• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/11/2014
BỘ VĂN HOÁ
Số: 10/2014/TT-BVHTTDL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hậu Giang, ngày 1 tháng 10 năm 2014

THÔNG TƯ

Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử,

văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc

_______________

 

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở,

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn về đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

2. Thông tư này áp dụng với các tổ chức, cá nhân đăng ký doanh nghiệp và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 2. Đặt tên doanh nghiệp vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc

Những trường hợp đặt tên doanh nghiệp sau đây vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc:

1. Sử dụng tên trùng tên danh nhân, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người thành lập doanh nghiệp khi đặt tên doanh nghiệp theo tên riêng của mình nhưng trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân thì phải đặt đầy đủ họ, tên theo đúng tên ghi trong Giấy khai sinh của người thành lập doanh nghiệp;

b) Trường hợp doanh nghiệp do nhiều tổ chức, cá nhân sáng lập dự định đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên riêng của một trong số những người sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì việc đặt tên doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

c) Trường hợp đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên ghép của tổ chức, cá nhân sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì phải có dấu gạch nối (-) giữa các tên tổ chức, cá nhân sáng lập được ghép.

2. Sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ.

3. Sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc.

4. Các trường hợp khác về sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử theo quy định của pháp luật

Điều 3. Đặt tên doanh nghiệp vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc

Những trường hợp đặt tên doanh nghiệp sau đây vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc:

1. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu mang ý nghĩa dung tục, khiêu dâm, bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội;

2. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự đe dọa, xúc phạm, phỉ báng, lăng mạ, bôi nhọ, khiếm nhã đối với tổ chức, cá nhân khác;

3. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự phân biệt, kỳ thị vùng miền, dân tộc, tôn giáo, chủng tộc, giới;

4. Các trường hợp khác về sử dụng từ ngữ vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Trách nhiệm của các bên liên quan

1. Tổ chức, cá nhân khi đăng ký thành lập doanh nghiệp có trách nhiệm tuân thủ các quy định tại Thông tư này.

2. Thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch; tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm có trách nhiệm phát hiện, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2014.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Văn hóa cơ sở) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hoàng Tuấn Anh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.