• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 12/02/2017
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 43/2016/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Tĩnh, ngày 28 tháng 12 năm 2016

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng

quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm

 


Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 ngày 7 tháng 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm (sau đây gọi là Nghị định số 61/2015/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi là thanh niên).

2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định tại Điều 5 Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014; doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp); cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên.

Điều 3. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên

1. Nội dung và mức hỗ trợ đào tạo nghề

a) Thanh niên có nhu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 15 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP mà được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ đào tạo nghề (sau đây gọi là Thẻ) thì được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này tiếp nhận, tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và chi hỗ trợ các nội dung sau:

- Chi hỗ trợ đào tạo quy định tại Điều 10 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng;

- Chi hỗ trợ tiền ăn, đi lại quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.

Ưu tiên các nội dung chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của Thẻ, giá trị còn lại của Thẻ (nếu có) chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại.

b) Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại vượt quá giá trị tối đa của Thẻ thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại thấp hơn giá trị tối đa của Thẻ thì ngân sách nhà nước quyết toán số chi thực tế.

c) Trong thời gian đào tạo nghề, nếu thanh niên thôi học (không tiếp tục học cho đến khi tốt nghiệp) thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp lập biên bản hoặc ban hành quyết định và được quyết toán chi phí hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ tiền ăn kể từ ngày khai giảng đến ngày thanh niên đó thôi học.

2. Hồ sơ đăng ký đào tạo nghề trình độ sơ cấp qua Thẻ

Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được cấp Thẻ, thanh niên lựa chọn nghề và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nộp hồ sơ tuyển sinh kèm theo các giấy tờ sau:

a) Thẻ đào tạo nghề trình độ sơ cấp (bản gốc);

b) Quyết định xuất ngũ (bản sao) đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; giấy chứng nhận tham gia hoạt động tình nguyện (bản sao) đối với thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội;

c) Giấy cam kết chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội (Giấy cam kết theo Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư này).

3. Lập kế hoạch, dự toán ngân sách và quyết toán kinh phí

a) Lập kế hoạch, dự toán ngân sách: Hằng năm, căn cứ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm kế hoạch; số lượng đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và định mức chi phí đào tạo nghề; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, đơn vị lập kế hoạch, dự toán kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên; tổng hợp chung trong kế hoạch, dự toán chi ngân sách nhà nước của đơn vị gửi cơ quan tài chính.

b) Việc quyết toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên theo quy định của pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước. Hồ sơ quyết toán kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp qua Thẻ cho thanh niên, gồm:

- Báo cáo quyết toán kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề qua Thẻ;

- Tài liệu, giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này;

- Quyết định mở lớp kèm theo danh sách học sinh, sinh viên (bản gốc);

- Quyết định công nhận tốt nghiệp, danh sách thanh niên đã tốt nghiệp (bản gốc) kèm theo chứng chỉ tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp... (bản sao); Biên bản, quyết định của cơ sở giáo dục nghề nghiệp kèm theo danh sách thanh niên thôi học (bản gốc);

- Hợp đồng lao động hoặc quyết định tiếp nhận sử dụng lao động (bản sao) hoặc giấy chứng nhận tự tạo việc làm (bản gốc) đối với thanh niên sau tốt nghiệp đào tạo nghề trình độ sơ cấp;

- Chứng từ thu, chi có liên quan; Bảng chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại theo Mẫu tại Phụ lục 02 kèm theo Thông tư này (bản gốc);

- Ngoài tài liệu, chứng từ trên, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương tùy theo yêu cầu quản lý, bổ sung chứng từ, tài liệu quy định khác đảm bảo hồ sơ quyết toán phù hợp với quy định của pháp luật.

- Hồ sơ quyết toán kinh phí thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên được lưu trữ, bảo quản riêng tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định.

4. Nguồn kinh phí

a) Nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp qua Thẻ cho thanh niên do ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên, được giao hằng năm của bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

b) Hằng năm, nguồn kinh phí do ngân sách trung ương đảm bảo nếu thiếu, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương báo cáo Bộ Tài chính để giao bổ sung kinh phí thực hiện. Kết thúc năm ngân sách, phần kinh phí do ngân sách trung ương đảm bảo chưa sử dụng hết (nếu có) được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện, không sử dụng cho mục đích khác. Năm 2016, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương tự sắp xếp, bố trí nguồn kinh phí trong phạm vi dự toán đã được giao để thực hiện, trường hợp có khó khăn báo cáo Bộ Tài chính.

5. Trách nhiệm thực hiện

a) Trách nhiệm của bộ, ngành, cơ quan trung ương:

- Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, cơ quan trung ương tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên theo hướng dẫn tại Thông tư này;

- Căn cứ quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn, nội dung chi quy định tại tiết 1 điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư này, bộ, ngành, cơ quan trung ương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, làm cơ sở xây dựng định mức chi phí đào tạo cho từng nghề trình độ sơ cấp theo danh mục nghề phù hợp với chương trình, thời gian đào tạo thực tế để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc bộ, ngành, cơ quan trung ương quản lý thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên;

- Tổng hợp kế hoạch, dự toán; phân bổ, giao dự toán kinh phí; xem xét quyết toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên; in, phát hành Thẻ, cấp Thẻ, quản lý, thu hồi, hủy bỏ Thẻ;

- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên. Định kỳ 6 tháng (trước 30/7), hằng năm (trước 31/01 năm sau) gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả thực hiện Thẻ theo Mẫu số 01 tại Phụ lục 03 kèm theo Thông tư này; gửi Bộ Tài chính báo cáo tổng hợp tình hình kinh phí theo Mẫu số 01 tại Phụ lục 04 kèm theo Thông tư này;

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên và tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền. Định kỳ 3 năm, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên.

b) Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc cơ quan, đơn vị và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn (trừ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, cơ quan trung ương) thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên;

- Căn cứ quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn, nội dung chi quy định tại tiết 1 điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, làm cơ sở xây dựng định mức chi phí đào tạo cho từng nghề trình độ sơ cấp theo danh mục nghề phù hợp với chương trình, thời gian đào tạo thực tế và đặc thù của vùng, địa phương để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn (trừ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, cơ quan trung ương) thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên;

- Tổng hợp kế hoạch, dự toán; phân bổ, giao dự toán kinh phí; xem xét quyết toán và kết quả thực hiện thẻ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn (trừ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, cơ quan trung ương);

- Phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên theo quy định của pháp luật. Định kỳ 6 tháng (trước 30/7) và hằng năm (trước 31/01 năm sau) tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Thẻ theo Mẫu số 02 tại Phụ lục 03 kèm theo Thông tư này gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; gửi Sở Tài chính báo cáo tình hình kinh phí theo Mẫu số 01 tại Phụ lục 04 kèm theo Thông tư này để tổng hợp, theo dõi.

c) Trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp:

- Hằng năm, lập kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên gửi bộ, ngành, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thẩm định phê duyệt, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí. Cụ thể: cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, cơ quan trung ương trực tiếp quản lý gửi về bộ, ngành, cơ quan trung ương; cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc địa phương quản lý, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gửi qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Tiếp nhận Thẻ để làm cơ sở chi hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên, đồng thời sử dụng Thẻ làm chứng từ thanh, quyết toán. Thời gian sử dụng, bảo quản Thẻ như chứng từ kế toán và được lưu trữ cùng với hồ sơ quyết toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên theo quy định;

- Tư vấn học nghề, tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên. Thực hiện chi hỗ trợ đào tạo nghề và bố trí việc làm cho thanh niên sau tốt nghiệp. Quyết toán kinh phí với bộ, ngành, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) trực tiếp quản lý;

- Công khai minh bạch nội dung chi, chi hỗ trợ đào tạo, chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và các chế độ, chính sách cho thanh niên. Hướng dẫn thanh niên về hồ sơ tuyển sinh, hồ sơ quyết toán. Định kỳ 6 tháng (trước 30/7) và hằng năm (trước 31/01 năm sau) báo cáo kết quả thực hiện Thẻ theo Mẫu số 03 tại Phụ lục 03 và báo cáo tổng hợp tình hình kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên theo Mẫu số 02 tại Phụ lục 04 kèm theo Thông tư này gửi bộ, ngành, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp báo cáo và theo dõi.

Điều 4. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng cho thanh niên

1. Thanh niên thuộc đối tượng quy định tại Điều 6, 7 và 8 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 được miễn, giảm học phí khi tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

2. Thanh niên thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên được vay vốn để tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12  tháng  02 năm 2017

2. Kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2015, thanh niên đăng ký tham gia đào tạo nghề được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thanh niên trong quá trình thực hiện hướng dẫn tại Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đào Ngọc Dung

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.