Sign In

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 195/CP NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 1964
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG TRONG CÁC XÍ NGHIỆP CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

- Để tăng cường ý thức tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật lao động trong sản xuất và công tác của công nhân, viên chức nhà nước nhằm nâng cao tinh thần làm chủ nhà nước do đó mà đẩy mạnh sản xuất và công tác phát triển không ngừng;

- Theo đề nghị của bộ trưởng Bộ Lao động;

- Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 3 tháng 1 năm 1964.

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Nghị định này, bản Điều lệ về kỷ luật lao động trong các xí nghiệp, cơ quan nhà nước.

Điều 2: Các ông bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các uỷ ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

ĐIỀU LỆ

VỀ KỶLUẬT LAO ĐỘNG TRONG CÁC XÍ NGHIỆP CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Từ sau ngày hoà bình lập lại, công nhân, viên chức nhà nước đã có nhiều cố gắng trong sản xuất, trong công tác góp phần tích cực vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế. các xí nghiệp, cơ quan, việc giáo dục công nhân, viên chức thực hiện kỷluật lao động đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, ở nhiều xí nghiệp, cơ quan, do việc giáo dục chưa sâu, mặt khác cũng do Nhà nước chưa có quy định cụ thể về kỷ luật lao động nên việc chấp hành kỷ luật lao động còn tuỳ tiện và có phần lỏng lẻo. Những hiện tượng đi muộn về sớm, làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu tôn trọng chế độ công tác hoặc lãng phí thời giờ, nguyên liệu ... còn thường xảy ra. Việc xử lý các trường hợp vi phạm kỷ luật lao động cũng chưa đúng mức, có nơi nặng về xử lý, nhưng cũng có nơi buông trôi hoặc xử lý quá nhẹ, nên chưa đề cao được kỷ luật lao động trong các xí nghiệp, cơ quan nhà nước.

Ngày nay, ở miền Bắc, nhân dân ta đang ra sức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp vĩ đại đó đòi hỏi mỗi một công nhân, viên chức phải thấm nhuần kỷ luật lao động, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy nhiệt tình lao động trong sản xuất, công tác để hoàn thành tốt kế hoạch nhà nước.

Điều lệ này quy định cụ thể kỷ luật lao động ở các xí nghiệp cơ quan nhà nước; mọi công nhân, viên chức nhà nước phải nghiêm chỉnh chấp hành, không được vi phạm. Các thủ trưởng các xí nghiệp, cơ quan cần lấy điều lệ này làm cơ sở để giáo dục công nhân, viên chức thuộc quyền mình.

 

CHƯƠNG I
NGUYÊN TẮC VÀ NỘI DUNG KỶ LUẬT LAO ĐỘNG

Điều 1: Kỷ luật lao động biểu hiện một cách tập trung trình độ giác ngộ về chính trị, ý thức tổ chức và tinh thần làm chủ đất nước của công nhân viên chức trong các xí nghiệp, cơ quan nhà nước.

Kỷ luật lao động của ta là kỷ luật tự giác, biện pháp để chấp hành kỷ luật chủ yếu là giáo dục mọi người nghiêm chỉnh và tự giác tuân theo những điều kỷ luật đã quy định, nhưng cũng xử lýmột cách nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm kỷ luật lao động để giáo dục người phạm lỗi mau chóng sửa chữa sai lầm, khuyết điểm.

Việc đề cao kỷluật lao động trong các xí nghiệp, cơ quan là nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của công nhân, viên chức nhà nước để bảo đảm việc thực hiện tốt kế hoạch nhà nước.

Mỗi công nhân, viên chức nhà nước có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật lao động và phải đấu tranh với các hiện tượng vi phạm kỷ luật lao động hàng ngày xảy ra trong xí nghiệp, cơ quan mình.

Điều 2: Nội dung kỷ luật lao động gồm 5 điều sau đây:

1. Thực hiện đúng định mức lao động, hoàn thành kế hoạch sản xuất, chương trình công tác với chất lượng tốt nhất.

2. Nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và chế độ trách nhiệm được quy định trong sản xuất và công tác; tôn trọng các quy phạm, quy trình về công nghệ, về kỹ thuật và an toàn lao động.

3. Thực hiện nghiêm chỉnh nội quy xí nghiệp, cơ quan; sử dụng đầy đủ và hợp lý thì giờ làm việc của nhà nước quy định.

4. Bảo vệ của công, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí nguyên liệu, vật liệu, thời gian; đề cao cảnh giác cách mạng, giữ gìn bí mật nhà nước.

5. Giữ gìn trật tự, vệ sinh nơi làm việc.

Điều 3: Tất cả công nhân, viên chức trong các xí nghiệp cơ quan nhà nước có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành 5 điều kỷ luật lao động trên đây.

Các cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo phải gương mẫu trong việc tôn trọng các điều kỷ luật lao động, và phải thường xuyên hoàn thiện những nội quy, quy trình sản xuất, công tác để làm cơ sở cho công nhân, viên chức có liên quan thực hiện.

 

CHƯƠNG II
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG

Điều 4: Để đảm bảo cho kỷ luật lao động được chấp hành chặt chẽ, giám đốc xí nghiệp, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm thường xuyên giáo dục ý thức tôn trọng kỷ luật lao động cho công nhân viên chức trong đơn vị mình.

Công nhân, viên chức nào có nhiều thành tích trong việc chấp hành kỷluật lao động sẽ được khen thưởng theo chế độ khen thưởng chung.

Điều 5: Công nhân, viên chức nào phạm khuyết điểm trong việc chấp hành kỷ luật lao động thì tuỳ theo mức độ sai lầm nặng hay nhẹ mà phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

1- Khiển trách

2- Cảnh cáo

3- Hạ tầng công tác, hạ cấp bậc kỹ thuật, chuyển đi làm việc khác.

4- Buộc thôi việc.

Điều 6: Buộc thôi việc là hình thức kỷ luật chỉ thi hành đối với những người phạm kỷ luật thật nghiêm trọng, đã gây tổn hại lớn cho nhà nước.

Người bị kỷ luật buộc thôi việc khôngđược hưởng trợ cấp thôi việc. Tuy nhiên, trong trường hợp đương sự có một quá trình cống hiến hoặc có nhiều khó khăn về đời sống thì xí nghiệp, cơ quan có thể xét giúp đỡ một khoản tiền; số tiền này nhiều hay ít là tuỳ thuộc vào thời gian công tác hoặc hoàn cảnh khó khăn của đương sự nhưng nhiều nhất khôngđược quá hai tháng lương kể cả các khoản phụ cấp và trợ cấp thường xuyên, nếu có.

Điều 7: Những người vì thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc vi phạm kỷluật lao động mà gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước thì phải bồi thường sự thiệt hại đó cho công quỹ. Việc bồi thường này nhằm bù lại những thiệt hại về tài sản của nhà nước, nhưng có chiếu cố đến tình hình đời sống của công nhân, viên chức (chế độ bồi thường này sẽ do một văn bản của Chính phủ quy định riêng).

Điều 8: Những người phạm kỷ luật lao động do cố ý hoặc vì thiếu tinh thần trách nhiệm mà làm thiệt hại lớn đến tài sản, đến kế hoạch nhà nước, đến sức khoẻ và sinh mệnh của người khác, thì ngoài việc bị xử lý theo các hình thức kỷ luật nói ở Điều 5, 6, 7 trên đây, còn có thể bị truy tố trước toà án.

 

CHƯƠNG III
THỦ TỤC THI HÀNH KỶ LUẬT LAO ĐỘNG

Điều 9: ở mỗi xí nghiệp, cơ quan việc xét để đề nghị xử lý công nhân, viên chức phạm kỷ luật lao động do hội đồng kỷ luật của xí nghiệp, cơ quan phụ trách. Thành phần hội đồng kỷ luật gồm:

- Giám đốc xí nghiệp hay thủ trưởng cơ quan chủ trì.

- Một đại diện của ban chấp hành công đoàn cơ sở.

- Một đại biểu công nhân hay viên chức (do công nhân hay viên chức tại bộ phận làm việc của đương sự đề cử).

Thủ tục làm việc của hội đồng kỷ luật này do liên bộ Bộ Lao động và Bộ Nội vụ quy định.

Điều 10: Giám đốc xí nghiệp, thủ trưởng cơ quan có quyền quyết định thi hành kỷ luật công nhân, viên chức trong xí nghiệp, cơ quan mình theo đúng chế độ phân cấp quản lý công nhân, viên chức của Nhà nước sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội đồng kỷ luật xí nghiệp, cơ quan.

Đối với các ngành hành chính, sự nghiệp, việc hạ tầng công tác, buộc thôi việc, phải do cấp quản lý trên một cấp xét duyệt hoặc quyết định.

Khi quyết định kỷ luật công nhân, viên chức, thủ trưởng xí nghiệp, cơ quan phải báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên và Uỷ ban hành chính địa phương biết.

Điều 11: Nếu công nhân, viên chức Nhà nước bị thi hành kỷ luật, xét thấy việc xử lý chưa thoả đáng thì được quyền yêu cầu cấp có thẩm quyền xét lại. Các cấp có thẩm quyền khi nhận được đơn khiếu nại phải giải quyết đơn và trả lời đương sự.

Điều 12: Công nhân, viên chức bị kỷ luật (trừ trường hợp bị buộc thôi việc), nếu biết sửa chữa sai lầm và có tiến bộ thật sự thì được xét để xoá bỏ kỷ luật.

Thời gian được xét để xoá bỏ kỷ luật quy định là một năm.

Công nhân, viên chức bị hạ tầng công tác, hạ cấp bậc kỹ thuật chuyển làm việc khác, sau khi được xoá bỏ kỷ luật, thì tuỳ theo năng lực, tuỳ theo yêu cầu công việc của xí nghiệp, cơ quan mà có thể được cho trở lại làm việc cũ hoặc làm công tác tương đương với cương vị cũ.

Việc xoá bỏ kỷ luật do cấp có thẩm quyền xử lý công nhân, viên chức quyết định.

 

CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13: Điều lệ này thi hành đối với tất cả công nhân, viên chức làm việc lâu dài và tạm thời trong các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước ở cả hai khu vực sản xuất và không sản xuất, và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Điều 14: Thủ trưởng từng ngành ở trung ương căn cứ vào các quy định của điều lệ này mà cùng với Bộ Lao động (nếu là ngành thuộc khu vực sản xuất) và Bộ nội vụ (nếu là ngành thuộc khu vực không sản xuất) ban hành những nội quy thích hợp để dùng trong ngành.

Điều 15: Những quy định trước đây trái với điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 16: Các ông Bộ trưởng Bộ Lao động, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm ban hành mẫu nội quy về kỷ luật lao động ở xí nghiệp, cơ quan, quy định chi tiết và hướng dẫn việc thi hành điều lệ này.

Điều 17: Để bảo đảm thực hiện tốt điều lệ kỷ luật lao động này, Hội đồng Chính phủ yêu cầu Tổng công đoàn Việt Nam có kế hoạch tổ chức, giáo dục công nhân, viên chức Nhà nước chấp hành kỷ luật lao động một cách tự giác và nghiêm minh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội đồng Chính phủ

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Lê Thanh Nghị