THÔNG TƯ
Hướng dẫn thành lập tổ chức pháp chế tài chính trực thuộc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc TW
________________________
Căn cứ Nghị định số 35/CP ngày 9/2/1981 của Hội đồngChính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;
Căn cứ các điều 3, 6 Nghị định số 143 - HĐBT ngày 22/11/1981 và các điều 1, 5, 8 Nghị định số 178 - HĐBT ngày 17/6/1985 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chứuc pháp chế ở các ngành, các đơn vị sản xuất - kinh doanh thuộc khu vực Nhà nước; Bộ Tài chính hưóng dẫn việc thành lập tổ chức pháp chế thuộc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương ngân hàng Nhà nước như sau:
1. Mỗi Sở Tài chính được thành lập một tổ pháp chế tài chính trực thuộc Văn phòng sở, làm việc theo chế độ chuyên viên.
Tổ pháp chế có nhiệm vụ và quyền hạn:
a- Nhiệm vụ:
- Nghiên cứu có hệ thống các văn bản pháp luật, pháp quy về lĩnh vực tài chính, giúp Giám đốc Sở hướng dẫn các phòng, ban trong sở thực hiện đúng pháp luật và các văn bản pháp quy đã được các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành.
- Làm cố vấn pháp lý cho Giám đốc Sở tài chính trong việc dự thảo các văn bản thuộc thẩm quyền Sở Tài chính ban hành.
- Theo dõi việc thực hiện luật lệ tài chính Nhà nước, phản ánh kịp thời với giám đốc những vi phạm hoặc sơ hở trong việc thực hiện pháp luật tài chính, kiến nghị những biện pháp nhằm tăng cường pháp chế tài chính xã hội chủ nghĩa trong các ngành, các cấp, các đơn vị trên địa bàn tỉnh, thành phố và đặc khu.
- Giúp Giám đốc Sở trong việc tham gia góp ý kiến về mặt pháp lý tài chính đối với các dự thảo văn bản của chính quyền địa phương hoặc các Sở, ban, ngành chuyên môn khác trong tỉnh.
- Tổ chức lưu trữ, hệ thống các văn bản pháp luật, pháp quy trong Sở và thông báo kịp thời những văn bản đó cho các phòng, ban trong Sở.
- Tổ pháp chế có quan hệ trực tiếp về mặt chuyên môn nghiệp vụ với Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính, Sở tư pháp tỉnh, thành phố, đặc khu và thường xuyên gửi báo cáo công tác cho Bộ Tài chính.
b- Quyền hạn:
- Thẩm tra và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các dự thảo văn bản do các Sở,bộ phận thuộc Sở chuẩn bị trình Giám đốc Sở ban hành; kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản ban hành trái với pháp luật của Nhà nước.
- Tham gia kiểm tra việc thi hành pháp luật tài chính ở các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở của tỉnh và trong các bộ phận thuộc Sở Tài chính; kiến nghị với thủ trưởng những biện pháp bảo đảm việc tôn trọng pháp luật và đấu tranh chống vi phạm pháp luật trong các cơ quan đơn vị.....
- Yêu cầu các bộ phận trong Sở Tài chính tham gia dự thảo văn bản, hoặc cung cấp tài liệu có liên quan đến công tác xây dựng văn bản, lưu trữ, hệ thống hoá luật lệ tài chính khi cần thiết.
- Dự thảo các văn bản, thư để Giám đốc Sở Tài chính trả lời các đơn vị có liên quan về việc thực hiện chính sách, chế độ, kỷ luật tài chính Nhà nước.
2. Biên chế và quỹ lương
Biên chế và quỹ lương của Tổ pháp chế thuộc biên chế quỹ lương của Sở Tài chính.
Cán bộ làm công tác pháp chế phải là những người đã tốt nghiệp đại học tài chính - kế toán, đã làm công tác tài chính từ 5 năm trở lên, có trình độ nghiên cứu tổng hợp và có hiểu biết nhất định về pháp chế xã hội chủ nghĩa .
Các Sở Tài chính cần có biện pháp kịp thời tổ chức Tổ pháp chế, đảm bảo sức triển khai những nhiệm vụ và quyền hạn nêu trong thông tư này, đưa công tác pháp chế tài chính đi dần vào nề nếp./.