• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/01/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 01/02/2014
CHÍNH PHỦ
Số: 179/1999/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nam, ngày 30 tháng 12 năm 1999

NGHỊ ĐỊNH

Quy định việc thi hành Luật Tài nguyên nước

_________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Nghị định này quy định việc quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước; cấp giấy phép về tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

2. Nghị định này cũng được quy định đối với các hoạt động gây ô nhiễm nước biển; quy định quy hoạch xây dựng công trình trên biển như các công trình giao thông, thuỷ lợi, thuỷ sản và các công trình khác; các hoạt động liên quan đến quai đê lấn biển, thoát lũ; phòng, chống xâm nhập mặn, nước biển dâng, tràn, làm muối, nuôi trồng thuỷ, hải sản và các hoạt động khác có liên quan.

3. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước Chính phủ có quy định riêng.

Điều 2. Quy hoạch lưu vực sông quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Tài nguyên nước được quy định cụ thể như sau:

1. Quy hoạch lưu vực sông phải đảm bảo yêu cầu sử dụng tổng hợp nguồn nước, đáp ứng các yêu cầu về cấp nước cho sinh hoạt, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, khai khoáng, phát điện, giao thông thuỷ, nuôi trồng thuỷ, hải sản, sản xuất muối, thể thao, giải trí, du lịch, y tế, an dưỡng, nghiên cứu khoa học và các mục đích khác; đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống lũ, lụt, hạn hán và các tác hại khác do nước gây ra.

2. Quy hoạch lưu vực sông nhánh, quy hoạch hệ thống công trình thuỷ lợi và các quy hoạch chuyên ngành về phòng, chống lũ, lụt, hạn hán, cấp thoát nước, giao thông thuỷ, quy hoạch thuỷ điện và các quy hoạch khai thác, sử dụng nước khác phải căn cứ vào quy hoạch lưu vực sông.

Chương II

BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 3. Việc phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật tài nguyên nước được quy định cụ thể như sau:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a. Tổ chức điều tra, đánh giá các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt;

b. Lập quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với quy hoạch lưu vực sông để bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống lũ, lụt, hạn hán;

c. Lập kế hoạch khôi phục, nâng cấp và xây dựng bổ sung, làm mới các công trình thuỷ lợi để tăng khả năng cung cấp nước, khôi phục các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt;

d. Kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng nước dưới đất; có biện pháp xử lý kịp thời để bảo vệ nguồn nước dưới đất ở các vùng, khu vực đang có nguy cư suy giảm về trữ lượng và bị ô nhiễm;

đ. Kiểm tra, giám sát các điểm xả nước thải vào nguồn nước; quy định việc áp dụng các biện pháp xử lý nước thải theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan lập kế hoạch sử dụng kinh phí hàng năm để thực hiện các quy định tại khoản 1 điều này trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 4. Kế hoạch phòng, chống ô nhiễm nguồn nước quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Tài nguyên nước được quy định cụ thể như sau:

1. Các Bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công nghiệp và Tổng cục Khí tượng thuỷ văn theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a. Xây dựng mạng lưới trạm khảo sát, đánh giá lại chất lượng nước mặt và nước dưới đất; thu thập số liệu, lập ngân hàng dữ liệu;

b. Lập kế hoạch ngăn ngừa và tiến hành xử lý ô nhiễm nguồn nước.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công nghiệp và Tổng cục Khí tượng thuỷ văn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch kinh phí hàng năm để thực hiện các quy định tại khoản 1 điều này trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 5.Việc cấp phép xả nước thải vào nguồn nước quy định tại Điều 18 Luật Tài nguyên nước được quy định cụ thể như sau:

1. Đối tượng cấp phép:

Tổ chức, cá nhân sử dụng nước để sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, bệnh viện, đô thị, khu dân cư tập trung và các hoạt động khác, nếu xả nước thải vào nguồn nước, thì phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 5 điều này.

2. Điều kiện cấp phép:

Việc cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước phải căn cứ:

a. Luật Tài nguyên nước và các pháp luật khác có liên quan;

b. Quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra của lưu vực sông và quy hoạch hệ thống công trình thuỷ lợi;

c. Khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; tiêu chuẩn nước thải;

d. Đề nghị của cơ quan quản lý quy hoạch lưu vực sông; tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.

3. Thời hạn của giấy phép:

a. Thời hạn của giấy phép từ 3 đến 5 năm đối với việc xả nước thải vào nguồn nước;

b. Trường hợp thời hạn sử dụng giấy phép đã hết hạn, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép quyết định việc gia hạn, nhưng mỗi lần gia hạn giấy phép không quá 3 năm;

c. Thời hạn sử dụng giấy phép có thể bị thay đổi khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

Nguồn nước không thể bảo đảm khả năng tiếp nhận nước thải;

Nhu cầu sử dụng nước và thải nước tăng nhiều mà chưa có biến pháp xử lý, khắc phục;

Xuất hiện tình huống đặc biệt khác cần phải hạn chế việc xả nước thải vào nguồn nước.

4. Thu hồi và đình chỉ sử dụng giấy phép:

Việc thu hồi hoặc đình chỉ hiệu lực sử dụng giấy phép xả nước thải vào nguồn nước được áp dụng trong các trường hợp sau:

a. Tổ chức, cá nhân xả nước thải vi phạm nội dung quy định trong giấy phép;

b. Tổ chức, cá nhân xả nước thải vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật Tài nguyên nước;

c. Tổ chức, cá nhân xả nước thải vào nguồn nước bị giải thể, chuyển nhượng hoặc bị tuyên bố phá sản;

d. Giấy phép cấp không đúng thẩm quyền;

đ. Giấy phép không sử dụng trong thời gian 01 năm mà không có lý do chính đáng;

e. Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét thấy cần thiết thu hồi hoặc đình chỉ hiệu lực của giấy phép vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

5. Thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép:

a. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện việc cấp, thu hồi Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và các hệ thống công trình thuỷ lợi liên tỉnh;

b. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc cấp, thu hồi Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và hệ thống công trình thuỷ lợi thuộc tỉnh quản lý; Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và hệ thống công trình thuỷ lợi liên tỉnh do tỉnh quản lý nhưng phải có sự thoả thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

c. Cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền cấp giấy phép loại nào thì có quyền thu hồi giấy phép loại đó.

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định thủ tục cấp phép và quy định việc uỷ quyền cấp phép xả nước thải vào nguồn nước.

Điều 6. Việc nộp lệ phí cấp phép, phí xả nước thải vào nguồn nước, phí phòng, chống ô nhiễm nguồn nước quy định tại Điều 7 và điểm b khoản 2 Điều 19 Luật Tài nguyên nước được quy định cụ thể như sau:

1. Tổ chức, cá nhân khi xin phép xử nước thải vào nguồn nước phải nộp lệ phí cấp phép;

2. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xả nước thải vào nguồn nước, hệ thống công trình thuỷ lợi phải nộp phí xả nước thải;

3. Tổ chức, cá nhân xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống tiêu thoát nước chung của thành phố, đô thị, khu dân cư tập trung phải nộp phí phòng, chống ô nhiễm;

4. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát nước chung của thành phố, đô thị, khu dân cư tập trung phải nộp phí xả nước thải; trường hợp tổ chức, cá nhân áp dụng các biến pháp khoa học công nghệ tiên tiến bảo đảm khối lượng xả ít hơn, mức độ xử lý nước thải tốt hơn so với quy định thì được xét miễn, giảm phí xả nước thải;

5. Lệ phí cấp phép, phí xả nước thải, phí phòng, chống ô nhiễm được sử dụng cho việc quản lý và bảo vệ tài nguyên nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục thu, nộp, quản lý, sử dụng phí xả nước thải, phí phòng, chống ô nhiễm và các trường hợp miễn, giảm.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về mức thu lệ phí cấp phép, phí xả nước thải, phí phòng, chống ô nhiễm nguồn nước.

Chương III

KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 7. Việc điều hoà, phân phối tài nguyên nước quy định tại Điều 20 Luật Tài nguyên nước được quy định cụ thể như sau:

1. Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước căn cứ vào quy hoạch lưu vực sông và tiềm năng thực tế của nguồn nước, thông báo khả năng của nguồn nước cho các ngành, các địa phương liên quan lập kế hoạch bố trí dân sinh, kinh tế - xã hội phù hợp với tiềm năng của nguồn nước.

Khi nguồn nước không đáp ứng nhu cầu dùng nước, thì các ngành, các địa phương phải điều chỉnh kế hoạch, bố trí dân sinh, kinh tế - xã hội cho phù hợp với khả năng thực tế của nguồn nước.

2. Khi xảy ra hạn hán, gây thiếu nước nghiêm trọng, cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước thực hiện việc điều hoà, phân phối tài nguyên nước theo nguyên tắc:

a. Bảo đảm chủ động nước cho sinh hoạt với định mức tối thiểu;

b. Nhu cầu nước cho chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi, trồng thuỷ, hải sản;

c. Bảo đảm nước cho các cơ sở công nghiệp và cơ sở nghiên cứu khoa học quan trọng;

d. Bảo đảm nước phục vụ cho chương trình an ninh lương thực và cây trồng có giá trị kinh tế cao;

đ. Các mục đích khai thác, sử dụng nước khác.

Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo quy định tại khoản 1 và 2 điều này chịu trách nhiệm lập kế hoạch điều hoà, phân phối tài nguyên nước.

Điều 8. Nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân quy định tại điểm e khoản 1 Điều 23 Luật Tài nguyên nước được quy định cụ thể như sau:

1. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, trừ trường hợp không phải xin phép quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Tài nguyên nước phải nộp thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật;

2. Trả phí sử dụng nước theo quy định của pháp luật;

3. Bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật;

4. Trả lệ phí cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

5. Lệ phí cấp phép khai thác, phí sử dụng nước được sử dụng cho việc quản lý và bảo vệ tài nguyên nước.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về mức thu phí, lệ phí cấp phép khai thác, sử dụng nước.

Điều 9. Việc cấp phép và việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước quy định tạ khoản 1 Điều 24 Luật Tài nguyên nước được quy định cụ thể như sau:

1. Đối tượng cấp giấy phép:

Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, khai khoáng, phát điện và các mục đích khác thì phải xn phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại khoản 5 điều này.

2. Điều kiện cấp giấy phép:

Việc cấp giấy phép khai thác, sử dụng nguồn nước phải căn cứ:

a. Pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật khác có liên quan;

b. Quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra của lưu vực sông và quy hoạch hệ thống công trình thuỷ lợi; kết quả đánh giá các đề án thăm dò và báo cáo thăm dò nước dưới đất của các cơ quan chuyên môn hoặc hội đồng chuyên môn;

c. Khả năng thực tế của nguồn nước, tiêu chuẩn cấp nước, nhu cầu dùng nước;

d. Đề nghị của cơ quan quản lý quy hoạch lưu vực sông, tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.

3. Thời hạn sử dụng của giấy phép:

a. Thời hạn sử dụng của giấy phép là 20 năm đối với khai thác, sử dụng nước mặt; 15 năm đối với khai thác, sử dụng nước dưới đất;

b. Trường hợp giấy phép sử dụng đã hết hạn, cơ quan có thẩm quyền cấp phép quyết định việc gia hạn, nhưng mỗi lần gia hạn thì thời hạn giấy phép không quá 10 năm;

c. Thời hạn của giấy phép có thể bị thay đổi khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

- Nguồn nước không thể bảo đảm việc cung cấp nước bình thường;

- Việc khai thác nước dưới đất vượt quá mức quy định gây suy thoái, cạn kiệt hoặc nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm nghiêm trọng;

- Nhu cầu sử dụng nước tăng nhiều mà chưa có biện pháp xử lý, bổ sung nguồn nước;

- Xuất hiện tình huống đặc biệt khác cần phải hạn chế việc khai thác, sử dụng nước.

4. Thu hồi và đình chỉ sử dụng giấy phép:

Việc thu hồi và đình chỉ hiệu lực của giấy phép khai thác, sử dụng nước được thực hiện trong các trường hợp sau:

a. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước vi phạm nội dung quy định trong giấy phép;

b. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước vi phạm quy định tại Điều 23 của Luật Tài nguyên nước;

c. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản;

d. Giấy phép cấp không đúng thẩm quyền;

đ. Giấy phép không sử dụng trong thời gian 1 năm mà không có lý do chính đáng;

e. Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét thấy cần thiết thu hồi hoặc đình chỉ hiệu lực của giấy phép vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

5. Thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép:

a. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, thu hồi các loại giấy phép khai thác, sử dụng nước sau:

- Giấy phép khai thác, sử dụng nước đối với các công trình quan trọng quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với các công trình khai thác nước tập trung với lưu lượng từ 1000 m3/ngày/đêm trở lên.

- Giấy phép lấy nước mặt cho nông nghiệp, công nghiệp, khai khoáng và sinh hoạt với lưu lượng từ 2 m3/s trở lên.

- Giấy phép khai thác, sử dụng nước để phát điện với công suất từ 500 kw trở lên.

b. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp, thu hồi các loại giấy phép khai thác, sử dụng nước sau:

- Giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với các công trình khai thác nước dưới đất, lưu lượng khai thác dưới 1.000m3/ngày/đêm;

- Giấy phép lấy nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, khai khoáng, sinh hoạt với lưu lượng dưới 2 m3/s;

- Giấy phép khai thác, sử dụng nước cho phát điện với công suất dưới 500 kw.

c. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các mục đích khác thuộc lưu vực sông, hệ thống công trình thuỷ lợi liên tỉnh;

d. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các mục đích khác thuộc lưu vực sông, hệ thống công trình thuỷ lợi trong phạm vi địa phương; thực hiện việc cấp phép khai thác, sử dụng nước thuộc lưu vực sông, hệ thống công trình thuỷ lợi liên tỉnh theo uỷ quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

đ. Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền cấp giấy phép lại nào thì có quyền thu hồi giấy phép loại đó.

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định thủ tục cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Điều 10.

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức quy mô nhỏ về khai tác sử dụng nước trong phạm vi gia đình quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 24 Luật Tài nguyên nước theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Các trường hợp khai thác, sử dụng nước quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 24 Luật Tài nguyên nước là các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các mục đích lâm nghiệp, giao thông thuỷ, nuôi trồng thuỷ, hải sản, sản xuất muối, thể thao, giải trí, du lịch, y tế, an dưỡng, nghiên cứu khoa học không nhằm mục đích kinh doanh.

Điều 11.

Quyền dẫn nước chảy qua quy định tại Điều 33 Luật Tài nguyên nước được thực hiện theo quy định tại các Điều 274, 275, 282 và 283 của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp dẫn nước bằng các biện pháp công trình, thì Chủ đầu tư phải tuân theo quy hoạch lưu vực sông, quy hoạch hệ thống công trình thuỷ lợi và phải được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định này.

Điều 12. Tổ chức, cá nhân khi cần bổ sung, thay đổi mục đích, quy mô khai thác, sử dụng tài nguyên nước quy định tại Điều 35 Luật Tài nguyên nước thì phải có đơn xin phép, lập đề án trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định này.

Chương IV

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 13. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trong phạm vi cả nước, bao gồm:

1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách về bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; lập danh mục các lưu vực sông trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

2. Xây dựng và trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp quy, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, định mức về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;

3. Tổng hợp, quản lý kết quả điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước trong phạm vi cả nước; xây dựng ngân hàng dữ liệu về tài nguyên nước và thực hiện công tác kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

4. Quyết định theo thẩm quyền việc điều hoà, phân phối tài nguyên nước theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này; cấp, thu hồi, gia hạn giấy phép hoặc uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp, thu hồi, gia hạn giấy phép về tài nguyên nước, giấy phép hành nghề khoan điều tra, khảo sát địa chất, thăm dò, thi công công trình khai thác nước dưới đất theo quy định của Nghị định này;

5. Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ, lụt, hạn hán, xử lý sự cố công trình thuỷ lợi và các tác hại khác do nước gây ra;

6. Tổ chức công tác thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực pháp luật về tài nguyên nước;

7. Tổng hợp và đề xuất trình Chính phủ xử lý các vấn đề trong quan hệ quốc tế về lĩnh vực tài nguyên nước;

8. Đề xuất, trình Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hệ thống tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước; tuyên truyền, phổ biến pháp luật tài nguyên nước;

9. Quản lý việc khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, công tác phòng, chống lụt, bão và xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Điều 14. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm:

1. Tổng cục Khí tượng thuỷ văn phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan lập và tổ chức thực hiện kế hoạch hàng năm và dài hạn việc điều tra cơ bản về số lượng, chất lượng về tài nguyên nước mặt;

2. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng tiêu chuẩn chất lượng nước; kiểm soát và hạn chế mưa axít;

3. Bộ Công nghiệp phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan lập và tổ chức thực hiện kế hoạch hàng năm và dài hạn việc điều tra cơ bản địa chất tài nguyên nước dưới đất; xây dựng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phương án bảo đảm an toàn công trình thuỷ công của công trình thuỷ điện, khai thác tổng hợp nguồn nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

4. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông thuỷ và xây dựng các công trình giao thông thuỷ;

5. Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch cấp, thoát nước đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung;

6. Bộ Thuỷ sản phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng tổ chức thực hiện quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước cho việc phát triển thuỷ sản nội địa;

7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổng hợp kế hoạch đầu tư kinh phí cho các dự án về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

8. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các chính sách về thuế tài nguyên nước, phí, lệ phí quản lý tài nguyên nước, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 15. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

1. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra tại địa phương;

2. Hướng dẫn thi hành các quy định của Chính phủ và các Bộ về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra tại địa phương;

3. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện việc điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan;

4. Cấp, thu hồi, gia hạn giấy phép về tài nguyên nước, giấy phép hành nghề khoan điều tra, khảo sát địa chất, thăm dò, thi công công trình khai thác nước dưới đất theo quy định của nghị định này và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; điều hoà, phân phối nước tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

5. Quyết định biện pháp, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ, lụt, hạn hán; xử lý sự cố công trình thuỷ lợi và các tác hại do nước gây ra tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

6. Tổ chức công tác thanh tra về tài nguyên nước; giải quyết hoặc tham gia giải quyết các tranh chấp về tài nguyên nước và xử lý các vi phạm pháp luật về tài nguyên nước tại địa phương theo thẩm quyền quy định tại Điều 62 của Luật Tài nguyên nước và các quy định khác của pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước tại địa phương;

7. Thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia;

8. Quy định vùng bảo bộ vệ sinh và mức quy mô nhỏ trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này.

Điều 16.

1. Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước theo quy định tại Điều 63 Luật Tài nguyên nước có nhiệm vụ tư vấn giúp Chính phủ:

a. Chiến lược, chính sách tài nguyên nước quốc gia;

b. Xét duyệt quy hoạch các lưu vực sông lớn;

c. Chuyển nước giữa các lưu vực sông lớn;

d. Các dự án về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước do Chính phủ quyết định; phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ, lụt và các tác hại khác do nước gây ra;

đ. Quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng các nguồn nước quốc tế và giải quyết các tranh chấp phát sinh;

e. Giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước giữa các Bộ, ngành với nhau và giữa các Bộ, ngành với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Việc lập, quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 17. Cơ quan quản lý quy hoạch lưu vực sông quy định tại Điều 64 Luật Tài nguyên nước được quy định cụ thể như sau:

1. Căn cứ vào danh mục các lưu vực sông đã được phê duyệt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định lập, quy chế cụ thể về tổ chức và hoạt động của cơ quan quản lý quy hoạch lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Cửu Long;

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định lập, quy chế về tổ chức và hoạt động của các cơ quan quản lý quy hoạch lưu vực sông đối với các sông thuộc phạm vi địa phương theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 18. Hệ thống tổ chức Thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước:

1. Thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước ở Trung ương trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

2. Thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước ở địa phương trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Việc lập, ban hành Quy chế hoạt động của thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước các cấp do Chính phủ quyết định.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 20. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng các bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 21. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.