• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/11/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 133/2014/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Tĩnh, ngày 11 tháng 9 năm 2014

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí

sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện

_________________

 

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí ngày 28/8/2001;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012; Nghị định số 56/2014/NĐ-CP ngày 30/5/2014 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện (sau đây gọi chung là phí sử dụng đường bộ).

2. Thông tư này không áp dụng đối với xe máy chuyên dùng theo quy định tại khoản 20 Điều 3 Luật giao thông đường bộ.

Điều 2. Đối tượng chịu phí

1. Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký lưu hành (có giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe), bao gồm:

a) Xe ô tô, máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự (sau đây gọi chung là ô tô);

b) Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự (sau đây gọi chung là mô tô).

2. Xe ô tô quy định tại khoản 1 Điều này không chịu phí sử dụng đường bộ trong các trường hợp sau:

a) Bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai;

b) Bị tịch thu hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe;

c) Bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên;

d) Xe kinh doanh vận tải thuộc các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên;

đ) Xe ô tô không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ, chỉ sử dụng trong phạm vi đất thuộc quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã như: nhà ga, cảng, khu khai thác khoáng sản, nông, lâm nghiệp và xe ô tô dùng để sát hạch của tổ chức đào tạo dạy nghề lái xe.

3. Các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều này không chịu phí nếu có đủ hồ sơ đáp ứng các quy định tại Điều 10 Thông tư này. Trường hợp xe ô tô đó đã được nộp phí sử dụng đường bộ, chủ phương tiện sẽ được trả lại số phí đã nộp (áp dụng cho xe ô tô bị hủy hoại; bị tịch thu hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe không tiếp tục lưu hành) hoặc được trừ vào số phí phải nộp của kỳ sau (áp dụng đối với xe ô tô vẫn tiếp tục được lưu hành sau khi được sửa chữa hoặc tạm dừng lưu hành) tương ứng với thời gian không sử dụng đường bộ.

4. Không áp dụng khoản 2 Điều này đối với xe ô tô của lực lượng quốc phòng và công an.

5. Tạm thời chưa thu phí đối với xe ô tô mang biển số nước ngoài (bao gồm cả trường hợp xe được cấp đăng ký và biển số tạm thời) được cơ quan có thẩm quyền cho phép tạm nhập, tái xuất có thời hạn theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Các trường hợp miễn phí

Miễn phí sử dụng đường bộ đối với những trường hợp sau đây:

1. Xe cứu thương.

2. Xe cứu hỏa.

3. Xe chuyên dùng phục vụ tang lễ.

4. Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng bao gồm các phương tiện cơ giới đường bộ mang biển số: nền màu đỏ, chữ và số màu trắng dập chìm có gắn các thiết bị chuyên dụng cho quốc phòng (xe chở lực lượng vũ trang hành quân được hiểu là xe ô tô chở người có từ 12 chỗ ngồi trở lên, xe ô tô tải có mui che và được lắp đặt ghế ngồi trong thùng xe, mang biển số màu đỏ).

5. Xe chuyên dùng phục vụ an ninh (xe ô tô) của các lực lượng công an (Bộ Công an; Công an tỉnh, thành phố; Công an quận, huyện,...) bao gồm:

a) Xe ô tô tuần tra kiểm soát giao thông của cảnh sát giao thông có đặc điểm: Trên nóc xe ô tô có đèn xoay và hai bên thân xe ô tô có in dòng chữ: “CẢNH SÁT GIAO THÔNG”.

b) Xe ô tô cảnh sát 113 có in dòng chữ: “CẢNH SÁT 113” ở hai bên thân xe.

c) Xe ô tô cảnh sát cơ động có in dòng chữ “CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG” ở hai bên thân xe.

d) Xe ô tô vận tải có mui che và được lắp ghế ngồi trong thùng xe chở lực lượng công an làm nhiệm vụ.

đ) Xe đặc chủng chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn.

6. Xe mô tô của lực lượng công an, quốc phòng.

7. Xe mô tô của chủ phương tiện thuộc các hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về hộ nghèo. Trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có quy định cụ thể chuẩn hộ nghèo áp dụng tại địa phương theo quy định của pháp luật thì căn cứ vào chuẩn hộ nghèo do địa phương ban hành để xác định hộ nghèo.

Điều 4. Người nộp phí

Tổ chức, cá nhân sở hữu; sử dụng hoặc quản lý phương tiện (sau đây gọi chung là chủ phương tiện) thuộc đối tượng chịu phí theo quy định tại Điều 2 Thông tư này là người nộp phí sử dụng đường bộ.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Mức thu phí

Mức thu phí sử dụng đường bộ được thực hiện theo quy định tại Biểu mức thu tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này và không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Trường hợp số tiền phí phải nộp là số tiền lẻ thì cơ quan thu phí tính tròn số theo nguyên tắc số tiền phí lẻ dưới 500 đồng thì tính tròn xuống, số tiền phí lẻ từ 500 đồng đến dưới 1.000 đồng thì tính tròn lên 1.000 đồng.

Điều 6. Phương thức tính, khai, nộp phí đối với xe ô tô

1. Đối với xe ô tô của các tổ chức, cá nhân đăng ký tại Việt Nam (trừ xe của lực lượng công an, quốc phòng quy định tại khoản 2 Điều này).

Phí sử dụng đường bộ tính theo năm, tháng hoặc theo chu kỳ đăng kiểm của xe. Người nộp phí phải khai theo Mẫu số 01/TKNP tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này và nộp phí cho cơ quan đăng kiểm. Cơ quan đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí. Cụ thể như sau:

a) Khai, nộp phí theo chu kỳ đăng kiểm

a.1) Đối với xe ô tô có chu kỳ đăng kiểm từ 01 năm trở xuống: Chủ phương tiện thực hiện nộp phí sử dụng đường bộ cho cả chu kỳ đăng kiểm và được cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí.

Ví dụ 1: Xe ô tô của ông A có chu kỳ đăng kiểm 06 tháng (từ ngày 01/01/2013 đến ngày 30/6/2013). Ngày 01/01/2013, ông A mang xe đến đăng kiểm, nộp phí sử dụng đường bộ cho cơ quan đăng kiểm. Cơ quan đăng kiểm thực hiện đăng kiểm xe, thu phí sử dụng đường bộ và cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ 06 tháng.

a.2) Đối với xe ô tô có chu kỳ đăng kiểm trên 01 năm (18, 24 và 30 tháng): Chủ phương tiện phải nộp phí sử dụng đường bộ theo năm (12 tháng) hoặc nộp cho cả chu kỳ đăng kiểm (18, 24 và 30 tháng).

Trường hợp nộp phí theo chu kỳ đăng kiểm (18, 24 và 30 tháng): Cơ quan đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với chu kỳ đăng kiểm.

Trường hợp nộp phí theo năm (12 tháng): Cơ quan đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí 12 tháng. Hết thời hạn nộp phí (12 tháng), chủ phương tiện phải đến cơ quan đăng kiểm nộp phí và được cấp Tem nộp phí của thời gian tiếp theo (12 tháng hoặc thời gian còn lại của chu kỳ đăng kiểm).

Ví dụ 2: Xe ô tô của ông B có chu kỳ đăng kiểm 30 tháng (từ ngày 01/01/2013 đến ngày 30/6/2015). Ngày 01/01/2013, ông B mang xe đến đăng kiểm. Ông B được lựa chọn nộp phí 01 năm (12 tháng) hoặc nộp phí cho cả chu kỳ đăng kiểm (30 tháng).

Trường hợp ông B nộp phí cho cả chu kỳ đăng kiểm, được cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ 30 tháng.

Trường hợp ông B chọn nộp phí theo năm: Cơ quan đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ có thời gian 12 tháng. Hết 12 tháng, ngày 01/01/2014, ông B phải đến nộp phí sử dụng đường bộ cho thời gian tiếp theo 12 tháng (hoặc có thể nộp cho thời gian còn lại của chu kỳ đăng kiểm là 18 tháng) và được cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ cho thời gian nộp phí tương ứng (12 tháng hoặc 18 tháng). Nếu nộp phí 12 tháng thì đến ngày 01/01/2015, ông B phải đến nộp phí cho thời gian 06 tháng còn lại (từ 01/01/2015 đến 30/6/2015) và được cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ 06 tháng. Ngày 01/7/2015, ông B đến đăng kiểm xe và nộp phí cho chu kỳ tiếp theo.

a.3) Trường hợp chủ phương tiện đến đăng kiểm sớm hơn hoặc chậm hơn thời gian theo chu kỳ đăng kiểm quy định, cơ quan đăng kiểm kiểm tra xe và tính tiền phí sử dụng đường bộ nối tiếp từ thời điểm cuối của khoảng thời gian đã nộp phí sử dụng đường bộ lần trước. Trường hợp thời gian tính phí không tròn tháng thì số phí phải nộp sẽ tính bằng số ngày lẻ chia 30 ngày nhân với mức phí của 01 tháng.

Ví dụ 3: Về trường hợp đăng kiểm sớm, xe của ông C có chu kỳ đăng kiểm 06 tháng tính từ ngày 01/3/2013 đến ngày 31/8/2013. Ngày 01/3/2013, ông C mang xe đến đăng kiểm và nộp phí 06 tháng. Theo định kỳ thì đến ngày 31/8/2013 ông C mới phải đến đăng kiểm xe nhưng vì lý do nào đó ngày 20/8/2013 ông C mang xe đến đăng kiểm và nộp phí (đăng kiểm sớm 10 ngày).

Cơ quan đăng kiểm thực hiện đăng kiểm xe và cấp Tem đăng kiểm cho chu kỳ 06 tháng tiếp theo tính từ ngày 20/8/2013 đến ngày 19/02/2014. Do ông C đã nộp phí tính đến ngày 31/8/2013 nên cơ quan đăng kiểm sẽ tính và thu phí sử dụng đường bộ từ ngày 01/9/2013 đến ngày 19/02/2014 (05 tháng 20 ngày), cụ thể như sau:

Số phí phải nộp = 5 tháng x 130.000 đồng/tháng + (20/30) tháng x 130.000 đồng/tháng = 736.670 đồng.

Ví dụ 4: Về trường hợp đăng kiểm muộn, vẫn các giả định như trường hợp ví dụ 3 nêu trên nhưng đến ngày 15/9/2013, ông C mới mang xe đến đăng kiểm (đăng kiểm chậm 15 ngày).

Cơ quan đăng kiểm kiểm tra và cấp Tem đăng kiểm 06 tháng tính từ ngày 15/9/2013 đến ngày 14/3/2014. Do ông C mới nộp phí đến ngày 31/8/2013 nên cơ quan đăng kiểm sẽ tính và thu phí sử dụng tính từ ngày 01/9/2013 đến ngày 14/3/2014 (06 tháng 15 ngày), cụ thể như sau:

Số phí phải nộp = 6 tháng x 130.000 đồng/tháng + (15/30) tháng x 130.000 đồng/tháng = 845.000 đồng.

a.4) Trường hợp chủ phương tiện chưa nộp phí sử dụng đường bộ của các chu kỳ đăng kiểm trước theo thời hạn quy định, thì ngoài số phí phải nộp cho chu kỳ tiếp theo, chủ phương tiện còn phải nộp số phí chưa nộp của chu kỳ trước. Trường hợp chu kỳ đăng kiểm có thời gian trước ngày 01/01/2013 thì thời điểm xác định phí tính từ ngày 01/01/2013. Cơ quan đăng kiểm sẽ truy thu số phí phải nộp của chu kỳ trước, số phí phải nộp bằng mức thu phí của 01 tháng nhân với thời gian nộp chậm.

a.5) Trường hợp chủ phương tiện muốn nộp phí cho thời gian dài hơn chu kỳ đăng kiểm, cơ quan đăng kiểm thu phí và cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí.

b) Khai, nộp phí theo năm dương lịch

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu khai, nộp phí theo năm dương lịch gửi thông báo bằng văn bản (lần đầu hoặc khi phát sinh tăng, giảm phương tiện) đến cơ quan đăng kiểm và thực hiện khai, nộp phí theo năm dương lịch đối với các phương tiện của mình.

Hàng năm, trước ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo, chủ phương tiện phải đến cơ quan đăng kiểm khai, nộp phí cho năm tiếp theo. Khi thu phí, cơ quan thu phí cấp Tem nộp phí cho từng xe tương ứng thời gian nộp phí.

Ví dụ 7: Doanh nghiệp A có văn bản gửi cơ quan đăng kiểm Y về việc khai, nộp phí cho 10 xe của mình theo năm dương lịch 2014 thì trước ngày 01/01/2014, Doanh nghiệp A phải đến cơ quan Y khai, nộp phí cho năm 2014 và được cấp Tem nộp phí cho 10 xe (từng xe) của doanh nghiệp.

c) Khai, nộp phí theo tháng

Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng/tháng trở lên được thực hiện khai, nộp phí theo tháng. Doanh nghiệp, hợp tác xã có văn bản (lần đầu hoặc khi phát sinh tăng, giảm phương tiện) gửi cơ quan đăng kiểm và thực hiện khai, nộp phí đối với các phương tiện của mình. Hàng tháng, trước ngày 01 của tháng tiếp theo, doanh nghiệp, hợp tác xã phải đến cơ quan đăng kiểm (đã đăng ký khai, nộp theo tháng) khai, nộp phí cho tháng tiếp theo. Khi thu phí, cơ quan thu phí cấp Tem nộp phí tương ứng thời gian nộp phí.

Ví dụ 8: Doanh nghiệp B có 50 xe ô tô, số phí phải nộp hàng tháng là 30 triệu đồng/tháng thì doanh nghiệp B được khai, nộp phí theo tháng. Để thực hiện khai nộp phí tháng 9/2013 thì trước ngày 01/9/2013, doanh nghiệp B phải có văn bản gửi cơ quan đăng kiểm X và thực hiện khai, nộp phí đối với 50 xe; sau khi nộp phí, chủ phương tiện được cấp Tem nộp phí của tháng 9/2013. Hàng tháng, trước ngày 01 của tháng tiếp theo, doanh nghiệp B đến khai, nộp phí cho xe của mình.

2. Đối với xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an: Phí nộp theo năm và mức thu theo quy định tại Biểu mức thu phí tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

Định kỳ hàng năm, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lập dự trù số lượng, chủng loại vé “phí đường bộ toàn quốc” cần sử dụng gửi Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ trung ương.

Văn phòng Quỹ thực hiện in và phát hành loại vé “phí đường bộ toàn quốc” áp dụng riêng đối với xe quốc phòng, công an.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện mua vé “phí đường bộ toàn quốc” tại Văn phòng Quỹ theo thủ tục như sau:

Đến kỳ mua vé, người mua vé mang giấy giới thiệu của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ghi rõ: họ tên, chức vụ của người mua vé; số lượng, chủng loại vé cần mua kèm theo chứng minh thư đến Văn phòng Quỹ để mua vé.

Văn phòng Quỹ thực hiện cung cấp cho người mua vé số lượng, chủng loại vé “phí đường bộ toàn quốc” theo yêu cầu. Trên cơ sở số vé đã cấp, Văn phòng Quỹ có trách nhiệm tổ chức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô quốc phòng, công an.

Điều 7. Khai, nộp phí đối với xe mô tô

1. Căn cứ điều kiện thực tế địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) và đơn vị có liên quan là cơ quan thu phí đối với xe mô tô.

a) Trường hợp giao Ủy ban nhân dân cấp xã thu phí: Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo tổ dân phố, thôn, bản (sau đây gọi chung là tổ dân phố) hướng dẫn chủ phương tiện trên địa bàn kê khai phí sử dụng đường bộ theo mẫu tại Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này và tổ chức thu phí.

b) Trường hợp giao Ủy ban nhân dân cấp xã và đơn vị có liên quan thu phí, căn cứ điều kiện thực tế địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị phối hợp triển khai thu phí đối với xe mô tô.

2. Chủ phương tiện thực hiện khai, nộp phí như sau:

a) Đối với xe phát sinh từ ngày 01/01 đến ngày 30/6 hàng năm, chủ phương tiện khai nộp phí vào tháng 7 hàng năm (từ ngày 01/7 đến ngày 31/7), cụ thể:

- Xe đăng ký mới thực hiện khai nộp phí, với mức thu phí bằng 1/2 mức thu năm.

- Xe đăng ký lần thứ 2 trở đi (xe này đã được đăng ký trước ngày 01/01 của năm đó), nếu xe đó chưa được nộp phí thì chủ phương tiện phải khai nộp phí với mức thu phí cả năm; nếu đã được nộp thì chủ phương tiện chỉ thực hiện nộp Tờ khai phí và không phải nộp phí năm phát sinh.

b) Đối với xe phát sinh từ ngày 01/7 đến ngày 31/12 hàng năm, chủ phương tiện khai nộp phí vào tháng 01 năm sau (chậm nhất ngày 31/01): Đối với xe đăng ký lần đầu và xe đăng ký lần 2 trở đi (đã được nộp phí của năm phát sinh) thì chủ phương tiện không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm phát sinh. Trường hợp đăng ký từ lần thứ 2 trở đi nhưng xe đó chưa được nộp phí của năm phát sinh thì chủ phương tiện phải thực hiện khai nộp phí bổ sung tiền phí của năm phát sinh, cùng với số phí phải nộp của năm tiếp theo.

c) Các năm tiếp theo không có biến động tăng, giảm xe, chủ phương tiện thực hiện nộp phí vào tháng 01 hàng năm (chậm nhất 31/01) mức thu phí 12 tháng cho cơ quan thu phí.

Điều 8. Chứng từ thu phí

1. Khi thu phí, cơ quan thu phí phải lập và cấp biên lai thu phí cho người nộp phí theo quy định.

a) Đối với xe mô tô sử dụng biên lai thu phí theo mẫu tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Biên lai thu phí là loại biên lai in sẵn mệnh giá, được in bằng bìa cứng, kích thước 85,6 mm x 53,98 mm. Biên lai thu phí cho phương tiện thuộc hộ nghèo thuộc diện miễn phí thì dòng mệnh giá được ghi chữ “Hộ nghèo”.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc in, quản lý, phát hành biên lai thu phí xe mô tô ở địa phương.

Trường hợp giao cơ quan thuế địa phương thực hiện, cơ quan thuế căn cứ kế hoạch đăng ký mua biên lai thu phí của cơ quan thu phí để in (hoặc đặt in), thông báo phát hành, bán biên lai; giá bán đảm bảo bù đắp chi phí in, phát hành theo quy định. Cơ quan thu phí căn cứ kế hoạch thu phí, gửi kế hoạch cần mua số lượng biên lai (chi tiết số lượng biên lai cho từng loại mệnh giá, biên lai thu phí cho phương tiện thuộc hộ nghèo) cho cơ quan thuế chậm nhất là ngày 30/11 của năm trước năm kế hoạch. Trường hợp cần bổ sung biên lai, cơ quan thu phí lập kế hoạch mua bổ sung, gửi cơ quan thuế trước ngày cần mua ít nhất 10 ngày làm việc.

Trường hợp cơ quan thu phí tự in hoặc đặt in biên lai thì biên lai thu phí phải đảm bảo mẫu theo quy định tại Thông tư này và việc in, phát hành, sử dụng theo quy định tại Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17/9/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.

Biên lai thu phí cho phương tiện thuộc hộ nghèo, cơ quan thu phí cấp cho chủ phương tiện và không thu tiền cấp biên lai.

b) Đối với xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an, khi thu phí cơ quan thu phí cấp biên lai thu phí và vé “phí đường bộ toàn quốc”.

Xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an có vé “phí đường bộ toàn quốc” không phải nộp phí sử dụng đường bộ khi qua các trạm thu phí trong toàn quốc (không phân biệt trạm thu phí theo hình thức BOT và hình thức đầu tư khác).

Vé “phí đường bộ toàn quốc” áp dụng đối với các phương tiện thuộc Bộ Quốc phòng mang biển số màu đỏ, không áp dụng đối với các phương tiện mang biển số khác (kể cả phương tiện của Bộ Quốc phòng không mang biển số màu đỏ). Nội dung vé “phí đường bộ toàn quốc” áp dụng đối với xe quốc phòng bao gồm: Cơ quan phát hành (Văn phòng Quỹ); loại phương tiện sử dụng gồm 02 loại: vé sử dụng cho xe ô tô con quân sự và vé sử dụng cho xe ô tô tải quân sự; kích cỡ vé có tổng chiều dài nhân (x) chiều rộng là 12 cm x 8 cm, có màu sắc; nền vé màu đỏ, chữ và số màu trắng.

Nội dung vé “phí đường bộ toàn quốc” áp dụng đối với xe của Bộ Công an bao gồm: Cơ quan phát hành (Văn phòng Quỹ); loại phương tiện sử dụng gồm 04 loại (theo biểu mức thu ban hành kèm theo Thông tư này); kích cỡ vé có chiều dài nhân (x) chiều rộng là 12 cm x 8 cm và có màu sắc; nền vé màu vàng có gạch màu đỏ dọc theo thân vé ở vị trí 1/3 vé tính từ trái sang phải, chữ và số màu đen.

2. Việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại biên lai thu phí thực hiện theo quy định tại Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17/9/2012 của Bộ Tài chính.

Điều 9. Quản lý và sử dụng phí

1. Đối với phí thu từ xe ô tô

a) Văn phòng Quỹ được trích để lại một phần trăm (1%) số tiền phí thực thu để trang trải chi phí quản lý hoạt động thu phí sử dụng đường bộ theo quy định.

Số tiền còn lại (99%), cơ quan thu phí phải nộp vào tài khoản của Quỹ bảo trì đường bộ trung ương mở tại Kho bạc Nhà nước trong thời hạn tối đa không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày thu phí.

b) Đối với các cơ quan đăng kiểm

b.1) Cơ quan thu phí được trích để lại một phần trăm (1%) số tiền phí sử dụng đường bộ thực thu để chi cho các nội dung sau:

- Trang trải chi phí tổ chức thu theo quy định;

- Các cơ quan đăng kiểm (cơ quan thu phí) trích chuyển về Cục Đăng kiểm Việt Nam ba phần trăm (3%) số tiền phí được để lại, để phục vụ công tác quản lý thu, nộp phí sử dụng đường bộ (bao gồm: chi phí xây dựng phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu, thuê bao đường truyền internet dành riêng, tập huấn nghiệp vụ, thanh tra, kiểm tra và các chi phí có liên quan khác) của hệ thống cơ quan đăng kiểm trên toàn quốc.

b.2) Trả lại tiền phí đối với các trường hợp không chịu phí quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này.

b.3) Số tiền còn lại (sau khi trừ số tiền quy định tại điểm b.1 và điểm b.2 Khoản này) cơ quan thu phí chuyển về Cục Đăng kiểm Việt Nam, để Cục Đăng kiểm Việt Nam nộp vào tài khoản của Quỹ bảo trì đường bộ trung ương mở tại Kho bạc Nhà nước trong thời hạn tối đa không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày thu phí, việc chuyển tiền có thể thực hiện thông qua các ngân hàng thương mại.

c) Cơ quan thu phí không phải thực hiện khai, nộp phí với cơ quan thuế. Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm báo cáo Văn phòng Quỹ về thu, nộp phí đối với số tiền phí thu được từ các cơ quan đăng kiểm trên cả nước.

2. Đối với phí thu từ xe mô tô

a) Tại các phường, thị trấn, cơ quan thu phí được để lại tối đa không quá 10% số phí thu được; tại các xã, cơ quan thu phí được để lại tối đa không quá 20% số phí thu được để trang trải chi phí tổ chức thu theo quy định.

b) Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) quyết định cụ thể: tỷ lệ để lại chi cho công tác tổ chức thu phí, trường hợp giao cho các đơn vị khác nhau cùng tổ chức thực hiện thu phí (Ủy ban nhân dân cấp xã và đơn vị liên quan) phải quy định rõ tỷ lệ để lại cho các đơn vị; phần còn lại (sau khi trừ chi tổ chức thu) dành toàn bộ hoặc tỷ lệ phân chia phần nộp ngân sách địa phương để cấp cho Ủy ban nhân dân cấp xã sử dụng chi cho đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới và phần bổ sung Quỹ địa phương trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

c) Cơ quan thu phí thực hiện khai, nộp, quyết toán phí theo quy định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí, Thông tư 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

3. Số tiền được để lại chi tổ chức thu

Trường hợp cơ quan thu phí hạch toán theo cơ chế tài chính doanh nghiệp số tiền phí được để lại là doanh thu của cơ quan; trường hợp cơ quan thu phí là đơn vị hành chính, sự nghiệp số tiền phí được để lại được hòa chung vào nguồn kinh phí của cơ quan và quản lý, sử dụng theo quy định Luật ngân sách nhà nước.

Điều 10. Trả lại hoặc bù trừ phí đã nộp

1. Đối với trường hợp xe quy định tại điểm a, b và c khoản 2 Điều 2 nếu đã nộp phí thì chủ phương tiện được trả lại phí đã nộp hoặc được trừ vào số phí phải nộp của kỳ sau.

1.1. Đối với xe ô tô quy định tại điểm c khoản 2 Điều 2 trước khi mang xe đi sửa chữa, chủ phương tiện phải xuất trình Biên bản hiện trường tai nạn có xác nhận của cơ quan công an và nộp lại tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định cho cơ quan đăng kiểm gần nhất để có căn cứ trả lại phí sau khi phương tiện hoàn thành việc sửa chữa và kiểm định lại để tiếp tục lưu hành.

1.2. Hồ sơ trả lại phí hoặc trừ vào số phí sử dụng đường bộ kỳ sau (sau đây gọi chung là trả phí) bao gồm:

a) Giấy đề nghị trả phí theo mẫu tại Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản phô tô các giấy tờ chứng minh thời gian không được sử dụng phương tiện quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều 2 (như: Quyết định tịch thu hoặc tạm giữ xe của cơ quan có thẩm quyền, văn bản thu hồi giấy đăng ký và biển số xe);

c) Bản phô tô biên lai thu phí;

d) Riêng đối với xe ô tô quy định tại điểm c khoản 2 Điều 2 ngoài các giấy tờ nêu trên, chủ phương tiện còn phải cung cấp Biên bản thu tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định (theo mẫu tại Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư này). Thời gian tính trả lại hoặc bù trừ phí từ thời điểm thu hồi tem và giấy chứng nhận kiểm định.

1.3. Hồ sơ trả phí được nộp tại cơ quan đăng kiểm. Khi nộp hồ sơ, đối với các giấy tờ phô tô, người đề nghị trả phí phải mang theo bản chính để cơ quan đăng kiểm đối chiếu. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng kiểm đóng dấu tiếp nhận, ghi thời gian nhận và ghi nhận các tài liệu trong hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ trả phí chưa đầy đủ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng kiểm phải thông báo cho người nộp hồ sơ để hoàn chỉnh.

1.4. Chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đề nghị trả phí, căn cứ hồ sơ đề nghị trả phí của chủ phương tiện, thủ trưởng cơ quan đăng kiểm ra Quyết định trả phí theo mẫu tại Phụ lục số 07 hoặc Thông báo về việc không được trả phí theo mẫu tại Phụ lục số 08 ban hành kèm theo Thông tư này gửi người đề nghị trả phí.

1.5. Số phí được trả lại hoặc bù trừ cho chủ phương tiện tương ứng với số phí đã nộp cho thời gian phương tiện không sử dụng.

1.6. Quyết định trả phí là căn cứ để cơ quan đăng kiểm kê khai, quyết toán số tiền phí đã trả lại hoặc trừ vào số phí phải nộp kỳ sau.

2. Đối với xe kinh doanh vận tải thuộc các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên.

2.1. Khi tạm dừng lưu hành

a) Doanh nghiệp gửi hồ sơ cho Sở Giao thông vận tải nơi cấp phép hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm: Đơn xin tạm dừng lưu hành (theo mẫu tại Phụ lục số 09 ban hành kèm theo Thông tư này); Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô (bản sao).

b) Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ (kiểm tra các điều kiện: Các xe đề nghị tạm dừng lưu hành là xe kinh doanh vận tải và thuộc sở hữu của doanh nghiệp; thời gian đề nghị tạm dừng lưu hành của từng xe phải liên tục từ 30 ngày trở lên).

- Trường hợp chưa đủ điều kiện thì ra Thông báo (theo mẫu tại Phụ lục số 10 ban hành kèm theo Thông tư này) trả lại doanh nghiệp để hoàn thiện lại hồ sơ. Thời gian thực hiện 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn;

- Trường hợp đủ điều kiện, Sở Giao thông vận tải ký xác nhận vào Đơn xin tạm dừng lưu hành, đồng thời lập Biên bản tạm giữ phù hiệu, biển hiệu (nếu có) theo mẫu tại Phụ lục số 11 ban hành kèm theo Thông tư này; thời gian thực hiện 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn.

c) Doanh nghiệp lập hồ sơ nộp cho cơ quan đăng kiểm xe cơ giới bao gồm: Đơn xin nghỉ lưu hành bản chính (có xác nhận của Sở Giao thông vận tải); biên bản tạm giữ phù hiệu, biển hiệu (nếu có); biên lai thu phí sử dụng đường bộ (bản sao).

d) Cơ quan đăng kiểm nhận và kiểm tra hồ sơ

- Trường hợp hồ sơ chưa phù hợp thì ra Thông báo (theo mẫu tại Phụ lục số 10 ban hành kèm theo Thông tư này) trả lại doanh nghiệp để hoàn thiện lại hồ sơ. Thời gian thực hiện 02 ngày làm việc.

Nếu doanh nghiệp tiếp tục đề nghị thì phải hoàn thiện hồ sơ gửi lại cơ quan đăng kiểm trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo.

- Trường hợp đủ điều kiện thì lập Biên bản thu tem nộp phí sử dụng đường bộ theo mẫu tại Phụ lục số 12 ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian thực hiện 02 ngày làm việc.

đ) Ngày Sở Giao thông vận tải xác nhận vào đơn đề nghị nghỉ lưu hành là căn cứ xác định thời gian tạm dừng lưu hành, để xét thuộc trường hợp không chịu phí. Trường hợp doanh nghiệp không hoàn thiện hồ sơ theo đúng thời hạn tại Thông báo của cơ quan đăng kiểm thì ngày lập Biên bản thu giữ tem nộp phí là căn cứ xác định thời gian tạm dừng lưu hành.

e) Trường hợp doanh nghiệp chưa nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe đề nghị tạm dừng lưu hành tính đến thời điểm tạm dừng lưu hành (theo quy định tại điểm đ nêu trên) thì phải nộp đủ phí sử dụng đường bộ cho cơ quan đăng kiểm tính đến thời điểm dừng lưu hành.

2.2. Khi doanh nghiệp muốn lưu hành lại các xe đã đề nghị tạm dừng lưu hành thực hiện các thủ tục sau:

a) Doanh nghiệp gửi cơ quan đăng kiểm (nơi đã nộp hồ sơ đề nghị dừng lưu hành) hồ sơ đề nghị cấp lại tem nộp phí sử dụng đường bộ, gồm: Đơn đề nghị cấp lại tem nộp phí sử dụng đường bộ (theo mẫu tại Phụ lục số 13 ban hành kèm theo Thông tư này), biên bản thu tem nộp phí sử dụng đường bộ (bản chính);

b) Cơ quan đăng kiểm kiểm tra hồ sơ

- Trường hợp hồ sơ chưa đảm bảo hoặc số ngày thực tế xe dừng lưu hành (tính từ thời điểm tạm dừng lưu hành quy định tại điểm 2.1 nêu trên đến ngày đề nghị lưu hành trở lại) chưa đảm bảo thời gian liên tục trên 30 ngày thì cơ quan đăng kiểm ra Thông báo chưa đủ điều kiện xét thuộc diện không chịu phí (theo mẫu tại Phụ lục số 14 ban hành kèm theo Thông tư này).

Sau khi nhận được Thông báo, doanh nghiệp vẫn đề nghị cấp lại tem nộp phí sử dụng đường bộ để được lưu hành xe thì thời gian dừng lưu hành xe đó không đủ điều kiện thuộc diện không chịu phí. Cơ quan đăng kiểm xem xét cấp lại tem nộp phí và tính số tiền phí phải nộp (nếu có).

- Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện và thời gian xe tạm dừng liên tục trên 30 ngày, cơ quan đăng kiểm tính toán số phí được bù trừ, số phí phải nộp bổ sung (nếu có) trên cơ sở mức thu của một tháng chia cho 30 ngày và nhân với số ngày nghỉ lưu hành, cụ thể như sau:

+ Trường hợp xe chưa được nộp phí kể từ ngày dừng lưu hành thì số phí phải nộp sẽ được tính từ thời điểm đăng ký lưu hành trở lại cho đến chu kỳ đăng kiểm tiếp theo, theo quy định.

+ Trường hợp xe đã được nộp phí thì sẽ được bù trừ số phí tương ứng trong thời gian nghỉ lưu hành vào số tiền phí phải nộp của kỳ tiếp theo. Cơ quan đăng kiểm ký Quyết định bù trừ phí sử dụng đường bộ (theo mẫu tại Phụ lục số 07) và cấp tem nộp phí tính theo số tiền phí được bù trừ.

Ví dụ 9: Ngày 01/01/2015, Doanh nghiệp X nộp phí cho xe ô tô với chu kỳ 18 tháng (đến ngày 30/6/2016). Sau 01 tháng hoạt động, doanh nghiệp xin dừng hoạt động xe và được cơ quan quản lý cho dừng hoạt động 11 tháng, ngày 01/01/2016, khi xe đăng ký lưu hành trở lại, cơ quan đăng kiểm cấp tem nộp phí có thời hạn từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 31/5/2017 (cộng thêm 11 tháng kể từ ngày 30/6/2016).

Ví dụ 10: Cũng với giả định nêu trên, doanh nghiệp X xin dừng hoạt động xe 20 tháng (từ ngày 01/02/2015 đến ngày 30/9/2016). Đến ngày 01/10/2016, doanh nghiệp xin lưu hành xe, cơ quan đăng kiểm tính cấp tem nộp phí tính từ ngày 01/10/2016 đến 28/02/2018 (17 tháng).

Trường hợp số tiền được bù trừ nhỏ hơn số phí phải nộp của kỳ nộp phí sau thì doanh nghiệp phải nộp số phí bổ sung cho khoảng thời gian chênh lệch giữa thời gian phải nộp phí theo chu kỳ và thời gian được tính đối trừ phí, cơ quan đăng kiểm cấp tem nộp phí theo đúng kỳ nộp phí và cấp biên lai thu phí theo số tiền phải nộp bổ sung.

Ví dụ 11: Doanh nghiệp Y có xe ô tô đã nộp phí 12 tháng. Sau khi nộp phí 05 tháng, xe dừng hoạt động 07 tháng. Đến hết 12 tháng, Doanh nghiệp Y đưa xe vào hoạt động, được cơ quan đăng kiểm quyết định cho bù trừ phí vào kỳ sau. Kỳ nộp phí sau là 12 tháng, doanh nghiệp Y sẽ được bù trừ số phí của 07 tháng đã nộp (tương ứng thời gian nghỉ lưu hành) và phải nộp phí bổ sung thêm 05 tháng. Cơ quan đăng kiểm cấp tem nộp phí 12 tháng và cấp biên lai thu phí theo số tiền doanh nghiệp nộp 05 tháng.

Đối với xe bị tạm giữ phù hiệu, biển hiệu, doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp lại biển hiệu, phù hiệu cho Sở Giao thông vận tải (nơi tạm giữ phù hiệu, biểu hiệu) bao gồm: Đơn đề nghị trả lại phù hiệu, biển hiệu (theo mẫu tại Phụ lục số 15 ban hành kèm theo Thông tư này), Quyết định về việc bù trừ phí sử dụng đường bộ (nộp bản phô tô và mang bản chính để đối chiếu).

Sở Giao thông vận tải xem xét hồ sơ, cấp lại phù hiệu, biển hiệu (nếu có) cho doanh nghiệp.

3. Đối với xe ô tô quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 2, các Trung tâm đào tạo dạy nghề lái xe, hợp tác xã, doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) lập hồ sơ gửi Sở Giao thông vận tải gồm:

- Đơn đề nghị xác nhận xe ô tô không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ, chỉ sử dụng trong phạm vi đất thuộc quản lý của doanh nghiệp và xe dùng để sát hạch thuộc sở hữu của doanh nghiệp theo mẫu tại Phụ lục số 17 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản sao giấy đăng ký kinh doanh;

- Bản sao giấy đăng ký xe (của từng xe đề nghị);

Sở Giao thông vận tải tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, Sở Giao thông vận tải thông báo cho doanh nghiệp bổ sung hồ sơ chậm nhất trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện xem xét, Sở Giao thông vận tải tiến hành kiểm tra thực tế doanh nghiệp và xác nhận vào Đơn đề nghị nếu các phương tiện đủ điều kiện theo nội dung kê khai của doanh nghiệp, thời gian thực hiện chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ. Trường hợp kết quả kiểm tra không đúng với đơn đề nghị, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thiện lại hồ sơ, để Sở Giao thông vận tải xác nhận.

Doanh nghiệp nộp 01 bản Đơn đề nghị (có xác nhận của Sở Giao thông vận tải) cho cơ quan đăng kiểm, nơi doanh nghiệp đưa xe đến kiểm định.

Khi đăng kiểm xe, doanh nghiệp nộp bản sao Đơn đề nghị (có đóng dấu chứng thực của doanh nghiệp). Cơ quan đăng kiểm kiểm tra, đối chiếu với Đơn đề nghị có dấu xác nhận của Sở Giao thông vận tải, nếu phù hợp sẽ không thu phí sử dụng đường bộ đối với các xe này kể từ ngày Sở Giao thông vận tải xác nhận.

Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, nếu có sự tăng thêm về số lượng xe thuộc đối tượng này, doanh nghiệp làm đơn đề nghị xác nhận bổ sung gửi Sở Giao thông vận tải theo thủ tục nêu trên.

Trường hợp doanh nghiệp đề nghị cho phép lưu hành xe trên hệ thống giao thông đường bộ (từ diện không chịu phí sang chịu phí), doanh nghiệp gửi thông báo bằng văn bản tới Sở Giao thông vận tải và cơ quan đăng kiểm. Sau đó, đến cơ quan đăng kiểm nộp phí sử dụng đường bộ để được tham gia giao thông. Cơ quan đăng kiểm kiểm tra, tính và thu phí cho phương tiện kể từ ngày chủ phương tiện đến đăng ký lưu hành trở lại.

4. Trong trường hợp cơ quan thu phí phát hiện việc thu sai mức phí quy định hoặc nhầm loại phương tiện, cơ quan đăng kiểm phải liên hệ với chủ phương tiện để thu bổ sung (nếu thu thiếu) và trả lại phí (nếu thu thừa) cho chủ phương tiện. Trong các trường hợp này, đơn vị đều phải lập Biên bản giữa cơ quan thu phí và chủ phương tiện (theo mẫu tại Phụ lục số 16 ban hành kèm theo Thông tư này) để làm cơ sở thu bổ sung hoặc trả lại phí.

Điều 11. Xử lý vi phạm

Trường hợp chủ phương tiện, cơ quan thu phí có hành vi vi phạm các quy định về khai, thu, nộp phí sử dụng đường bộ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Thông tư số 186/2013/TT-BTC ngày 05/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí và các văn bản pháp luật liên quan.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Xây dựng mức thu, phương án tổ chức thu, cơ quan thu phí, tỷ lệ để lại cho cơ quan thu (tỷ lệ để lại cho từng đơn vị trong trường hợp giao cho các đơn vị cùng thực hiện thu phí); tỷ lệ phân chia giữa phần nộp ngân sách địa phương để cấp cho Ủy ban nhân dân cấp xã sử dụng chi cho đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới và phần bổ sung Quỹ địa phương; quản lý, sử dụng phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô áp dụng trên địa bàn; trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể về mức thu, quản lý và sử dụng phí thu được sau khi được Hội đồng nhân dân phê duyệt.

b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới phối hợp với cơ quan công an, cơ quan giao thông vận tải, cơ quan thuế, cơ quan tài chính tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến cấp cơ sở các nội dung liên quan đến phí sử dụng đường bộ; thực hiện có hiệu quả công tác thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô.

c) Chỉ đạo hướng dẫn kiểm tra việc tổ chức thực hiện thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô trên địa bàn.

2. Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn và quản lý thu, nộp, trả lại phí sử dụng đường bộ của các cơ quan đăng kiểm trên toàn quốc; báo cáo Văn phòng Quỹ số tiền phí thu được từ các cơ quan đăng kiểm;

b) Tổ chức in ấn, cấp phát và quản lý sử dụng tem nộp phí sử dụng đường bộ đối với ô tô theo mẫu được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

3. Hàng năm, trước ngày 31/01, Sở Tài chính tổng hợp số phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện xe mô tô thu năm trước, gửi Quỹ bảo trì đường bộ trung ương. Trước ngày 01/3, Quỹ bảo trì đường bộ trung ương tổng hợp số thu phí sử dụng đường bộ (bao gồm phí thu được từ ô tô và mô tô) hàng năm, gửi Bộ Tài chính để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Điều 13. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với xe ô tô (bao gồm cả các xe thuộc trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 2 Thông tư này) thuộc diện chịu phí theo quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC nhưng chưa nộp phí tính đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì phải nộp phí cho thời gian này với mức thu phí theo quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC.

2. Đối với xe ô tô đã nộp phí theo quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC nhưng thuộc trường hợp không chịu phí hoặc được điều chỉnh mức thu phí theo quy định tại Thông tư này sẽ được đối trừ hoặc trả lại phí, cụ thể như sau:

a) Đối với xe đầu kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc: Trường hợp đã nộp phí theo mức thu quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC, tính từ ngày Thông tư này có hiệu lực trở đi, thì chủ phương tiện được đối trừ phí như sau: Số tiền phí được đối trừ = Số tiền phí đã nộp của rơ moóc, sơ mi rơ moóc (= Mức thu theo Thông tư 197/2012/TT-BTC x Số tháng đã nộp phí) - Số tiền phí phải nộp bổ sung đối với xe đầu kéo (= (Mức thu theo Thông tư này - Mức thu theo Thông tư số 197/2012/TT-BTC) x Số tháng đã nộp phí).

Trường hợp số tiền phí được đối trừ nhỏ hơn 0 (âm) thì chủ phương tiện phải nộp bổ sung. Trường hợp số tiền phí được đối trừ lớn hơn 0 (dương), mà không phát sinh số phí phải nộp của kỳ sau thì chủ phương tiện được trả lại phí. Thời hạn nộp bổ sung khi khai, nộp phí cho chu kỳ tiếp theo.

Ví dụ 12: ông A có 02 xe đầu kéo (mức phí là 390.000 đồng/tháng/xe) và 04 sơ mi rơ moóc (mức phí là 620.000 đồng/tháng/xe) đã nộp phí theo quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC đến ngày 31/12/2014.

Như vậy, số phí ông A đã nộp tính từ ngày 01/11/2014 đến ngày 31/12/2014 như sau: Đối với xe đầu kéo, số tiền phí đã nộp = 2 xe x 2 tháng x 390.000 đồng/tháng/xe = 1.560.000 đồng; đối với sơ mi rơ moóc, số tiền phí phải nộp = 4 xe x 2 tháng x 620.000 đồng/tháng/xe = 4.960.000 đồng.

Tổng cộng số phí đã nộp 02 tháng là: 6.520.000 đồng.

Thông tư này quy định: phí đối với xe đầu kéo là 1.040.000 đồng/tháng/xe, sơ mi rơ moóc không chịu phí. Theo đó, tiền phí ông A phải nộp từ ngày 01/11/2014 đến ngày 31/12/2014 như sau: Xe đầu kéo = 2 xe x 2 tháng x 1.040.000 đồng/tháng/xe = 4.160.000 đồng.

Số tiền phí ông A được đối trừ cho kỳ nộp phí lần sau = 6.520.000 đồng - 4.160.000 đồng = 2.360.000 đồng.

b) Đối với xe ô tô không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ, chỉ sử dụng trong phạm vi đất thuộc quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã và xe dùng để sát hạch.

Trường hợp đã nộp phí theo Thông tư 197/2012/TT-BTC tính từ ngày Thông tư này có hiệu lực trở đi, thì chủ phương tiện được trừ vào số phí phải nộp đối với phương tiện khác. Trường hợp không phải nộp phí cho phương tiện khác, thì được trả lại số tiền đã nộp.

Ví dụ 13: Doanh nghiệp B có 02 xe tải chỉ vận chuyển than từ mỏ đến nơi sàng tuyển (trong phạm vi đất thuộc quản lý của doanh nghiệp), theo Thông tư số 197/2012/TT-BTC xe có mức phí là 590.000 đồng/tháng/xe, công ty đã nộp phí đến ngày 31/01/2015.

Như vậy, số phí Doanh nghiệp đã nộp tính từ tháng 11/2014 đến tháng 01/2015 là: = 3 tháng x 2 xe x 590.000 đồng/tháng/xe = 3.540.000 đồng.

Theo Thông tư này, xe của Doanh nghiệp B không chịu phí. Số tiền phí Doanh nghiệp B sẽ được đối trừ cho số phí phải nộp của xe khác hoặc được trả lại số tiền đã nộp: 3.540.000 đồng.

c) Đối với xe buýt: Trường hợp đã nộp phí theo Thông tư 197/2012/TT-BTC tính từ ngày Thông tư này có hiệu lực trở đi, thì chủ phương tiện được trừ vào số phí phải nộp của kỳ sau: Số tiền phí được đối trừ = (Mức thu theo Thông tư 197/2012/TT-BTC - Mức thu theo Thông tư này) x Số tháng đã nộp phí (thời gian theo biên lai nộp phí).

Ví dụ 14: Công ty xe buýt Hà Nội đã nộp phí cho 10 xe buýt đến ngày 31/01/2015 theo quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC (mức phí là 390.000 đồng/tháng/xe).

Như vậy, số phí công ty đã nộp tính từ tháng 11/2014 đến tháng 01/2015 là: = 10 xe x 3 tháng x 390.000 đồng/tháng/xe = 11.700.000 đồng.

Theo Thông tư này, mức phí xe buýt là 180.000 đồng/tháng/xe. Số tiền phí đối với 10 xe của công ty phải nộp là: = 10 xe x 3 tháng x 180.000 đồng/tháng/xe = 5.400.000 đồng.

Số tiền phí được đối trừ = 11.700.000 đồng - 5.400.000 đồng = 6.300.000 đồng.

d) Trường hợp được trả lại phí theo quy định tại điểm a, b và c khoản này, doanh nghiệp lập hồ sơ gửi cơ quan đăng kiểm gồm:

- Giấy đề nghị trả phí theo mẫu tại Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bảng kê chi tiết: phương tiện đã nộp phí tính từ thời điểm Thông tư này có hiệu lực trở đi; phương tiện đề nghị được đối trừ tương ứng;

- Bản phô tô biên lai thu phí;

Trình tự, thủ tục trả lại hoặc đối trừ phí thực hiện theo quy định tại các điểm từ 1.3 đến 1.6 khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

3. Đối với xe mô tô, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, trường hợp Hội đồng nhân dân (hoặc Ủy ban nhân dân) cấp tỉnh chưa ban hành quy định mới thì tiếp tục thực hiện theo văn bản đã ban hành.

Riêng xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ, trước ngày 01/01/2015 việc thu, nộp phí thực hiện theo quy định của Hội đồng nhân dân (hoặc Ủy ban nhân dân) cấp tỉnh. Từ ngày 01/01/2015, việc khai, nộp phí thực hiện theo Thông tư này. Cơ quan đăng kiểm tính và thu phí kể từ ngày 01/01/2015.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2014. Thay thế Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện.

2. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí sử dụng đường bộ không quy định tại Thông tư này, được thực hiện theo Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí, Thông tư 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002, Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ, Thông tư 153/2012/TT-BTC ngày 17/9/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.