Sign In

NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

Về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2007

___________________

QUỐC HỘI

NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội;

Trên cơ sở xem xét đề nghị của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tờ trình của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,

 

QUYẾT NGHỊ:

 

Điều 1. Nội dung Quốc hội trực tiếp giám sát.

1. Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XI

a) Xem xét các báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XI của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

b) Xem xét báo cáo của Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII

Xem xét báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII.

3. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII

Cùng với việc xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề Việc chấp hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Điều 2. Giao Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát để báo cáo với Quốc hội:

1. Việc tổ chức bầu cử, công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (báo cáo Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ nhất).

2. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi (báo cáo Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 2).

Điều 3. Giao Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội giám sát và báo cáo kết quả với Quốc hội:

1. Hội đồng dân tộc: Việc triển khai thực hiện Chương trình 135 (giai đoạn II).

2. Uỷ ban pháp luật: Việc chấp hành pháp luật về thực hiện các biện pháp xử lý hành chính (đưa đối tượng vào trường giáo dưỡng, vào cơ sở giáo dục, vào cơ sở chữa bệnh) theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

3. Uỷ ban kinh tế và ngân sách: Việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

4. Uỷ ban quốc phòng và an ninh: Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

5. Uỷ ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng: Vấn đề đời sống văn hoá ở cơ sở.

6. Uỷ ban về các vấn đề xã hội: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.

7. Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý ô nhiễm môi trường ở các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp.

8. Uỷ ban đối ngoại: Việc thực hiện các hiệp định về biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

Điều 4. Trên cơ sở Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội chủ động xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình.

Điều 5. Căn cứ vào các nội dung tại Điều 1, Điều 2, Điều 3 của Nghị quyết này và tình hình, điều kiện thực tế, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chương trình, tiến hành giám sát tại địa phương và báo cáo kết quả theo quy định.

Điều 6. Giao Uỷ ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc thực hiện Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội; hướng dẫn các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo công tác bảo đảm thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, nghiên cứu cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị giám sát.

Điều 7. Các cơ quan, tổ chức hữu quan hợp tác chặt chẽ để các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tiến hành hoạt động giám sát có kết quả; chủ động chuẩn bị báo cáo và cung cấp tài liệu cần thiết theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giám sát; nghiêm túc giải quyết các kiến nghị và báo cáo kết quả với các cơ quan tiến hành giám sát.

Điều 8. Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội 6 tháng và cả năm; tổng hợp và báo cáo kết quả việc thực hiện chương trình giám sát tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội./.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Phú Trọng