• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/04/2006
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 58/2006/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hậu Giang, ngày 14 tháng 3 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Phê duyệt Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển

hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam

__________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Công văn số 2697/BNN-ĐĐ ngày 08 tháng 11 năm 2004; số 2555/BNN-ĐĐ ngày 06 tháng 10 năm 2005; số 2784/BNN-ĐĐ ngày 27 tháng 10 năm 2005; số 3325/BNN-ĐĐ ngày 26 tháng 12 năm 2005); báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 4353 BKH/KTNN ngày 29 tháng 6 năm 2005; số 796/BKH-KTNN ngày 09 tháng 02 năm 2006), Bộ Tài chính (Công văn số 13830/BTC-ĐT ngày 02 tháng 11 năm 2005; số 2368/BTC-ĐT ngày 23 tháng 02 năm 2006), Bộ Giao thông vận tải (Công văn số 601/BGTVT-KHĐT ngày 26 tháng 01 năm 2006), Bộ Quốc phòng (Công văn số 437/BQP ngày 27 tháng 01 năm 2006), Bộ Thủy sản (Công văn số 251/TS-KHTC ngày 09 tháng 02 năm 2006), Bộ Khoa học và Công nghệ (Công văn số 256/BKHCN-KHCNN ngày 09 tháng 02 năm 2006), Bộ Tư pháp (Công văn số 313/TP-PLDSKT ngày 13 tháng 02 năm 2006), Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương (Công văn số 07/PCLBTW ngày 06 tháng 02 năm 2006 và ý kiến của các địa phương liên quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu và nguyên tắc chỉ đạo:

a) Mục tiêu:

- Chủ động phòng, chống lụt bão, nước biển dâng, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ven biển;

- Kết hợp giữa nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, chống lụt, bão, lũ một cách chắc chắn, lâu dài với yêu cầu phục vụ khai thác tối đa tiềm năng ven biển, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo;

- Về lâu dài: xây dựng hệ thống đê điều kiên cố, bảo đảm an toàn phòng, chống lụt bão, lũ. Trước mắt, phấn đấu đến năm 2010 đầu tư hoàn thành những đoạn đê xung yếu nhằm bảo vệ dân cư tập trung, những khu vực kinh tế quan trọng.

b) Nguyên tắc chỉ đạo:

- Giải pháp thực hiện chương trình phải đồng bộ, có cơ sở khoa học, kết hợp chặt chẽ giữa giải pháp công trình và phi công trình, gắn với quy hoạch sắp xếp lại dân cư ven biển. Nhất là phải chú trọng cả các giải pháp phi công trình như trồng cây chắn sóng, tạo bãi bồi, bảo tồn các khu cồn cát tự nhiên, dải cây ven biển hiện có, quản lý và bảo vệ công trình sau đầu tư;

- Tiêu chuẩn thiết kế trước mắt đến năm 2010 đảm bảo hệ thống đê biển có thể chống được bão cấp 9 tổ hợp với triều cường tần suất 5%:

+ Đối với các tuyến đê bảo vệ trực tiếp các khu vực dân cư tập trung phải được thiết kế bảo đảm an toàn chống gió bão cấp 12 với mực nước triều trung bình tần suất 5%;

+ Đối với tuyến đê ngoài, đê bảo vệ sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản thiết kế chống gió bão cấp 9 với mức triều trung bình tần suất 5%, chấp nhận một phần sóng leo tràn qua đỉnh đê khi gió bão vượt mức thiết kế nhưng không gây vỡ đê.

- Thực hiện đầu tư theo nguyên tắc huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau, kết hợp giữa trung ương, địa phương và nhân dân cùng làm.

2. Nội dung Chương trình bao gồm:

a) Về cấp đê biển bảo vệ:

Căn cứ tầm quan trọng của khu vực được đê biển bảo vệ và mục tiêu, mức độ bảo vệ của từng tuyến đê phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật và phân cấp bảo vệ của từng tuyến đê cụ thể theo Phụ lục kèm theo Quyết định này.

b) Về giải pháp kỹ thuật:

- Củng cố, nâng cấp các tuyến đê biển, đê cửa sông tạo thành các tuyến đê khép kín kết hợp với làm đường giao thông vành đai ven biển nhằm bảo vệ dân sinh, tạo cơ sở phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng;

- Chiều rộng mặt đê tối thiểu từ 5,0 m đến 6,0 m, đê phải được kiên cố, gia cố đủ cao trình chống với mức gió bão thiết kế (cấp 9, cấp 10, khu vực dân cư cấp 12 với mức triều tần suất 5%), giảm thiểu được nguy cơ vỡ đê khi bão vượt mức thiết kế;

- Trồng cây dọc theo tuyến đê nhằm tạo rừng ngập mặn chắn sóng trước đê biển, phải coi đây là biện pháp bắt buộc, kiên quyết đối với tất cả các khu vực, tuyến đê có thể còn trồng được cây chắn sóng; đồng thời cải tạo hệ sinh thái vùng ven biển;

- Đối với các khu vực biển tiến, xâm thực, cần nghiên cứu giải pháp công trình cắt sóng, tạo bãi bồi như xây dựng kè mỏ hàn, phun cát nuôi bãi... từng bước trồng cây chắn sóng để đảm bảo ổn định lâu dài;

- Các tuyến đê xung yếu trực diện với biển phải đắp thêm tuyến 2 dự phòng phía trong nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân, hạn chế thiệt hại khi tuyến 1 (tuyến trực diện với biển) bị vỡ khi gió bão vượt quá khả năng chống đỡ hoặc sóng tràn qua;

- Bố trí các tuyến đường ngang (đường xương cá) để vừa làm đường sơ tán dân, cứu hộ đê khi xảy ra sự cố đê điều; các tuyến đường này sẽ có tác dụng phân vùng ven biển thành các ô khép kín, độc lập, nhằm giảm thiểu diện tích bị ngập lụt, nhiễm mặn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra sự cố đê biển;

- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ củng cố, bảo vệ các tuyến đê, kè biển và vùng cửa sông, xử lý xói lở, bảo vệ đê, bãi  phù hợp với điều kiện tự nhiên, thủy hải văn.

3. Cơ chế đầu tư Chương trình:

- Ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Ngân sách địa phương bảo đảm chi phí cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và các giải pháp phi công trình;

- Lồng ghép các nguồn kinh phí khác để đầu tư như giao thông, đường quốc phòng ven biển, hỗ trợ phát triển nông thôn để thực hiện chương trình, di dân tái định cư và các Chương trình, mục tiêu khác trên địa bản;

- Ngoài ra, các địa phương phải huy động nhân lực, kinh phí đầu tư từ một số nguồn khác như: sử dụng quỹ ngày công lao động công ích của các địa phương theo quy định cho công tác đắp tôn cao, áp trúc hoàn thiện mặt cắt đê; kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp hưởng lợi; kinh phí đầu tư của các công trình giao thông (đối với các đoạn đê kết hợp làm đường giao thông).

4. Thời gian thực hiện chương trình, bắt đầu từ năm 2006.

Trước mắt, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối, bố trí kinh phí hỗ trợ các địa phương xử lý các dự án trọng điểm, thật sự cấp bách, bảo đảm an toàn phòng, chống lụt, bão năm 2006.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đê (từ Quảng Ninh đến Quảng Nam) có trách nhiệm:

- Làm chủ đầu tư  và quản lý, thực hiện dự án đầu tư bảo vệ, củng cố và nâng cấp đê biển ở địa phương mình theo các quy định hiện hành;

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức lập dự án khả thi tổng thể về cải tạo, bảo vệ và nâng cấp đê biển. Trước mắt, chỉ đạo lập, thẩm định các dự án chi tiết các khu vực xung yếu, cần bảo vệ cấp bách để bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại trong mùa mưa bão;

- Chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền các cấp thực hiện việc trồng và bảo vệ rừng cây chắn sóng ven biển; coi đây là một cơ sở để xem xét, hỗ trợ đầu tư;

- Sắp xếp danh mục các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với mức độ, cấp độ xung yếu trên địa bàn để lập kế hoạch đầu tư theo tiến độ hàng năm; đồng thời huy động nguồn lực của địa phương theo quy định để thực hiện.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch về công tác cải tạo, xây dựng các công trình đê biển phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch chung của hệ thống đê biển;

- Thoả thuận về phương án kỹ thuật để Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự án đầu tư, bảo đảm  công trình thực hiện đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, tạo điều kiện xây dựng hệ thống đồng bộ và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, bảo đảm an toàn, hiệu quả đầu tư.

- Nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương trong việc khuyến khích trồng và bảo vệ cây chắn sóng ven biển;

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý, duy tu bảo dưỡng đê biển sau đầu tư.

3. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình, bảo đảm hiệu quả đầu tư và phù hợp với mục tiêu, phương án, kế hoạch phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan:

- Tìm nguồn vốn ODA đầu tư thực hiện Chương trình;

- Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu đầu tư và khả năng nguồn ngân sách Nhà nước cân đối vốn đầu tư cho chương trình, bố trí thành danh mục riêng để hỗ trợ các địa phương thực hiện;

- Chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát đầu tư, bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho các dự án, công trình được thực hiện đúng mục tiêu và có hiệu quả.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.