Sign In

THÔNG TƯ

Quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa

________________

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thuỷ nội địa.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về tổ chức, hoạt động và phạm vi hoạt động của Cảng vụ đường thuỷ nội địa.

2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thuỷ nội địa.

Điều 2. Vị trí và chức năng

1. Cảng vụ đường thuỷ nội địa là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thuỷ nội địa tại cảng, bến thủy nội địa (sau đây viết tắt là cảng, bến), khu neo đậu nhằm bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa và bảo vệ môi trường.

2. Cảng vụ đường thuỷ nội địa có tư cách pháp nhân, có trụ sở riêng, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

 

Chương II

PHẠM VI QUẢN LÝ VÀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

CỦA CẢNG VỤ ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

Điều 3. Phạm vi quản lý

1. Phạm vi quản lý của Cảng vụ đường thuỷ nội địa trực thuộc Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam bao gồm các cảng, bến (trừ bến khách ngang sông), khu neo đậu đã được công bố, cấp phép hoạt động, cụ thể như sau:

a) Cảng, bến, khu neo đậu trên đường thuỷ nội địa quốc gia;

b) Cảng, bến, khu neo đậu trên đường thuỷ nội địa chuyên dùng nối với đường thuỷ nội địa quốc gia;

c) Cảng, bến, khu neo đậu có vùng đất, vùng nước vừa trên đường thủy nội địa quốc gia và đường thủy nội địa địa phương;

d) Cảng, bến, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy nội địa quốc gia;

đ) Cảng, bến, khu neo đậu khác do Bộ Giao thông vận tải quyết định.

2. Phạm vi quản lý của Cảng vụ đường thuỷ nội địa trực thuộc cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải (sau đây viết tắt là Sở) thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm các cảng, bến (trừ bến khách ngang sông), khu neo đậu đã được công bố, cấp phép hoạt động, cụ thể như sau:

a) Cảng, bến, khu neo đậu trên đường thuỷ nội địa địa phương;

b) Cảng, bến, khu neo đậu trên đường thuỷ nội địa chuyên dùng nối với đường thuỷ nội địa địa phương;

c) Cảng, bến, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy nội địa địa phương;

d) Cảng, bến, khu neo đậu khác do Bộ Giao thông vận tải quyết định.

Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Quy định nơi neo đậu cho phương tiện thủy nội địa (sau đây viết tắt là phương tiện), tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài trong vùng nước cảng, bến, khu neo đậu.

2. Kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong phạm vi của cảng, bến, khu neo đậu đối với:

a) Phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài về an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường;

b) Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện và danh bạ thuyền viên;

c) Thiết bị xếp dỡ hàng hóa, người điều khiển thiết bị xếp dỡ hàng hóa theo quy định.

3. Cấp giấy phép, lệnh điều động hoặc không cấp phép vào, rời cảng, bến, khu neo đậu cho phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài vào, rời cảng, bến, khu neo đậu theo quy định của pháp luật.

4. Tiếp nhận và thông báo tình trạng luồng đường thủy nội địa cho thuyền viên, người lái phương tiện và tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi trách nhiệm.

5. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện những quy định của pháp luật về giao thông vận tải đường thủy nội địa.

6. Thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khác thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực cảng, bến, khu neo đậu;

b) Kiểm tra điều kiện an toàn đối với cảng, bến, khu neo đậu, luồng chuyên dùng vào cảng, bến, báo hiệu và các công trình khác có liên quan trong phạm vi cảng, bến, khu neo đậu;

c) Khi phát hiện có dấu hiệu mất an toàn kịp thời thông báo cho tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm xử lý;

d) Xác nhận việc khắc phục sự cố hoặc các nguy cơ gây mất an toàn đối với các cảng, bến, khu neo đậu đã được loại bỏ.

7. Công bố hạn chế giao thông trong vùng nước cảng, bến, khu neo đậu; thỏa thuận đối với hoạt động nạo vét cải tạo vùng nước cảng, bến, khu neo đậu; chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động sửa chữa, cải tạo nâng cấp và hoạt động khác trong vùng nước cảng, bến, khu neo đậu thuộc phạm vi quản lý.

8. Thực hiện công tác phòng, chống thiên tai; chủ trì hoặc phối hợp tổ chức tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng, bến, khu neo đậu theo thẩm quyền và quy định pháp luật; huy động lực lượng, phương tiện, tàu biển, tàu công vụ và các loại phương tiện khác trong khu vực cảng, bến, khu neo đậu để tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp theo quy định.

9. Kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng, bến, khu neo đậu và phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài theo quy định.

10. Thẩm định hồ sơ, báo cáo kết quả thẩm định để Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt đánh giá an ninh, kế hoạch an ninh và cấp giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài, xác nhận hàng năm giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa.

11. Theo dõi, giám sát việc xếp hàng hóa từ phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài lên cảng, bến và từ cảng, bến xuống phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài hoặc giữa các phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài trong vùng nước cảng, bến, khu neo đậu.

12. Xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật.

13. Thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về giao thông đường thủy nội địa của các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi trách nhiệm; xử phạt vi phạm hành chính; thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

14. Tham gia lập biên bản, kết luận nguyên nhân tai nạn, sự cố xảy ra trong vùng nước cảng, bến, khu neo đậu; yêu cầu các bên liên quan khắc phục hậu quả tai nạn, sự cố.

15. Cập nhật thông tin cảng, bến, khu neo đậu, phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài, hàng hóa, hành khách, xử phạt vi phạm hành chính vào cơ sở dữ liệu của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

16. Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, quy chuẩn, tiêu chuẩn cảng, bến, khu neo đậu khi có yêu cầu.

17. Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm trình cấp trên trực tiếp phê duyệt và tổ chức thực hiện.

18. Quản lý, sử dụng công chức, viên chức, người lao động, cơ sở vật chất, tài sản, tài chính được giao; thực hiện chế độ chính sách, thống kê, báo cáo theo phân cấp và quy định của pháp luật.

19. Thực hiện nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Giám đốc Sở giao.

 

Chương III

TỔ CHỨC CỦA CẢNG VỤ ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

Điều 5. Hệ thống tổ chức

1. Cảng vụ đường thuỷ nội địa trực thuộc Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam được tổ chức theo khu vực do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

2. Cảng vụ đường thuỷ nội địa trực thuộc Sở do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể theo đề nghị của Giám đốc Sở.

Điều 6. Nguyên tắc hoạt động

1. Tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa phải tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, Thông tư này, quy định khác của pháp luật có liên quan và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Cảng vụ đường thuỷ nội địa trực thuộc Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam.

3. Cảng vụ đường thuỷ nội địa trực thuộc Sở chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc Sở; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra và quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam.

Điều 7. Cơ cấu tổ chức

1. Các phòng chuyên môn nghiệp vụ:

a) Phòng Tổ chức - Hành chính;

b) Phòng Tài chính;

c) Phòng Pháp chế - Thanh tra;

d) Phòng Quản lý cảng, bến.

Trường hợp số lượng phòng chuyên môn nghiệp vụ ít hơn số lượng quy định tại Khoản này, Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam quyết định việc tổ chức lại các phòng cho phù hợp (đối với các Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải hoặc Sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định theo thẩm quyền (đối với Cảng vụ đường thủy nội địa thuộc Sở).

2. Đại diện Cảng vụ đường thuỷ nội địa

Đại diện Cảng vụ đường thuỷ nội địa thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến, khu neo đậu theo quy định, được sử dụng con dấu riêng.

Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Đại diện Cảng vụ đường thuỷ nội địa thuộc phạm vi quản lý theo đề nghị của Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa.

3. Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng chuyên môn nghiệp vụ; quy định chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý của Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa theo quy định.

Điều 8. Các chức danh lãnh đạo, quản lý  

1. Cảng vụ đường thủy nội địa có Giám đốc là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Giám đốc Sở và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa. Giúp việc Giám đốc có các Phó Giám đốc, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và pháp luật về nhiệm vụ được Giám đốc phân công.

2. Bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý tại Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam: Giám đốc do Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm; Phó Giám đốc, Kế toán trưởng do Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh khác thuộc Cảng vụ đường thủy nội địa thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

3. Bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý tại Cảng vụ đường thuỷ nội địa trực thuộc Sở: việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Cảng vụ đường thuỷ nội địa trực thuộc Sở thực hiện theo phân cấp quản lý các chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2021.

2. Bãi bỏ Thông tư số 83/2015/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa.

Điều 10. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với cảng, bến trong vùng nước cảng biển do các Cảng vụ đường thủy nội địa đang thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành tại cảng, bến thì tiếp tục thực hiện chức năng quản lý đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, chức năng quản lý chuyên ngành tại cảng, bến, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật liên quan.

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

1. Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. 

 

Bộ Giao thông vận tải

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Sang