• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/06/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 16/12/2013
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ CÔNG AN
Số: 61/2012/TTLT-BTC-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hậu Giang, ngày 17 tháng 4 năm 2012

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định việc quản lý và sử dụng tiều thu từ xử phạt vi phạm hành chính

trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội

________________________

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 124/2005/NĐ-CP ngày 06/10/2005 quy định về biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch quy định việc quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội,

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định việc quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội (sau đây gọi tắt là an ninh, trật tự) theo quy định tại Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự.

3. Đối với các vụ vi phạm hành chính có tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu thì việc hỗ trợ kinh phí cho cơ quan xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo các quy định hiện hành về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.

Điều 2. Thu, nộp tiền phạt, quản lý, sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự

1. Việc thu, nộp tiền phạt; quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 124/2005/NĐ-CP ngày 06/10/2005 quy định về biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính và Thông tư số 47/2006/TT-BTC ngày 31/5/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2005/NĐ-CP.

2. Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự phải nộp ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước và trích lại 30% để cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sử dụng cho các nội dung quy định tại Điều 3 Thông tư này.

Điều 3. Nội dung, mức chi từ nguồn kinh phí được trích lại

1. Cơ quan chủ trì xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự được trích lại 30% tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này cho các nội dung chi sau:

a) Chi phí điều tra, xác minh, bắt giữ gồm: chi thông tin liên lạc cho cán bộ tham gia xử phạt; chi giám định, kiểm nghiệm, kiểm định tang vật, phương tiện; chi bốc xếp, chi thuê phương tiện vận chuyển, phương tiện, địa điểm bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm thu, tạm giữ; chi lưu kho, lưu bãi hoặc nơi tạm giữ khác; chi xăng, dầu cho phương tiện kiểm tra, bắt giữ; chi dẫn giải, bảo vệ đối tượng; chi sửa chữa phương tiện kiểm tra bị hư hỏng khi tiến hành kiểm tra, truy đuổi, bắt giữ; chi phiên dịch (nếu có);

b) Chi in các biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính; văn phòng phẩm phục vụ công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự;

c) Chi mua tin (nếu có): Mức chi mua tin của mỗi vụ việc tối đa không quá 10% số tiền phạt.

Việc thanh toán chi phí mua tin phải có đầy đủ chứng từ theo quy định; trường hợp yêu cầu phải giữ bí mật tên người cung cấp tin, việc thanh toán khoản chi mua tin căn cứ vào phiếu chi với đầy đủ chữ ký của người trực tiếp chi tiền cho người cấp tin, của thủ quỹ, kế toán và thủ trưởng đơn vị trực tiếp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Thủ trưởng đơn vị trực tiếp xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực trong việc thanh toán chi mua tin, đảm bảo chi đúng người, đúng việc;

d) Chi bồi dưỡng làm thêm giờ. Mức chi được thực hiện theo quy định của pháp luật;

đ) Chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính. Mức chi không quá 1.500.000 đồng/người/tháng;

e) Chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia cưỡng chế và những người được cấp có thẩm quyền điều động trực tiếp tham gia cưỡng chế. Mức chi bồi dưỡng bằng 10% mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định cho mỗi ngày tham gia cưỡng chế;

g) Chi sơ kết, tổng kết công tác kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự;

h) Chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng;

i) Chi hỗ trợ cho công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp của cơ quan cấp trên gắn với yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể và trong phạm vi nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính được trích lại cho đơn vị là 15%. Bộ Công an hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này;

k) Chi mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vụ công tác phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự;

l) Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự.

2. Mức chi cục thể cho các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i và điểm l khoản 1 Điều này được thực hiện theo chế độ quy định của Nhà nước, đối với những nội dung chưa quy định mức chi, thủ trưởng đơn vị quyết định chi và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Việc mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện tại điểm k khoản 1 Điều này thực hiện theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành.

Điều 4. Thanh toán chi phí cho công tác xử phạt vi phạm hành chính

1. Trước ngày 15 của tháng đầu mỗi quý, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm căn cứ vào số tiền phạt thực nộp vào Kho bạc Nhà nước và thực tế chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện xử phạt vi phạm hành chính của quý trước để lập đề nghị thanh toán chi phí theo quy định tại Điều 3 Thông tư này gửi cơ quan tài chính cùng cấp.

2. Căn cứ vào số tiền phạt vi phạm hành chính của từng đơn vị đã thực nộp vào ngân sách nhà nước, trên cơ sở văn bản đề nghị thanh toán và các chứng từ có liên quan của cơ quan, tổ chức của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan tài chính có trách nhiệm kiểm tra, xác định số kinh phí thanh toán theo quy định tại Điều 3 Thông tư này để thanh toán cho các đơn vị theo quy định. Việc thanh toán kinh phí được thực hiện chậm nhất là sau 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, trường hợp không thanh toán thì cơ quan tài chính phải có văn bản thông báo rõ lý do cho đơn vị đã có văn bản đề nghị.

3. Sau khi được thanh toán kinh phí theo quy định tại khoản 2 Điều này, trong vòng 5 ngày làm việc, cơ quan chủ trì xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự thực hiện chuyển kinh phí chi cho nội dung quy định tại điểm i khoản 1 Điều 3 Thông tư này vào tài khoản tiền gửi của Bộ Công an mở tại Kho bạc Nhà nước.

Điều 5. Quyết toán chi phí từ nguồn thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự

1. Các lực lượng chủ trì xử phạt vi phạm hành chính được thanh toán chi phí cho công tác xử phạt vi phạm hành chính từ nguồn thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự phải mở sổ sách để theo dõi, quản lý số kinh phí được hỗ trợ quy định tại Thông tư này và thực hiện công khai tại cơ quan, đơn vị.

2. Cuối năm, các lực lượng trực tiếp xử phạt vi phạm hành chính được thanh toán chi phí từ nguồn tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự phải quyết toán việc sử dụng kinh phí được thanh toán từ tiền thu phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Số kinh phí được sử dụng trong phạm vi 30% số thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự cuối năm chưa sử dụng hết, nếu còn nhiệm vụ chi thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng theo chế độ, nếu đã hết nhiệm vụ chi thì nộp trả ngân sách nhà nước.

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

1. Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí được trích lại từ tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thu tiền phạt kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính; theo dõi, hạch toán các khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo đúng các quy định hiện hành về thu ngân sách nhà nước và quy định tại Thông tư này.

3. Cơ quan tài chính địa phương có trách nhiệm theo dõi việc thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự ttheo đúng quy định tại Thông tư này.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2012.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Công an để xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trương Chí Trung

Phạm Quý Ngọ

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.