Sign In

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ

trợ vận tải đường bộ và Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

____________

 

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Nghị định số 93/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định, trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

1. Bổ sung khoản 4 Điều 4 như sau:

“4. Không sử dụng lái xe mà trong cơ thể có chất ma túy. Phải tổ chức khám sức khỏe cho lái xe và sử dụng lái xe đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06 tháng 5 năm 2013 về hướng dẫn khám sức khỏe và Quyết định số 4132/2001/QĐ-BYT ngày 04 tháng 10 năm 2001 về việc ban hành bản “Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 35 như sau:

“2. Phù hiệu và hộp đèn của xe taxi:

a) Xe phải có phù hiệu “Xe TAXI” theo mẫu quy định tại Phụ lục 17 của Thông tư này; riêng xe taxi của các đơn vị có Giấy phép kinh doanh vận tải do Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội cấp phải có phù hiệu “TAXI HÀ NỘI” theo mẫu quy định tại Phụ lục 17a của Thông tư này. Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội có trách nhiệm đổi phù hiệu đã cấp cho xe taxi của các đơn vị kinh doanh vận tải trước ngày 30 tháng 10 năm 2014.

b) Có hộp đèn với chữ “TAXI” gắn trên nóc xe; hộp đèn phải được bật sáng khi xe không có khách và tắt khi xe có khách.”

3. Bổ sung khoản 2 Điều 46 như sau:

“2. Thời hạn có giá trị của phù hiệu, biển hiệu theo thời hạn có hiệu lực của Giấy phép kinh doanh vận tải và không quá thời hạn sử dụng của phương tiện. Đối với các phương tiện được bổ sung để phục vụ vận chuyển khách trong các dịp Lễ, Tết và các kỳ thi tuyển sinh thì phù hiệu có giá trị như sau: Tết Nguyên đán không quá 30 ngày; các dịp Lễ, Tết khác và các kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng không quá 10 ngày. Riêng phù hiệu “TAXI HÀ NỘI” có giá trị 24 tháng và không quá thời hạn sử dụng của phương tiện.”

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 49 như sau:

“1. Phải niêm yết thông tin theo quy định tại Phụ lục 29 của Thông tư này.”

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 50 như sau:

a) Bổ sung điểm a khoản 2 như sau:

“a) Giấy vận tải gồm các thông tin sau: tên đơn vị kinh doanh vận tải; tên đơn vị hoặc người thuê vận chuyển; hành trình; số hợp đồng (nếu có), ngày tháng ký; loại hàng và khối lượng hàng vận chuyển trên xe; thời gian nhận hàng, giao hàng và các nội dung khác có liên quan đến quá trình vận tải; Mẫu Giấy vận tải quy định tại Phụ lục 30 của Thông tư này.”

b) Sửa đổi điểm c khoản 2 như sau:

“c) Sau khi xếp hàng lên phương tiện và trước khi thực hiện vận chuyển, đại diện đơn vị thực hiện xếp hàng lên xe (nếu là tổ chức) hoặc người xếp hàng (nếu là cá nhân) phải ký xác nhận việc xếp hàng đúng quy định vào Giấy vận tải.”

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 51 như sau:

“2. Đơn vị vận tải hàng hóa có trách nhiệm:

a) Phổ biến cho lái xe việc chấp hành quy định của pháp luật về tải trọng và khổ giới hạn cho phép của phương tiện khi tham gia giao thông;

b) Không được tổ chức bốc xếp và vận tải hàng hóa quá khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông;

c) Chịu trách nhiệm nếu xe thuộc quyền quản lý của đơn vị vận chuyển hàng hóa quá tải trọng, khổ giới hạn cho phép;

d) Cung cấp hợp đồng vận tải hoặc Giấy vận tải cho lái xe,”

7. Bổ sung các Phụ lục 17a, Phụ lục 29 và Phụ lục 30 như sau:

a) Bổ sung Phụ lục 17a sau Phụ lục 17 Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bổ sung Phụ lục 29 vào Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Bổ sung Phụ lục 30 vào Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 5 như sau:

“6. Thực hiện đúng các quy định về đón, trả khách và các quy định về xếp hành lý, hàng hóa lên xe.”

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Thực hiện trách nhiệm của người vận tải về xếp hàng hóa lên xe ô tô theo quy định. Phổ biến cho lái xe việc chấp hành quy định của pháp luật về tải trọng và khổ giới hạn cho phép của phương tiện khi tham gia giao thông.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Cấp Giấy vận tải cho lái xe và niêm yết thông tin theo quy định.”

3. Bổ sung khoản 4 Điều 19 như sau:

“4. Dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô chỉ sử dụng một lần để tính lỗi vi phạm của đơn vị kinh doanh vận tải.”

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 4 như sau:

“g) Xe ô tô vận chuyển hành khách trên tuyến cố định, vận tải khách du lịch, vận tải hành khách theo hợp đồng khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cho thấy trong 01 tháng liên tục có từ 5% trở lên số chuyến xe trên tổng số các chuyến xe của đơn vị hoạt động trong cùng thời gian vi phạm hành trình; hoặc có từ 20% trở lên số chuyến xe trên tổng số các chuyến xe của đơn vị vi phạm quy định về tốc độ; hoặc có từ 10% trở lên số chuyến xe trên tổng số các chuyến xe của đơn vị có lái xe vi phạm quy định về thời gian lái xe.”

b) Bổ sung điểm i khoản 4 như sau:

“i) Xe ô tô vận chuyển hành khách trên tuyến cố định, vận tải khách du lịch, vận tải hành khách theo hợp đồng trong 03 tháng liên tục có hơn 02 lần bị xử lý vi phạm do chở hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải theo quy định hoặc do xếp hàng trên xe làm lệch xe.”

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 24 như sau:

“Điều 24. Xử lý vi phạm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, người đại diện vốn nhà nước, người đại diện theo pháp luật của đơn vị hoặc giám đốc, chủ nhiệm hợp tác xã, chủ đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

1. Tùy theo đối tượng và mức độ vi phạm, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hoặc người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước có liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Sở Giao thông vận tải có văn bản nhắc nhở và thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi đơn vị đặt trụ sở tên đơn vị, họ tên và chức danh của người đại diện theo pháp luật của đơn vị vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đối với các trường hợp sau:

a) Đơn vị bị đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi văn bản chấp thuận khai thác tuyến;

b) Đơn vị có số lượng phương tiện bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu từ 20% trở lên trong 03 tháng.

Điều 3. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2014.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng thuộc Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết./.

Bộ Giao thông vận tải

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng