NGHỊ QUYẾT
Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo nguồn lực xây dựng thành công
tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2022 - 2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 4
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về việc Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;
Xét Tờ trình số 484/TTr-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo nguồn lực xây dựng thành công tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2022-2025; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thống nhất của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện các nội dung, tiêu chí xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025.
2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh liên quan đến các hoạt động trong phạm vi điều chỉnh tại khoản 1 Điều này.
Điều 2. Nguyên tắc hỗ trợ
1. Các tổ chức, hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị được thụ hưởng chính sách có trách nhiệm sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả và theo đúng quy định hiện hành.
2. Trong thời gian thực hiện Nghị quyết này, một nội dung nếu có nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau (kể cả từ các chương trình, dự án khác) các tổ chức, cá nhân thụ hưởng được lựa chọn áp dụng 01 chính sách hỗ trợ có lợi nhất, trừ Điều 5 Nghị quyết này; đối với cơ chế hỗ trợ xi măng, ngân sách tỉnh không hỗ trợ các công trình ngoài kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh giao đầu năm.
Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện
Ngân sách tỉnh đảm bảo, bố trí lồng ghép từ các nguồn vốn (Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn vốn hợp pháp khác) để thực hiện chính sách theo Nghị quyết này; riêng đối với hỗ trợ xi măng, ngoài ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện, xã sử dụng từ nguồn thu tiền sử dụng đất và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện.
CHƯƠNG II
CÁC CHÍNH SÁCH, CƠ CHẾ HỖ TRỢ
Mục 1
CHÍNH SÁCH, CƠ CHẾ CHUNG
Điều 4. Hỗ trợ xây dựng mô hình xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp, đảm bảo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có người tàn tật; mức hỗ trợ 01 triệu đồng/hộ.
Điều 5. Hỗ trợ di dời công trình vệ sinh 1 ngăn, 2 ngăn không hợp vệ sinh, xây dựng công trình vệ sinh tự hoại đảm bảo yêu cầu theo thiết kế mẫu của cơ quan có thẩm quyền ban hành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có người tàn tật; mức hỗ trợ 02 triệu đồng/hộ.
Điều 6. Xây dựng thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành bộ tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; mức hỗ trợ 300 triệu đồng/khu.
Điều 7. Hỗ trợ xi măng làm đường giao thông, rãnh thoát nước, kênh mương nội đồng đối với các xã giai đoạn 2022 - 2025 (kinh phí mua xi măng ngân sách các cấp hỗ trợ tối đa không quá 60 tỷ đồng/năm):
1. Hỗ trợ xi măng làm đường giao thông theo loại đường và quy chuẩn tối thiểu để đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, phù hợp với quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, cụ thể:
a) Đối với các xã thuộc huyện Kỳ Anh và Hương Khê:
- Đường trục xã, liên xã: Ngân sách tỉnh 85%; ngân sách cấp huyện, ngân sách xã 15%;
- Đường trục thôn, liên thôn: Ngân sách tỉnh 55%; ngân sách cấp huyện, ngân sách xã 45%;
- Đường ngõ xóm (có trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã): Ngân sách tỉnh 45%; ngân sách cấp huyện, ngân sách xã 55%;
- Đường trục chính nội đồng: Ngân sách tỉnh 85%; ngân sách cấp huyện, ngân sách xã 15%.
b) Đối với các xã còn lại:
- Đường trục xã, liên xã: Ngân sách tỉnh 60%; ngân sách cấp huyện, ngân sách xã 40%;
- Đường trục thôn, liên thôn: Ngân sách tỉnh 30%; ngân sách cấp huyện, ngân sách xã 70%;
- Đường ngõ xóm (có trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã): Ngân sách tỉnh 20%; ngân sách cấp huyện, ngân sách xã 80%;
- Đường trục chính nội đồng: Ngân sách tỉnh 60%; ngân sách cấp huyện, ngân sách xã 40%.
2. Hỗ trợ xi măng làm rãnh thoát nước:
a) Đối với các xã thuộc huyện Kỳ Anh và Hương Khê:
- Rãnh thoát nước trên đường trục xã: Ngân sách tỉnh 85%; ngân sách cấp huyện, ngân sách xã 15%;
- Rãnh thoát nước trên đường trục thôn, xóm: Ngân sách tỉnh 75%; ngân sách cấp huyện, ngân sách xã 25%;
b) Đối với các xã còn lại:
- Rãnh thoát nước trên đường trục xã: Ngân sách tỉnh 60%; ngân sách cấp huyện, ngân sách xã 40%;
- Rãnh thoát nước trên đường trục thôn, xóm: Ngân sách tỉnh 50%; ngân sách cấp huyện, ngân sách xã 50%;
3. Hỗ trợ xi măng làm kênh mương ni đồng:
a) Đối với các xã thuộc huyện Kỳ Anh và Hương Khê: Ngân sách tỉnh 85%; ngân sách cấp huyện, ngân sách xã 15%.
b) Đối với các xã còn lại: Ngân sách tỉnh 60%; ngân sách cấp huyện, ngân sách xã 40%.
4. Riêng đối với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, ngân sách huyện đảm bảo phần kinh phí mua xi măng của ngân sách xã.
Điều 8. Phục hồi, nâng cấp mặt đường đối với các xã: Hỗ trợ 30% kinh phí thực hiện phục hồi, nâng cấp 600 km mặt đường xuống cấp giai đoạn 2022 - 2025 (mỗi năm tối đa không quá 150 km) bằng vật liệu Cacboncor Asphalt hoặc bê tông nhựa hạt mịn hoặc phủ lớp vật liệu Microsufacing để phủ lên với mức hỗ trợ tối đa không quá 55.000 đồng/m2 (kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 35 tỷ đồng/năm); tính hỗ trợ theo chiều rộng thực tế và phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phần còn lại ngân sách cấp huyện, xã và người dân đóng góp.
Điều 9. Thưởng xã (không áp dụng đối với xã công nhận lại) đạt chuẩn nông thôn mới, cụ thể như sau:
1. Xã đạt chuẩn nông thôn mới: Thưởng 01 tỷ đồng/xã.
2. Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Thưởng 1,5 tỷ đồng/xã.
3. Xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu: Thưởng 02 tỷ đồng/xã.
Điều 10. Thưởng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu:
1. Huyện đạt chuẩn nông thôn mới: Thưởng 10 tỷ đồng/huyện.
2. Huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Thưởng 7 tỷ đồng/huyện.
3. Huyện chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu: Thưởng 5 tỷ đồng/huyện.
Mục 2
CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁC XÃ CHƯA ĐẠT CHUẨN
Điều 11. Lắp đặt thiết bị xử lý nước sinh hoạt đối với các hộ gia đình thuộc những vùng không quy hoạch cấp nước tập trung hoặc có quy hoạch nhưng chưa có dự án đầu tư xây dựng trong kỳ: Hỗ trợ 50% kinh phí lắp đặt thiết bị xử lý nước sinh hoạt (công suất thiết bị đạt tối thiểu 240 lít/ngày đêm, chất lượng nước sinh hoạt sau xử lý đạt quy chuẩn hiện hành), tối đa 02 triệu đồng/hộ.
Mục 3
CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH TẠO NGUỒN LỰC XÂY DỰNG
HUYỆN HƯƠNG KHÊ VÀ KỲ ANH ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI; HUYỆN CAN LỘC, ĐỨC THỌ, THẠCH HÀ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO; HUYỆN NGHI XUÂN ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU
Điều 12. Tiền sử dụng đất phát sinh trên địa bàn huyện
Thực hiện theo Nghị quyết số 41/2021/NQ-HĐND ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về phân cấp nguồn thu, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu và phân cấp nhiệm vụ chi các cấp ngân sách địa phương giai đoạn 2022 - 2025; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022.
Điều 13. Hàng năm, ưu tiên hỗ trợ từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi phù hợp khả năng cân đối ngân sách để bổ sung nguồn lực cho các huyện: Phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Điều 14. Đối với các huyện Hương Khê, Kỳ Anh phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới:
1. Hỗ trợ kinh phí làm mới đường giao thông, rãnh thoát nước và kênh mương nội đồng: Huyện Hương Khê mỗi năm không quá 100 km (Kinh phí mỗi năm ngân sách tỉnh hỗ trợ không quá 15 tỷ đồng); huyện Kỳ Anh mỗi năm không quá 70 km (Kinh phí mỗi năm ngân sách tỉnh hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng); mức hỗ trợ: 220 triệu đồng/km đối với đường trục xã, liên xã; 140 triệu đồng/km đối với đường trục thôn, liên thôn; 105 triệu đồng/km đối với đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng; 110 triệu đồng/km đối với rãnh thoát nước hai bên đường giao thông, kênh mương nội đồng (Ngoài chính sách hỗ trợ xi măng nêu trên).
2. Hỗ trợ thêm kinh phí phấn đấu các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, cụ thể: Huyện Kỳ Anh 08 tỷ đồng/năm, Huyện Hương Khê 15 tỷ đồng/năm.
3. Hỗ trợ lại 100% phần ngân sách tỉnh được hưởng từ số vượt thu ngân sách (nếu có) so với kế hoạch của tỉnh giao thu hàng năm của huyện Hương Khê, huyện Kỳ Anh để thực hiện nhiệm vụ xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong điều kiện đảm bảo cân đối chung ngân sách tỉnh.
4. Ưu tiên phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Điều 15. Các cơ chế, chính sạch tạo nguồn lực xây dựng huyện Kỳ Anh và Hương Khê đạt chuẩn nông thôn mới áp dụng đến hết năm có quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; đối với các huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà) và kiểu mẫu (Nghi Xuân) áp dụng đến hết năm có quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (hoặc kiểu mẫu) nhưng tối đa đến hết năm 2025; sau đó, áp dụng tỷ lệ (%) điều tiết tiền sử dụng đất giai đoạn 2022 - 2025 như các huyện còn lại không có cơ chế đặc thù.
CHƯƠNG III
QUY TRÌNH THỰC HIỆN, HỒ SƠ HỖ TRỢ
(Có phụ lục kèm theo)
CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Điều khoản chuyển tiếp:
a) Cơ chế hỗ trợ quy định từ Điều 19 đến Điều 22, Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 và Điều 2, Nghị quyết số 194/2020/NQ-HĐND ngày 24/3/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh nay không được quy định tại Nghị quyết này mà các đối tượng đang thực hiện dở dang cho đến khi hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 có đầy đủ hồ sơ theo quy định và chưa được hưởng chính sách thì vẫn được áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND, Nghị quyết số 194/2020/NQ-HĐND và các văn bản hướng dẫn. Các nội dung hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết số 194/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh nay vẫn có quy định tại Nghị quyết này mà các đối tượng đang thực hiện dở dang và chưa được hưởng chính sách thì được áp dụng theo quy định tại Nghị quyết này;
b) Cơ chế, chính sách hỗ trợ huyện Hương Sơn theo Nghị quyết số 173/2019/NQHĐ ngày 15/12/2019 được thực hiện cho đến hết năm 2022; đối với tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn từ năm 2023 trở đi, áp dụng theo Nghị quyết quy định phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2022 - 2025.
Điều 17. Điều khoản tham chiếu
Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định trách nhiệm được viện dẫn trong Nghị quyết này sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
Điều 18. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh:
a) Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết;
b) Xây dựng dự toán nguồn kinh phí thực hiện chính sách, tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định;
c) Kiểm tra việc thực hiện chính sách; phát hiện và đề xuất những chính sách cần sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định;
d) Chỉ đạo các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã cân đối, bố trí các nguồn vốn từ ngân sách theo kế hoạch hàng năm để các chính sách được tổ chức thực hiện đầy đủ, có hiệu quả.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 16 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025./.