Sign In

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng dạy

và học nghề đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa,

hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai

_____________________


 

  Công tác đào tạo nghề là một nội dung quan trọng trong việc bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm bảo đảm yêu cầu giải quyết việc làm cho người lao động trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

  Trong những năm qua, công tác dạy nghề cho người lao động trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm và thu được một số kết quả đáng phấn khởi. Đến năm 2009, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 34,3% so với tổng số lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 24,7%, tăng 7,25 % so với năm 2006, bình quân mỗi năm tăng hơn 2,5%. Tuy nhiên, so với yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn tỉnh Lào Cai thì tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp.

  Để đào tạo đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề đáp ứng được nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của các nhà máy, xí nghiệp và doanh nghiệp, tạo đà thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh, đồng thời thực hiện hiệu quả Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

  1. Các Sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác dạy nghề, học nghề; xây dựng cộng đồng trách nhiệm trong sự nghiệp phát triển đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

2.  Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở dạy nghề công lập hiện có của tỉnh từ nguồn ngân sách của tỉnh và chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo, trong đó tăng cường đầu tư cho các cơ sở đào tạo nghề trọng điểm để tăng quy mô đào tạo ít nhất mỗi năm đào tạo được 12.000 đến 13.000 người; đồng thời kêu gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho công tác dạy nghề, thực hiện tốt xã hội hoá công tác đào tạo nghề.

b) Chỉ đạo các Trung tâm đào tạo nghề tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, ngành nghề đào tạo phù hợp với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đổi mới phương pháp dạy và học nhằm phát huy năng lực của mỗi cá nhân, tăng cường tính chủ động tích cực học nghề của người lao động; xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, bảo đảm chuẩn hoá đội ngũ giáo viên dạy nghề theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

c) Chủ trì, phối hợp với các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, UBND các huyện, thành phố và các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo tinh thần Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

d) Phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện, thành phố kiện toàn hệ thống quản lý công tác dạy nghề từ tỉnh đến huyện, thành phố theo quy hoạch của tỉnh; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

e) Thông báo yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho người học nghề kiến tập, thực tập sản xuất trong quá trình học nghề và sử dụng lao động là người đã tốt nghiệp các khoá đào tạo nghề theo chương trình đào tạo nghề của tỉnh.

f) Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác dạy nghề ở các cấp, các ngành trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh cần quan tâm thực hiện tốt chính sách ưu đãi về dạy nghề, học nghề; tạo điều kiện cho người lao động thuộc diện chính sách, lao động bị mất đất sản xuất, diện người nghèo, người lao động ở vùng sâu, vùng xa, bộ đội xuất ngũ, ... vào học nghề. Khuyến khích phát triển các hình thức liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh với các trường đào tạo nghề của các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn để nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo đào tạo được nhiều nghề mới phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

4. Đề nghị các tổ chức đoàn thể: Tỉnh Đoàn thanh niên, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, ... hướng dẫn, tạo điều kiện cho các thành viên của tổ chức lựa chọn hình thức học nghề phù hợp; quan tâm giúp đỡ các thành viên trong quá trình học nghề và tìm việc làm; đồng thời xây dựng, tổ chức triển khai các chương trình, dự án và phối hợp trung tâm dạy nghề của ngành với trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể tỉnh; các doanh nghiệp; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Vịnh