THÔNG TƯ
Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy
Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở địa phương
____________________
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2694/VPCP-KGXV ngày 28 tháng 4 năm 2008 và Công điện số 695/CĐ-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2008 về củng cố, kiện toàn bộ máy làm công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Thông tư số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25 tháng 4 năm 2008 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, Phòng Y tế thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;
Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh), Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, quận thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Trung tâm DS-KHHGĐ huyện), cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã) và cộng tác viên DS-KHHGĐ ở tổ dân phố, cụm dân cư, thôn, bản, phum, sóc, mường (sau đây gọi tắt là cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn bản) như sau:
Phần 1:
CHI CỤC DÂN SỐ-KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH
I. VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG
1. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh là tổ chức trực thuộc Sở Y tế, thực hiện chức năng tham mưu giúp Giám đốc Sở Y tế quản lý nhà nước về DS-KHHGĐ, bao gồm các lĩnh vực: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số; chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ về DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh.
2. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Sở Y tế, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn nghiệp vụ của Tổng cục DS-KHHGĐ thuộc Bộ Y tế.
3. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh có tư cách pháp nhân, có trụ sở, có con dấu và tài khoản riêng (kể cả tài khoản ngoại tệ).
II. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây theo sự phân cấp của Sở Y tế:
1. Trình cấp có thẩm quyền ban hành các quyết định, chỉ thị, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, năm năm và hàng năm, chương trình, đề án về DS-KHHGĐ của tỉnh; biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, cải cách hành chính, phân cấp quản lý, xã hội hoá công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của Chi cục.
2. Tham mưu giúpGiám đốc Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền ban hành các quyết định, chỉ thị cá biệt và chương trình, giải pháp, biện pháp huy động, phối hợp liên ngành trong lĩnh vực DS-KHHGĐ.
3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các chính sách DS-KHHGĐ, đào tạo nguồn nhân lực làm công tác DS-KHHGĐ của địa phương.
4. Giúp Giám đốc Sở Y tế hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình mục tiêu, chương trình hành động, dự án về DS-KHHGĐ sau khi được phê duyệt.
5. Xây dựngcác văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về DS-KHHGĐ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.
6. Quản lý về quy mô DS-KHHGĐ:
a) Theo dõi, quản lý biến động tăng, giảm dân số, đề xuất các giải pháp điều chỉnh mức sinh và tỷ lệ phát triển dân số trên địa bàn tỉnh;
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật đối với các hoạt động dịch vụ tư vấn kế hoạch hoá gia đình và quản lý các phương tiện tránh thai; quản lý các dịch vụ KHHGĐ trên địa bàn tỉnh;
c) Hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện các đề án, mô hình liên quan đến quy mô DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh.
7. Quản lý về cơ cấu dân số:
a)Theo dõi, tổng hợp về cơ cấu dân số theo giới tính và độ tuổi trên địa bàn tỉnh;
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật để bảo đảm cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh;
c) Hướng dẫn và kiểm tra việc triển khai thực hiện đề án, mô hình liên quan đến điều chỉnh cơ cấu dân số trên địa bàn tỉnh.
8. Quản lý về chất lượng dân số:
a) Theo dõi, tổng hợp về chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh;
b)Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luậtđể bảo đảm chất lượng dân số đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, việc triển khai thực hiện các mô hình cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.
9. Chủ trỡ, phối hợp với Các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, vận động, giáo dục; cung cấp dịch vụ, tư vấn về các lĩnh vực DS-KHHGĐ, sức khỏe tình dục, sức khoẻ sinh sản vị thành niên và thanh niên.
10. Tổ chức thực hiện các nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực DS-KHHGĐ.
11.Xây dựng hệ thông tin quản lý về DS-KHHGĐ; tổ chức thực hiện công tác thống kê, thông tin và báo cáo về DS-KHHGĐ theo quy định hiện hành.
12. Hướng dẫn, kiểm tra, tạo điều kiện và hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức dịch vụ công và thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực DS-KHHGĐ.
13.Giúp Giám đốc Sở Y tế quản lý và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực DS-KHHGĐ theo phân cấp của Sở Y tế.
14. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về DS-KHHGĐ cho cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã và cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn bản.
15.Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; tài chính, tài sản được giao; quản lý các tổ chức sự nghiệp thuộc Chi cục; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách đói ngộ, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Sở Y tế.
16.Kiểm tra, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cỏo và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực DS-KHHGĐ theo thẩm quyền.
17.Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Y tế giao.
III.CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ
1. Lãnh đạo Chi cục:
a) Chi cục DS-KHHGĐ có Chi cục trưởng và các Phó Chi cục trưởng.
b) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chi cục trưởng và các Phó Chi cục trưởng được thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ của địa phương (về chuyên môn: không nhất thiết phải có chuyên môn y tế).
c) Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục; Phó Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.
2. Các tổ chức thuộc Chi cục gồm: phòng Tổ chức-Hành chính-Kế hoạch và Tài vụ, phòng DS-KHHGĐ và phòng Truyền thông-Giáo dục.
3. Biên chế:
a) Giám đốc Sở Y tếphối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phân bổ biên chế hành chính, sự nghiệp cho Chi cục DS-KHHGĐ, bảo đảm số lượng cán bộ, công chức theo yêu cầu nhiệm vụ. Cơ cấu biên chế của Chi cục DS-KHHGĐ gồm những cán bộ, công chức, viên chức có chuyên ngành y tế và các chuyên ngành khác liên quan.
b)Số lượng biên chế cụ thể của Chi cục do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định trong tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của địa phương, nhưng phải có ít nhất 20 biên chế hành chính (không kể lái xe, bảo vệ, tạp vụ theo hợp đồng).
Phần 2:
TRUNG TÂM DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH HUYỆN
I. VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG
1. Trung tâm DS-KHHGĐ huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ đặt tại huyện, có chức năng triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật, truyền thông giáo dục về DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện.
2. Trung tâm DS-KHHGĐ huyện chịu sự quản lý toàn diện của Chi cục DS-KHHGĐ, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, kỹ thuật về dịch vụ KHHGĐ, truyền thông giáo dục của các Trung tâm liên quan ở cấp tỉnh và chịu sự quản lý nhà nước theo địa bàn của Uỷ ban nhân dân huyện
3. Trung tâm DS-KHHGĐ huyện có tư cách pháp nhân, có trụ sở, có con dấu và có tài khoản riêng.
II. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
1. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về DS-KHHGĐ và truyền thông giáo dục về DS-KHHGĐ trên cơ sở kế hoạch của Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế và tình hình thực tế trên địa bàn huyện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Triển khai, phối hợp thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, cung cấp dịch vụ về DS-KHHGĐ theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.
3. Triển khai, phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động, phổ biến các sản phẩm truyền thông về DS-KHHGĐ theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.
4. Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát chuyên môn các hoạt động về DS-KHHGĐ của trạm y tế xã và cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn, bản.
5. Quản lý và triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia về DS-KHHGĐ, các dự án khác được Chi cục DS-KHHGĐ phân công.
6. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã và cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn, bản.
7. Tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu và tiến bộ khoa học, kỹ thuật về lĩnh vực DS-KHHGĐ/SKSS.
8. Quản lý cán bộ, viên chức, chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, viên chức và quản lý tài chính, tài sản của Trung tâm theo quy định của pháp luật; quản lý cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã và cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn, bản.
9. Thực hiện các chế độ thống kê, báo cáo theo quy định hiện hành.
10. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ và Uỷ ban nhân dân huyện giao.
III. CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ
1. Lãnh đạo Trung tâm DS-KHHGĐ huyện có Giám đốc và các Phó Giám đốc.
2. Giám đốc và các Phó Giám đốc Trung tâm do Giám đốc Sở Y tế bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ và quy định của pháp luật (về chuyên môn không nhất thiết phải có chuyên môn y tế).
Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm; Phó Giám đốc chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.
3. Các Ban tổng hợp, nghiệp vụ gồm:
a) Ban Hành chính tổng hợp;
b) Ban Truyền thông và dịch vụ DS-KHHGĐ.
4. Biên chế:
Biên chế của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện nằm trong tổng số biên chế sự nghiệp của địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định nhưng ít nhất phải có 6 người (không kể bảo vệ, lái xe và tạp vụ làm việc theo hợp đồng). Viên chức không nhất thiết đều phải có chuyên môn y tế.
5. Kinh phí hoạt động
a) Ngân sách sự nghiệp y tế, DS-KHHGĐ.
b) Ngân sách Chương trình Mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ.
c) Viện trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Phần 3:
CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC DÂN SỐ- KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH Ở XÃ
I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH DS-KHHGĐ XÃ
1. Vị trí, chức năng
Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã có trách nhiệm giúp việc cho Trạm trưởng trạm Y tế cấp xã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu DS-KHHGĐ trên địa bàn xã. Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã là viên chức của Trạm Y tế xã, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Trạm trưởng trạm Y tế xã, chịu sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện.
2. Nhiệm vụ
a)Xây dựng kế hoạch công tác năm, chương trình công tác quý, tháng, tuần về DS-KHHGĐ. Sau khi kế hoạch được Trạm trưởng Trạm Y tế cấp xã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cán bộ DS-KHHGĐ có trách nhiệm tham mưu, phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giám sát hoạt động của cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn bản, các ngành, đoàn thể theo đúng nhiệm vụ được phân công.
b)Hướng dẫn cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn bản: Lập chương trình công tác tuần, tháng; thực hiện chế độ ghi chép ban đầu về DS-KHHGĐ, thu thập số liệu về DS-KHHGĐ, lập báo cáo tháng, lập các sơ đồ và biểu đồ quản lý các chỉ tiêu DS-KHHGĐ của xã; phương pháp tuyên truyền, vận động, tư vấn; cung cấp bao cao su, thuốc uống tránh thai.
c)Kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn bản; giúp Trưởng trạm Y tế xã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp xã kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã.
d)Tổ chức giao ban cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn bản hàng tháng để đánh giá kết quả hoạt động về DS-KHHGĐ của từng thôn ấp. Kịp thời giải quyết hoặc xin ý kiến cấp có thẩm quyền để giải quyết những vấn đề phát sinh. Dự giao ban cán bộ chuyên trách tại cấp huyện hàng tháng.
đ) Tham dự đầy đủ các khoá đào tạo, tập huấn về DS-KHHGĐ do cơ quan cấp trên tổ chức.
e) Đề xuất với cấp trên các vấn đề cần thực hiện về DS-KHHGĐ.
3. Tiêu chuẩn
Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã do Trạm trưởng trạm Y tế xã đề xuất và Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện quyết định và ký hợp đồng làm việc. Tiêu chuẩn cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã như sau:
a) Có trách nhiệm, nhiệt tình với công tác DS-KHHGĐ.
b) Trình độ: Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ được đào tạo chuyên môn ít nhất là trung cấp song không nhất thiết là chuyên môn y tế; đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng khó khăn, nếu chưa có trình độ trung cấp về nghiệp vụ thì ít nhất phải tốt nghiệp phổ thông trung học.
c) Cư trú tại địa bàn xã
d) Có sức khoẻ tốt; gương mẫu thực hiện KHHGĐ.
đ) Đó tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về DS-KHHGĐ.
II. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CỘNG TÁC VIÊN DÂN SỐ-KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH THÔN BẢN
1. Chức năng
Cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn bản có trách nhiệm cùng cán bộ y tế thôn bản tuyên truyền, vận động về DS-KHHGĐ, vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn bản hoạt động theo chế độ tự nguyện, có thù lao hàng tháng, chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của trạm y tế xã.
2. Nhiệm vụ
a) Xây dựng chương trình công tác tháng, tuần về DS-KHHGĐ; phối hợp với các tổ chức trên địa bàn triển khai các hoạt động quản lý và vận động tới từng hộ gia đình.
b) Trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn về DS-KHHGĐ và cung cấp bao cao su, thuốc uống tránh thai đến từng hộ gia đình.
c) Kiểm tra việc duy trì thực hiện các nội dung DS-KHHGĐ của các hộ gia đình tại địa bàn quản lý.
d) Thực hiện chế độ ghi chép ban đầu, thu thập số liệu, lập báo cáo tháng về DS-KHHGĐ theo quy định hiện hành; lập các sơ đồ và biểu đồ, quản lý sổ hộ gia đình về DS-KHHGĐ tại địa bàn quản lý.
đ) Bảo quản và sử dụng các tài liệu (sổ sách, biểu mẫu báo cáo…) liên quan đến nhiệm vụ được giao.
e) Dự giao ban cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn bản hàng tháng để phản ảnh tình hình và báo cáo kết quả hoạt động DS-KHHGĐ của địa bàn đươc giao quản lý. Giải quyết hoặc xin ý kiến cỏn bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã để giải quyết những vấn đề phát sinh.
g) Tham dự đầy đủ các khóa tập huấn do cơ quan cấp trên tổ chức.
h) Phát hiện và đề xuất với cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã các vấn đề cần thực hiện về DS-KHHGĐ tại địa bàn quản lý.
3. Tiêu chuẩn
Cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn bản do cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã phối hợp với trưởng thôn bản vận động và tuyển chọn. Cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn bản có tiêu chuẩn như sau:
a) Là người có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác DS-KHHGĐ, có uy tín trong cộng đồng.
b) Là cán bộ thôn, xã, công chức về hưu hoặc là người dân có trình độ văn hoá tốt nghiệp phổ thông trung học; đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng khó khăn nếu chưa tốt nghiệp phổ thông trung học thì ít nhất phải tốt nghiệp phổ thông trung học cơ sở.
c) Đó tham gia Các lớp tập huấn về DS-KHHGĐ.
d) Cư trú tại thôn, bản.
e) Có sức khoẻ tốt; gương mẫu thực hiện KHHGĐ.
Phần 4:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc có khó khăn, vướng mắc, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phản ánh kịp thời về Bộ Y tế để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.