• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 25/11/2014
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 32/2014/TT-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 9 tháng 10 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định về trình tự xây dựng, áp dụng Biểu giá chi phí tránh được và

 ban hành Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các nhà máy thủy điện nhỏ

______________________

 

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về trình tự xây dựng, áp dụng Biểu giá chi phí tránh được và ban hành Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các nhà máy thủy điện nhỏ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về trình tự xây dựng, áp dụng Biểu giá chi phí tránh được và ban hành Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các nhà máy thủy điện nhỏ, đấu nối với lưới điện quốc gia.

Các nhà máy điện nhỏ sử dụng nguồn Năng lượng tái tạo chưa có cơ chế giá điện riêng được Thủ tướng Chính phủ quy định, được áp dụng theo cơ chế quy định tại Thông tư này khi đấu nối với lưới điện quốc gia.

2. Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

a) Các tổ chức, cá nhân mua, bán điện từ các nhà máy điện nhỏ quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bên bán là tổ chức, cá nhân có giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện sở hữu nhà máy thủy điện nhỏ.

2. Bên mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị phân phối điện có giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ điện, có lưới điện mà các nhà máy thủy điện nhỏ sẽ đấu nối để mua điện với Bên bán.

3. Biểu giá chi phí tránh được là biểu giá được tính toán căn cứ vào các chi phí tránh được của hệ thống điện quốc gia khi có 01 (một) kWh công suất phát từ nhà máy thủy điện nhỏ được phát lên lưới điện phân phối.

4. Chi phí tránh được là chi phí sản xuất 01 (một) kWh của tổ máy phát có chi phí cao nhất trong hệ thống điện quốc gia, chi phí này có thể tránh được nếu Bên mua mua 01kWh từ một nhà máy thủy điện nhỏ thay thế.

5. Điện năng dư là toàn bộ lượng điện năng sản xuất trong mùa mưa vượt quá lượng điện năng với hệ số phụ tải trong mùa mưa là 0,85.

6. Điện năng trên thanh cái là toàn bộ điện năng sản xuất trừ đi lượng điện tự dùng bên trong phạm vi nhà máy.

7. Hệ số phụ tải là tỷ số giữa lượng điện năng sản xuất thực tế với lượng điện năng có thể sản xuất ở chế độ vận hành 100% công suất định mức trong một khoảng thời gian nhất định (năm, mùa, tháng, ngày).

8. Hợp đồng mua bán điện mẫu là hợp đồng mua bán điện áp dụng cho việc mua bán điện của các nhà máy thủy điện nhỏ áp dụng Biểu giá chi phí tránh được quy định tại Phụ lục IV Thông tư này.

9. Mùa mưa được tính từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 31 tháng 10.

10. Mùa khô được tính từ ngày 01 tháng 11 đến ngày 30 tháng 6 năm sau.

11. Năm lấy số liệu tính toán biểu giá áp dụng cho năm N được tính từ ngày 01 tháng 7 của năm (N-2) tới ngày 30 tháng 6 của năm (N-1).

12. Năng lượng tái tạo là năng lượng được sản xuất từ thủy điện nhỏ, gió, mặt trời, địa nhiệt, thủy triều, sinh khối, đốt chất thải rắn trực tiếp, khí chôn lấp rác thải, khí của nhà máy xử lý rác thải và khí sinh học.

Chương II

XÂY DỰNG, PHÊ DUYỆT, THỰC HIỆN

 BIỂU GIÁ CHI PHÍ TRÁNH ĐƯỢC

Điều 3. Cấu trúc Biểu giá chi phí tránh được

1. Biểu giá chi phí tránh được (chưa bao gồm thuế tài nguyên nước, tiền dịch vụ môi trường rừng và thuế giá trị gia tăng) được tính theo thời gian sử dụng trong ngày và các mùa trong năm được quy định chi tiết tại Bảng 1 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, bao gồm 07 ( bảy) thành phần như sau:

a) Giờ cao điểm mùa khô;

b) Giờ bình thường mùa khô;

c) Giờ thấp điểm mùa khô;

d) Giờ cao điểm mùa mưa;

đ) Giờ bình thường mùa mưa;

e) Giờ thấp điểm mùa mưa;

g) Điện năng dư.

2. Các chi phí tương ứng với 07 ( bảy) thành phần biểu giá bao gồm:

a) Chi phí điện năng phát điện tránh được;

b) Chi phí tổn thất truyền tải tránh được;

c) Chi phí công suất phát điện tránh được (chỉ áp dụng trong thời gian cao điểm của mùa khô).

3. Thời gian sử dụng điện trong ngày áp dụng cho Biểu giá chi phí tránh được phù hợp với quy định trong biểu giá bán lẻ điện hiện hành.

Đối với các khu vực nối lưới điện với nước ngoài, khu vực có quá tải đường dây (truyền tải điện), các nhà máy thủy điện trên cùng bậc thang, Bên mua và Bên bán thỏa thuận thời gian áp dụng giá giờ cao điểm theo nguyên tắc đảm bảo đủ số giờ cao điểm theo quy định.

Điều 4. Trình tự xây dựng, phê duyệt và công bố Biểu giá chi phí tránh được

1. Biểu giá chi phí tránh được được xây dựng và công bố hàng năm.

2. Trước ngày 31 tháng 10 hàng năm, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bên mua, Bên bán và các nhà máy điện khác để cập nhật cơ sở dữ liệu, thực hiện tính toán, lập Biểu giá chi phí tránh được cho năm kế tiếp theo phương pháp quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, trình Cục Điều tiết điện lực.

3. Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm:

a) Thẩm định các thông số đầu vào, kết quả tính toán Biểu giá chi phí tránh được hàng năm do Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện lập. Trường hợp cần thiết, có thể mời các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia thẩm định;

b) Nghiên cứu, đề xuất và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định Biểu giá chi phí tránh được ở mức hợp lý nhằm khuyến khích sản xuất điện từ Năng lượng tái tạo, đồng thời đảm bảo Biểu giá chi phí tránh được phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn;

c) Công bố Biểu giá chi phí tránh được.

4. Trong thời hạn 02 (hai) ngày kể từ ngày Biểu giá chi phí tránh được được ban hành, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm công bố Biểu giá chi phí tránh được cho năm tiếp theo trên trang thông tin điện tử của Cục Điều tiết điện lực và của Bộ Công Thương.

5. Trong trường hợp Biểu giá chi phí tránh được chưa được công bố đúng thời hạn, được phép tạm thời áp dụng Biểu giá chi phí tránh được của năm trước cho đến khi Biểu giá chi phí tránh được mới được công bố. Phần chênh lệch do thanh toán theo Biểu giá chi phí tránh được cũ và Biểu giá chi phí tránh được mới sẽ được các bên hoàn lại trong lần thanh toán đầu tiên áp dụng Biểu giá chi phí tránh được mới.

Điều 5. Cơ chế chia sẻ rủi ro

1. Bên bán khi ký Hợp đồng mua bán điện với Bên mua sử dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu có quyền lựa chọn việc áp dụng biểu giá theo cơ chế chia sẻ rủi ro quy định trong Hợp đồng mua bán điện mẫu.

2. Cơ chế chia sẻ rủi ro là cơ chế áp dụng Biểu giá chi phí tránh được công bố hàng năm cùng với các mức giá sàn và giá trần xác định trước từ Biểu giá chi phí tránh được của năm ký Hợp đồng mua bán điện. Giá bán điện của các năm sau khi ký hợp đồng sẽ bằng giá chi phí tránh được áp dụng cho năm đó nếu giá đó nằm trong khoảng giữa giá sàn và giá trần. Nếu giá chi phí tránh được của năm đó cao hơn giá trần thì sẽ áp dụng giá trần và nếu giá chi phí tránh được năm đó thấp hơn giá sàn thì sẽ áp dụng giá sàn trong thanh toán tiền điện đã phát được.

3. Giá sàn của từng thành phần của biểu giá được tính bằng 90% giá của thành phần đó trong Biểu giá chi phí tránh được áp dụng cho năm ký Hợp đồng mua bán điện.

4. Giá trần của từng thành phần của biểu giá được tính bằng 110% giá của thành phần đó trong Biểu giá chi phí tránh được áp dụng cho năm ký Hợp đồng mua bán điện.

5. Thời hạn áp dụng tối đa biểu giá với cơ chế chia sẻ rủi ro là 12 (mười hai) năm kể từ năm ký Hợp đồng mua bán điện. Bên bán có thể lựa chọn thời hạn áp dụng ngắn hơn. Sau thời hạn áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro, giá dùng trong thanh toán tiền điện từ Hợp đồng mua bán điện là giá chi phí tránh được được công bố áp dụng cho từng năm.

6. Khi áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro, trong Hợp đồng mua bán điện cần quy định cụ thể Biểu giá chi phí tránh được của năm ký Hợp đồng mua bán điện, thời hạn áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro, giá sàn và giá trần tương ứng với từng thành phần của biểu giá theo cơ chế chia sẻ rủi ro quy định tại Bảng 2 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Trách nhiệm đấu nối

1. Bên bán chịu trách nhiệm đầu tư, vận hành và bảo dưỡng đường dây và trạm biến áp tăng áp (nếu có) từ nhà máy điện của Bên bán đến điểm đấu nối với lưới điện của Bên mua.

2. Điểm đấu nối do Bên bán và Bên mua thỏa thuận theo nguyên tắc là điểm đấu nối gần nhất vào lưới điện hiện có của Bên mua, đảm bảo truyền tải công suất nhà máy điện của Bên bán, phù hợp với quy hoạch lưới điện được duyệt.

3. Trường hợp điểm đấu nối khác với điểm đặt thiết bị đo đếm, Bên bán chịu phần tổn thất điện năng trên đường dây đấu nối và tổn thất máy biến áp tăng áp của nhà máy. Phương pháp tính toán tổn thất trên đường dây đấu nối được thực hiện theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Điều kiện áp dụng Biểu giá chi phí tránh được đối với Bên bán

Bên bán điện được áp dụng Biểu giá chi phí tránh được khi đáp ứng một trong các điều kiện sau:

1. Công suất đặt của nhà máy nhỏ hơn hoặc bằng 30 MW và toàn bộ điện năng được sản xuất từ Năng lượng tái tạo.

2. Bên bán có nhiều nhà máy thủy điện bậc thang trên cùng một dòng sông được áp dụng Biểu giá chi phí tránh được cho cụm thủy điện bậc thang khi tổng công suất đặt của các nhà máy này nhỏ hơn hoặc bằng 60 MW. Trường hợp cụm thủy điện bậc thang có nhà máy thủy điện có công suất lớn hơn 30 MW được đưa vào vận hành đầu tiên, Bên bán được áp dụng Biểu giá chi phí tránh được cho cụm thủy điện bậc thang khi nhà máy thủy điện tiếp theo vận hành thương mại.

Điều 8. Áp dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu

1. Việc sử dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu là bắt buộc trong mua bán điện áp dụng Biểu giá chi phí tránh được giữa nhà máy điện đủ điều kiện với Bên mua.

2. Hợp đồng mua bán điện được ký trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực tiếp tục có hiệu lực theo thời hạn ghi trong hợp đồng. Bên bán và Bên mua có thể thỏa thuận để chuyển sang áp dụng Biểu giá chi phí tránh được và Hợp đồng mua bán điện mẫu thay cho Hợp đồng mua bán điện đã ký.

Điều 9. Điều kiện tham gia thị trường điện

1. Bên bán sở hữu nhà máy thủy điện nhỏ thuộc phạm vi và đối tượng áp dụng của Thông tư này nếu đấu nối vào lưới điện từ cấp điện áp 110 kV trở lên có quyền lựa chọn để nhà máy tham gia thị trường điện.

2. Điều kiện tham gia thị trường điện:

a) Đấu nối vào lưới điện từ 110 kV trở lên;

b) Trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng tham gia thị trường điện theo quy định;

c) Cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định của thị trường điện, ký hợp đồng mua bán điện phù hợp với các quy định của thị trường điện theo mẫu do Bộ Công Thương ban hành áp dụng cho các nhà máy tham gia thị trường điện;

d) Khi lựa chọn tham gia thị trường điện, Bên bán không được lựa chọn lại việc áp dụng Biểu giá chi phí tránh được và Hợp đồng mua bán điện mẫu;

đ) Trường hợp Bên bán đang áp dụng Biểu giá chi phí tránh được và đã ký Hợp đồng mua bán điện mẫu thì Bên bán ký Thỏa thuận với Bên mua chấm dứt và thanh lý Hợp đồng trước thời hạn theo đúng các quy định trong Hợp đồng đã ký kết giữa hai bên và các quy định có liên quan do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Trách nhiệm của Cục Điều tiết điện lực

1. Chỉ đạo Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện lập Biểu giá chi phí tránh được hàng năm theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này để bảo đảm công bố biểu giá đúng thời hạn.

2. Chỉ định các nhà máy nhiệt điện cung cấp các số liệu cần thiết phục vụ yêu cầu lập Biểu giá chi phí tránh được cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

3. Lựa chọn nhà máy nhiệt điện được thay thế căn cứ Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia trong từng giai đoạn trên cơ sở chi phí hợp lý về đầu tư, bảo dưỡng và vận hành; thông báo Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện làm căn cứ thực hiện tính toán giá công suất tránh được theo quy định tại khoản 3 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Thẩm định, trình Bộ Công Thương xem xét, quyết định Biểu giá chi phí tránh được hàng năm; công bố Biểu giá chi phí tránh được hàng năm.

5. Bảo mật các thông tin liên quan đến chi phí của nhà máy điện dùng để tính Biểu giá chi phí tránh được.

6. Phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Tổng cục Năng lượng và các đơn vị liên quan, kiểm tra, giám sát các đơn vị phát điện trong việc thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về quản lý chất lượng công trình, an toàn đập, trồng rừng thay thế, quy trình vận hành hồ chứa, dịch vụ môi trường rừng và các yêu cầu về môi trường khác.

7. Hướng dẫn tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 11. Trách nhiệm của Bên bán

1. Thỏa thuận, ký kết hợp đồng với Bên mua theo Hợp đồng mua bán điện mẫu và theo Biểu giá chi phí tránh được.

2. Lắp đặt công tơ 3 giá phù hợp với các quy định hiện hành để đo đếm điện năng sử dụng cho thanh toán tiền điện.

3. Bán toàn bộ lượng điện năng trên thanh cái của nhà máy cho Bên mua khi áp dụng Biểu giá chi phí tránh được. Trường hợp vì mục đích cung cấp điện cho các làng, xã chưa có điện lân cận nhà máy điện theo đề nghị của chính quyền địa phương, Bên bán được bán một phần sản lượng với giá thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật cho đơn vị phân phối điện tại địa phương nhưng phải thỏa thuận trước bằng văn bản với Bên mua.

4. Gửi 01 bản Hợp đồng mua bán điện đã ký về Cục Điều tiết điện lực chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ký.

5. Tuân thủ quy định vận hành hệ thống điện, quy định hệ thống điện truyền tải, hệ thống điện phân phối do Bộ Công Thương ban hành.

6. Định kỳ vào tháng cuối cùng hàng quý, Bên bán có trách nhiệm báo cáo Cục Điều tiết điện lực về tình hình thực hiện nộp tiền dịch vụ môi trường rừng của quý liền kề trước đó.

7. Định kỳ hàng quý, hàng năm theo quy định, báo cáo Cục Điều tiết điện lực bằng văn bản về việc thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về quản lý chất lượng công trình, an toàn đập, trồng rừng thay thế, quy trình vận hành hồ chứa, dịch vụ môi trường rừng và các yêu cầu về môi trường khác.

Điều 12. Trách nhiệm của Bên mua

1. Thỏa thuận, ký kết hợp đồng với Bên bán theo Hợp đồng mua bán điện mẫu và theo Biểu giá chi phí tránh được nếu Bên bán đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 7 Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan khác.

2. Mua toàn bộ lượng điện năng Bên bán phát lên lưới theo khả năng truyền tải của lưới điện, trừ phần điện năng bán cho đơn vị phân phối điện tại địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư này.

3. Tuân thủ quy định vận hành hệ thống điện, quy định hệ thống điện truyền tải, hệ thống điện phân phối do Bộ Công Thương ban hành.

4. Gửi Cục Điều tiết điện lực báo cáo kết quả thỏa thuận với Bên bán trong trường hợp thay đổi thời gian áp dụng giá giờ cao điểm theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày thỏa thuận với Bên bán.

5. Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Tổng công ty điện lực có trách nhiệm xây dựng phương án xử lý tình trạng quá tải đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này.

Điều 13. Trách nhiệm của các đơn vị điện lực khác

1. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm lập Biểu giá chi phí tránh được hàng năm và bảo mật thông tin liên quan đến chi phí của nhà máy điện dùng để tính Biểu giá chi phí tránh được.

2. Các nhà máy nhiệt điện được Cục Điều tiết điện lực chỉ định có trách nhiệm cung cấp các số liệu cần thiết phục vụ yêu cầu tính Biểu giá chi phí tránh được cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2014, thay thế Quyết định số 18/2008/QĐ-BCT ngày 18 tháng 7 năm 2008 của Bộ Công Thương quy định về Biểu giá chi phí tránh được và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các nhà máy thủy điện nhỏ.

2. Đối với các hợp đồng mua bán điện được ký trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực, hai bên có trách nhiệm thỏa thuận, ký kết phụ lục sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện về việc Bên mua có trách nhiệm thanh toán cho Bên bán thuế tài nguyên nước, thuế giá trị gia tăng và tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định hiện hành.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đơn vị có liên quan có trách nhiệm phản ánh về Bộ Công Thương để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.


 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Quốc Hưng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.