Sign In

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH "QUY ĐỊNH VỀ KÊ KHAI ĐĂNG KÝ NHÀ Ở, ĐẤT Ở, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở TẠI ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI".

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND;
- Căn cứ Luật đất đai 1993;
- Căn cứ Nghị định 60/CP ngày 5/7/1994 và Nghị định 45/CP ngày 3/8/1996 về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị của Chính phủ;
- Căn cứ Chỉ thị 346/TTg ngày 5/7/1994 về việc tổ chức thực hiện các Nghị định của Chính phủ về "quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị" và "mua bán và kinh doanh nhà ở"; Chỉ thị số 191/TTg ngày 3/4/1996 về việc đẩy nhanh tiến độ bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị của Thủ tướng Chính phủ;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Địa chính Hà nội theo tờ trình số 462/TT-ĐC ngày 23 tháng 4 năm 1997,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. - Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về kê khai đăng ký nhà ở, đất ở, cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị Thành phố Hà nội".

Điều 2. - Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. - Chánh văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc Sở: Địa chính, Nhà đất, Tài chính vật giá; Kiến trúc sư trưởng Thành phố, Cục trưởng Cục thuế Hà nội; Chủ tịch UBND các quận, huyện; Thủ trưởng các Sở, ngành; Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở trên địa bàn Thành phố Hà nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

QUY ĐỊNH

VỀ KÊ KHAI ĐĂNG KÝ NHÀ Ở, ĐẤT Ở, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở TẠI ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo quyết định số: 3564/QĐ-UB ngày 16/9/1997 của ủy ban nhân dân Thành phố Hà nội).

Chương I:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. - Đất đô thị Hà nội là đất thuộc các phường, thị trấn và đất thuộc các xã trong vùng quy hoạch phát triển đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 2. - Nhà ở, đất ở của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân ở khu vực đô thị đều phải kê khai đăng ký quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại UBND phường, thị trấn, xã sở tại (sau đây gọi là UBND cấp phường) để được xét và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Giấy chứng nhận này thay thế các loại giấy tờ về nhà, đất đã được cấp trước đây.

Thời hạn kê khai đăng ký nhà ở, đất ở: Hoàn thành trước ngày 30/12/1998. Sau thời hạn này, nếu các chủ sở hữu nhà ở, sư dụng đất ở không kê khai đăng ký thì các Giấy tờ gốc liên quan về nhà ở, đất ở trước đây sẽ không có giá trị trong việc thực hiện các quyền lợi theo pháp luật quy định (chuyển nhượng, thế chấp...).

Điều 3. - Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà ở và đất ở mà Nhà nước đang quản lý do trước đây thực hiện chính sách cải tạo XHCN về nhà, đất hoặc đã giao cho người khác sử dụng do thực hiện các chính sách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 4. - Các trường hợp sau đây được xét cấp ngay Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở:

1/ Người đang sử dụng nhà ở, đất ở có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ (được vận dụng theo các quy định tại văn bản số 647/CV-ĐC ngày 31/5/1995 của Tổng cục Địa chính):

a/ Những giấy tờ về đất ở do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước VNDCCH và Nhà nước CHXHCNVN cấp gồm:

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất ở của Chủ tịch UBHC Thành phố cấp trong thời kỳ cải cách ruộng đất.

- Quyết định giao, cấp đất ở của UBND Thành phố (theo Nghị quyết 125/CP ngày 28/6/1971, Nghị định 47/CP ngày 15/3/1972, quyết định 201/CP ngày 1/7/1980, Luật đất đai năm 1988, Luật đất đai năm 1993) hoặc quyết định giao, cấp đất ở của UBND quận, huyện, cơ quan Nhà, Đất, Xây dựng cấp Thành phố theo ủy quyền của UBND Thành phố từ trước khi có Luật đất đai năm 1993.

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính thức hoặc tạm thời do UBND Thành phố cấp hoặc do UBND quận, huyện cấp theo ủy quyền của UBND Thành phố.

- Đất ở đang sử dụng và đã được đăng ký vào Sổ Địa chính theo quy định của Nhà nước.

- Giấy tờ về quyền sở hữu nhà theo quy định của Thông tư 47/BXD-XDCBĐT ngày 5/8/1989 và Thông tư 02/BXD-ĐT ngày 29/4/1992 của Bộ Xây dựng đến trước ngày 5/7/1994 mà trong giá nhà đã tính cả giá đất ở của nhà đó.

- Giấy tờ của HTX sản xuất nông nghiệp cấp đất ở cho gia đình xã viên của HTX từ trước ngày 28/6/1971.

- Giấy tờ mua bán đất ở từ trước khi có quyết định số 201/CP ngày 1/7/1980 được chính quyền cấp Phường xác nhận nhà đất đó có nguồn gốc hợp pháp.

- Giấy tờ về thừa kế, cho tặng, nhà đất không có tranh chấp và được chính quyền cấp phường xác nhận nhà đất đó có nguồn gốc hợp pháp.

- Bản án có hiệu lực thi hành của Tòa án về việc giải quyết tranh chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

b/ Chủ sử dụng đất, sở hữu nhà có những giấy tờ sau đây về đất ở do cơ quan có thẩm quyền của chế độ cũ cấp, hiện đang sử dụng nhà đất đó, nhà đất không có tranh chấp, không thuộc diện đã giao cho người khác sử dụng do thực hiện các chính sách của Nhà nước VNDCCH, Nhà nước CHXHCNVN:

- Bằng khoán điền thổ.

- Trích lục, trích sao bản đồ điền thổ, bản đồ phân triết thửa, chứng thực đoạn mại đã thị thực, đăng điền, sang tên tại Văn phòng Trưởng khế, Ty Điền địa, Nha trước bạ.

- Giấy tờ mua bán sang nhượng đất ở có nguồn gốc hợp pháp được Chính quyền đương thời các cấp xác nhận.

- Đơn xin thuê đất ở của Nhà nước được Chính quyền đương thời xác nhận.

- Giấy của Ty Điền địa chính chứng nhận đất ở do chính quyền cũ cấp.

Người sở hữu nhà, sử dụng đất có giấy tờ hợp lệ trên là chính chủ, khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở phải nộp lệ phí cấp Giấy chứng nhận và thuế nhà đất.

2/ Hộ gia đình, cá nhân được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phân đất để tự xây dựng nhà ở trước ngày 5/7/1994, diện tích không vượt qúa mức quy định của Thành phố (có quyết định giao đất của UBND Thành phố và giấy phép xây dựng nhà ở cho cơ quan, đơn vị), nếu người sử dụng đất đã hoàn thành nghĩa vụ nộp các khoản theo quy định hiện hành tại thời điểm giao đất thì được coi là đất ở có giấy tờ hợp lệ. Khi được xét cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở phải nộp lệ phí trước bạ (trừ các trường hợp đã nộp tiền sử dụng đất), lệ phí cấp giấy chứng nhận, thuế nhà đất. Nếu diện tích đất ở được phân vượt qúa quy định của Thành phố thì phải được xem xét xử lý.

3/ Nhà ở mua của các đơn vị có tư cách pháp nhân được UBND Thành phố giao đất làm nhà bán, đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách theo quy định (lệ phí trước bạ, các khoản nghĩa vụ phải nộp ngân sách của đơn vị bán nhà), khi được xét cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, chủ nhà đất phải nộp lệ phí cấp Giấy chứng nhận và thuế nhà đất.

4/ Nhà ở hợp pháp là nhà ở có Giấy phép xây dựng hoặc xây dựng trước ngày 30/10/1987 (đối với các xã ngoại thành đã chuyển thành phường thì tính từ thời điểm thành lập phường), không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch, có xác nhận của UBND cấp phường.

Nếu chủ nhà không có hoặc có giấy tờ về nhà đất kể trên nhưng không đúng tên chủ đang sử dụng thì phải có giấy tờ kèm theo như: Giấy tờ mua bán nhà, các giấy tờ liên quan đến thừa kế, chia, nhận qùa tặng... Nếu đất ở có nguồn gốc hợp pháp, khi xét cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, các đối tượng này phải nộp lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất (nếu mua bán nhà đất sau ngày 1/7/1994), lệ phí cấp Giấy chứng nhận, thuế nhà đất.

Điều 5. - Các trường hợp được xem xét xử lý trước khi cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở:

1/ Đối với nhà ở xây dựng không phép và sai phép sau ngày 30/10/1987, Nếu có giấy tờ hợp lệ về đất ở theo quy định tại khoản 1 Điều 4, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch, thì được xem xét cấp Giấy chứng nhận, nhưng phải chịu xử lý theo quy định của UBND Thành phố thực hiện Nghị định 48/CP ngày 5/5/1997 của Chính phủ.

2/ Nếu chủ nhà có giấy phép xây dựng trên đất không có giấy tờ hợp lệ, nhưng phù hợp với quy hoạch là đất ở, không có tranh chấp, nhà đất đang được sử dụng ổn định thì chủ nhà đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Căn cứ vào thời điểm sử dụng đất được UBND phường xác nhận, người được cấp Giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất ở như sau:

a/ Người sử dụng đất ở ổn định trước ngày 18/12/1980 phải nộp lệ phí trước bạ, lệ phí cấp GCN và thuế nhà đất, không phải nộp tiền sử dụng đất.

b/ Người sử dụng đất ở ổn định từ 18/12/1980 đến 15/10/1993 phải nộp 20% tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ (phần nhà), lệ phí cấp GCN và thuế nhà đất.

c/ Người sử dụng đất ở từ ngày 15/10/1993, không đủ giấy tờ hợp lệ phải nộp 100% tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ (phần nhà), lệ phí cấp GCN và thuế nhà đất.

- Không truy thu, truy hoàn đối với các trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Điều 6. - Mọi trường hợp có tranh chấp, khiếu nại thì việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở chỉ được giải quyết sau khi đã được Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết xong theo quy định của pháp luật.

- Nếu nhà ở xây dựng vi phạm quy hoạch, không có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất thì chủ nhà không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; đồng thời phải thực hiện lệnh giải tỏa nhà và lệnh thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 7. - Mẫu Giấy chứng nhận: Người sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở được UBND Thành phố cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo mẫu quy định tại Nghị định 60/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ.

Chương II:

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KÊ KHAI ĐĂNG KÝ XÉT CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở

Điều 8. - UBND cấp phường hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc kê khai đăng ký nhà ở và đất ở trình cấp có thẩm quyền xét cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Điều 9. - Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nộp tại UBND cấp phường, gồm:

1. Tờ khai đăng ký nhà ở và đất ở (theo mẫu).

2. Đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (theo mẫu).

3. Sơ đồ thửa đất được chủ sử dụng đất và các chủ liền kề ký, được UBND cấp phường xác nhận (theo mẫu).

4. Bản sao các giấy tờ có liên quan về nhà ở, đất ở.

5. Bản sao các giấy tờ có liên quan tới việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với đất ở, nhà ở (nếu có).

Với các trường hợp có giấy tờ địa bạ gốc (hồ sơ sở Nhà đất đang quản lý) thì được thực hiện theo Điều 11.

Điều 10. - Tổ chức phân loại và xác nhận hồ sơ kê khai đăng ký nhà ở, đất ở tại cấp phường:

UBND cấp phường thành lập Hội đồng đăng ký nhà ở, đất ở cấp phường theo Điều 18 của Quy định này để xét và phân loại hồ sơ. Biên bản xét duyệt phải có đủ chữ ký của các thành viên trong Hội đồng. Việc phân loại hồ sơ như sau:

1/ Với các hồ sơ có đủ điều kiện theo Điều 4 của Quy định này thì Chủ tịch UBND phường lập danh sách kèm theo hồ sơ kê khai đăng ký và chuyển Sở Địa chính. Nếu chủ sử dụng đất, sở hữu nhà ở có đủ các giấy tờ hợp lệ về nhà ở, đất ở cũng có thể nộp trực tiếp hồ sơ tại Sở Địa chính (theo Điều 11) để thẩm định trình UBND Thành phố xét cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở mà không cần nộp qua Hội đồng cấp phường.

2/ với các hồ sơ không đủ điều kiện theo Điều 4 của Quy định này thì Hội đồng đăng ký nhà ở, đất ở cấp phường phải niêm yết công khai kết qủa xét tại trụ sở UBND phường trong thời gian 10 ngày và thông báo cho nhân dân trong địa phương biết. Các trường hợp khiếu nại, Hội đồng đăng ký nhà ở, đất ở cấp phường phải tổ chức thẩm tra, xác minh và lập biên bản.

Căn cứ kết luận của Hội đồng cấp phường, Chủ tịch UBND cấp phường lập hồ sơ trình UBND quận, huyện (sau đây gọi là UBND cấp quận) xét duyệt. Hồ sơ gồm có:

a/ Tờ trình của Chủ tịch UBND cấp phường đề nghị xét duyệt cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

b/ Danh sách và hồ sơ đăng ký của các trường hợp chưa đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sở dụng đất ở, đề xuất hướng xử lý.

c/ Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký nhà ở, đất ở cấp phường và ý kiến thẩm định của tổ chuyên viên liên ngành: Địa chính, Nhà đất, Cục Thuế, Kiến trúc sư trưởng Thành phố và phòng Địa chính quận.

Điều 11. - Các trường hợp có giấy tờ hợp lệ về nhà đất theo Điều 4 của bản Quy định này được cấp ngay Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở thay cho giấy tờ cũ. Chủ sở hữu nhà và sử dụng đất có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại Sở Địa chính. Hồ sơ gồm:

- Tờ khai đăng ký nhà ở, đất ở (theo mẫu).

- Đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (theo mẫu).

- Bản gốc các giấy tờ liên quan về đất ở, nhà ở, trích lục bản đồ.

Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Địa chính có trách nhiệm phối hợp với Sở Nhà đất thẩm định hồ sơ trình UBND Thành phố cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Điều 12. - Tổ chức xét duyệt hồ sơ ở cấp quận:

- Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ của Chủ tịch UBND cấp phường, Hội đồng cấp quận có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Hội đồng cấp quận được thành lập theo Điều 19 của Quy định này, có trách nhiệm giúp UBND cấp quận kiểm tra, thẩm định và xét duyệt hồ sơ cấp Giấy chứng nhận do Chủ tịch UBND cấp phường chuyển lên.

- Sau khi xét duyệt, Chủ tịch UBND cấp quận lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở chuyển Sở Địa chính để thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt. Hồ sơ gồm có:

a/ Biên bản kiểm tra, thẩm định của Hội đồng xét duyệt cấp Giấy chứng nhận cấp quận.

b/ Tờ trình của Chủ tịch UBND cấp quận cho các trường hợp đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

c/ Toàn bộ hồ sơ kê khai đăng ký, xét duyệt của cấp phường.

Điều 13. - Tổ chức xét cấp Giấy chứng nhận ở Thành phố: Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo từng đợt của UBND cấp quận, Sở Địa chính thẩm định, trình UBND Thành phố xét cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Điều 14. - Tổ chức giao Giấy chứng nhận:

1/ Căn cứ quyết định của UBND Thành phố, UBND cấp phường thông báo cho người đã được xét cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở biết về nghĩa vụ tài chính phải thực hiện trước khi được giao Giấy chứng nhận.

2/ UBND quận phối hợp với Cục Thuế Hà nội, Kho bạc nhà nước Thành phố và Sở Địa chính, tổ chức thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận và các khoản thu khác theo quy định. Địa điểm thu tại địa bàn cấp phường.

3/ Sau khi người sử dụng đất đã hoàn thành nghĩa vụ về tài chính, UBND cấp quận phối hợp với Sở Địa chính giao Giấy chứng nhận (bản nền hồng) cho chủ sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở; đồng thời thu các giấy tờ gốc về nhà đất để quản lý. Sở Địa chính và Sở Nhà đất lưu giữ mỗi Sở một Giấy chứng nhận (bản nền xanh).

4/ Sở Địa chính hướng dẫn UBND phường lập hồ sơ địa chính gồm: - Bản đồ địa chính : 03 bộ. - Sổ địa chính: 03 bộ. - Sổ mục kê: 03 bộ. - Sổ theo dõi cấp Giấy chứng nhận: 01 bộ. - Biểu tổng hợp diện tích đất đai: 03 bộ.

Chương III:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. - Người đang sử dụng nhà ở, đất ở có trách nhiệm kê khai chính xác và đầy đủ nội dung về nguồn gốc nhà, đất. Mọi trường hợp kê khai không đúng sự thật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 16. - Mọi thành viên của Hội đồng các cấp và những người thừa hành nhiệm vụ nếu vì động cơ cá nhân, tư lợi, thiếu tinh thần trách nhiệm mà làm sai lệch hồ sơ, thì tùy theo mức độ nặng nhẹ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 17. - Trong qúa trình tổ chức thực hiện kê khai đăng ký, xét duyệt cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, mọi đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp nào thì cấp đó phải tổ chức thanh tra, thông báo kết luận giải quyết khiếu nại cho đương sự và có văn bản báo cáo cấp trên. Việc giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định của Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân và Luật đất đai.

Điều 18. - UBND cấp phường thành lập Hội đồng đăng ký nhà ở, đất ở do Chủ tịch UBND cấp phường là Chủ tịch Hội đồng; Thành phần Hội đồng gồm:

1. Cán bộ Địa chính cấp phường: ủy viên thường trực 2. Đại diện lãnh đạo Mặt trận TQ cấp phường: ủy viên 3. Trưởng công an cấp phường: ủy viên 4. Tổ trưởng (cụm trưởng) dân phố: ủy viên.

(khi xét duyệt hồ sơ của khu vực nào thì tổ trưởng hoặc cụm trưởng dân phố khu vực đó được mời tham gia ủy viên Hội đồng).

Hội đồng có trách nhiệm giúp UBND cấp phường xác nhận và phân loại từng hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận. Đối với những trường hợp vi phạm Luật đất đai, Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị và quản lý trật tự xây dựng đô thị, Hội đồng phải có kiến nghị về hình thức xử lý.

Điều 19. - UBND cấp quận thành lập Hội đồng xét duyệt hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở do Chủ tịch UBND cấp quận là Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch UBND phụ trách nhà đất là phó Chủ tịch Hội đồng; Thành viên Hội đồng gồm:

1. Trưởng phòng Địa chính cấp quận: ủy viên thường trực 2. Đại diện lãnh đạo Liên đoàn lao động cấp quận: ủy viên, 3. Đại diện lãnh đạo Mặt trận TQ cấp quận: ủy viên, 4. Trưởng phòng Xây dựng cấp quận: ủy viên, 5. Đại diện Cục Thuế Hà nội: ủy viên, 6. Đại diện Sở Địa chính: ủy viên, 7. Đại diện Sở Nhà đất: ủy viên, 8. Đại diện KTST Thành phố: ủy viên, 9. Đại diện Sở Tài chính - Vật giá: ủy viên, 10. Chủ tịch UBND cấp phường: ủy viên. (khi xét duyệt hồ sơ của phường nào thì Chủ tịch UBND phường đó được mời tham gia ủy viên Hội đồng).

Hội đồng cấp quận có trách nhiệm giúp UBND cấp quận thẩm định, xét duyệt hồ sơ và công bố công khai:

- Các trường hợp được đề nghị thành phố cấp Giấy chứng nhận.

- Các trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện và những vấn đề còn phải bổ xung hoặc xử lý.

- Các trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận.

Điều 20. - Các Sở: Địa chính, Nhà đất, Tài chính vật giá; Cục Thuế Hà nội, Kiến trúc sư trưởng Thành phố có trách nhiệm cử chuyên viên tham gia tổ thẩm định liên ngành do Sở Địa chính chủ trì để trực tiếp thẩm định ngay nội dung kê khai đăng ký và xét duyệt của cấp phường; đồng thời cử đại diện tham gia Hội đồng xét duyệt của cấp quận.

Điều 21. - Trách nhiệm của UBND cấp quận và cấp phường: UBND cấp quận có trách nhiệm lập kế hoạch triển khai, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc UBND cấp phường trong qúa trình tổ chức thực hiện; phối hợp với các ngành của Thành phố thành lập Hội đồng xét duyệt hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở cấp quận.

UBND cấp phường có trách nhiệm tổ chức việc kê khai đăng ký đảm bảo đầy đủ nội dung hồ sơ kê khai, tiếp nhận, phân loại và xác nhận tính chính xác của hồ sơ theo đúng quy định.

Điều 22. - Sở Địa chính là cơ quan chủ trì phối hợp với Sở Nhà đất, Kiến trúc sư trưởng Thành phố, Cục Thuế Hà Nội và các ngành liên quan triển khai, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ giúp UBND cấp quận, cấp phường thực hiện Quy định này.

UBND thành phố Hà Nội

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Hoàng Văn Nghiên