công nghệ sản xuất các thiết bị truyền dẫn, kết nối, chuyển mạch; sản xuất, lắp ráp thiết bị, bộ điều khiển công nghệ cao; sản xuất thiết bị đo lường, giám sát, cảnh báo điện tử; sản xuất màn hình chuyên dụng; sản xuất các thiết bị điện tử y tế thông dụng; sản xuất, lắp ráp thiết bị thu phát đa tần; sản xuất lắp ráp các thiết bị dò tìm, viễn thám, định vị qua vệ tinh.

+ Nhóm thiết bị điện tử dân dụng: Đẩy mạnh sản xuất trên cơ sở liên doanh, hoặc sản xuất theo đơn hàng của các nhà cung cấp linh kiện với các dự án: Sản xuất lắp ráp các thiết bị truyền hình số đa năng; sản xuất lắp ráp máy ảnh số các loại; sản xuất, lắp ráp tivi internet; sản xuất thiết bị điện tử nghe nhìn phục vụ đào tạo.

+ Công nghiệp phần mềm: Bên cạnh việc phát triển một số chương trình, hệ điều hành dùng riêng, tập trung phát triển phần mềm ứng dụng và dịch vụ trên nền các hệ điều hành đã phổ biến. Phát triển phần mềm nhúng và phần mềm thiết kế mẫu.

Tiếp nhận và làm chủ các công nghệ mới trong sản xuất các lĩnh vực: Máy tính chủ và thiết bị ngoại vi phù hợp với internet thế hệ mới; các loại thiết bị công nghệ thông tin không dây; thiết bị điện tử gia dụng chất lượng tiêu chuẩn cao; linh kiện lắp ráp đồng bộ, trong đó có flash RAM (bộ nhớ nhanh); một số thiết bị cơ điện tử, tự động hóa điều khiển; công nghệ hỗ trợ sản xuất mạch in nhiều lớp, khuôn mẫu có độ chính xác cao; công nghiệp điện tử y tế.

- Đến năm 2030

+ Phấn đấu tự cung cấp 80% nhu cầu phần mềm cho cả nước.

+ Đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã các thiết bị phần cứng đáp ứng trên 70% nhu cầu trong nước, tăng tỷ trọng thiết bị không dây theo nhu cầu.

+ Thiết bị, công nghệ hoàn toàn chuyển sang kỹ thuật số.

d) Ngành dệt may - da giày

- Phát triển ngành dệt may - da giày theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, nhằm tạo ra bước nhảy vọt về chất và lượng sản phẩm.

- Lấy xuất khẩu làm mục tiêu cho phát triển của ngành, đồng thời đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa. Tập trung phát triển mạnh các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm trong ngành.

- Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành dệt may - da giày giai đoạn đến năm 2020 đạt 10 - 12%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 8 - 9%.

- Năm 2020 tỷ trọng ngành dệt may - da giày chiếm 10 - 12% trong cơ cấu ngành công nghiệp và đáp ứng 90 - 95% nhu cầu thị trường; năm 2030 chiếm tỷ trọng 7 - 8% và đáp ứng 100% nhu cầu.

- Đến năm 2020

+ Tiếp tục phát triển sản xuất các sản phẩm ngành dệt may, da giày theo hướng phục vụ xuất khẩu, kết hợp đáp ứng nhu cầu trong nước với mẫu mã, chất lượng, giá cả phù hợp sức mua của người tiêu dùng các vùng miền, chú trọng các vùng nông thôn, miền núi;

+ Đầu tư nâng cấp kết hợp đầu tư mới các dây chuyền sản xuất sản phẩm thời trang cao cấp; xây dựng các trung tâm thiết kế mẫu mốt có quy mô hiện đại; tiếp tục triển khai chương trình 5 tỷ mét vải. Hợp tác với ngành dầu khí trong đầu tư một số dự án xơ sợi tổng hợp.

+ Nghiên cứu xây dựng trung tâm xúc tiến thương mại chuyên ngành. Tập trung đáp ứng nhu cầu các phụ liệu ngành may và da giày; khai thác có hiệu quả các dự án xơ sợi tổng hợp.

- Đến năm 2030

+ Tập trung phát triển vùng nguyên liệu bông, vùng chăn nuôi gia súc để chủ động một phần nguyên liệu bông, da cho ngành.

+ Tiếp tục nghiên cứu phát triển các loại quần áo thời trang, giầy cao cấp phục vụ các thị trường đòi hỏi chất lượng cao

đ) Ngành chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống

- Phát triển ngành theo hướng hiện đại, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới. Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu trên các thị trường trong nước và xuất khẩu;

- Tập trung phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn phục vụ cho chế biến, trên cơ sở áp dụng rộng rãi các loại giống mới có năng suất và chất lượng cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong gieo trồng và bảo quản, chế biến sau thu hoạch.

- Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống giai đoạn đến năm 2020 đạt 9 - 10%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 8 - 9%.

- Năm 2020 tỷ trọng ngành chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống chiếm 25 - 27% trong cơ cấu ngành công nghiệp và đáp ứng 80 - 85% nhu cầu thị trường; năm 2030 chiếm tỷ trọng 21 - 23% và đáp ứng 90 - 95% nhu cầu.

- Đến năm 2020

+ Đối với ngành bia rượu nước giải khát và dầu thực vật: Thực hiện theo Quy hoạch phát triển ngành đã được phê duyệt.

+ Xây dựng các nhà máy chế biến thực phẩm, thủy hải sản với công nghệ tiên tiến tại các vùng thuận lợi về nguyên liệu; đầu tư nâng cấp các nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi.

+ Sản xuất thực phẩm chức năng và chế biến thủy, hải sản ứng dụng công nghệ sinh học.

+ Phát triển công nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu.

- Đến năm 2030

Tiếp tục phát huy lợi thế về tiềm năng, hiện đại hóa các công nghệ nuôi trồng vùng nguyên liệu, chế biến sản phẩm để phát triển các vùng sản xuất tập trung từ nguyên liệu tới chế biến, chế biến sâu các sản phẩm ngành thực phẩm, đồ uống bảo đảm đáp ứng các yêu cầu vệ sinh thực phẩm, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế.

e) Ngành sản xuất vật liệu xây dựng

- Phát triển khoa học công nghệ, đưa công nghệ mới và thiết bị hiện đại vào sản xuất vật liệu xây dựng nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

- Lựa chọn quy mô đầu tư hợp lý, tiếp tục phát triển sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành sản xuất vật liệu xây dựng giai đoạn đến năm 2020 đạt 8 - 9% và giai đoạn đến năm 2030 đạt 6 - 7%.

- Năm 2020 tỷ trọng ngành sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 5 - 6% và năm 2030 chiếm 4 - 5% trong cơ cấu ngành công nghiệp; đáp ứng khoảng 90% nhu cầu thị trường trong nước về các sản phẩm xây dựng thông thường; năm 2030 đáp ứng 95 - 100%.

- Đến năm 2020

+ Đẩy mạnh phát triển các nhà máy sản xuất vật liệu không nung.

+ Hoàn thành việc chuyển đổi công nghệ các nhà máy sản xuất xi măng lò đứng sang lò quay trước năm 2016. Cân đối năng lực đồng bộ giữa nghiền xi măng với sản xuất clinker, giữa các vùng với mức cao nhất.

+ Nâng công suất sản xuất gạch ốp lát, sứ vệ sinh đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và một phần cho xuất khẩu.

+ Tạm dừng đầu tư xây dựng mới các nhà máy sản xuất kính xây dựng thông thường, tập trung vào nghiên cứu sản xuất các sản phẩm kính đặc biệt, có giá trị sử dụng cao, đáp ứng nhu cầu cho các công trình kiến trúc hiện đại.

+ Tiếp tục triển khai các dự án mở rộng giai đoạn 2 và một số dự án mới theo Quy hoạch của ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã được phê duyệt.

- Đến năm 2030

Căn cứ vào nhu cầu thị trường và khả năng đầu tư tại thời điểm năm 2020, khuyến khích đầu tư và mở rộng các dự án trên cơ sở áp dụng công nghệ mới, đảm bảo yêu cầu cao hơn về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường: Sản xuất các loại kính tiết kiệm năng lượng, vật liệu ốp lát nội thất có khả năng ngăn ngừa sự ngưng tụ hơi nước, ngăn ngừa sự bám bẩn, có khả năng hút mùi hôi; sản xuất các loại vật liệu ốp lát ngoại thất có bề mặt chống thấm cao, chống bám dính, có khả năng tự làm sạch, ngăn ngừa sự phát triển của rêu mốc.

g) Ngành khai thác và chế biến khoáng sản

- Phát triển ngành khai thác và chế biến khoáng sản trên cơ sở sử dụng có hiệu quả tiềm năng trong nước, kết hợp với nhập khẩu; đầu tư khai thác với quy mô kinh tế, tăng cường chế biến sâu, bảo đảm tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản; làm tốt công tác phục hồi, tái tạo môi trường;

- Tăng cường công tác điều tra, đánh giá trữ lượng, chuẩn bị tài nguyên cho khai thác, chế biến theo quy hoạch chuyên ngành được phê duyệt.

- Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành khai thác và chế biến khoáng sản giai đoạn đến năm 2020 đạt 7 - 8%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 6 - 7%.

- Năm 2020 tỷ trọng ngành khai thác và chế biến khoáng sản chiếm 1 - 2% trong cơ cấu ngành công nghiệp và đáp ứng 65 - 70% nhu cầu thị trường; năm 2030 chiếm tỷ trọng 0,5 - 1,0% và đáp ứng 75 - 80% nhu cầu.

- Đến năm 2020

Tiếp tục đầu tư thăm dò các mỏ boxit, quặng sắt, titan, chì kẽm, quặng thiếc, vàng, đồng, niken, molipden, serpentin, barit, grafit, fluorit, bentonit talc, diatomit ... ở các nơi có triển vọng làm cơ sở cho công tác khai thác và chế biến phục vụ cho các ngành công nghiệp trong nước và một phần xuất khẩu.

+ Nhóm công nghiệp alumin - nhôm: Triển khai các dự án sản xuất alumin đã được phê duyệt; nghiên cứu xây dựng nhà máy điện phân nhôm.

+ Các kim loại khác: Căn cứ vào khả năng nguồn nguyên liệu và thị trường, lựa chọn đầu tư một số nhà máy luyện thiếc, chế biến quặng vonfram đa kim; hợp kim vonfram xuất khẩu; luyện antimon; sản xuất niken kim loại và các sản phẩm đi kèm.

- Đến năm 2030

Tùy thuộc vào nhu cầu thị trường và khả năng đầu tư tại thời điểm năm 2020, có thể xem xét mở rộng một số dự án khai thác trên cơ sở áp dụng công nghệ mới, đảm bảo yêu cầu cao hơn về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

h) Ngành điện

- Sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước cho phát triển điện, kết hợp với việc nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý, đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện, bảo tồn nhiên liệu và bảo đảm an ninh năng lượng cho tương lai.

- Từng bước hình thành, phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Nhà nước chỉ giữ độc quyền lưới điện truyền tải để đảm bảo an ninh hệ thống năng lượng quốc gia.

- Phát triển ngành điện dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi miền; đảm bảo cung cấp đầy đủ, liên tục, an toàn cho nhu cầu điện tất cả các vùng trong toàn quốc.

- Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành điện giai đoạn đến năm 2020 đạt 13 - 14% và giai đoạn đến năm 2030 đạt 10 - 12%.

- Năm 2020 tỷ trọng ngành điện chiếm 4 - 5% trong cơ cấu ngành công nghiệp và đáp ứng 85 - 90% nhu cầu thị trường; năm 2030 chiếm tỷ trọng 5 - 6% và đáp ứng 95 - 100% nhu cầu.

- Đến năm 2020

+ Hoàn thành các dự án nguồn điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

+ Phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo theo Quy hoạch phát triển được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các nguồn năng lượng (gió, mặt trời, biomass...). Sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

+ Tăng cường trao đổi, mua bán điện với các nước láng giềng, nhằm tăng cường khả năng cấp điện mùa khô cho khu vực miền Bắc.

+ Phát triển lưới điện ở các cấp điện áp, đảm bảo đồng bộ với các dự án nguồn điện.

- Đến năm 2030

Tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện khoảng 146.800MW, trong đó thủy điện chiếm 11,8%; thủy điện tích năng 3,9%; nhiệt điện than 51,6%; nhiệt điện khí đốt 11,8% (bao gồm 4,1% sử dụng LNG); nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 9,4%; điện hạt nhân 6,6% và điện nhập khẩu 4,9%.

Điện năng sản xuất năm 2030 là 695 tỷ kWh, trong đó thủy điện chiếm 9,3%; nhiệt điện than 56,4%; nhiệt điện khí đốt 14,4% (bao gồm 3,9% sử dụng LNG); nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 6,0%; điện hạt nhân 10,1% và điện nhập khẩu 3,8%.

i) Ngành than

Phát triển ngành than trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước, nhằm phục vụ nhu cầu trong nước là chủ yếu; đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng tối đa nhu cầu than phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm việc xuất, nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch và các biện pháp điều tiết khác phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam.

- Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành than giai đoạn đến năm 2020 đạt 9 - 10% và giai đoạn đến năm 2030 đạt 7 - 9%.

- Năm 2020 tỷ trọng ngành than trong cơ cấu ngành công nghiệp từ 1 - 2%, đáp ứng 80 - 85% nhu cầu thị trường; năm 2030 chiếm tỷ trọng từ 0,5 - 1,5% trong cơ cấu ngành công nghiệp, đáp ứng 75 - 80% thị trường.

- Đến năm 2020

+ Triển khai thăm dò, khai thác tại các vùng mỏ theo Quy hoạch ngành than đã được phê duyệt.

+ Thăm dò đánh giá xong phần tài nguyên dưới mức -300 m đến đáy tầng than ở bể than Quảng Ninh, đồng thời thăm dò tỉ mỉ một phần bể than Đồng bằng sông Hồng.

+ Phát triển ngành than kết hợp với phát triển các dự án nhiệt điện than phù hợp Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

+ Đầu tư chế biến than theo hướng đa dạng hóa sản phẩm (nhiên liệu đốt trực tiếp, than dùng cho luyện kim, khí hóa than, nhiên liệu lỏng từ than, nhiên liệu cho công nghiệp hóa chất).

+ Từng bước đầu tư ra nước ngoài thông qua các hoạt động hợp tác thăm dò, khai thác, chế biến than.

- Đến năm 2030

Tranh thủ các nguồn vốn để thăm dò nâng cấp và gia tăng trữ lượng than xác minh, nghiên cứu công nghệ khai thác than hầm lò dưới mức -300 m ở bể than Quảng Ninh; triển khai khai thác than vùng đồng bằng Sông Hồng ở mức độ phù hợp; ứng dụng một số công nghệ mới để sản xuất than cho các nhu cầu đặc biệt.

k) Ngành dầu khí

- Phát triển ngành dầu khí đồng bộ, đa ngành và liên ngành để trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của đất nước; sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí trong nước, đồng thời đẩy mạnh đầu tư tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài, kết hợp xuất, nhập khẩu làm cơ sở để phát triển ngành Dầu khí bền vững, đóng vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước.

- Phát huy nội lực, kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò, gia tăng nhanh trữ lượng xác minh góp phần ổn định và gia tăng sản lượng khai thác; ưu tiên tìm kiếm, thăm dò, khai thác những vùng nước sâu, xa bờ, chồng lấn và nhạy cảm. Khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực chế biến, phân phối sản phẩm, dịch vụ, ...

- Phát triển ngành dầu khí đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường, sinh thái, đảm bảo an ninh, quốc phòng, tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, hải đảo và trên đất liền.

- Giai đoạn đến năm 2015, phấn đấu doanh thu dịch vụ kỹ thuật dầu khí đạt tốc độ tăng trưởng 15 - 20%/năm; giai đoạn 2016 - 2025 đạt tốc độ tăng trưởng 20 - 25%/năm.

- Năm 2020 tỷ trọng khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên chiếm 4 - 5% trong cơ cấu ngành công nghiệp và đáp ứng 70 - 80% nhu cầu thị trường; năm 2030 chiếm tỷ trọng 5 - 6% và đáp ứng 80 - 90% nhu cầu.

Đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Phát triển ngành dầu khí đồng bộ, bao gồm các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối, dịch vụ và xuất, nhập khẩu, cụ thể:

Về tìm kiếm, thăm dò dầu khí: đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí xác minh; ưu tiên triển khai ở những vùng nước sâu, xa bờ, chồng lấn và nhạy cảm; tích cực triển khai đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Phấn đấu gia tăng trữ lượng dầu khí xác minh đạt 35 - 45 triệu tấn quy dầu/năm.

Về khai thác dầu khí: Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu và duy trì mức sản lượng khai thác dầu khí tối ưu, đảm bảo an toàn và hạn chế nguy cơ bị ngập nước của các mỏ đang khai thác; tích cực mở rộng hoạt động đầu tư khai thác dầu khí ra nước ngoài. Phấn đấu khai thác 25 - 38 triệu tấn quy dầu/năm, trong đó: khai thác dầu thô giữ ổn định ở mức 18 - 20 triệu tấn/năm và khai thác khí 8 - 19 tỷ m3/năm.

Về phát triển công nghiệp khí: Tích cực phát triển theo hướng đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, khí sẽ được cung cấp cho các ngành: sản xuất điện, phân bón, hóa chất, các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và dân dụng với quy mô sản lượng khoảng 19 tỷ m3/năm vào năm 2025. Nghiên cứu kết nối hệ thống đường ống Đông - Tây Nam Bộ, đường ống dẫn khí xuyên quốc gia làm cơ sở kết nối với đường ống dẫn khí khu vực Đông Nam Á. Nghiên cứu các giải pháp công nghệ phù hợp để thu gom và sử dụng có hiệu quả nguồn khí từ các mỏ nhỏ, mỏ biên phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

Về công nghiệp chế biến dầu khí: dự kiến đến năm 2020 hoàn thành xây dựng 3 - 5 nhà máy lọc hóa dầu với tổng công suất khoảng 26 - 32 triệu tấn/năm, xây dựng và đưa vào vận hành từ 1 - 2 tổ hợp hóa dầu. Đến năm 2025 tiếp tục mở rộng và xây dựng 6 - 7 nhà máy lọc hóa dầu nâng tổng công suất lọc dầu 45 - 60 triệu tấn/năm, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sản phẩm hóa dầu cơ bản.

Về phát triển dịch vụ dầu khí: Tăng cường đầu tư chiều sâu chiếm lĩnh thị trường dịch vụ công nghệ cao như thu nổ địa chấn; khoan thăm dò, khai thác tại các vùng nước sâu, xa bờ, có điều kiện địa chất phức tạp; tư vấn, quản lý dự án; thiết kế, chế tạo thiết bị dầu khí; vận chuyển dầu thô; khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, khí nén, v.v.

l) Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ

- Ngành cơ khí - luyện kim

+ Tập trung sản xuất các chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp thiết bị toàn bộ như: Sản xuất thiết bị tiêu chuẩn, các loại dây dẫn, bu lông, đai ốc, hệ thống điều khiển, máy tính công nghiệp dùng chung; sản xuất máy động lực, các  máy điện quay và tĩnh, động cơ diesel, động cơ xăng các loại và các phụ kiện truyền động, dẫn động; sản xuất thiết bị, phụ tùng cho phương tiện vận tải đường bộ; đường thủy; thiết bị, phụ tùng cho ngành chế biến nông lâm, thủy sản.

+ Tăng cường đầu tư chiều sâu tại các cơ sở cơ khí chế tạo hiện có để nâng cao năng lực đúc, rèn, tạo phôi lớn, nhiệt luyện, xử lý bề mặt, cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm tiêu chuẩn để chế tạo chi tiết, phụ tùng cho sản xuất 3 nhóm sản phẩm cơ khí chính là thiết bị đồng bộ, máy công cụ, máy móc xây dựng, tích cực thu hút đầu tư nước ngoài vào các quá trình sản xuất công nghệ cao và những khâu cơ bản mà Việt Nam còn yếu kém.

+ Đối với ngành công nghiệp ô tô: tập trung phát triển sản xuất theo cụm công nghệ gồm cabin, khung, vỏ, hệ thống treo, động cơ, hộp số, các đăng, hệ thống lái cho các loại xe tải, xe khách và xe chuyên dụng. Phát triển có chọn lựa một số loại động cơ, hộp số, bộ truyền động và phụ tùng với số lượng lớn phục vụ lắp ráp ô tô trong nước và xuất khẩu.

+ Xây dựng các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ cơ khí tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh và Đà Nẵng.

- Ngành điện tử - tin học

Tập trung vào các dịch vụ cung ứng giải pháp, thiết kế, trong đó đầu tư vào các dịch vụ cao cấp để hỗ trợ cho sản xuất phần mềm, phần cứng chuyên dụng; nghiên cứu thiết kế, phát triển sản phẩm mới, trong đó tập trung xây dựng các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, giải mã công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp cho công nghiệp điện tử: cung ứng linh phụ kiện, logistic, cung ứng hạ tầng, bảo hành và bảo trì thiết bị công nghệ có chất lượng cao.

- Ngành dệt may - da giày

Đến năm 2020 đạt khoảng 40% nhu cầu vải dệt thoi; Sản xuất trong nước từ 40 - 100% phụ tùng cơ khí dệt may; đáp ứng 80% nhu cầu nội địa về các sản phẩm xơ, sợi tổng hợp và tiến tới xuất khẩu từ sau năm 2020. Ngành công nghiệp hỗ trợ da giầy phối hợp với ngành dệt may, đẩy nhanh khả năng cung ứng các loại vải dệt để sản xuất giầy dép, đặc biệt là giầy dép vải xuất khẩu.

5. Quy hoạch phân bố không gian theo các vùng lãnh thổ

a) Vùng Trung du miền núi phía Bắc

- Tập trung phát triển các ngành khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, công nghiệp thủy điện, một số dự án luyện kim.

- Tại các tỉnh dọc tuyến hành lang Lào Cai - Hà Nội sẽ phát triển công nghiệp lắp ráp linh kiện, công nghiệp hỗ trợ theo hướng hợp tác và khai thác thị trường Trung Quốc (thông qua cửa khẩu Lào Cai), thúc đẩy phát triển toàn tuyến hành lang.

- Xem xét hình phát triển một số dự án có quy mô lớn trong Vùng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp cả Vùng.

b) Vùng Đồng bằng sông Hồng (trong đó có vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ)

- Phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim, hóa chất, nhiệt điện, công nghiệp công nghệ cao.

- Phát triển có chọn lọc công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện cơ khí, ô tô, xe máy, linh kiện điện tử xung quanh thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh.

c) Vùng Duyên hải miền Trung (trong đó có vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung)

- Phát triển các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến hải sản, cơ khí đóng tàu, luyện kim và các ngành công nghiệp gắn với lợi thế vận tải biển.

- Kêu gọi đầu tư các ngành công nghiệp gắn với phát triển của hệ thống cảng biển; với trục hành lang Đông - Tây; Nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nhu cầu tuyến đường Hồ Chí Minh.

d) Vùng Tây Nguyên

- Phát triển công nghiệp chế biến cây công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng.

- Phát triển công nghiệp tại các khu vực có điều kiện thuận lợi về hạ tầng và gắn kết với hệ thống giao thông.

đ) Vùng Đông Nam bộ (trong đó có vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam)

- Phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, dầu khí và các chế phẩm hóa dầu, hóa chất, công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao; nghiên cứu phát triển công nghiệp phụ trợ.

- Căn cứ tình hình phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng thuộc tuyến hành lang Đông - Tây, nghiên cứu hình thành một số ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu của các tỉnh trong Vùng.

- Đầu tư phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp gắn với tổ hợp khí điện đạm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai; phát triển công nghiệp công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

e) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có vùng Kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long)

Tập trung phát triển các ngành chế biến nông sản, thủy hải sản xuất khẩu, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, đóng và sửa chữa các loại phương tiện đánh bắt xa bờ.

- Đầu tư hoàn chỉnh cụm khí - điện - đạm Cà Mau theo hướng hình thành một khu liên hợp công nghiệp lớn của Vùng.

- Xem xét bố trí một số dự án công nghiệp cơ khí, đóng và sửa chữa tàu thuyền gắn với mạng lưới cảng biển và cảng sông.

6. Dự kiến cơ cấu nguồn vốn đầu tư

a) Nguồn vốn trong nước:

- Nguồn vốn huy động từ Ngân sách nhà nước

Dự kiến trong số vốn đầu tư thời kỳ đến năm 2030 có thể huy động từ ngân sách khoảng (3 - 4%). Nguồn vốn này tập trung chủ yếu xây dựng hạ tầng (các công trình giao thông, cấp điện, cấp nước), một phần vốn dành cho phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu đổi mới khoa học công nghệ.

+ Nguồn vay trong nước:

Nguồn vốn vay trong nước dự kiến cần vay khoảng 15 - 16% tổng số vốn đầu tư cả thời kỳ đến năm 2030.

+ Vốn tự có: Nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp và huy động từ dân dự kiến thu hút khoảng 38 - 40%

b) Nguồn vốn nước ngoài:

- Vốn vay ưu đãi: Dự kiến khoảng 7 - 8%

- Vốn FDI: Dự kiến thu hút khoảng 33 - 34%.

7. Những giải pháp

a) Giải pháp ngắn hạn

- Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển ngành công nghiệp

+ Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước nhằm hạn chế sự chồng chéo trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

+ Tăng cường công tác điều phối phát triển theo ngành, vùng và lãnh thổ, nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành nhằm liên kết có hiệu quả giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp

+ Phân cấp hợp lý trong quản lý nhà nước về công nghiệp; duy trì tập trung hóa đối với một số lĩnh vực quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ và đẩy mạnh phi tập trung hóa trong quản lý để nâng cao hiệu quả thể chế và quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển công nghiệp.

+ Tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, đặc biệt tập trung nâng cao hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân thông qua việc thực thi có hiệu quả việc bảo hộ quyền sở hữu và bình đẳng hóa trong tiếp cận nguồn lực.

- Tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, chú trọng phát triển công nghiệp gắn với tăng trưởng bền vững

Nhà nước tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc - Nam, một số cảng biển và cảng hàng không đạt đẳng cấp quốc tế; hoàn thiện hạ tầng đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; thu hút mọi hình thức đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài, tham gia phát triển kết cấu hạ tầng; từng bước hình thành đồng bộ trục giao thông Bắc - Nam, các trục hành lang Đông - Tây bảo đảm liên kết các phương thức vận tải; xây dựng các tuyến đường bộ đối ngoại đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế; tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp.

Trên cơ sở quy hoạch hệ thống điện lực cần có kế hoạch và các giải pháp bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp quan trọng, các khu, cụm công nghiệp.

- Thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án kỹ thuật cao, các dự án thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm xuất khẩu, đồng thời với việc tạo lập thương hiệu sản phẩm công nghiệp

Tập trung đầu tư hình thành khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nông nghiệp, khu công nghệ cao chuyên ngành công nghệ sinh học, các khu công nghiệp hỗ trợ và phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là những ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nước chưa có điều kiện phát triển như điện hạt nhân, sản xuất linh kiện điện tử.

- Tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ

Tập trung thu hút đầu tư và có cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành dịch vụ như tín dụng, ngân hàng, vận tải kho bãi, thông tin liên lạc, thông tin thị trường lao động, dạy nghề nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính, vận tải, thông tin, lao động cho các doanh nghiệp công nghiệp.

- Quan tâm phát triển các loại hình doanh nghiệp công nghiệp sạch, công nghiệp vừa và nhỏ với mô hình quản lý, liên kết kinh tế hiệu quả, bền vững trên địa bàn nông thôn, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển công nghiệp sạch, ít tiêu hao năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp trọng yếu, công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao như: cơ khí, điện, điện tử, công nghệ thông tin. Phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa.

- Tái cơ cấu ngành công nghiệp

+ Điều chỉnh quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phù hợp với điều kiện và yêu cầu mới, gắn với yêu cầu thị trường, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ người lao động, đổi mới sản phẩm và tăng cường quản lý chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, trên cơ sở những đòi hỏi của hội nhập quốc tế, phát triển khoa học và công nghệ.

+ Đổi mới chính sách đầu tư nhằm huy động được nhiều và phân bổ hợp lý các nguồn lực trong và ngoài nước vào phát triển công nghiệp theo định hướng quy hoạch đã xác định, giải tỏa các “nút thắt” quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp; đầu tư từ ngân sách nhà nước tập trung vào các lĩnh vực cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông vận tải, điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc); giáo dục và đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp.

- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, trong đó có đầu tư nước ngoài. Coi đầu tư ngoài nhà nước là nguồn đầu tư giữ vị trí quyết định trong các nguồn đầu tư phát triển công nghiệp.

b) Giải pháp dài hạn

- Giải pháp về vốn

+ Tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, vốn viện trợ để đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm.

+ Xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng và tổ chức tốt công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong dân, của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, của nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp.

+ Khuyến khích các doanh nghiệp tăng quy mô vốn kinh doanh và tăng hiệu quả đầu tư.

- Giải pháp về công nghệ

+ Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

+ Mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, đa dạng hóa các loại hình hợp tác để tranh thủ tối đa sự chuyển giao công nghệ hiện đại từ đối tác nước ngoài cho phát triển công nghiệp.

+ Khuyến khích phát triển các dịch vụ công nghệ, xây dựng thị trường công nghệ, thường xuyên định kỳ mở hội chợ công nghệ, lập ngân hàng dữ liệu thông tin công nghệ mới. Hình thành các trung tâm chuyển giao công nghệ.

+ Chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn từ các nước phát triển. Xây dựng cơ chế đặc biệt thu hút các nhà đầu tư, tranh thủ các kênh chuyển giao, hợp tác khoa học công nghệ, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.

- Giải pháp về nguồn nhân lực

Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, vùng công nghiệp trọng điểm và các khu, cụm công nghiệp đồng bộ với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực: hệ thống cơ sở dạy nghề, các công trình hạ tầng xã hội phục vụ người lao động. Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất có trình độ tay nghề phù hợp; ưu tiên phát triển đội ngũ lao động có trình độ cao để tiếp thu và tiến tới làm chủ công nghệ.

+ Rà soát, sắp xếp, củng cố, mở rộng hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp (các trường đại học, cao đẳng nghề, trung cấp nghề...). Ưu tiên phát triển ở các Vùng kinh tế trọng điểm một số trường cao đẳng nghề đạt trình độ quốc tế.

+ Xây dựng cơ chế đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cả trong và ngoài nước, trọng tâm là chính sách tiền lương, môi trường làm việc và hỗ trợ về nhà ở, có nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần và các điều kiện liên quan bảo đảm làm việc.

+ Mở rộng loại hình hợp tác lao động với nước ngoài và phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo phù hợp yêu cầu về lao động, nhất là liên kết với các cơ sở giáo dục uy tín trong và ngoài nước để mở cơ sở đào tạo đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam, tập trung ngành học phục vụ phát triển kinh tế tri thức, nhất là khoa học, công nghệ, dịch vụ.

- Nhóm giải pháp về thị trường và sản phẩm:

+ Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển thị trường: Đối với thị trường đầu ra, bên cạnh những thị trường truyền thống như Trung Quốc và các nước Đông Á, Asean, Mỹ, EU sẽ khai thác các thị trường lớn, tiềm năng đang phát triển như các nước nhóm BRIC (trong đó có Braxin, Nga, Ấn Độ). Đối với thị trường đầu vào sẽ tập trung vào những yếu tố sau: Về nguồn vốn (tiếp tục khai thác có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ các nước Đông Á, Mỹ, Asean); Về công nghệ (chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn từ Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu); về kinh nghiệm quản lý điều hành (học tập kinh nghiệm của Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc).

- Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ

+ Xây dựng quy hoạch phát triển cho các ngành, trong đó định hướng sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

+ Tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển bằng cách tạo thuận lợi về đầu vào (đặc biệt là đất đai và nguyên vật liệu).

+ Xác định rõ các sản phẩm chủ đạo, nổi trội để làm cơ sở thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

- Giải pháp hợp tác liên vùng và phối hợp phát triển

+ Liên doanh, liên kết cùng triển khai dự án phát triển các mặt hàng công nghiệp đáp ứng nhu cầu thay thế nhập khẩu hoặc hướng về xuất khẩu (kể cả gia công, lắp ráp sản phẩm công nghiệp).

+ Hợp tác theo mô hình công ty mẹ đặt tại một trong các tỉnh, thành phố lớn và các công ty con đặt tại các tỉnh khác để phân công sản xuất chuyên môn hóa hoặc cung cấp công nghệ thích hợp cho nhau.

+ Xây dựng và triển khai các dự án phát triển công nghiệp có quy mô lớn mang tính liên Vùng nhằm làm hạt nhân lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của các Vùng khác.

- Đẩy mạnh công tác khuyến công, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp nông thôn

+ Tiếp tục thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia, tập trung vào những chương trình hỗ trợ: Nâng cao năng lực quản lý; đào tạo, truyền và phát triển nghề trong các cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế; lập quy hoạch chi tiết, xây dựng kết cấu hạ tầng cụm, điểm công nghiệp bằng các nguồn vốn Trung ương và địa phương.

+ Tư vấn và giúp các doanh nghiệp phát triển thương hiệu, ứng dụng công nghệ mới, tìm kiếm thị trường; tổ chức các lớp tập huấn về phát triển thương mại điện tử, xúc tiến thương mại; tổ chức hội chợ.

8. Tổ chức thực hiện

a) Các Bộ

- Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố, chỉ đạo triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp cơ bản, những dự án công nghệ cao và các dự án chuyển giao công nghệ; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng các cơ chế hỗ trợ, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.

- Bộ Khoa học và Công nghệ: Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động, nghiên cứu đổi mới, tiếp nhận chuyển giao công nghệ; chủ trì, nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ tài chính cho hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì lập kế hoạch đầu tư cho hệ thống thủy lợi; triển khai quy hoạch các vùng nguyên liệu nông sản, lâm sản, thủy hải sản phục vụ cho công nghiệp chế biến.

- Bộ Giao thông vận tải: Chủ trì lập kế hoạch đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông tới các khu công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động công nghiệp.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất công nghiệp theo từng thời kỳ.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật lao động ở các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lao động trong các khu công nghiệp.

- Bộ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên ngành trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng đầu tư có tính đặc thù đối với các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường công nghiệp.

b) Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp.

- Đưa các nội dung triển khai quy hoạch công nghiệp vào kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm về phát triển công nghiệp trên địa bàn.

- Phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.