Sign In

CHỈ THỊ

Về các giải pháp nhằm tăng cường quản lý  chất lượng

công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh

______________

Thời gian qua, các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh liên tục tăng về số lượng; nhiều công trình được đầu tư xây dựng với quy mô và giá trị lớn; yêu cầu về chất lượng, kỹ, mỹ thuật ngày càng cao. Các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng đã nhận thức được trách nhiệm của mình khi tham gia quản lý chất lượng công trình xây dựng. Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đã được cụ thể hoá bằng các Văn bản pháp luật và việc quản lý chất lượng công trình xây dựng đã dần dần đi vào nề nếp, nhiều công trình xây dựng có chất lượng kỹ thuật tốt và giá trị thẩm mỹ cao.

Tuy vậy, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, yếu kém từ khâu lập dự án, khảo sát thiết kế, đến quá trình thi công xây dựng công trình, chưa được các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án quan tâm đúng mức; sự phối, kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong quá trình quản lý chất lựơng công trình xây dựng chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao. Đây là nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng, làm thất thoát vốn đầu tư và giảm hiệu quả của dự án.

Nhằm thực hiện nghiêm túc Luật Xây dựng, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 và Thông tư số 16/2008/TT-BXD  ngày 11/9/2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và kiểm tra, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng. Để đảm bảo sử dụng công trình xây dựng an toàn và hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu kinh tế, các Chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách sau đây:

1. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng có trách nhiệm và  nghĩa vụ đảm bảo chất lượng công trình xây dựng được quy định tại Luật Xây dựng và Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004; phải đảm bảo các điều kịện năng lực hoạt động xây dựng và hành nghề xây dựng theo quy định.

Các dự án đầu tư xây dựng công trình, Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình phải đựơc lập và thực hiện  phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành của Nhà nuớc, chịu sự giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và giám sát cộng đồng của địa phuơng nơi xây dựng. Các nhà thầu  khảo sát, thiết kế, giám sát và thi công xây dựng công trình, nếu để xẩy ra sự cố, hư hỏng công trình hoặc làm thất thoát lãng phí vốn đầu tư thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Chủ đầu tư các công trình xây dựng phải chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng công trình xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến kết thúc đầu tư đưa công trình vào khai thác sử dụng; có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo chất luợng công trình xây dựng theo định kỳ và khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Nếu trong quá trình xây dựng để xẩy ra sự cố công trình xây dựng hoăc công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng đưa vào sử dụng thì Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước người có thẩm quyền Quyết định đầu tư và trước pháp luật về hậu quả xẩy ra.

3. Các công trình bắt buộc phải kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực hoặc được yêu cầu kiểm tra, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công tình xây dựng, Chủ đầu tư phải lựa chọn các tổ chức tư vấn có đủ năng lực theo quy định tại Thông tư số 16/2008/TT-BXD  ngày 11/9/2008 của Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn chịu lực hoặc chứng nhận sự phù hợp về chất lượng mới được phép đưa công trình vào sử dụng, gửi báo cáo kèm theo giấy chứng nhận cho cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 14/6/2007 của UBND Tỉnh.

Giao Sở Xây dựng công bố danh sách các đơn vị tư vấn có đủ điều kiện  năng lực theo quy định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và  chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng.

4. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các Sở có xây dựng chuyên ngành theo chức năng nhiệm vụ chuyên môn được giao tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn, kịp thời xử lý nghiêm túc các Chủ đầu tư, các nhà thầu vi phạm quản lý chất lượng công trình xây dựng theo thẩm quyền; đồng thời ban hành danh mục cụ thể các công trình thuộc loại bắt buộc phải kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực theo quy định tại Thông tư số 16/2008/TT-BXD ngày 11/9/2008 của Bộ Xây dựng.

5. Các Sở, ngành: Tài chính, Kho bạc Nhà nước chỉ thực hiện thanh, quyết toán vốn đầu tư  xây dựng công trình khi Chủ đầu tư có đủ hồ sơ pháp lý và hồ sơ nghiệm thu về chất lượng công trình xây dựng theo quy định.

6. Các Sở có xây dựng chuyên ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác kiểm tra chất lượng công trình xây dựng thuộc ngành, địa phương mình quản lý; định kỳ 6 tháng, 01 năm gửi báo cáo tình hình quản lý chất lượng công trình xây dựng về UBND tỉnh và Sở Xây dựng theo mẫu quy định, để Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng. /.

UBND tỉnh Hà Tĩnh

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Võ Kim Cự